Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh lý xương khớp rất dễ mắc phải ở đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Nếu không sớm điều trị, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề nguy hiểm. Điển hình nhất là khớp xương bị phá hủy, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng vận động.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?
Viêm khớp nhiễm khuẩn là hiện trạng nhiễm trùng ngay tại khớp xương do một số loại vi khuẩn hay virus gây ra. Bệnh lý này còn được biết đến với tên gọi khác là viêm khớp sinh mủ.
Thông thường, vi khuẩn hoặc vi nấm sẽ xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể sau đó đi theo tuần hoàn máu và tới khớp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi khuẩn lây nhiễm trực tiếp tại khớp mà các khu vực khác không bị tác động.
Bệnh có nguy cơ phát sinh nhiều nhất tại khớp gối và một số khớp khác như cổ tay, vai, mắt cá chân, khuỷu tay. Trẻ em và người già có hệ miễn dịch yếu nên nguy cơ mắc bệnh rất cao.
1. Nguyên nhân
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ dễ phát sinh khi có nhiễm trùng tại một vị trí khác trong cơ thể. Thường gặp là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc hô hấp, sau đó vi trùng có thể theo máu tới khớp và gây viêm nhiễm.
Chung quy lại, nguyên nhân chính khiến bệnh khởi phát là do sự xâm nhập của vi khuẩn, nhất là tụ cầu khuẩn. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều nhất trên da và trong mũi.
Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố tại cơ hội cho bệnh xuất hiện, như:
- Nhiễm trùng phát sinh tại các vết thương hoặc phẫu thuật gần khớp.
- Cơ chế tự bảo vệ của màng hoạt dịch suy yếu.
- Sự tấn công của nấm hoặc virus.
- Các bệnh lý xương khớp: gout, lupus hay viêm khớp dạng thấp…
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị.
- Di chứng từ chấn thương.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý về da, gan thận, tiểu đường cũng có thể yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Triệu chứng
Cũng giống như các vấn đề xương khớp khác, khi mắc bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, triệu chứng dễ gặp nhất là đau nhức tại khớp tổn thương. Cơn đau có thể lan tỏa và xuất hiện với cường độ mạnh hơn khi di chuyển hoặc vận động nhiều.
Một số dấu hiệu khác có thể đi kèm:
- Sưng khớp
- Khớp đỏ và nóng
- Vận động hạn chế
- Đau cơ
Bên cạnh đó, bệnh còn có thể làm phát sinh các triệu chứng toàn thân:
- Ớn lạnh
- Sốt cao
- Mệt mỏi
- Run rẩy
Nếu bệnh xuất hiện ở trẻ em thì bạn nên chú ý đến các biểu hiện của bé như:
- Chán ăn
- Ăn không ngon miệng
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
- Khó chịu, quấy khóc
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?
Bệnh lý này nếu không sớm phát hiện và điều trị sẽ rất dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là ở những đối tượng người bệnh có hệ miễn dịch yếu, tình trạng nhiễm trùng sẽ tiến triển rất nhanh.Lúc này, sụn khớp dễ dàng bị phá hủy và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động.
Sau đây là một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh:
- Biến dạng khớp
- Thoái hóa khớp
- Bại liệt
Lúc này, người bệnh thường sẽ phải trải qua phẫu thuật để lấy lại chức năng vận động của khớp. Tuy nhiên, phẫu thuật luôn tiềm ẩn những rủi ro cả trong và sau khi thực hiện.
Làm sao để chẩn đoán bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn
Để đưa ra chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Tuy nhiên, các dấu hiệu của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn lại rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác.
Chính vì thế, bác sĩ sẽ cần đến một số xét nghiệm chuyên sâu để đưa ra chẩn đoán xác định:
- Phân tích dịch khớp: Khi có sự xuất hiện của vi khuẩn, dịch khớp thường bị đổi màu và thay đổi về hàm lượng dịch. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp bác sĩ nhận diện được các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra xem có sự hiện diện của vi khuẩn trong máu hay không.
- Các xét nghiệm hình ảnh (X-quang, CT, MRI): Nhằm mục đích quan sát mức độ tổn thương của mô sụn và những thay đổi về cấu trúc khớp.
Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn
Đối với bệnh lý này, tùy theo mức độ tổn thương khớp và hiện trạng sức khỏe của người bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
1. Bệnh ở mức độ nhẹ
Khi sớm phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát thì vấn đề điều trị sẽ đơn giản hơn. Bác sĩ thường sẽ kê toa thuốc để ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh mà các loại thuốc kháng sinh phù hợp sẽ được lựa chọn. Thông thường, bác sĩ sẽ lên đơn các loại thuốc dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch ở cánh tay.
Trong trường hợp, cơ thể người bệnh không đáp ứng với kháng sinh dạng tiêm thì các loại thuốc đường uống sẽ được chỉ định. Khi bệnh còn nhẹ, thời gian điều trị sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 – 6 tuần.
**Lưu ý: Các loại kháng sinh điều trị bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn có thể phát sinh các tác dụng ngoại ý. Thường gặp nhất là buồn nôn, dị ứng ngoài da hay tiêu chảy. Bạn cần chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể và báo cho bác sĩ nếu gặp các vấn đề bất thường.
2. Khi bệnh diễn biến phức tạp
Lúc này, việc dùng kháng sinh sẽ không còn khả năng khắc phục được những tổn thương nghiêm trọng ở ổ khớp. Bác sĩ sẽ cân nhắc đến phương án phẫu thuật để chữa lành tổn thương.
Nội soi là can thiệp ngoại khoa thường dùng trong điều trị viêm khớp phẫu thuật. Mục đích là hút dịch khớp bị nhiễm trùng ra ngoài để loại bỏ vi khuẩn.
Trường hợp, bệnh khởi phát ở khớp hông thì cần thực hiện phẫu thuật mổ hở để lấy dịch triệt để. Đôi khi, người bệnh phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mới điều trị bệnh dứt điểm.
3. Chăm sóc người bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn
Để rút ngắn thời gian điều trị và dự phòng nguy cơ tái phát, bạn nên thực hiện tốt một số khuyến nghị sau:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian, tần suất và liều lượng.
- Tái khám thường xuyên để nắm bắt hiện trạng bệnh.
- Hỗ trợ điều trị bằng vật lý trị liệu để cải thiện nhanh hơn chức năng vận động của khớp.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học.
- Kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể. Nên thực hiện các liệu pháp giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn bạn cần nắm bắt để chủ động trong phát hiện và điều trị. Hãy tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra để đảm bảo kết quả điều trị và tránh những biến chứng phát sinh.