Xuyên Khung

Xuyên khung được Đông y xem như một loại thảo dược quý có tác dụng chữa hậu sản, phong nhiệt, đau đầu, xuất huyết tử cung, hoa mắt, chóng mặt… Liều dùng 4 – 8g một ngày duới dạng sắc uống hoặc tán bột làm hoàn.

cây xuyên khung

  • Tên khác: Dược cần, khung cùng, mã hàm cung, phủ khung, tây khung, hương thảo, xà ty thảo, giải mạc gia
  • Tên khoa học: Ligusticum striatum
  • Họ: Hoa tán (Apiaceae)

Mô tả về cây xuyên khung

Đặc điểm cây thuốc

  • Xuyên khung là cây thân thảo có chiều cao chỉ khoảng 30 – 120cm, sống lâu năm
  • Thân đơn, ít khi đâm cành, toàn thân không có lông, phần gốc có lớp màng dạng sợi bao bọc, bảo vệ bên ngoài. Thân cây mọc thẳng, bên trong ruột là một lỗ rỗng. Bên ngoài thân có nhiều đường gân chạy theo chiều dọc
  • Lá màu xanh, mọc so le, dạng kép lông chim được tạo thành bởi 3 – 5 cặp lá chét. Cuống lá dài từ 9 – 17 cm, đầu dưới ôm vào thân. Dùng tay vò nhẹ thấy lá có mùi thơm.
  • Hoa thường ra vào tháng 7 – 9 trong năm, chúng mọc thành tán ở ngay đầu cành, có kích thước dao động từ 6 – 7 cm. Cánh hoa hình trứng ngược, màu trắng. Cuống tán dài cỡ 1 cm.
  • Quả song bế, thuôn dài, hình trứng

Dược liệu

Củ xuyên khung kích cỡ khoảng nắm tay, có vỏ ngoài màu đen vàng, nổi cục xù xì giống như nổi u bướu, hình khối bất định. Bên trong ruột màu vàng trắng, có vằn tròn. Sờ tay thấy chắc, nặng. Ngửi thấy mùi thơm, vị đắng cay, hơi tê nhẹ ở đầu lưỡi.

Phân bố

Cây xuyên khung thường mọc trên các khu vực sườn đồi râm mát trong các khu rừng có độ cao khoảng 1.500-3.700 m so với mực nước biển. Đây là cây bản địa của Trung Quốc, chủ yếu được trồng ở Tây Bắc Vân Nam. Các giống xuyên khung được trồng tại Việt Nam, Ấn Độ hay Nepal là loài di thực.

Ở nước ta, thảo dược này được tìm thấy ở các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Hưng Yên hay Tam Đảo dạng mọc hoang hoặc được trồng đều có.

Bộ phận dùng

Củ xuyên khung (còn gọi là thân rễ ) là bộ phận được sử dụng làm dược liệu

Thu hái – Sơ chế

Củ xuyên khung thường được thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Củ mang về cắt bỏ phần cổ sát thân cùng các rễ con. Rửa qua nhiều lần nước cho sạch đất cát. Sau đó phơi/sấy khô thu được dược liệu có tên là xuyên khung.

Bào chế thuốc

Có nhiều cách bào chế xuyên khung như sau:

  • Lấy củ xuyên khung ngâm trong nước 60 phút. Sau đó tiếp tục ủ kín thêm 12 giờ cho mềm ra. Thái thành những lát mỏng khoảng 1mm, đem phơi vài nắng cho khô.
  • Thái củ xuyên khung thành những lát mỏng, đem ngâm với rượu theo tỷ lệ 640g : 8 lít rượu. Sao trên lửa nhỏ cho đến khi nguyên liệu hơi chuyển qua màu đen. Để nguội dùng dần.
  • Ngâm củ xuyên khung trong nước rồi vớt ra, ủ mềm, thái phiến mỏng phơi khô. Để sống hoặc ngâm rượu
  • Rửa củ xuyên khung cho sạch, sau đó ủ 2 -3 ngày cho mềm, thái lát mỏng 1 – 2 mm, làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy lửa nhỏ ở nhiệt độ 40 – 50 độ. Khi dùng sao qua cho thơm hoặc tẩm rượu để một đêm rồi sao sơ.

Bảo quản

Để nơi mát mẻ, tránh chỗ ẩm ướt hoặc có ánh nắng

Thành phần hóa học

Phân tích củ xuyên khung, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều hoạt chất như:

  • Ancaloid
  • Protocatechuic acid
  • Saponin
  • Chuanxiongzine
  • 1-Hydroxy-1-3-Methoxy-4-hydroxyphenyl ethane
  • Perlolyrine
  • Indole
  • Phytochemistry
  • Hydroxybenzoic acid
  • Tetramethylpyrazine
  • 1-5-Hydroxymethyl-2-Furyl-9H-pyrido
  • Wallichilide
  • Tetramethylpyrazine
  • 3-Butylidene-7-Hydroxyphthalide
  • 3-Butylidenephthalide
  • Ligustilide
  • Tetramethylpyrazine
  • 4-Hydroxy-3-Methoxy styrene
  • Protocatechuic acid
  • Coffeic acid…

Vị thuốc xuyên khung

xuyên khung
Củ xuyên khung có nhiều tác dụng trị bệnh

Tính vị

Xuyên khung vị đắng, cay, hơi ngọt, tính ấm

Quy kinh

Can, Đởm, Tỳ, Tam Tiêu

Tác dụng dược lý và chủ trị

Nghiên cứu cho thấy xuyên khung có tác dụng ức chế đối với một số loại vi khuẩn gây bệnh như thương hàn, vi khuẩn tả hay Shigella sonnei. Điều này cho thấy dược liệu có tính kháng khuẩn, kháng sinh.

Đối với hệ thần kinh, xuyên khung có tác dụng an thần, gây ngủ khi thử nghiệm trên chuột. Ở hệ tim mạch, dược liệu này có tác dụng làm tăng co bóp hoặc giảm nhịp tim ở ếch, cóc, kích thích lưu thông tuần hoàn máu não và làm hạ huyết áp kéo dài do tác dụng của chất Ancaloid. 

Ngoài ra xuyên khung còn thể hiện khả năng chống đông máu, làm ngưng tập tiểu cầu và ức chế co bóp tử cung.

Theo Đông y, xuyên khung có tác dụng bổ huyết, nhuận táo, khai uất, khu phong, chỉ thống, nhuận Can, khứ phong. Chủ trị đau đầu, đau khớp, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, căng tức ngực sườn, sản hậu, liệt nửa người do tai biến…

Cách dùng và liều lượng

Dùng độc vị hoặc kết hợp cùng các thảo dược khác sắc uống, làm hoàn. Liều dùng thông thường là 4 – 8g/ngày.

Bài thuốc sử dụng xuyên khung

1. Chữa hậu sản, huyết khối tĩnh mạch

  • Chuẩn bị 20g xuyên khung, 40g tần quy, 8g giả tô (kinh giới)
  • Giả tô đem sao đen
  • Đem tất cả sắc uống mỗi ngày một thang

2. Chữa nhức đầu, phong nhiệt

  • Dùng 8g trà diệp kết hợp với 4g xuyên khung 
  • Sắc lấy 200ml nước chia 3 lần uống trong ngày

3. Chữa chảy máu tử cung

  • Chuẩn bị 25g xuyên khung, 30ml rượu trắng, 250ml nước lọc
  • Đem xuyên khung ngâm với nước và rượu trong 60 phút
  • Tiềm hỗn hợp trên lửa nhỏ
  • Chắt nước chia làm 2 lần uống
  • Sau vài ngày khi đã cầm được máu thì giảm liều xuống và tiếp tục duy trì dùng trong 8 – 12 ngày để trị khỏi bệnh.

4. Chữa đau nửa đầu

+ Cách 1:

  • Lấy xuyên khung nghiền thành bột mịn, cất vào lọ đậy nắp kín lại dùng dần
  • Mỗi lần lấy 6g bột hòa với nước sôi và một ít rượu uống
  • Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần

+ Cách 2:

  • Xuyên khung tán bột
  • Khi dùng lấy 4 – 6g pha với nước chè, uống ngày 2 lần

5. Điều trị đau nhức toàn thân

  • Chuẩn bị một thang thuốc gồm xuyên khung, bạc hà mỗi vị 6g; tế tân, cam thảo mỗi vị 4g; phòng phong, kinh giới, bạch chỉ mỗi vị 12g.
  • Nấu nước uống nhiều lần trong ngày thay cho trà

6. Khắc phục chứng hôi miệng

  • Lấy 1 nắm xuyên khung nấu nước
  • Chờ cho nước nguội lấy ngậm và xúc miệng mỗi ngày vài lần

7. Hạ huyết áp, chữa bệnh ở động mạch vành, bệnh tắc mạch máu não

  • Dùng 10g xuyên khung sắc với 500ml nước trong khoảng 30 phút
  • Gạn thuốc chia 3 lần uống trong ngày

8. Chữa đau đầu do ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch hay các vấn đề liên quan đến mạch máu thần kinh

  • Dùng 12g xuyên khung, 12g củ chóc, 20g bạch biển đậu (sao) sắc lấy nước, bỏ bã
  • Tiếp tục cho 60g thịt lạc lợn vào hầm chín
  • Nêm nếm gia vị, dọn ra ăn hết 1 lần

9. Loại bỏ sạch sản dịch sau sinh

  • Chuẩn bị: 12g xuyên khung, 32g vân quy, 2g cầm kê thiệt thảo, 14 nhân hạt đào, 2g hoắc hương
  • Nấu tất cả với 1 lít nước uống hết trong ngày

10. Trị đau đầu, đau nhức mình mẩy do ngoại cảm phong tà, đau nhức xương khớp do phong thấp

+ Cách 1:

  • Dùng xuyên khung và bạch hà mỗi vị 6g; bạch chỉ, kinh giới và phòng phong mỗi vị 12g, cam thảo 4g, khương hoạt 8g; kim bồn thảo 3g tán thành bột
  • Khi dùng lấy 4g pha chung với nước chè uống 

+ Cách 2:

  • Chuẩn bị xuyên khung và cương tằm mỗi vị 6g, nữ tiết và thạch cao sống mỗi loại 12g
  • Tán thuốc thành bột pha nước ấm uống hoặc sắc uống giúp giảm đau đầu do phong nhiệt

11. Trị đau tức ngực, đau bụng ở phụ nữ sau sinh

  • Nguyên liệu cần có gồm: Xuyên khung, mộc hương, tần quy, nhân hạt đào, quế tâm mỗi loại 40g
  • Tán thành bột mịn bảo quản trong hũ kín
  • Mỗi lần lấy 4g uống chung với rượu nóng

12. Trị căng tức ngực sườn

+ Cách 1: 

  • Lấy 8 – 10g xuyên khung, mã kế, củ gấu, lục khúc, tiên chi (sao)
  •  Tán thuốc thành bột uống với nước ấm ngày 1 lần

+ Cách 2:

  • Dùng hồng hoa và xuyên khung mỗi vị 6g, chỉ xác, quy vĩ mỗi vị 10g, hương phụ, đào nhân, thanh bì mỗi vị 8g.
  • Cho tất cả vào ấm sắc với nửa nước nửa rượu uống 3 – 4 lần trong ngày.

13. Chữa chóng mặt, nhức đầu, đổ nhiều mồ hôi, ngực ứ đàm ẩm

  • Dùng 640g xuyên khung, 160g thần thảo
  • Tán 2 vị trên thành bột mịn, trộn chung với mật vo viên hoàn
  • Mỗi lần uống 8 – 12g cùng nước trà

14. Điều trị bệnh viêm cột sống phì đại, gai gót chân

  • Lấy xuyên khung tán thành bột
  • Bỏ thuốc vào trong bọc lót vào khu vực bị bệnh. Trường hợp bị gai gót chân có thể đặt vào trong giày
  • Qua ngày hôm sau thay thuốc mới
  • Dùng 5 – 10 ngày liên tục tình trạng đau sẽ được cải thiện

15. Trị sưng đỏ mắt, hạ sốt cho trẻ em

  • Kết hợp xuyên khung, bạc hà, huyền minh phàn mỗi vị 6g
  • Nghiền nhỏ, lấy một ít bột thuốc cho trẻ hít vào mũi

16. Chữa đau bụng trong những ngày hành kinh

  • Dùng 8g xuyên khung, vân quy và bạch thược mỗi vị 10g, thoát hạch nhân và hồng hoa mỗi vị 6g
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang trong kì hành kinh để giảm cơn đau

17. Làm giảm các triệu chứng bệnh loãng xương

  • Dùng 100g xuyên khung nghiền thành bột, sao nóng
  • Bọc thuốc vào một miếng vải đắp vào chỗ bị đau mỗi ngày 3 – 4 lần.

18. Trị u nhọt

  • Xuyên khung nghiền thành bột mịn trộn với cam phấn và một ít dầu mè
  • Thoa hỗn hợp vào khu vực bị mụn nhọt giúp giảm sưng đau

19. Điều trị rối loạn kinh nguyệt, sót nhau thai

  • Lấy 10g xuyên khung, 15g dã thiên ma, 10g đương quy, 10g dư dung, 8g sung úy tử.
  • Nấu nước uống hàng ngày

20. Trị chứng chóng mặt, hoa mắt

  • Dùng xuyên khung và hòe tử mỗi vị 31g
  • Đem cả 2 nghiền nhỏ. Mỗi lần lấy 9g uống chung với nước trà

21. Trị đau đầu ở phụ nữ sau sinh

  • Dùng 6g xuyên khung, 6g thiên thai ô dược
  • Nghiền bột, uống chung với nước ép từ cây hành

22. Hỗ trợ điều trị bệnh tai biến mạch máu não

  • Chuẩn bị các vị gồm: Xuyên khung, mộc bản thảo, đương quy, địa hoàng, thoát hạch anh nhi, hồng hoa, chỉ xác, trúc diệp sài hồ, phù hổ, cỏ xước, cam thảo. Dùng với số lượng bằng nhau
  • Tán các vị trên thành bột mịn
  • Khi dùng lấy 1-1,5g uống với nước lọc

23. Trị phong thấp gây viêm khớp, sốt, đau nhức xương khớp, ớn lạnh trong người

  • Dùng ngưu tất, xuyên khung và bạch chỉ mỗi vị 12g, hoàng đằng 8g
  • Đem tất cả nấu nước uống trong ngày.

24. Trị nôn ói, ứ nước ở bụng, hông sườn trướng

  • Dùng 40g xuyên khung và 40g tam lăng
  • Tán thuốc thành bột. Khi dùng lấy 8g uống cùng nước sắc thông bạch

25. Chữa đau ngực

  • Dùng 1 củ xuyên khung có kích thước lớn đem sấy với rượu
  • Tùy theo thời gian mắc bệnh mà dùng liều lượng phù hợp. Thông thương người bệnh 1 năm sẽ dùng 1 củ, 2 năm thì cộng thêm 1 củ và cứ như vậy tăng dần theo số năm bị bệnh.

26. Chữa tổn thương thai khí, thai chất lưu, cấm khẩu, ra máu dơ ở phụ nữ mang thai 5 – 7 tháng

  • Dùng 160g xuyên khung và 240g vân quy
  • Tán thành bột, uống mỗi lần 8g x 3 lần/ngày

27. Chữa đau thần kinh tam thoa

  • Chuẩn bị 30g xuyên khung, 8g tần quy, 8g huyết căn, 8g bạch thược, 8g bắc sài hồ, 8g đỗ phụ, 8g bạch chỉ, 8g đỗ bá, 8g thuyền thoái, 8g hàn hán
  • Sắc uống ngày 1 thang

Lưu ý khi sử dụng xuyên khung

– Những ai không nên dùng xuyên khung?

Kiêng dùng thảo dược này trong các trường hợp:

  • Có tiền sử bị dị ứng với xuyên khung hoặc một trong các thành phần của dược liệu
  • Người có thể âm hư hỏa vượng
  • Bị đàm do hen suyễn, khí thăng
  • Khô miệng, khô họng, ra mồ hôi trộm vào ban đêm, phiền táo
  • Đầy bụng, chán ăn, Tỳ hư, thể khí uất hóa hỏa
  • Người bị ra nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt
  • Đối tượng đang gặp các vấn đề về nội tạng, xuất huyết
  • Phụ nữ mang thai cần thông qua ý kiến thầy thuốc trước khi dùng

– Tương tác thuốc:

  • Xuyên khung hợp với bạch chỉ nên thường được dùng làm thuốc dẫn cho nhau
  • Kiêng kị phối hợp chung với các vị thuốc như: Hoàng kỳ, hoạt thạch, sơn thù, hoàng liên, tiêu thạch, lang độc

Ngoài ra, xuyên khung có thể tương tác với một số loại thuốc tây, thảo mộc hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng để được tư vấn thêm về những thứ có thể tương tác với thảo dược này.

– Tác dụng phụ:

Theo Phẩm Hối Tinh Nghĩa, việc sử dụng xuyên khung kéo dài có thể làm mất chân khí. Vì vậy khi có bệnh bạn nên đi khám và tuân thủ dùng thuốc theo đúng liều lượng, thời gian được bác sĩ khuyến cáo.

Bạn có thể tham khảo thêm:

  • Cây địa liền và những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời
  • Cây húng chanh: Tác dụng, liều lượng và cách dùng