Xạ hương

Xạ hương là dược liệu có nguồn gốc từ chất dịch tuyến được lấy từ các loài động vật như hươu xạ, chồn hương và các loài thực vật hay các chất nhân tạo có mùi hương tương tự. Đây được xem là một loại dược liệu quý, khá đắt đỏ. Và dĩ nhiên giá trị của nó cũng tương đương với những công dụng tuyệt vời mà nó mang lại. 

Xạ hương có nguồn gốc từ hươu xạ hay chồn hương
Túi xạ được tạo ra từ chất dịch tuyến của hươu xạ hay chồn hương
  • Tên gọi khác: Lạp tử, nguyên thốn hương, hươu xạ, sóc đất
  • Tên gọi theo khoa học: Moschus moschiferus L. hoặc Moschus berezouskii Flerov hay con Mã xạ M. sifamicus Przewalski
  • Họ theo khoa học: Cervidae

I/ Mô tả dược liệu xạ hương

Đặc điểm của xạ hương

  • Hươu xạ có đặc điểm là chân mảnh, cổ ngắn, đầu dài, mõm tròn và có thân dài 0,8-1m, đuôi dài 4-5cm, vai cao 50-65cm, trọng lượng từ 10-17kg, thân phủ lông màu nâu hung.
  • Con đực có nanh dài 8-9cm mọc ra khỏi mép hướng xuống dưới và quặp ra sau, con cái có nanh nhỏ hơn nhưng không lộ ra ngoài, cả con đực và con cái đều không có sừng. Riêng ở hươu xạ đực, ở khu vực giữa rốn và cơ quan sinh dục có một túi tròn phồng dài 5-7cm rộng khoảng 3cm, cao 3-4cm, được bao bọc bởi lớp lông mao và ở giữa trụi lông có hai lỗ thông. Túi này dùng để chứa chất dịch (chất xạ)  tiết ra từ tuyến của thành túi hươu xạ
  • Đối với con trưởng thành có thể cho ra một túi xạ nặng đến hơn 60g. Xạ hương ở con vật thường có màu nâu đỏ, nhưng khi để khô thì có dạng khối lổn nhổn màu nâu hung rồi xám lại dần dần.
  • Xạ hương có hình hạt to bằng hạt gạo, màu vàng xám, vị trí gần lỗ của bao xạ có hạt to, sắc tím đen

Bộ phận sử dụng

Túi xạ đã phơi khô và hạt xạ bên trong 

Phân bố

  • Hươu xạ thường sống trong các cánh rừng Đông Bắc Á và chủ yếu là những nơi rừng núi cao 1.000 – 2.000m, có khi lên đến 4.000m rất nguy hiểm. Tùy theo thời gian mà hươu xạ có thể xuất hiện nhiều hay ít, ban ngày nó thường ẩn mình trong các bụi cây và chiều tối mới đi ăn.
  • Hươu xạ phân bố nhiều ở Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Nepal, Mianma, Ấn Độ. Tại Việt Nam hươu xạ chủ yếu sinh sống ở các vùng núi cao ở Cao Bằng, Lạng Sơn

Thu hoạch và chế biến

Cách lấy hạt xạ trong túi xạ và chế biến
Túi xạ sau khi phơi khô, có thể chế biến dưới nhiều cách thức khác nhau

Thu hoạch

  • Khi bắt được hươu xạ, cẩn thận xẻo lấy túi xạ thường sẽ xẻo rộng hơn, sau đó đem treo trong nhà phơi khô, bên cạnh có thể dùng lá trầu bọc lại (hoặc long não) cho đến khi khô hẳn rồi để vào lọ đậy kín.
  • Cách khác có thể đem túi xạ đi tẩm rượu sau đó phơi ráo rồi tẩm lần nữa, âm can 3 lần cho đến khi túi xạ khô rồi bỏ vào lọ kín
  • Ngoài ra người ta còn thu hoạch xạ hương bằng cách: dùng dùi sắt nóng hung cháy hết lông bên ngoài túi xạ, cách thực hiện này cũng nhằm mục đích làm khô túi xạ.

Chế biến

  • Theo Trung Y: tiến hành dùng nước nóng, nhúng túi xạ ướt rồi cạo sạch lông da. Sau đó mở túi xạ ra, thái mỏng nhỏ và nghiền thành bột dùng dần.
  • Theo kinh nghiệm phổ biến: Sau khi đã lấy hết hạt xạ ra rồi thì lấy túi sao đen đánh thành bột, tiếp đến cho hết hạt xạ vào tán chung đến khi đều và mịn.

Bảo quản

Để vào lọ kín, đặt ở nơi khô ráo, thoáng khí tránh những không khí nóng ẩm dễ làm mất mùi hương. Lưu ý để xa các chất có mùi thơm khác như băng phiến, bạc hà. 

Thành phần hóa học

  • Trong xạ hương có chứa các thành phần như chất béo, chất cholesterine, chất nhựa trắng, muối calci và amoniac có tỷ lệ thay đổi, một tinh dầu 34% ( gọi là muscon và yi3 lệ của muscon trong xạ hương là 1% và 1,58 – 1,84%. Đây được xem là hoạt chất thơm nhất của xạ hương.   
  • Ngoài ra, xạ hương còn chứa normuscone và các thành phần khác như protid, các hợp chất nitrogen (acid amine, ure), muối vô cơ (Ca, K, Na, Mg, photpho)

II/ Vị thuốc của xạ hương

1. Tính vị

Xạ hương có vị cay, tính ôn

2. Quy kinh

Quy kinh Tâm can tỳ. Bên cạnh thuốc có đặc tính thơm xuyên cho nên thuốc có thể thông suốt 12 kinh.

3. Tác dụng dược lý

3.1 Theo nghiên cứu Y học cổ truyền

  • Xạ hương có tác dụng: Hoạt huyết tán kết, khai khiếu tinh thần, chỉ thống thôi sản
  • Chủ trị các chứng: sang thương thũng độc, trung tích kinh bế, kinh phong, kinh giản trúng phong (chứng bế), nhiệt nhập tâm bào (chứng bệnh ôn nhiệt), tâm phúc bạo thống, diệt dã tổn thương, bào y bất hạ (nhau thai không ra).

3.2 Theo nghiên cứu Y học hiện đại 

  • Tính kháng viêm, kháng khuẩn: xạ hương có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng (E. Coli), khuẩn thổ tả heo, thuốc còn có tác dụng kháng viêm trên mô hình gây viêm khớp cho chuột đồng. 
  • Tác dụng chống ung thư: xạ hương có tác dụng ức chế các tế bào ung thư như các loại ung thư thực quản, ung thư đại tràng, ung thư tuyến bao tử, ung thư bàng quang, với nồng độ cao tác dụng mạnh. Nhưng riêng với ung thư tâm vị thì thường không thể hiệt rõ.
  • Đối với tử cung: thuốc giúp hưng phấn đối với tử cung bị cô lập và có tác dụng mạnh hơn đối với tử cung có thai
  • Tác dụng đối với hệ tuần hoàn – hô hấp: Thuốc làm hưng phấn tim cô lập khiến lưu lượng máu ở động mạch vành tăng gấp đôi, giúp nâng cao huyết áp và tăng tần số hô hấp.
  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Chất muscone ceton xạ hương có tác dụng hưng phấn hệ thần kinh trung ương. Đây là một trong những tác dụng khai khiếu của xạ hương, giúp cải thiện tuần hoàn não, ngăn chặn phù não đồng thời còn làm tăng khả năng thích nghi của hệ thần kinh trung ương khi rơi vào trạng thái thiếu oxy. 

4 Cách dùng và liều lượng

  • Liều dùng: 0,06 – 0,1g nhiều đến 1g. Dùng ngoài lượng vừa đủ
  • Chỉ dùng kết hợp với thuốc hoàn tán, không cho vào thuốc than vì sẽ dễ mất mùi

III/ Một số bài thuốc từ xạ hương

1. Chữa chứng bong gân vùng eo lưng

Dùng dịch chích xạ hương 0,2% tiêm vào vùng bị đau. Tính theo liệu trình, mỗi tuần 1 lần, mỗi lần chỉ tiêm 2-4ml và 2 tuần là một liệu trình

2. Đối với bệnh vạch mành

Lấy xạ hương nhân tạo làm thành viên ngậm lactose làm giúp trị đau thắt ngực. Theo thống kê trong 160 ca thì khoảng 119 ca (74,4%) thuốc bắt đầu có tác dụng mạnh như nitroglycerin còn trong 27 ca (16,9%) thuốc có tác dụng chậm hơn, số còn lại thì không có tác dụng. Tùy trường hợp, có ca dùng hơn 1 viên có tác dụng còn có ca thì không. Đối với hình thức này tác dụng phụ có thể xảy ra là triệu chứng nôn nhẹ nhưng không làm đau đầu, chóng mặt hay thay đổi mạch và huyết áp. 

Xạ hương Ceton (Muscone) chế thành thuốc phun sương và ngậm trị đau thắt ngực, bệnh mạch vành.

Dùng xạ hương, nha tạo, bạch chỉ làm thành cao dán. Mỗi lần dán 2 miếng ở vùng đau trước tim và huyệt Tâm du, dùng 1 ngày 1 lần. 

3. Bệnh viêm gan mạn và xơ gan thời kỳ đầu

Dùng dịch chích xạ hương 5% chính vào lần lượt 2 nguyệt Chương môn, kỳ môn hai bên. Theo liệu trình 1 tuần 1 lần, mỗi lần 2ml và một liệu trình sẽ kéo dài 4 tuần.

4. Bệnh Bạch điến phong

Dùng dịch chích xạ hương 0,4% chích vào vùng bị bệnh nhiều, lượng dùng tùy theo vùng to hay nhỏ. Mỗi tuần 2 lần, thường thì một liệu trình tối đa 3 tháng.

5. Thai chết lưu, nhau thai không ra

Bài thuốc hương quế tán bao gồm: xạ hương 0,15g, nhục quế 1,5g. Lấy hai dược liệu này tán chung cho đến khi thành bột mịn, chia thành 2 lần uống với nước nóng.

IV/ Những điều cần lưu ý khi sử dụng xạ hương

  • Không nên dùng với bệnh nhân âm hư cơ thể suy nhược và phụ nữ mang thai.
  • Vì đây là dược liệu phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ lúc thu hoạch đến lúc chế biến sử dụng, nên nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên tham khảo thêm ý kiến của người có chuyên môn
  • Ngoài ra trong quá trình sử dụng nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, bệnh nhân cần theo dõi kỹ mức độ ảnh hưởng hoặc tham khảo ngay ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Hy vọng những thông tin chúng tôi chia sẻ có thể giúp bạn đọc có thêm một phần kiến thức về tính năng, công dụng của xạ hương trong việc điều trị bệnh. 

Có thể bạn chưa biết: Rau muống – Có mấy loại, công dụng gì, ai không nên ăn