Tổng hợp hình ảnh X Quang bệnh thoái hóa khớp gối

 Thoái hóa khớp gối là căn bệnh xương khớp phổ biến ở độ tuổi trung niên. Bệnh nhân nếu được điều trị sớm có thể phục hồi được chức năng xương khớp, tránh biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động về sau. Phương pháp chụp X quang đem lại kết quả chẩn đoán tương đối chính xác, thông qua hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với bệnh nhân.

Tổng hợp hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối
Tổng hợp những hình ảnh thoái hóa khớp gối trong từng giai đoạn

Bệnh thoái hóa khớp gối có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào,  nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Thoái hóa khớp gối là kết quả của việc sụn và xương dưới sụn bị hủy hoại. Khi khớp gối bị ảnh hưởng và biến dạng về mặt hình thái, các tế bào sụn cũng thay đổi về mặt cơ sinh học và hóa sinh. Thoái hóa khớp gối gây ra những cơn đau nhức âm ỉ ảnh hưởng đến cuộc sống. Nguy hiểm nhất phải kể đến khả năng teo cơ, liệt vĩnh viễn. Chính vì vậy mà chẩn đoán thoái hóa khớp gối sớm có ý nghĩa quan trọng trong điều trị bệnh.

Những kỹ thuật giúp chẩn đoán phát hiện thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối tương tự như những tổn thương xương khớp khác, bệnh có thể được chẩn đoán chính xác qua các xét nghiệm dịch khớp và hình ảnh.  Bệnh nhân cần phải chủ động khám và điều trị sớm bệnh để ngăn ngừa quá trình thoái hóa thêm, hạn chế tàn phế xảy ra.

Để có thể chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối, trước tiên bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám khớp gối và toàn thân, chỉ định một số xét nghiệm máu, chụp X-quang khớp gối, siêu âm khớp gối, nội soi khớp, chụp cộng hưởng từ…. Cụ thể những phương pháp chẩn đoán khớp gối chính xác gồm:

1. Chụp X.quang khớp gối

hình ảnh thoái hóa khớp gối
Phương pháp chụp X quang khớp gối đem lại hình ảnh chẩn đoán tương đối chính xác ở giai đoạn đầu của bệnh

Thông quan hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối cho thấy các tổn thương tại khu vực khớp về mặt hình ảnh. Bác sĩ chỉ định thực hiện X – quang khớp gối nhằm xác định:

  • Tình trạng hẹp khi khớp
  • Mức độ đặc xương dưới sụn
  • Mức độ mọc gai xương

2. Siêu âm khớp

Đặc điểm siêu âm khớp gối thoái hóa:

  • Giúp đánh giá được độ dày sụn khớp
  • Phát hiện tổn thương tràn dịch khớp
  • Phát hiện tình trạng hẹp khe khớp, gai xương.

3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Phương pháp chụp cộng hưởng từ được áp dụng cho những bệnh nhân có cấu trúc khớp xương phức tạp, hoặc vì lý do khác mà ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán. Đối với những trường hợp khó phát hiện, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp MRI, đây là phương pháp giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian 3 chiều. Từ đó phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.

4. Nội soi khớp

Phương pháp nội soi khớp được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ trường hợp thoái hóa khớp do các nguyên nhân bất thường gây ra. Nội soi giúp bác sĩ quan sát trực tiếp được các tổn thương thoái hóa của sụn khớp từ bên trong ở các mức độ khác nhau. Từ siêu âm khớp kếp hợp với màng hoạt dịch để làm xét nghiệm tế bào chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

5. Các xét nghiệm khác

  • Xét nghiệm máu và sinh hóa.
  • Xét nghiệp dịch khớp.
Hình ảnh thoái hóa khớp gối
Đặc trưng của thoái hóa khớp gối là sự hình thành các gai xương gây đau nhức

Chụp X-quang giúp gì trong chẩn đoán bệnh lý khớp gối?

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối được áp dụng phổ biến nhất là chụp x quang khớp. Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể xác định tình trạng xương khớp gối đã được chụp. Phụ thuộc vào vị trí tổn thương mà góc chụp có thể khác nhau (thẳng, nghiêng, chếch,…). Ngoài phản ánh được hình ảnh thoái hóa khớp gối, thông qua chụp X-quang có thể giúp nhìn thấy các vấn đề về khớp gối, bao gồm:

  • Hẹp khe khớp: Tình trạng không đồng đều tại các khe và bờ khớp.
  • Đặc xương dưới sụn: Thường gặp phải ở phần đầu xương nơi tiếp xúc với sụn khớp, thông qua hình ảnh X-quang cho thấy tại phần xương đặc có một số hốc nhỏ sáng hơn.
  • Mọc gai xương: Tại vùng tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch có sự xuất hiện của gai xương. Qua X-quang có thể nhìn thấy hình ảnh gai xương thô và đặc. Còn có thể phát hiện các mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.
  • Tiêu xương: Ở trong vùng tiêu xương, mật độ cản quang có thể đồng nhất hoặc có vách ngăn, kèm theo đó là sự xuất hiện hình vôi hóa hoặc hình nốt cản quang đậm do mảnh xương chết tạo nên.
  • Loãng xương: Cho thấy mức độ rỗng của xương, giảm canxi trong xương khiến cho các vân xương và bè xương. Những hình ảnh này thường hiện rõ trên phim chụp.

Phương pháp chụp X-quang đóng vai trò rất quan trọng trong khâu chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến khớp gối. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn khác và giúp xác định mức độ bệnh để có hướng điều trị hiệu quả nhất. Cụ thể đối với bệnh thoái hóa khớp gối, phương pháp X-quang giúp xác định hình ảnh gai xương, cùng với các yếu tố khác (chọc dịch khớp nhằm giúp xác định dịch có thoái hóa không, căn cứ vào yếu tố tuổi tác, có biểu hiện bị cứng khớp dưới 30 phút, khó khăn trong vận động…).

Ngoài ra phương pháp X-quang còn giúp xác định các mức độ thoái hóa khớp. Từ những thăm khám tổng quát đó sẽ giúp đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân:

  • Giai đoạn 1: Gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai
  • Giai đoạn 2: Mọc gai xương nhìn thấy rõ
  • Giai đoạn 3: Hẹp khe khớp ở mức vừa
  • Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp nhiều kèm theo xơ xương dưới sụn

Hình ảnh X-quang thường được kết hợp với kết quả thăm khám để đưa ra chẩn đoán phân biệt giữa các bệnh lý khớp gối. Nếu như hình ảnh thoái hóa khớp gối có sự xuất hiện của gai xương thì viêm khớp gối sẽ có dấu hiệu bào mòn, mất khoáng ở đầu xương thành dải, khe khớp hẹp, đối với bệnh giả gút có hình ảnh vôi hóa sụn khớp,…

Các dấu hiệu sớm của bệnh lý khớp gối

hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối
Khớp gối bị đau âm ỉ, vận động kém, có tiếng lộc cộc khi đi lại là những dấu hiệu của thoái hóa

Việc thực hiện x quang thường được bác sĩ chỉ định trong quá trình thăm khám của bệnh nhân. Tuy nhiên nếu bệnh tiến triển ở mức nặng hơn, không thể xác định qua hình ảnh thì việc chẩn đoán sẽ phức tạp hơn. Ngay khi thấy những dấu hiệu thoái hóa khớp gối sau, bạn cần được kiểm tra ngay:

  • Cơn đau âm ỉ tại vùng khớp gối, đau nhiều khi vận động và thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau diễn biến kéo dài, có thể tiến triển thành từng đợt, mức độ dài ngắn khác nhau.
  • Bạn gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày như bước lên hoặc xuống cầu thang, đứng dậy, đi bộ…
  • Khớp gối bị cứng vào buổi sáng, thường có tiếng lục khục khi bạn vận động khớp
  • Dùng tay sờ vào có thể thấy các “chồi xương” ở quanh khớp gặp trong gai xương
  • Teo cơ do ít vận động, kèm theo đó là tình trạng tràn dịch khớp do phản ứng viêm thứ phát ở màng hoạt dịch.

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là những người nằm trong độ tuổi trung niên. Thoái hóa khớp gối khiến sụn và xương dưới sụn bị hủy hoại, khớp gối dần bị biến dạng về mặt hình thái, các tế bào sụn thay đổi về cơ sinh học và hóa sinh. Để đảm bảo việc áp dụng các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối mang đến hiệu quả tốt, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị đúng mức độ bệnh lý.

Dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR ( American College of Rheumatology – tên của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ ). Tiêu chuẩn này được quy định 5 triệu chứng thoái hóa khớp gối cơ bản được đề ra như sau:

  • Dựa trên hình ảnh phim chụp X – quang thấy có gai xương ở rìa khớp
  • Dựa vào chất ở dịch khớp đã bị thoái hóa
  • Dựa vào đối tượng mắc bệnh là người trên 38 tuổi
  • Dựa vào những triệu chứng cứng khớp nhưng không kéo dài quá 30 phút.
  • Dựa vào khớp gối có tiếng lục khục khi cử động khớp.
hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động và cuộc sống của người bệnh nếu không điều trị sớm

Ngoài 5 triệu chứng cơ bản, ACR còn đưa ra một số các triệu chứng khác như tình trạng ớp gối bị tràn dịch hoặc bệnh nhân bị biến dạng đầu gối do các gai xương gây ra. Nguyên nhân có thể do thoái hóa khớp gối hoặc có thể do trục khớp gối bị lệch.

Căn cứ vào các triệu chứng này, chuyên gia phân tích ACR cho rằng bệnh nhân bị mắc bệnh thoái hóa khớp gối trong các trường hợp:

  • Có các triệu chứng 1, 2, 3, 4
  • Hoặc 1, 2, 5
  • Hoặc 1, 4, 5

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang khớp gối?

Chẩn đoán hình ảnh qua phương pháp chụp X quang là thủ thuật nhanh chóng và đơn giản. Những điều bạn cần chuẩn bị trước khi thực hiện thủ thuật này gồm:

  • Phương pháp x quang có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh sản.
  • Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe khác đang gặp phải, bệnh nhân ung thư hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trì cần thông báo với bác sĩ.
  • Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để giữ nguyên, thay thế hoặc ngừng sử dụng trước khi chụp x quang vì một số loại thuốc có thể gây cản quang.
  • Khi chụp x quang bắt buộc bạn phải gỡ bỏ các vật dụng cản quang ra khỏi cơ thể như đồng hồ, nhẫn,… trước khi vào chụp X-quang.

 Đọc hình ảnh X quang khớp gối bị thoái hóa

Thông qua hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối, bệnh nhân sẽ biết được mức độ tổn thương tại khớp và có phương án điều trị, chăm sóc phù hợp. Đối với hình ảnh xương khớp khỏe mạnh, hình ảnh xương và khớp bình thường có cấu trúc như sua:

Các xương dài hay còn gọi là xương ống bao gồm: đầu xương ( xương xốp); thân xương có thành phần cản quang lớn là xương đặc (vỏ xương) và ống tủy không cản quang. Trong xương bao gồm các đầu sụn, sụn nằm viền ở bờ xương và sụn tiếp hợp ở các đầu xương (ở người trẻ). Màng xương không cản quang nên không thấy được trên phim.

Các xương dẹt và xương con: Có thành phần chủ yếu là xương xốp được bao bọc bởi một lớp xương đặc rất mỏng xung quanh nên khả năng cản quang kém.

Khớp: Trên phim của khớp là các đầu xương của khớp, và khe khớp. Khe khớp thường rộng vì phần sụn đầu xương còn nhiều. Còn lại các thành phần khác không cản quang là sụn chêm, bao hoạt dịch, dây chằng chỉ thấy được trên phim chụp cộng hưởng từ. Trên phim chụp X quang quy ước các thành phần này chỉ thấy được khi bị vôi hoá.

Hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối cho thấy các gai xương ở vùng rìa của đầu xương, dày đậm xương dưới sụn, hẹp khe khớp và đôi khi có hình một số ổ khuyết xương nhỏ ở đầu xương. Phim cung cấp dấu hiệu để chẩn đoán xác định các bệnh khớp gối. Cùng với các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng khác, người bệnh sẽ biết được mức độ bệnh và liệu trình điều trị tốt nhất.

hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối
Hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối cho thấy các bất thường ở khớp
hình ảnh thoái hóa khớp gối
Cận cảnh hình ảnh khớp gối bị thoái hóa thông qua ảnh chụp x quang
hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối
Khớp gối có dấu hiệu bị biến dạng do thoái hóa gây ra

Chụp X-quang đầu gối bao nhiêu tiền?

Chụp X-quang đầu gối thuộc nhóm dịch vụ xét nghiệm – chẩn đoán khá phổ biến. Bệnh nhân không cần đến bệnh viện mà có thể tìm đến các phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện – quận trở lên.  Trung bình mức chi phí chụp X-quang đầu gối tại các cơ sở, địa chỉ không quá cao, từ 100.000 – 200.000 VNĐ/lần chụp, ngoài ra tại các cơ sở y tế áp dụng, bảo hiểm được hỗ trợ.

Các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một trong những dấu hiệu lão hóa của cơ thể. Không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng thoái hóa khớp, nhưng bạn vẫn có thể làm chậm quá trình này bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa hợp lý. Sau đây là những phương pháp phòng tránh thoái hóa khớp gối tiến triển xấu mà bạn có thể tham khảo thực hiện:

  • Duy trì tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt.
  • Hạn chế những công việc nặng nhọc, mang vác nặng…
  • Không nên thực hiện các động tác mạnh, nhanh, đột ngột.
  • Kiểm soát tốt cân nặng của bản thân, tránh để xảy ra béo phì, thừa cân.
  • Nên thăm khám, điều trị dứt điểm các chấn thương ở khớp gối.
  • Tập luyện thể dục, thể thao hợp lý, luyện tập nhẹ nhàng, hoặc đi bộ đạp xe
  • Bổ sung dinh dưỡng đủ chất, đặc biệt là nguồn canxi, đạm, chất xơ và vitamin.
  • Uống đủ nước để tăng cường hoạt động sản sinh dịch khớp.

Hi vọng với thông tin trong bài viết,  những hình ảnh x quang thoái hóa khớp gối đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng tổn thương của bản thân. Người bệnh nên liên hệ với cơ sở y tế dự định chụp X-quang để được hướng dẫn điều trị từ bác sĩ. Ngoài ra, hãy tìm đến cơ sở chụp uy tín, có bác sĩ chẩn đoán để có kết quả chính xác và được tư vấn, chữa bệnh tận tình.