Viêm khớp vô khuẩn là gì?

Có khoảng 20.000 người Mỹ mắc phải hội chứng viêm khớp vô khuẩn mỗi năm – đây là con số thống kê cụ thể từ Hiệp hội Thấp khớp Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do một số chấn thương hoặc do bệnh lý và chúng có nguy cơ gây phá hủy tại một số khớp.

Viêm khớp vô khuẩn
Viêm khớp vô khuẩn là một dạng của viêm khớp phản ứng thường xuất hiện sau các bệnh lý nhiễm khuẩn

1. Viêm khớp vô khuẩn là gì?

Viêm khớp vô khuẩn là một thể của viêm khớp phản ứng mà nguyên nhân gây bệnh không phải là do vi khuẩn gây ra. Bệnh viêm khớp vô khuẩn có thể làm tổn thương ở một vài khớp cơ bản như bàn chân, khớp gối, thắt lưng, xương chậu, hai bên hông hoặc một vài cơ quan ngoài khớp như niệu đạo, thận, đạo tràng, dây chằng, điểm bám gân, bao khớp, cơ,… 

Năm 1916, Hans Reiter đã nghiên cứu và phát hiện ra 3 triệu chứng phổ biến của bệnh đó là viêm kết mạc mắt, viêm niệu đạo và viêm khớp (tam chứng Reiter). Cũng theo nghiên cứu, Reiter đã chỉ ra, viêm khớp vô khuẩn thường rơi vào độ tuổi trung bình từ 20 – 50 tuổi, trong đó nam giới chiếm số lượng đông hơn. Trẻ em và người già thường khó mắc bệnh hơn.

2. Nguyên nhân gây viêm khớp vô khuẩn

Các nghiên cứu y khoa khẳng định, viêm khớp vô khuẩn hầu như không có sự hiện diện của vi khuẩn. Chúng thường được hình thành sau các nguyên nhân như:

  • Tổn thương khớp
  • Nhiễm khuẩn hô hấp
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục như chlamydia
  • Mắc các bệnh ở dạ dày như viêm ruột, ngộ độc thực phẩm,…

Viêm khớp vô khuẩn mang tính hệ thống bởi nó có ảnh hưởng đến một số cơ quan bên ngoài. Hiện nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Tuy nhiên, các phản ứng lâm sàng cho thấy yếu tố di truyền và yếu tố kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 cũng được xem là nguyên nhân cơ bản. Vì vậy, mọi chẩn đoán đều dựa vào một số yếu tố lâm sàng, tiểu sử bệnh và các kết quả xét nghiệm.

3. Triệu chứng của viêm khớp vô khuẩn

Viêm khớp phản ứng thường xuất hiện sau các triệu chứng nhiễm khuẩn, đây là hậu quả của quá trình tồn tại của một số kháng nguyên vi khuẩn hoặc một số phức hợp miễn dịch lắng đọng tại khớp. Ban đầu, chúng thường không có biểu hiện cụ thể, nhưng sau đó có thể gây đau nhức, khó chịu. Bên cạnh đó, bệnh còn được nhận biết bởi một số dấu hiệu sau:

  • Đau nhức, cứng khớp: Viêm khớp vô khuẩn có liên quan đến một số chức năng khớp. Bệnh được biểu hiện nhiều nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, gót chân, mông hoặc lưng,…
  • Vấn đề về mắt: Viêm mắt, mắt đỏ, ngứa, nóng mắt cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp phản ứng.
  • Tiết niệu: Bệnh nhân có dấu hiệu tiểu buốt, tần suất tiểu tăng kèm theo đó là các triệu chứng nước tiểu nóng, cảm giác châm chích khi tiểu, tiểu mủ vô khuẩn (thường gặp ở nam giới).
  • Khớp ngón tay hoặc ngón chân có biểu hiện sưng: Ở một vài trường hợp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sưng tấy, đau nhức khớp ngón tay, ngón chân.
  • Ngoài ra, viêm khớp vô khuẩn thường kèm theo một số biểu hiện khác như mệt mỏi, đau cơ, sốt nhẹ, đau gót chân, đau tức thắt lưng, loét miệng – lưỡi nhưng không gây đau, phát ban lòng bàn chân, nổi mụn nước ở đầu dương vật,…
Viêm khớp vô khuẩn
Bệnh viêm khớp phản ứng gây ra triệu chứng đau đớn, khó chịu

4. Điều trị viêm khớp vô khuẩn

Bệnh viêm khớp vô khuẩn có thể tự khỏi hoặc sau khi được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh cũng có khả năng bùng phát hoặc để lại một số di chứng khi chưa được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ cũng như độ tuổi và cơ địa mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp. 

Bởi viêm khớp vô khuẩn thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn nên thường rất khó để phát hiện. Thời gian phát bệnh kéo dài thường kéo theo rất nhiều hệ lụy và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đa phần, bệnh nhân viêm khớp phản ứng đều được điều trị nội khoa kết hợp chế độ dinh dưỡng và duy trì chế độ vận động phù hợp. Việc điều trị viêm khớp vô khuẩn cũng không quá khó khăn, vì vậy người bệnh cũng đừng quá lo lắng.

5. Những điều cần lưu ý khi bị viêm khớp vô khuẩn

Ngoài các phương pháp điều trị, bệnh nhân bị viêm khớp phản ứng cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau để cải thiện dấu hiệu bệnh:

  • Khám, điều trị theo chỉ định chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý chẩn đoán hay mua thuốc sử dụng khi chưa được hướng dẫn.
  • Thường xuyên luyện tập các bài tập giãn cơ hằng ngày để khớp không bị co cứng.
  • Khi viêm khớp vô khuẩn gây đau đớn, có thể chườm ấm hoặc lạnh để khắc phục triệu chứng và giảm viêm.
  • Tư thế ngồi, đứng và ngủ phải đúng chuẩn.
  • Tình dục an toàn, sử dụng biện pháp tránh lây lan viêm nhiễm qua đường tình dục.

Việc phát hiện và điều trị viêm khớp vô khuẩn kịp thời sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng bất thường bệnh nhân nên trực tiếp thăm khám chuyên khoa. Ngoài ra, mỗi người cũng nên cải thiện chất lượng cuộc sống và chế độ sinh hoạt để ngăn ngừa bệnh tái phát về sau.