Vì sao ngồi lâu bị đau lưng? Những tác hại không ngờ
Khi ngồi lâu, trọng lượng cơ thể ở phần thân trên chèn ép vào cột sống, các cơ và dây chằng khiến lưng bị đau. Hiện tượng ngồi lâu bị đau lưng nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại không ngờ, thậm chí còn trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Triệu chứng đau lưng do ngồi nhiều
Ngồi nhiều là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng, đặc biệt là ở giới văn phòng. Người bệnh thường xuyên có biểu hiện bị đau nhức kèm theo cảm giác tê mỏi dọc theo cột sống thắt lưng hay khu vực gần cột sống. Cơn đau có thể thuyên giảm sau khi vận động, di chuyển.
Tình trạng đau lưng do ngồi nhiều có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên lưng, bao gồm 4 khu vực chính gồm: Đau cổ, đau lưng trên ( đau lưng giữa), đau lưng dưới ( đau thắt lưng) và đau vùng xương cụt. Trong đó khu vực bị đau phổ biến nhất chính là ở vùng thắt lưng bởi nơi này phải gánh chịu một lực khá lớn từ phần thân trên dồn xuống khi cơ thể ở trạng thái ngồi.
Căn cứ vào yếu tố thời gian, chứng đau lưng do ngồi lâu được chia thành 3 dạng gồm:
- Đau lưng cấp tính: Cơn đau khởi phát đột ngột, kéo dài dưới 6 tuần
- Đau lưng bán cấp: Tình trạng đau lưng xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 – 12 tuần
- Đau lưng mãn tính: Cơn đau xảy ra từ 12 tuần trở lên.
Tùy thuộc vào dạng đau lưng, nguyên nhân gây đau lưng khi ngồi lâu mà tính chất cơn đau của mỗi người cũng không giống nhau. Một số trường hợp bị đau dữ dội, đau âm ỉ kéo dài nhưng cũng có những người chỉ bị đau nhẹ, thoáng qua. Cơn đau từ vùng lưng có thể lan tỏa đến các khu vực lân cận, chẳng hạn như hai bên cánh tay, mông, đùi hay vùng vai gáy. Trường hợp nặng, bệnh nhân còn bị teo cơ, yếu liệt, tê bì tay chân nhưng hiếm gặp.
Vì sao ngồi lâu bị đau lưng?
Ở tư thế ngồi liên tục trong hàng tiếng đồng hồ, cột sống lưng cùng hệ thống cơ và dây chằng phải chịu một áp lực khá lớn để chống đỡ phần thân trên. Thêm vào đó, việc ngồi lâu cũng khiến khí huyết bị trì trệ, kém lưu thông đến cột sống. Tất cả đều góp phần kích hoạt sự khởi phát của một cơn đau.
Một số người bị đau lưng do ngồi không đúng tư thế, ngồi cúi khom lưng với cột sống bị cong vẹo trong thời gian dài. Đôi khi, tình trạng đau lưng do ngồi lâu còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề y tế cần được điều trị, đặc biệt là các bệnh lý ở cột sống.
Ngồi lâu bị đau lưng là bệnh gì?
Triệu chứng đau lưng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý. Việc ngồi yên một chỗ quá lâu có thể kích thích cơn đau tái phát hoặc tăng mạnh hơn. Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây đau lưng khi ngồi lâu:
- Giãn dây chằng, căng cơ: Đây là những chấn thương thường gặp ở lưng khi bị tai nạn, chơi thể thao hoặc cũng có thể do ngồi quá lâu. Chúng có thể gây ra những cơn đau nghiêm trọng ở lưng.
- Bệnh thoát vị đĩa đệm: Nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài khiến các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó khiến cho người bệnh bị đau lưng. Việc ngồi nhiều càng khiến cơn đau tăng nặng hơn.
- Đau dây thần kinh tọa: Căn bệnh này gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở khu vực thắt lưng. Cơn đau cũng lan sang hông và ảnh hưởng đến chân dọc theo đường đi của dây thần kinh.
- Thoái hóa cột sống: Người bị thoái hóa cột sống thường có biểu hiện bị đau lưng ở vị trí có đốt sống bị thoái hóa. Kèm theo đó là cảm giác cứng lưng sau khi ngồi lâu hoặc nghỉ ngơi trong thời gian dài và giới hạn phạm vi cử động của cột sống.
- Vôi hóa cột sống: Bệnh vôi hóa cột sống còn được gọi là bệnh gai đốt sống. Bệnh thường phát triển sau một chấn thương ở cột sống hoặc dây chằng. Trong quá trình sửa chữa những tổn thương này, canxi bị lắng tụ lại tạo thành các mấu gai. Sự ma sát giữa gai xương với phần mềm xung quanh có thể gây ra các cơn đau lưng dữ dội. Gai xương chèn ép vào tủy sống thậm chí còn gây tê bì tay chân. Nếu ngồi lâu bị đau lưng kéo dài, bạn nên thận trọng với căn bệnh này.
- Các bệnh lý khác gây đau lưng khi ngồi nhiều: Bệnh ở đường tiết niệu ( sỏi thận, lao thận, viêm đường tiết niệu…), viêm loét dạ dày, u cột sống…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau lưng khi ngồi nhiều
Một số yếu tố sau có thể gây nguy cơ cao bị đau lưng khi ngồi nhiều:
- Có tiền sử bị đau lưng trong gia đình
- Từng gặp chấn thương ở lưng trước đây
- Có thai hoặc tăng nhiều cân nặng trong thai kỳ
- Từng làm phẫu thuật ở lưng
- Cột sống có dị tật bẩm sinh
- Ít vận động, không tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên
- Hút thuốc lá
- Thừa cân, béo phì
- Căng thẳng, trầm cảm
- Sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài
Tác hại của đau lưng khi ngồi lâu
Nếu tình trạng đau lưng do ngồi lâu chỉ xuất hiện thoáng qua trong một vài ngày thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số trường hợp bị đau lưng kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khả năng vận động cũng như sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Trong trường hợp ngồi lâu bị đau lưng có liên quan đến các bệnh lý, việc không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh tình ngày càng trở nặng và mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe. Đặc biệt, người bệnh còn có thể bị yếu liệt các chi, tàn phế suốt do gặp biến chứng khi mắc các bệnh về xương khớp.
Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan khi bị đau lưng do ngồi lâu hay vì bất cứ lý do nào khác. Nếu tình trạng đau lưng quá nghiêm trọng hoặc cơn đau lưng kéo dài quá vài ngày thì tốt nhất nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và tích cực điều trị từ sớm.
Ngồi lâu bị đau lưng phải làm sao?
Một số giải pháp dưới đây có thể giúp khắc phục tình trạng đau lưng khi ngồi lâu:
1. Sử dụng gối hỗ trợ phần lưng dưới khi ngồi
Ngồi nhiều khiến cho vùng lưng dưới chịu nhiều áp lực , các cơ bị căng cứng dẫn đến đau lưng. Nếu ghế làm việc của bạn không có phần hỗ trợ thì có thể sử dụng một cái gối nhỏ kê vào ngay phần thắt lưng để giảm tải áp lực cho khu vực này, giúp ngăn ngừa và xoa dịu cơn đau lưng mỗi khi ngồi.
2. Điều chỉnh ghế ngồi
Lựa chọn một cái ghế ngồi có chức năng điều chỉnh lên xuống, xoay phải xoay trái có thể giúp cơ thể vận động linh hoạt và tránh cho lưng bị căng cứng. Khi ngồi bạn nên chú ý điều chỉnh độ cao của ghế cho phù hợp nhằm đảm bảo mang đến sự thoải mái và tạo điều kiện cho các cơ ở lưng được thư giãn tối ưu. Liên quan đến vấn đề này cần chú ý:
- Điều chỉnh ghế ở độ cao vừa phải sao cho cổ tay và phần cẳng tay phải thẳng hàng trong tư thế gõ bàn phím và tạo thành một đường song song so với mặt đất. Để biết được độ cao của ghế đã phù hợp, bạn chỉ cần quan sát thấy khớp cùi chỏ đặt ngay bên cạnh cơ thể tạo thành hình chữ L ngay ngắn là được.
- Điều chỉnh tư thế lưng cũng như độ nghiêng của ghế để cột sống lưng được thoải mái và hỗ trợ giải phóng bớt một phần áp lực từ phần thân trên tạo ra.
3. Đặt máy tính ở vị trí phù hợp
Đặt máy tính, phụ kiện và các dụng cụ làm việc ở vị trí phù hợp và gần sát với cơ thể sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi ngồi làm việc và không bị trẹo phần đầu, cổ, từ đó giảm nguy cơ bị đau lưng khi ngồi lâu.
- Giữ cho màn hình máy tính đặt ngang tầm mắt với một đoạn cách xa khoảng 1 cánh tay.
- Bàn phím máy tính đặt trên bàn cách cơ thể khoảng 10 – 15 cm
- Con chuột đặt gần sát cơ thể để tay có thể dễ dàng với tới mà không phải gù lưng xuống
4. Dùng tai nghe hỗ trợ khi ngồi làm việc
Một số nghề nghiệp đặc thù phải ngồi tiếp điện thoại thường xuyên sẽ rất dễ bị đau lưng. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên sử dụng tai nghe gắn vào điện thoại nhằm giữ cho tư thế ngồi luôn được cố định, không phải gập đầu và cổ thường xuyên khi nghe điện thoại.
5. Nghỉ giải lao vài phút giữa các giờ làm việc
Đối với dân văn phòng, việc ngồi làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ liền diễn ra hàng ngày. Bạn nên dành ra vài phút để giải lao giữa các giờ làm việc. Có thể đứng lên đi lại, xoay lắc vài, hông nhẹ nhàng để làm giãn cơ bắp , giúp khí huyết lưu thông. Thói quen này có tác dụng tích cực trong việc giảm thiểu sự xuất hiện của các cơn đau lưng khi ngồi lâu.
Bạn cũng có thể sắp xếp thời gian tới nơi làm việc sớm hơn vào buổi sáng và tranh thủ vận động bằng cách leo cầu thang bô thay vì đi cầu thang máy. Trong giờ nghỉ trưa cố gắng dành ít phút đi lại nhẹ nhàng và thực hiện một số động tác giúp kích thích cơ bắp, ngăn ngừa hiện tượng co cứng ở các cơ lưng ít vận động.
6. Chườm đá lạnh giảm đau lưng do ngồi lâu
Nếu thường xuyên ngồi lâu bị đau lưng, bạn cũng có thể chườm đá lạnh để xoa dịu cơn đau. Phương pháp này giúp tạm thời xoa dịu cơn đau lưng bằng cách làm lạnh vùng lưng bị đau, ngăn chặn quá trình truyền phát tín hiệu đau về hệ thần kinh trung ương. Đồng thời, chườm lạnh cũng giúp giảm hiện tượng sưng viêm trong cột sống và phần mềm sau khi bị chấn thương.
Cách thực hiện:
- Lấy vài cục đá nhỏ bọc trong một cái khăn mỏng hoặc cho vào túi chườm
- Áp bọc đá lên khu vực lưng bị đau, có thể chườm ở tư thế ngồi dựa lưng vào ghế để không ảnh hưởng đến thời gian làm việc
- Áp dụng cách này 4 – 5 lần mỗi ngày, khoảng cách giữa 2 lần chườm cách nhau tối thiểu 45 phút.
7. Trị liệu bằng nhiệt
Trị liệu bằng nhiệt là phương pháp sử dụng nhiệt nóng tác động lên các cơ bị căng cứng, giúp kích thích lưu thống máu và tạm thời cắt đứt cơn đau lưng do ngồi lâu.
Mỗi khi ngồi lâu bị đau lưng, bạn có thể áp dụng những cách sau:
- Ngâm mình trong bồn nước ấm chứa một ít tinh dầu thiên nhiên
- Kê miếng đệm nóng dưới lưng khi nằm
- Chườm muối rang nóng
- Đổ nước nóng vào chai rồi lăn qua lại trên vị trí lưng bị đau.
8. Mát xa, bấm huyệt giảm đau lưng do ngồi lâu
Liệu pháp mát xa, bấm huyệt cũng có thể giúp giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của cơn đau lưng khi ngồi lâu. Các thao tác xoa bóp đơn giản kết hợp với việc day bấm vào các huyệt đạo phù hợp có tác dụng làm thư giãn cơ lưng, cân bằng năng lượng trong cơ thể, đồng thời tăng cường lưu thông máu đến sửa chữa chấn thương ở lưng.
Bạn có thể nhờ những người có kinh nghiệm chuyên môn để mát xa, bấm huyệt nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ngồi lâu bị đau lưng uống thuốc gì?
Trong trường hợp cơn đau lưng do ngồi lâu có tính chất dữ dội, kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và các biện pháp giảm đau tự nhiên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng các loại thuốc sau:
– Thuốc giảm đau:
Một số loại thuốc có thể giúp giảm nhanh cơn đau và hỗ trợ kháng viêm. Thường được chỉ định là các thuốc giảm đau như:
- Ibuprofen
- Aspirin
- Naproxen sodium
- Acetaminophen
Các loại thuốc trên có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Tránh uống quá liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài.
– Thuốc giảm căng cơ:
Sử dụng các thuốc giảm căng cơ cũng có thể giúp giảm đau lưng khi ngồi lâu. Loại thuốc này có thể được chỉ định khi thuốc giảm đau không phát huy được hiệu quả. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, mất tập trung khi làm việc… Vì vậy hãy thận trọng dùng thuốc giảm căng cơ theo đúng hướng dẫn trong đơn của bác sĩ.