Thuốc allopurinol điều trị gout: Giá bán, cách dùng & lưu ý
Thuốc allopurinol thường được bác sĩ kê toa trong điều trị bệnh gout, đặc biệt là gout mãn tính. Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong điều trị các bệnh có liên quan đến sự gia tăng nồng độ acid uric trong máu. Cần dùng thuốc đúng cách để nhận được kết quả điều trị tốt.
Một số thông tin về thuốc allopurinol điều trị gout
Tìm hiểu thông tin về thuốc allopurinol sẽ giúp bạn hạn chế được các vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng. Dưới đây là một số thông tin cơ bản nhất:
1. Thành phần
Hoạt chất allopurinol 300mg là thành phần chính có trong thuốc trị gout allopurinol. Thành phần này có tác dụng làm giảm việc sản xuất acid uric cả ở trong máu và trong nước tiểu.
Ngoài ra thuốc còn chứa nhiều thành phần tá dược khác. Bao gồm Lactose, starch 1500, Màu sunset yellow, Povidon, Croscarmellose sodium, Aerosil trong vừa đủ 1 viên nén.
2. Công dụng
Thuốc allopurinol có công dụng ngăn ngừa hay làm giảm sự lắng đọng tinh thể muối urat tại các khớp và tại thận. Từ đó sẽ giúp ức chế sự xảy ra hoặc tiến triển của tình trạng viêm khớp trong bệnh gout hay bệnh thận do urat.
Bên cạnh đó, thuốc allopurinol còn được sử dụng với mục đích để dự phòng cơn gout cấp mới. Ngoài ra, loại thuốc này còn có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric máu trong thời gian bệnh nhân hóa trị để điều trị ung thư nhưng lại bị tăng acid uric.
3. Chống chỉ định
Thuốc allopurinol chống chỉ định với các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ đang mang thai hay đang trong quá trình cho con bú
- Người bị mẫn cảm hay dị ứng với allopurinol và các thành phần khác trong thuốc
- Không dùng trong điều trị cơn gout cấp
- Tuyệt đối không dùng kết hợp với xanturic
4. Dược lực học
Hoạt chất allopurinol dùng để hỗ trợ khắc phục tình trạng tăng acid uric máu liên quan tới bệnh gout mãn tính. Nó giúp ức chế quá trình hình thành acid uric. Trong đó chất bị ức chế ở đây cụ thể là xanthin oxydase – một enzyme làm chất xúc tác tổng hợp sinh học của acid uric.
Allopurinol có khả năng làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Đồng thời làm giảm lượng urat trong cả huyết tương, nước tiểu và các tiền chất oxypurin. Điều này sẽ giúp phòng ngừa và điều trị sỏi thận do sự tích cụ canxi oxalat và 2,8 – dihydroxyadenine.
Allopurinol cùng với chất chuyển hóa của nó là oxypurinol sẽ cùng ức chế enzyme xanthin oxydase. Từ đó giúp làm giảm nồng độ acid uric sau khoảng từ 24 – 48 giờ.
5. Dược động học
Thuốc allopurinol được hấp thu hoàn toàn qua đường tiêu hóa và thường đạt tốc độ tối đa sau khi uống khoảng 4 giờ. Thuốc ít liên kết với protein trong huyết tương, thể phân bố là 0.61/kg. Hoạt chất allopurinol thường được chuyển hóa thành oxypurinol còn hoạt tính. Hoạt chất này thải trừ qua đường nước tiểu ở dưới dạng đã chuyển hóa với thời gian bán thải khoảng 1 giờ.
Thuốc allopurinol điều trị gout dùng như thế nào? Giá bao nhiêu?
1. Cách dùng và liều lượng
Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các rủi ro phát sinh khi dùng thuốc allopurinol thì bạn cần tuân thủ liều lượng và cách dùng.
– Cách dùng:
Thuốc allopurinol được bào chế dưới dạng viên nén, được dùng uống trực tiếp với nước lọc. Tuyệt đối không sử dụng các thức uống khác để uống thuốc, kể cả sữa hay nước ép trái cây. Khi uống tuyệt đối không nghiền hay nhai viên thuốc. Bởi có thể làm thay đổi khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể và gây ra các rủi ro ngoại ý.
Thuốc allopurinol được dùng trong trường hợp nồng độ acid uric trong cơ thể cao vượt mức bình thường. Trong 24 giờ đo mức acid uric trong nước tiểu ở nữ đạt 750mg/L và ở nam là 800mg/L. Còn trong máu ở nữ đạt 595 mg/L và ở nam là 773mg/L.
Ngoài ra, thuốc allopurinol còn được dùng với mục đích để dự phòng sự kích hoạt cơn gout cấp mới. Cụ thể là với một số bệnh nhân đã bị cơn gout cấp trước đó. Sau khoảng 3 tháng điều trị, nồng độ acid uric có khả năng tăng cao trở lại. Lúc này cần dùng thuốc allopurinol để xử lý kịp thời. Và thuốc allopurinol có thể được dùng kèm với Colchicin hay thuốc kháng viêm không Steroid. Mục đích là để đưa nồng độ acid uric về mức bình thường một cách tối ưu nhất.
– Liều dùng:
Thuốc allopurinol được uống sau các bữa ăn với liều lượng cụ thể như sau:
- Đối với bệnh gout và các chứng tăng acid uric máu: Liều tối thiểu dành cho người lớn là 100mg. Còn liều trung bình 200 – 400mg, chia đều làm 2 – 4 lần uống/ ngày. Với các trường hợp bệnh nặng thì có thể uống 600 – 800mg trong vòng 24 giờ.
- Đối với bệnh vẩy nến: Dùng với liều 300 – 400mg/ ngày, chia đều làm 3 – 4 lần uống.
- Đối với bệnh ung thư: Dùng với liều 600 – 800mg/ ngày và sử dụng từng đợt 2 – 3 ngày.
- Trẻ em từ 6 đến 15 tuổi: Ngày uống 3 lần x 100mg.
Riêng với bệnh nhân suy thận thì liều đối đa ban đầu được khuyến khích là uống liều hàng ngày 100mg. Và chỉ tăng liều khi hiệu quả điều trị không được đáp ứng. Liều ít hơn 100mg/ ngày hay 100mg trong khoảng thời gian dài hơn 1 ngày được khuyến nghị cho bệnh nhân suy thận nặng.
2. Giá bán
Thuốc trị bệnh gout allopurinol hiện đang được bán rộng rãi ở rất nhiều nhà thuốc trên toàn quốc. Giá sản phẩm ở vào khoảng 24.000 đồng/ 1 hộp 2 vỉ x 10 viên mỗi vỉ. Giá thành có thể sẽ chênh lệch tùy thuộc vào từng địa chỉ bán lẻ.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc allopurinol điều trị gout
Trong quá trình dùng thuốc allopurinol điều trị gout hay các chứng tăng acid uric trong cơ thể thì cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:
1. Khuyến cáo.
Ngừng ngay lập tức việc điều trị với thuốc allopurinol nếu có bất kỳ phản ứng nào trên da hay các dấu hiệu khác của sự mẫn cảm. Không dùng lại thuốc nếu bạn đã từng có dấu hiệu mẫn cảm với allopurinol.
Trong suốt quá trình dùng thuốc, cần thường xuyên theo dõi chức năng máu, gan và thận. Cần giảm liều ở những người mắc bệnh suy thận hay suy gan. Cần chú ý rằng những bệnh nhận đang điều trị suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường hay người cao tuổi. Bởi họ cũng có khả năng bị suy thận.
Cần đảm bảo uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để giảm nguy cơ lắng đọng xanthin ở thận. Chú ý khi lái xe hay vận hành máy móc bởi thuốc allopurinol có thể khiến bạn bị buồn ngủ khi sử dụng.
Lúc đầu, khi dùng allopurinol thì nồng độ acid uric và urat trong huyết tương có thể tăng. Nguyên nhân là do hòa tan các tinh thể lắng đọng. Điều này có khả năng gây ra hoặc làm nặng thêm các đợt gout cấp. Chính vì vậy không nên bắt đầu dùng allopurinol cho tới khi đợt hút cấp đã giảm hoàn toàn.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp nhất của allopurinol là gây nổi ban trên da. Các ban có thể là dát sần gây ngứa, thỉnh thoảng có cả ban xuất huyết. Một số phản ứng quá mẫn trầm trọng hơn có thể xảy ra bao gồm hội chứng Stevens-Johnson, ban tróc vảy hay hoại tử biểu bì nhiễm độc.
Chính vì vậy, cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức nếu có phát ban xảy ra. Phản ứng quá mẫn có thể trầm trọng và thậm chí là gây tử vong. Đặc biệt, có nguy cơ cao hơn ở những người bị suy gan hay suy thận.
Bệnh nhân gout có thể sẽ bị tăng các đợt gout cấp khi điều trị bằng thuốc allopurinol. Tuy nhiên tình trạng này thường có xu hướng thuyên giảm sau khoảng vài tháng.
– Tác dụng phụ thường gặp:
- Phản ứng ngoài da: Dát sần, ban, ngứa ngáy, mề đay, ban đỏ, viêm da tróc vảy, ban xuất huyết.
– Tác dụng phụ ít gặp:
- Gan: Tăng AST, ALT, phosphate kiềm, phá hủy tế bào gan, suy gan, viêm gan, tăng bilirubin máu, vàng da.
– Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Toàn thân: Phản ứng quá mẫn nặng, ớn lạnh, toát mồ hôi, sốt, khó chịu, liken phẳng, bong móng. Ngoài ra còn có thể bị phù da, phù mặt, rụng tóc hay chảy máu cam.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, rối loạn vị giác, chán ăn, sưng tuyến nước bọt. Có thể còn bị tắc nghẽn ruột, chảy máu đường tiêu hóa, viêm trực tràng, viêm tụy xuất huyết.
- Máu: Giảm bạch cầu hay tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, xuất huyết, đông máu trong mạch rải rác, ức chế tủy xương, thiếu máu không tái tạo hay mắc bệnh hạch bạch huyết.
- Xương khớp: Phản ứng phụ dễ gặp nhất là đau nhức khớp.
- Mắt: Viêm dây thần kinh thị giác , đục thủy tinh thể, rối loạn thị giác.
- Thần kinh: Viêm dây thần kinh, đau đầu, bệnh thần kinh ngoại biên, cơn co giật, giảm trương lực, nhồi máu não, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược.
- Nội tiết: Thường gặp nhất là chứng vú to ở nam giới.
- Tiết niệu: Suy thận.
- Tim mạch: Tăng huyết áp.
– Hướng dẫn cách xử lý tác dụng phụ:
Phải ngừng ngay allopurinol khi thấy ban ở da xuất hiện, kèm theo đó là các triệu chứng dị ứng nặng hơn. Nhất là ở những người có tổn thương thận hay đang dùng thuốc lợi tiểu thiazid. Khi sử dụng allopurinol trong thời gian lâu dài cần chú ý tới tương tác thuốc.
Có thể dùng glucocorticoid để điều trị phản ứng quá mẫn. Đối với các phản ứng nặng thì phải dùng kéo dài. Ở một số người bệnh, nếu phản ứng trên da nhẹ thì có thể dùng lại thuốc thật thận trọng với liều thấp. Nhưng nếu phản ứng xuất hiện lại thì cần phải ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn.
3. Tương tác thuốc
Các chuyên gia cho biết, một số loại thuốc làm tăng nồng độ acid uric như aspirin và các salicylat có thể sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc allopurinol. Vì vậy cần tránh dùng chúng khi bị bệnh gout hay có tăng acid uric máu.
Dùng allopurinol đồng thời với các thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ urat trong huyết thanh có thể sẽ phải tăng liều allopurinol. Điển hình như các thuốc thuốc lợi niệu, pyrazinamid, diazoxid, rượu và mecamylamin.
Ngoài ra, thuốc allopurinol còn có thể xảy ra tương tác với một số thuốc dưới đây khi dùng đồng thời:
- Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin: Làm tăng phản ứng quá mẫn và nguy cơ kích hoạt các tác dụng phụ. Nhất là ở những người mắc bệnh suy thận.
- Cyclophosphamid: Khi dùng cùng allopurinol sẽ làm tăng độc tính ức chế tủy xương của thuốc cyclophosphamid.
- Thuốc chống ung thư: Allopurinol có khả năng gây ức chế chuyển hóa của mercaptopurin và azathioprin. Từ đó làm tăng độc tính của các thuốc này, nhất là gây ức chế tủy xương.
- Tamoxifen: Khi dùng đồng thời với allopurinol có thể làm tăng độc tính với gan.
- Pentostatin: Có thể gây viêm mạch dị ứng. Thậm chí là dẫn tới tử vong. Vì vậy tuyệt đối không được dùng chung allopurinol với pentostatin.
- Cyclosporin: Khi dùng chung với allopurinol có thể làm tăng nồng độ cyclosorin trong máu. Cần theo dõi nồng độ cyclosporin trong máu để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
- Các thuốc chống đông máu: Allopurinol có khả năng ức chế quá trình chuyển hóa qua gan của thuốc dicumarol. Từ đó làm tăng thời gian bán thải của loại thuốc này. Cần theo dõi tác dụng chống đông máu cũng như thời gian prothrombin ở những người dùng đồng thời dicumarol và allopurinol.
- Ampicilin hoặc amoxicilin: Khi dùng 2 thuốc này đồng thời với alloprinol sẽ làm tăng tỷ lệ bị nổi ban ngoài da.
- Các thuốc chống gout: Benzbromaron khi dùng chung với allopurinol sẽ làm giảm khoảng 40% nồng độ oxipurinol trong máu. Điều này có thể là do tăng thải trừ oxipurinol tại thận. Tuy nhiên nồng độ của allopurinol lại không bị thay đổi. Phối hợp 2 loại thuốc này sẽ giúp làm giảm nồng độc acid uric trong máy tốt hơn là dùng allopurinol riêng lẻ.
- Thuốc lợi niệu: Thiazid và acid ethacrynic khi dùng cùng với allopurinol sẽ làm tăng nồng độ của oxipurinol trong huyết thanh. Điều này làm tăng nguy cơ phát sinh độc tính nghiêm trọng của allopurinol. Bao gồm cả các phản ứng quá mẫn. Tuy nhiên allopurinol lại được dùng an toàn cùng thiazid để hỗ trợ làm giảm sự tăng acid uric trong máu gây ra do thuốc lợi niệu. Cần theo dõi chức năng thận, điều chỉnh liều lượng của allopurinol ở bệnh nhân dùng đồng thời thiazid và allopurinol.
- Allopurinol và các chất chuyển hóa của nó có thể cạnh tranh bài tiết ở thận với clopropamid. Vì vậy nếu dùng đồng thời cần quan sát các biểu hiện của hạ glucose huyết quá mức.
- Cotrimoxazol: Khi dùng đồng thời với allopurinol có thể gây giảm số lượng tiểu cầu.
4. Hướng dẫn bảo quản thuốc
Cần bảo quản thuốc allopurinol đúng cách để đảm bảo hiệu quả điều trị khi sử dụng. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, nơi khô thoáng và không có ánh nắng rọi trực tiếp. Đặc biệt là cần tránh xa tầm tay của trẻ em. Chú ý không dùng khi thuốc có dấu hiệu bị hư hỏng, ẩm mốc hay bị hết hạn sử dụng.
Thuốc allopurinol điều trị bệnh gout có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên cần chú ý sử dụng đúng cách để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro. Tốt nhất hãy dùng thuốc theo chỉ dẫn từ bác sĩ.