Xét nghiệm Acid Uric là gì? Định lượng chỉ số acid uric máu

Xét nghiệm Acid Uric có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh Gout, theo dõi nồng độ Acid Uric ở bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị. Ngoài ra, định lượng Acid Uric trong máu có thể hỗ trợ chẩn đoán sỏi thận và các rối loạn thận khác.

định lượng acid uric
Xét nghiệm chỉ số Acid Uric có thể chẩn đoán bệnh Gout và một số bệnh lý khác

Xét nghiệm Acid Uric là gì?

Acid Uric là một axit hữu cơ được sản xuất trong quá trình chuyển hóa Nucleotide Purin có trong có loại thực phẩm mà con người tiêu thụ hàng ngày. Các chất Purin đi vào cơ thể sẽ phản ứng và tương tác với enzym đường ruột, giải phóng một số chất và tạo ra Acid Uric.

Hầu hết Axit Uric được hòa tan trong máu, được lọc qua thận và thải ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, đôi khi cơ thể sản xuất quá nhiều Axit Uric hoặc không thể lọc hết axit sẽ dẫn đến tăng axit uric máu. Điều này có thể dẫn đến một số rối loạn và bệnh lý trong cơ thể.

Xét nghiệm chỉ số Acid Uric hay còn gọi là xét nghiệm nồng độ Acid Uric trong huyết thanh, là xét nghiệm xác định lượng Acid Uric có trong máu. Từ đó người bệnh có thể điều chỉnh lại nồng độ axit hoặc có biện pháp điều trị các bệnh lý liên quan kịp lúc.

Một số điều cần biết về định lượng Acid Uric

Thông thường, xét nghiệm Acid Uric rất đơn giản và không có quá nhiều yêu cầu ở người bệnh. Tuy nhiên, để việc xét nghiệm diễn ra thuận lợi, người bệnh nên tham khảo một số thông tin như:

1. Mục đích xét nghiệm Acid Uric máu

Thông thường các xét nghiệm lượng Acid Uric trong máu được chỉ định để:

  • Chẩn đoán và theo dõi tình trạng của bệnh nhân Gout.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đang trải qua hóa trị hoặc xạ trị.
  • Kiểm tra chức năng và hoạt động của thận sau chấn thương.
  • Kiểm tra các nguyên nhân gây sỏi thận.
  • Chẩn đoán tình trạng rối loạn chức năng thận.
chỉ số xét nghiệm acid uric
Chỉ số xét nghiệm Acid Uric có thể được dùng để chẩn đoán một số bệnh lý

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm chỉ số Acid Uric trong các trường hợp:

  • Viêm đau khớp hoặc sưng khớp nghi ngờ liên quan đến bệnh Gout.
  • Người bệnh sắp hoặc đang trải qua hóa trị.
  • Bệnh nhân sỏi thận mãn tính hoặc tái phát nhiều lần.
  • Người đã từng được chẩn đoán mắc bệnh Gout trong quá khứ.

2. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm Acid Uric?

Để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chỉ số Acid Uric, trước khi tiến hành xét nghiệm người bệnh nên:

  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 4 giờ trước khi thử nghiệm.
  • Không sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin hoặc bất cứ sản phẩm thảo dược nào khác, trừ khi nhận được chỉ định, yêu cầu của bác sĩ.
  • Không uống rượu, cocaine hoặc bất cứ chất kích nào nào trong 4 giờ trước xét nghiệm.

3. Cách xét nghiệm Acid Uric như thế nào?

Xét nghiệm nồng độ Acid Uric là xét nghiệm máu cơ bản, người bệnh chỉ mất vài phút để nhân viên y tế tiến hành lấy máu. Thông thường, máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch (cổ tay hoặc mu bàn tay), sau đó sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ hoặc nhân viên y tế có thể thực hiện một vết cắt nhỏ ở cánh tay để lấy một mẫu máu nhỏ. Sau đó, vết thương sẽ được khử trùng, băng bó (nếu cần thiết).

4. Rủi ro của xét nghiệm định lượng Acid Uric

Thông thường, xét nghiệm nồng độ Acid Uric khá an toàn và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi xét nghiệm này có thể gây ra một số rủi ro như một xét nghiệm máu thông thường.

chỉ số acid uric trong xét nghiệm máu
Sau xét nghiệm, người bệnh có thể bị đau hoặc khó chịu ở khu vực lấy máu

Xét nghiệm máu Acid Uric có thể dẫn đến:

  • Đau, ngứa da hoặc khó chịu ở khu vực lấy máu.
  • Chảy máu.
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt.
  • Tích tụ máu dưới da dẫn đến các khối máu tụ hoặc bầm tím.
  • Nhiễm trùng da tại vị trí lấy máu.

Thông thường các rủi ro này hiếm khi xảy ra hoặc không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị chảy máu không ngừng, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức.

Chỉ số Acid Uric trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì?

Nồng độ Acid Uric trong máu được đo bằng đơn vị mg / dL (miligam / decilit). Chỉ số này thường thay đổi phụ thuộc vào giới tính của người bệnh. Thông thường, chỉ số Acid Uric bình thường là:

  • Đối với phụ nữ: 2,5 – 7,5 (mg / dL)
  • Đối với nam giới: 4.0 – 8.5 mg / dL

Tuy nhiên, đôi khi kết quả xét nghiệm có thể thay đổi phụ thuộc vào địa điểm xét nghiệm. Do đó, hãy chọn nơi thực hiện xét nghiệm uy tín và an toàn.

1. Kết quả xét nghiệm Acid Uric cao

Nếu nồng độ Acid Uric cao hơn mức bình thường có thể cho thấy cơ thể tạo ra quá nhiều Acid Uric hoặc thận không hoạt động đúng cách. Do đó, chỉ số Acid Uric cao có thể là dấu hiệu của một số vấn đề như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh Gout hoặc viêm đau khớp cấp tính tái phát có liên quan đến bệnh Gout.
  • Rối loạn tủy xương (có thể liên quan đến các bệnh bạch cầu).
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học, quá nhiều Purin.
  • Bệnh suy tuyến cận giáp hoặc rối loạn chức năng tuyến cận giáp.
  • Rối loạn thận hoặc suy thận cấp.
  • Sỏi thận.
  • Đa u tủy hoặc ung thư tế bào Plasma trong tủy xương.
  • Ung thư di căn.

2. Chỉ số xét nghiệm Acid Uric thấp

Bên cạnh việc tăng Acid Uric trong máu, đôi khi một số trường hợp, người bệnh có thể có nồng độ Acid Uric thấp. Điều này có thể là dấu hiệu của một số vấn đề bao gồm:

  • Bệnh Wilson, là một bệnh lý di truyền khiến đông tích tụ nhiều trong các mô của cơ thể.
  • Hội chứng Fanconi, là một hội chứng rối loạn thận hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các ống lọc của thận.
  • Lạm dụng rượu hoặc uống rượu quá thường xuyên.
  • Rối loạn gan, có bệnh về gan hoặc thận.
  • Chế độ ăn uống thiếu Purin.

Kết quả xét nghiệm chỉ số Acid Uric máu có thể giúp bác sĩ xác định bệnh và có cách điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm nước tiểu hoặc kiểm tra các tinh thể bạch cầu trong nước tiểu.

Trên thực tế, việc kiểm tra chỉ số  Acid Uric máu có thể phòng ngừa nguy cơ thừa hoặc thiếu Acid Uric. Do đó, người bệnh nên thực hiện xét nghiệm định kỳ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ để có biện pháp cải thiện hợp lý.