Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp

Vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp bao gồm nhiều phương pháp được tiến hành để phục hồi chức năng hoạt động cho khớp, chẳng hạn như siêu âm, nhiệt trị liệu, chiếu tia hồng ngoại… Dưới đây là thông tin chi tiết về các kỹ thuật vật lý trị liệu đang được áp dụng trong y học giúp nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp.

Các phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp

Vật lý trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến cho người bị viêm khớp dạng thấp. Nó được thực hiện nhằm mục đích giảm viêm đau khớp, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. 

Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu đang được áp dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp như:

1. Siêu âm trị liệu

Phương pháp siêu âm ứng dụng hiệu ứng cơ học, hóa học hay nhiệt để dẫn thuốc vào khu vực bị bệnh. Nó có tác dụng giảm đau nhanh, cải thiện tình trạng sưng viêm tại khớp cũng như các triệu chứng khác do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra.

vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp
Siêu âm là phương pháp vật lý trị liệu đang được áp dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp

Siêu âm trị liệu bao gồm nhiều cách như:

  • Siêu âm qua nước
  • Siêu âm dẫn thuốc 
  • Siêu âm tiếp xúc trực tiếp với da

Tùy theo tình trạng viêm khớp dạng thấp của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại siêu âm phù hợp. Chống chỉ định dùng siêu âm điều trị bệnh cho các trường hợp bị giãn tĩnh mạch, viêm tắc động mạch hoặc tĩnh mạch, khớp bị bệnh có nhiễm khuẩn. Tránh siêu âm lên vùng da đang có vết thương hở hoặc được gắn các vật kim loại cố định khớp, chẳng hạn như đinh hay nẹp vít…

Sử dụng sóng siêu âm với liều cao liên tục có thể gây tổn thương cho khớp và sụn. Chính vì vậy, tránh lạm dụng phương pháp này quá mức. Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao, người bệnh cũng nên tìm đến các cơ sở vật lý trị liệu uy tín, có bác sĩ đã trải qua các khóa đào tạo bài bản để được điều trị.

2. Nhiệt trị liệu

Phương pháp nhiệt trị liệu sử dụng nhiệt nóng có nhiệt độ từ 37 – 50 độ C tác động trực tiếp bào khu vực tổn thương. Nó mang đến nhiều tác dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp như:

  • Kích thước lưu thông tuần hoàn máu để đưa các dưỡng chất đến nuôi dưỡng khớp bị bệnh nhiều hơn
  • Giảm đau nhức các khớp xương bị tổn thương
  • Tiêu sưng
  • Điều hòa chức năng thần kinh, giảm hiện tượng co thắt các cơ, ngăn ngừa cứng khớp
  • Phân tán các chất trung gian gây viêm, đẩy nhanh tốc độ phục hồi của tổn thương trong khớp

Không áp dụng phương pháp vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp này trong các đợt viêm cấp hoặc có biểu hiện bị tràn dịch khớp. 

3. Đắp paraffin

Paraffin bản chất là một loại hỗn hợp có chứa nhiều hydrocarbua. Chất này được sử dụng trong vật lý trị liệu ở dạng tinh khiết, màu trắng và không chứa độc tố. 

vật lý trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp
Đắp paraffin có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, chống co thắt cơ, tăng cường tuần hoàn máu đến khu vực bị viêm khớp dạng thấp

Paraffin có khả năng lưu trữ nhiệt nóng trong thời gian lâu nên có thể tác động tương đối sâu vào trong khớp khi áp dụng để trị liệu cho khu vực bị viêm khớp dạng thấp. Khi đắp miếng paraffin nóng vào da, nhiệt độ cao sẽ kích thích làm tăng tiết mồ hôi giúp da luôn duy trì được độ ẩm cần thiết mà không bị khô hay bong tróc.

Các tác dụng của đắp Paraffin với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp:

  • Giảm đau nhức khớp
  • Cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng, sữa chữa tổn thương tại khớp
  • Làm thư giãn cơ, giảm hiện tượng co thắt, chống cứng khớp

Không đắp Paraffin lên các khớp bị nhiễm trùng hoặc có vết thương hở, các trường hợp mắc bệnh tuần hoàn ngoại biên, người mắc bệnh ngoài da, người cao tuổi hoặc người có sức khỏe yếu không chịu được nhiệt nóng.

4. Vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp bằng sóng ngắn

Sóng ngắn trị liệu còn được biết đến với các tên gọi khác như điện trường cao tần hay sóng radio. Phương pháp này sử dụng các dòng bức xạ điện từ có bước sóng ngắn dao động từ 11 – 22 mét để tác động đến khu vực bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các thiết bị sóng ngắn trị liệu hiện nay chủ yếu có bước sóng 11,2 m bởi nó mang đến hiệu quả cao mà không gây ra hiện tượng giao thoa hay nhiễu sóng.

Sử dụng sóng ngắn mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp như:

  • Giảm đau: Dưới tác động của sóng ngắn, hoạt động của các dây thần kinh dần truyền cảm giác đau sẽ bị ức chế. Nó cũng giúp cơ thể có khả năng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, đồng thời tái hấp thu các chất dịch bị tích tụ, làm giảm trương lực co thắt của các cơ, xoa dịu cảm giác đau đớn cho người bệnh.
  • Kháng viêm: Sóng ngắn có thể kích thích cơ thể tăng cường số lượng tế bào bạch cầu đến khớp bị viêm. Điều này giúp làm tăng khả năng chống viêm, tự chữa lành tổn thương của cơ thể.
  • Tăng cường lưu thông máu: Nhiệt sóng ngắn có thể làm giãn mạch máu, chống lại tình trạng ứ đọng trong các khớp bị bệnh, tăng cường lưu thông máu giúp cho tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra nhanh lành hơn.
  • Giảm căng thẳng thần kinh: Liệu pháp sóng ngắn giúp hệ thần kinh thực vật được thư giãn, giảm bốt căng thẳng. Qua đó có thể làm tăng khả năng dẫn truyền ở dây thần kinh vận động giúp cho chức năng vận động của khớp nhanh phục hồi.

5. Trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp bằng tia hồng ngoại

Chiếu hồng ngoại cũng là một trong những phương pháp vật lý trị liệu viêm khớp dạng thấp đang được áp dụng phổ biến. Với cách này, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ sử dụng tia hồng ngoại chiếu vào khớp bị đau và khu vực xung quanh. Nó có tác dụng giảm đau, chống sưng viêm, đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương trong khớp. Mỗi đợt điều trị thường là 5 – 6 lần chiếu tia.

vật lý trị liệu điều trị viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân đang được vật lý trị liệu điều trị viêm khớp dạng thấp bằng tia hồng ngoại

Sau trị liệu, khu vực da chịu tác động của tia hồng ngoại có thể tấy đỏ. Bệnh nhân sẽ được nghỉ từ 2 – 3 ngày để tình trạng này giảm bớt trước khi chiếu đợt tiếp theo. Một liệu trình vật lý trị liệu bằng tia hồng ngoại có thể diễn ra trong 3 – 4 đợt.

6. Các phương pháp vật lý trị liệu khác

Bên cạnh những cách trên, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu khác như:

  • Chườm túi nhiệt
  • Đắp bùn nóng hay cát nóng
  • Cứu ngải
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Tập luyện các bài tập vật lý trị liệu phù hợp
  • Thủy trị liệu…

Phương pháp vật lý trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người bệnh song cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài kết hợp với những cách điều trị bệnh khác để có hiệu quả rõ ràng, lâu dài. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và lựa chọn một trung tâm vật lý trị liệu uy tín để được giúp đỡ.