Thuốc giảm axit uric trong máu nên dùng loại nào & cần lưu ý gì?
Kiểm soát nồng độ axit uric trong máu là một trong những mục tiêu điều trị bệnh gút lâu dài. Vậy, ngoài cân bằng chế độ ăn uống giúp cải thiện triệu chứng bệnh, người bệnh nên sử dụng những loại thuốc giảm axit uric trong máu nào để điều trị gút có xuất hiện hạt Tophi?
Thuốc giảm axit uric trong máu nên dùng loại nào?
Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, có rất nhiều thuốc giảm axit uric được phê duyệt dùng trong điều trị bệnh và thuốc được chia thành các nhóm chính như nhóm thuốc tiêu hủy axit uric, nhóm tăng thải trừ axit uric và nhóm thuốc giảm tổng hợp axit uric hay còn gọi là thuốc ức chế men Xanthine Oxidase.
1. Nhóm thuốc tiêu hủy axit uric
Nhóm thuốc tiêu hủy axit uric bao gồm Rasburicase và Pegloticase. Hai loại thuốc này được chấp thuận sử dụng điều trị bệnh gút vào năm 2010. Thuốc thường dược dùng dưới dạng truyền. Cứ hai tuần truyền 9ml và truyền ít nhất trong 6 tháng.
Tuy nhiên, do thuốc có tính hạ axit uric trong máu nhanh nên có tác dụng phụ là làm tái phát cơn gút nhanh. Bên cạnh đó, hai loại thuốc này cũng gây kháng thuốc sau vài tháng điều trị.
Một số phản ứng phụ thường gặp khi sử dụng nhóm thuốc tiêu hủy axit uric như:
- Khó thở
- Đau ngực
- Bốc hỏa
- Sốc phản vệ
2. Nhóm tăng thải trừ axit uric
Một vài nghiên cứu cho thấy, tăng hàm lượng axit uric trong máu có thể là do giảm đào thải axit uric qua thận. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc tăng thải axit uric chính là giải pháp được lựa chọn để tống xuất axit uric ra ngoài, giúp hỗ trợ điều trị bệnh gút.
Một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc tăng thải axit uric thường được sử dụng để hạ axit uric máu nhanh, đồng thời giải quyết các hạt Tophi như:
+ Probenecid
Là thuốc ức chế men URAT1 nhưng thuốc chưa được sử dụng nhiều trên lâm sàng bởi thuốc không có tính chọn lọc và tương tác với nhiều loại thuốc khác.
+ Lesinurad (RDEA594)
Thuốc được đưa ra thị trường vào năm 2015. Cơ chế đầu tiên của thuốc là khả năng ức chế men URAT1. Đồng thời, thuốc có tác dụng lên các kênh như OAT1, OAT3 và cả OAT4 giúp tránh tình trạng tương tác thuốc.
Lesinurad được dưa vào thử nghiệm pha 3 vào năm 2012, thường dùng điều trị phối hợp với các nhóm thuốc ức chế men XO (bao gồm febuxostat và allopurinol) ở bệnh nhân mắc bệnh gút có sự xuất hiện của các hạt Tophi. Bên cạnh đó, thuốc chống chỉ định sử dụng ở những trường hợp ghép thận, suy chức năng thận, người bệnh có hội chứng ly giải khối u, bệnh nhân lọc máu hoặc người mắc hội chứng Lesch Nyhan.
3. Nhóm thuốc giảm tổng hợp axit uric
+ Allopurinol
Nhóm thuốc này được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt và cho sử dụng điều trị bệnh gút từ năm 1966 cho đến nay. Allopurinol là loại thuốc giảm tổng hợp axit uric và có thể chuyển hóa thành oxypurinol đào thải qua thận nhanh chóng. Thuốc được chỉ định dùng trong trường hợp viêm khớp gút, hội chứng Lesch-Nyhan, bệnh sỏi thận và bệnh đa u tủy xương.
Ở Mỹ, liều dùng khởi đầu của Allopurinol thường được khuyến cáo là 100 mg/ngày. Liều lượng sẽ tăng dần lên sau mỗi 2 – 4 tuần cho đến khi đạt được nồng độ axit uric trong máu < 6 mg/dl. Liều dùng tối đa mỗi ngày là 800 mg/ngày, còn ở các nước Châu Âu là 900 mg/ngày.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Allopurinol như:
- Ban đỏ
- Kích ứng dạ dày ruột
- Hội chứng Steven-Johnson
- Hội chứng tăng nhạy cảm với Allopurinol (AHS) (hội chứng này rất hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân mắc phải là 2 – 8%)
Bệnh nhân bị suy thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Allopurinol để tránh những biến chứng không may có thể xảy ra. Đồng thời không nên dùng thuốc này chung với Amoxicillin và Ampicillin, vì chúng tương tác với nhau làm tăng tác dụng phụ.
+ Febuxostat
Thuốc Febuxostat được FDA chấp thuận sử dụng vào năm 2009 với mục đích điều trị tăng axit uric trong máu ở những bệnh nhân mắc bệnh gút. Loại thuốc này thường được chỉ định dùng hạ axit uric máu ở người bệnh bị dị ứng với thuốc Allopurinol.
Tuy nhiên, Febuxostat không chỉnh định dùng ở trường hợp tăng axit uric trong máu nhưng không có triệu chứng bệnh gút. Ngoài ra, người bị bệnh tim mạch cũng nên thận trọng khi dùng thuốc. Thuốc thanh thải chủ yếu qua gan nên có thể dùng được ở những bệnh nhân có chức năng thận bị suy giảm.
Liều lượng được chấp nhận tại Mỹ là 40 – 80 mg/ngày và ở Châu Âu là 120 mg/ngày, còn ở Nhật Bản 10 – 60 mg/ngày.
+ Topiroxostat
Loại thuốc này được chấp thuận điều trị bệnh gút tại Nhật Bản vào năm 2013. Liều lượng khởi đầu được khuyến cáo thường là 20 mg x 2 lần/ngày và liều dùng tối đa mỗi ngày là 80 mgx 2 lần/ngày.
Những lưu ý khi dùng thuốc giảm axit uric trong máu
Trong quá trình sử dụng thuốc giảm axit uric trong máu, người bệnh nên lưu ý những điều sau đây:
- Nên sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều lượng. Cụ thể, nếu gút xuất hiện với cơn đau cấp tính, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau. Còn đối với trường hợp nếu bệnh kèm theo triệu chứng ửng đỏ, sưng tấy cần sử dụng thuốc colchicine và kháng viêm. Sau khi cơn đau gút cấp tính qua đi, người bệnh mới nên dùng đến thuốc giảm axit uric trong máu. Tốt nhất nên sử dụng từ liều nhỏ đến lớn.
- Nên theo dõi phản ứng của cơ thể trong quá trình sử dụng thuốc giảm axit uric trong máu. Bởi đây là loại thuốc rất dễ gây dị ứng và hình thành nhiều phản ứng nguy hiểm khiến bệnh thêm phức tạp.
- Không nên sử dụng thuốc nếu tỷ lệ axit uric trong máu quá cao (> 8-10 mg/dl) mà không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh gút xuất hiện
- Nên thay đổi chế độ ăn uống khoa học. Người bệnh nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây cho cơ thể và hạn chế dung nạp thực phẩm chứa nhiều chất béo, đạm,… Đồng thời nên kiêng hút thuốc lá và rượu bia.
Trên đây là các loại thuốc giảm axit uric thường được bác sĩ sử dụng để cải thiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, không phải ai bị gút cũng có thể sử dụng thuốc này. Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ rủi ro, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để được hướng dẫn cụ thể.