Thường xuyên đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống nên làm gì

Thường xuyên bị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống có thể là triệu chứng bất thường, người bệnh nên cẩn thận. Bởi đây có thể là dấu hiệu cơ thể muốn cảnh báo khớp xương có vấn đề.

Đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống là bệnh gì?
Đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống – Dấu hiệu bất thường liên quan đến các bệnh xương khớp.

Đau khớp gối đứng lên ngồi xuống dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Người bình thường khi đứng lên ngồi xuống thường không có bất kỳ biểu hiện đau nhức. Tuy nhiên, nếu đứng lên và ngồi xuống gây đau khớp gối, đây có thể là triệu chứng bất thường. Người bệnh nên chú ý theo dõi, bởi biểu hiện đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống có thể là dấu hiệu của căn bệnh xương khớp nào đó. Chẳng hạn như:

1. Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng phần xương sụn và đĩa đệm giữa 2 xương đầu gối bị hư hỏng do xương khớp bị lão hóa. Từ đó dẫn đến tình trạng các khớp xương va chạm vào nhau khi di chuyển hoặc đứng lên ngồi xuống, gây đau nhức.

Ban đầu đau chỉ ở mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng về lâu dài, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức tăng lên dữ dội, cản trở quá trình vận động. Thậm chí trong nhiều trường hợp bệnh nặng, khớp gối có thể bị biến dạng, teo cơ và gây bại liệt.

2. Bệnh viêm khớp gối

Viêm khớp gối là tình trạng viêm nhiễm ở khớp gối gây đau nhức và tê buốt. Người bệnh có thể cảm thấy đau ngay cả khi không hoạt động. Nguyên nhân gây viêm khớp gối có thể là do khớp gối bị chấn thương hoặc do viêm khớp gối tràn dịch hoặc do lão hóa xương khớp,…

Theo các chuyên gia xương khớp, không phải ai bị viêm khớp gối cũng đều gặp phải những hệ lụy nghiệm trọng. Tuy nhiên, nếu người bệnh không tiến hành chữa trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như biến dạng ở khớp đầu gối, thậm chí nặng hơn có thể gây bại liệt chân.

3. Bệnh gout

Bệnh gout hay còn gọi là thống phong là một dạng của viêm khớp gây đau và sưng đỏ ở các khớp. Bệnh xảy ra khi cơ thể dung nạp quá nhiều thực phẩm giàu purin dẫn đến một lượng lớn acid uric tích tụ trong máu và gây viêm.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh gout là tình trạng đau nhức xuất hiện đột ngột vào ban đêm khiến người bệnh khó chịu và mất ngủ. Bệnh có thể trị được nếu người bệnh tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị bác sĩ đề ra.

4. Bệnh tràn dịch khớp gối

Bệnh tràn dịch khớp gối là hiện tượng chất lỏng hoạt dịch dư thừa và tích tụ nhiều trong khớp gối hoặc các bộ phận xung quanh khớp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh tràn dịch khớp gối vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh xảy ra có thể là do chấn thương dây chằng đầu gối, các bệnh lý liên quan đến khớp xương hoặc do nhiễm trùng.

Đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống
Bệnh tràn dịch khớp gối thường xuất hiện ở người có độ tuổi từ 55 trở lên, người vận động nặng hoặc thường xuyên chơi thể thao.

Tràn dịch khớp gối thường gây sưng, cứng khớp và đau. Và các triệu chứng này sẽ không tự khỏi nếu người bệnh không can thiệp phương pháp điều trị y khoa. Một vài biến chứng thường gặp của tràn dịch khớp gối như khớp bị tê cứng gây khó khăn trong việc vận động, nặng hơn các khớp có thể bị phá hủy. Vì vậy, bệnh nhân cần phát hiện và điều trị sớm.

5. Bệnh khô khớp gối

Khác với bệnh tràn dịch khớp gối, khô khớp gối là hiện tượng chất lỏng bôi trơn giữa các khớp xương được điều tiết quá ít dẫn đến sự ma sát giữa xương sụn với các khớp xương giảm dần, gây đau. Nhìn chung, căn bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do cơ thể tổng hợp hoạt chất Glucosamine giảm.

Đối với bệnh khô khớp gối, người bệnh chỉ cần bổ sung thực phẩm giàu chất glucosamine như thịt bò, gà, vịt, thủy hải sản,… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng viên uống chứa Glucosamine để giúp cân bằng thành phần trong cơ thể, hỗ trợ giảm đau ở đầu gối.

Cần làm gì khi bị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống?

Khi bị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám. Dựa vào căn nguyên gây bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ bác sĩ sẽ thiết lập biện pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các biện pháp đơn giản sau đây để cải thiện triệu chứng đau ở đầu gối.

1. Tập thể dục

Tập thể dục là một trong những cách giúp kiểm soát triệu chứng đau, đồng thời giúp trì hoãn sự phát triển của viêm xương khớp. Các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe của mô và sụn, mang lại nhiều tác dụng có lợi đối với khớp gối. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên còn giúp máu lưu thông nuôi dưỡng các khớp tốt, tăng khả năng tái tạo sụn và giúp bệnh bình phục sớm.

Người bị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc các động tác thể dục nhịp điệu dưới nước. Bởi cách làm này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng lên khớp gối. Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng các động tác tăng cường sức mạnh cơ bắp để bảo vệ khớp gối như:

  • Thực hiện thao tác duỗi thẳng và nâng một chân lên trong khi đang ngồi hoặc nằm.
  • Đứng thẳng trên sàn nhà từ từ nâng gót chân lên đến mức cao nhất có thể rồi sau đó hạ xuống. Thực hiện động tác 10 – 15 lần.
  • Ngồi trên ghế và sau đó đứng lên rồi ngồi liên tục trong 1 phút. Thực hiện động tác chậm rãi, có kiểm soát và không được dùng tay để hỗ trợ đứng lên ngồi xuống.

⇒ Lưu ý: Mặc dù thể dục giúp ngăn ngừa bệnh đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống nhưng người bệnh nên dừng lại nếu đầu gối có dấu hiệu sưng lên đột ngột hoặc đau nhức nhiều hoặc mất khả năng giữ thăng bằng.

2. Giảm cân và ăn kiêng

Đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống cũng có thể là do dư thừa trọng lượng. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống trong thời gian dài, đồng thời ngăn ngừa viêm khớp diễn ra, bệnh nhân nên thực hiện chế độ giảm cân.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và ít chất béo không chỉ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe mà còn giúp giảm cân, giảm đau. Bệnh nhân có thể áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải giàu rau củ, trái cây, các loại đậu, hải sản và ít thịt động vật, chất đường để giảm cân.

3. Chườm nóng và lạnh

Nước đá có thể giúp giảm đau và viêm. Vì vậy, người bệnh có thể sử dụng một miếng vải bọc đá và chườm lên vùng khớp gối khoảng 20 phút sẽ giúp cải thiện triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên chườm đá trực tiếp lên da, vì điều này có thể dẫn đến tình trạng phỏng lạnh.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng nước nóng để giảm đau. Nhiệt sẽ giúp các cơ bắp và khớp xương thư giã, cải thiện bôi trơn và giúp giảm tình trạng co cứng khớp.

Điều trị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống
Sử dụng nước đá hoặc nước ấm để điều trị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống.

4. Massage

Hiệp hội Trị liệu Massage Hoa Kỳ (AMTA) khuyến nghị, người bị đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống nên thực hiện các động tác massage, xoa bóp để giảm đau đầu gối. Bệnh nhân có thể thực hiện động tác massage sau đây trong tư thế ngồi với đầu gối hướng về phía trước và bàn chân phẳng trên sàn.

  • Động tác 1: Khép hai bàn tay lại thành nắm đấm và chạm vào đùi trên và dưới, giữa 10 lần. Lặp lại động tác 3 lần.
  • Động tác 2: Dùng 4 ngón tay nhấn vào phần mô ở đầu gối và các vùng xung quanh. Trong quá trình xoa bóp, nên di chuyển tay lên xuống 5 lần.
  • Động tác 3: Đặt lòng bàn tay lên trên đùi rồi lướt xuống đùi qua đầu gối. Sau đó, vuốt ngược lại. 

⇒ Lưu ý: Trong quá trình massage để tăng hiệu quả giảm đau, người bệnh có thể sử dụng tinh dầu gừng hoặc mè để xoa bóp chung.

5. Nghỉ ngơi 

Nghỉ ngơi có thể làm giảm nguy cơ chấn thương thêm ở các mô và phần sụn khớp. Và đây cũng là cách giúp sụn khớp tái tạo nhanh và chữa lành mô, giảm đau nhức. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bệnh nhân là không chỉ nên tập trung vào vấn đề nghỉ ngơi mà không thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Bởi cách làm này có thể khiến khớp co cứng, cơ yếu dần và hậu quả có thể là khớp bị biến dạng, mất khả năng vận động.

6. Thuốc

Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát triệu chứng đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống. Các loại thuốc thường được dùng như acetaminophen, celecoxib, naproxen, ibuprofen,…

Đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống có thể là biểu hiện của bệnh lý về xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh không thể tự xác định chính xác căn bệnh dẫn đến triệu chứng này thông qua cảm quan thông thường. Do đó, cách tốt nhất để kiểm soát triệu chứng này, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám.