Tràn dịch khớp gối ở trẻ em và cách điều trị
Tràn dịch khớp gối là một trong những bệnh lý về xương khớp không chỉ bắt gặp ở người lớn mà còn có nguy cơ cao xuất hiện ở trẻ em. Bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em nếu không sớm phát hiện và điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chức năng vận động của trẻ.
Tìm hiểu bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em
Tràn dịch khớp gối ở trẻ em chính là tình trạng khớp gối của trẻ bị tổn thương, phần sụn khớp bị bào mòn khiến cho dịch khớp có cơ hội thoát ra ngoài. Bệnh lý này kèm theo rất nhiều triệu chứng khiến cho chức năng vận động của trẻ bị hạn chế.
Bạn cần tìm hiểu các thông tin về bệnh để có thể sớm phát hiện và xử lý nếu con mình không may mắc phải.
1. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tràn dịch khớp gối mà nhiều bậc cha mẹ thường chủ quan, xem nhẹ. Cần chú ý đến một số nguyên nhân thường gặp sau đây:
Chấn thương:
Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, hay chạy nhảy nô đùa. Chính vì thế mà việc gặp phải các va chạm, trượt ngã khi vận động là rất khó tránh khỏi. Thêm vào đó, hệ xương khớp của trẻ còn yếu nên rất dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, những chấn thương do tai nạn giao thông, nhất là trật khớp, gãy xương hay đứt dây chằng cũng sẽ khiến cho khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng. Chấn thương có thể sẽ được chữa lành ngay sau đó nhưng nguy cơ để lại di chứng là rất cao. Đây chính là yếu tố sẽ kích hoạt tình trạng tràn dịch khớp gối, nhất là khi trẻ hoạt động mạnh.
Viêm nhiễm:
Hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện nên rất dễ bị các yếu tố bên ngoài tấn công. Trẻ thường dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus. Tình trạng viêm nhiễm có thể từ bất cứ vị trí nào trong cơ thể, di chuyển theo đường máu và đến khớp gối.
Các phản ứng viêm phát triển sẽ khiến khớp gối của trẻ bị tổn thương. Viêm nhiễm kéo dài sẽ hủy hoại sụn khớp và bao hoạt dịch khiến dịch khớp tràn ra ngoài và gây nên các triệu chứng.
Béo phì:
Béo phì là tình trạng phổ biến thường gặp ở trẻ em ngày nay. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe xương khớp, nhất là khớp gối. Bởi khớp gối là khớp lớn, phải chịu nhiều áp lực khi trẻ vận động.
Nếu trẻ bị thừa cân, khi di chuyển sức nặng sẽ đè nén lên khớp gối khiến các đầu xương ma sát lên nhau nhiều hơn. Hệ quả là sụn khớp bị bào mòn nhanh chóng và tăng nguy cơ tràn dịch khớp ra ngoài.
Các bệnh lý về xương khớp:
Ngoài những nguyên nhân trên thì một số bệnh lý về xương khớp mà trẻ mắc phải cũng có thể sẽ là yếu tố kích hoạt tình trạng tràn dịch khớp gối.
Cần chú ý đến các bệnh về xương khớp như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Viêm bao hoạt dịch
- U khớp
2. Triệu chứng
Khi bị tràn dịch khớp gối, trẻ thường sẽ gặp phải một số triệu chứng như:
- Đầu gối của trẻ bị sưng, nóng lên
- Trẻ bị đau nhức và tê mỏi gối
- Vận động bị hạn chế, trẻ ít hoạt động hay chạy nhảy như bình thường
Ngoài ra, nếu tình trạng tràn dịch khớp gối xuất hiện do nhiễm khuẩn, trẻ sẽ bị sốt. Tình trạng sốt càng nặng nề hơn khi về đêm.
Khi thấy con trẻ có những biểu hiện nói trên, bạn cần hết sức chú ý. Hãy sớm đưa trẻ tới các cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
3. Chẩn đoán
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành việc chẩn đoán lâm sàng. Một số câu hỏi sau đây có thể sẽ được đặt ra:
- Biểu hiện của các triệu chứng ra sao?
- Các triệu chứng xuất hiện từ khi nào? Có thường xuyên không?
- Tiền sử chấn thương cũng như bệnh lý của trẻ?
Vì những triệu chứng lâm sàng của bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em thường giống với các vấn đề xương khớp khác. Chính vì thế mà việc chẩn đoán lâm sàng sẽ chưa đủ để kết luận bệnh. Lúc này bác sĩ có thể sẽ chỉ định trẻ thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu
- Phân tích dịch khớp
- Siêu âm khớp
- Chụp X-quang
- Chụp cộng hưởng từ MRI
Kết quả cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đưa ra được chẩn đoán xác định, đồng thời đánh giá được mức độ tổn thương khớp gối của trẻ. Từ đó có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với hiện trạng bệnh ở mỗi trẻ.
Điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ em
Nếu sớm phát hiện thì việc điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ sẽ trở nên đơn giản hơn. Đồng thời giúp trẻ tránh gặp phải những biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng vận động.
Sau đây là một số phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ em:
1. Sử dụng thuốc
Cũng giống như người lớn, khi trẻ gặp phải bệnh lý này, bác sĩ thường sẽ kê toa một số loại thuốc Tây trong điều trị. Mục đích của việc dùng thuốc là giúp cải thiện triệu chứng và ức chế sự tiến triển của bệnh. Từ đó giúp sụn khớp có thời gian để chữa lành các tổn thương.
Bác sĩ có thể chỉ định một số nhóm thuốc như:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Kháng sinh chống nhiễm trùng
- Corticosteroid
- Thuốc chống thấp khớp
**Lưu ý: Trẻ em là đối tượng nhạy cảm nên cần cẩn trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Bạn nên theo dõi sát sao quá trình dùng thuốc của trẻ để tránh hiện trạng dùng thiếu hay quá liều. Thường xuyên thăm khám để bác sĩ kiểm soát bệnh và điều chỉnh toa thuốc cho trẻ trong những trường hợp cần thiết.
2. Các biện pháp hỗ trợ
Ngoài việc dùng thuốc thì bạn nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ để giúp triệu chứng tràn dịch khớp gối ở trẻ nhanh chóng được cải thiện hơn. Một số liệu pháp như massage hay chườm lạnh rất phù hợp cho trẻ trong lúc này.
- Massage: Bạn có thể thực hiện các động tác xoa bóp hay day miết lên vùng khớp gối của trẻ. Nên tác động với lực vừa đủ dể tránh gây tổn thương mô mềm hay vùng da phía ngoài. Việc massage sẽ giúp cải thiện lưu thông máu đồng thời giúp trẻ thư giãn và dễ chịu hơn.
- Chườm lạnh: Do tràn dịch khớp gối thường đi kèm với triệu chứng sưng nên thực hiện việc chườm lạnh là hợp lý. Có thể cho đá vào túi chườm rồi áp lên đầu gối của trẻ. Thời gian chườm chỉ nên giới hạn trong khoảng 10 – 15 phút, bởi da của trẻ thường nhạy cảm, rất dễ bị bỏng lạnh.
Bên cạnh đó, bạn cần nhắc nhở trẻ nghỉ ngơi và rèn luyện hợp lý. Tránh chạy nhảy hay vận động mạnh bởi sẽ khiến các triệu chứng xuất hiện dày đặc hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình chữa bệnh.
3. Phẫu thuật
Nếu các phương pháp bảo tồn không đem lại kết quả điều trị khả quan, tình trạng bệnh nghiêm trọng thì việc can thiệp ngoại khoa có thể sẽ được bác sĩ cân nhắc.
Rút dịch khớp hay nội soi khớp là hai phương pháp thường được áp dụng với đối tượng trẻ em. Phẫu thuật cho trẻ thường rất dễ gặp phải các vấn đề rủi ro, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành.
Ngăn ngừa chứng tràn dịch khớp gối ở trẻ em
Công tác phòng bệnh luôn là yếu tố quan trọng để bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của trẻ. Đối với bệnh tràn dịch khớp gối, cần thực hiện một số biện pháp dự phòng như sau:
- Cho trẻ rèn luyện và chơi những môn thể thao phù hợp với độ tuổi cũng như thể trạng. Tránh để trẻ vận động mạnh với cường độ cao.
- Thiết lập cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh. Nên tăng cường vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng và chăm sóc tốt sức khỏe xương khớp. Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, muối đường.
- Xây dựng cho trẻ chế độ sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ. Hướng dẫn trẻ duy trì những tư thế tốt khi học tập, nghỉ ngơi hay vui chơi.
- Kiểm soát cân nặng cho trẻ ở mức ổn định. Nếu trẻ bị béo phì, nên gặp bác sĩ để nhận tư vấn về xây dựng chế độ ăn uống cũng như luyện tập để giảm cân an toàn.
- Thường xuyên đưa trẻ đi khám định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe. Đồng thời có thể phát hiện sớm nếu có bệnh lý khởi phát.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em. Bạn nên cẩn trọng khi cơ thể trẻ xuất hiện những dấu hiệu của bệnh. Cần sớm thăm khám và thực hiện tốt phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời nên xây dựng chế độ chăm sóc trẻ tại nhà khoa học để rút ngắn thời gian điều trị.