Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 – Vị trí & cách chữa
Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 là thuật ngữ đề cập đến tình trạng suy yếu và tổn thương ở hai đốt lưng cuối cùng. Bệnh thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và can thiệp thủ thuật ngoại khoa. Song song với các biện pháp này, bệnh nhân cần thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
Vị trí và chức năng của đốt sống lưng L4 L5
L4 và L5 là hai đốt sống cuối cùng của cột sống thắt lưng. Cột sống L4 L5 cùng với đĩa đệm, dây chằng và dây thần kinh giúp cơ thể đứng thẳng và hỗ trợ phần thân thực hiện các động tác như xoay, cúi gập, vặn mình,…
Do nằm ở vùng thắt lưng nên đốt sống L4 L5 là vị trí chịu áp lực từ toàn bộ phần trên của cơ thể. Do đó hai đốt sống này thường có nguy cơ thoái hóa và chấn thương cao hơn những đốt sống lưng còn lại.
Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 và dấu hiệu nhận biết
Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 đề cập đến tình trạng suy yếu của đốt sống và đĩa đệm xung quanh. Tình trạng này có thể khiến cấu trúc cột sống mất ổn định, làm phát sinh cơn đau nhức và giảm phạm vi vận động.
Ở đốt sống L4 L5 bị thoái hóa, cơ thể có xu hướng sửa chữa tổn thương bằng cách hình thành gai xương ở những vị trí này. Gai xương phát triển bất thường có thể gây nứt/ rách đĩa đệm và chèn ép lên dây thần kinh tọa.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng:
- Đau nhức vùng thắt lưng, cơn đau thường khởi phát khi vận động mạnh, đứng/ ngồi quá lâu hoặc sau khi ngủ dậy.
- Cứng khớp
- Cơn đau lan tỏa ra vùng mông đùi và bắp chân
- Giảm khả năng vận động, khó khăn khi cúi gập và xoay người
- Có cảm giác tê bì và ngứa ran chạy dọc từ hông xuống chi dưới
Nguyên nhân và yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống lưng là do đĩa đệm và đốt sống bị tổn thương, dẫn đến tình mất đàn hồi, suy yếu và xơ cứng.
Ngoài ra bệnh cũng có thể hình thành do một số yếu tố rủi ro như:
- Tuổi tác cao: Khi cơ thể già đi, quá trình lão hóa sẽ xảy ra đối với toàn bộ các cơ quan – trong đó có cột sống. Quá trình này có thể khiến đĩa đệm, đốt sống và dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến tình trạng giảm phạm vi chuyển động, đau nhức, tê bì,…
- Béo phì: L3 L4 L5 là vị trí chịu áp lực lớn từ trọng lượng của cơ thể. Do đó nếu có cân nặng quá cao, cơ quan này có thể bị chèn ép dẫn đến tình trạng tổn thương và thoái hóa.
- Lao động nặng nhọc: Những người làm công việc nặng nhọc có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống lưng L3 L4 L5 cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do vận động nặng trong thời gian dài có thể tăng áp lực lên đốt sống khiến cơ quan này bị bào mòn, hư hại và suy yếu.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xảy ra khi đĩa đệm bị tổn thương, mất độ đàn hồi và có xu hướng nứt/ rách khiến dịch nhầy thoát ra bên ngoài. Tổn thương ở đĩa đệm có thể làm tăng mức độ chèn ép lên đốt sống L4 L5 và gây ra tình trạng thoái hóa.
Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh lý này cũng có thể tăng lên nếu bạn duy trì một số thói quen thiếu lành mạnh như lười vận động, chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài, thường xuyên hút thuốc lá, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh vảy nến thể khớp,…
Biến chứng của bệnh thoái hóa đốt sống lưng
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng L4 L5 có thể gây khó chịu, mệt mỏi và khó khăn khi vận động. Triệu chứng này kéo dài còn có thể giảm khả năng ăn uống, mất ngủ và suy nhược.
Bên cạnh đó nếu không có các biện pháp kiểm soát, bệnh có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Đau thần kinh tọa: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh thoái hóa đốt sống vùng thắt lưng. Gai xương hình thành ở đốt sống L4 và L5 có thể chèn ép dây thần kinh hông to và làm phát sinh triệu chứng đau nhức, ngứa ran, tê bì,…
- Thoát vị đĩa đệm: Thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm là hai vấn đề sức khỏe có tác động qua lại lẫn nhau. Tình trạng đốt sống suy yếu có thể làm tăng áp lực lên đĩa đệm khiến cơ quan này mất độ đàn hồi, nứt và chảy dịch nhầy ra bên ngoài.
- Bại liệt: Bại liệt là biến chứng nặng nề nhất do bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra. Biến chứng này chỉ xảy ra ở những trường hợp không can thiệp điều trị và tiếp tục duy trì những thói quen gây hại đến cột sống.
- Biến chứng khác: Ngoài ra bệnh cũng có thể gây ra một số biến chứng khác như biến dạng cột sống, gù vẹo, gai cột sống, rối loạn chức năng của dây thần kinh,…
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Thoái hóa đốt sống thắt lưng L4 L5 có triệu chứng tương tự thoát vị đĩa đệm và bệnh đau thần kinh tọa. Vì vậy trước khi can thiệp các biện pháp điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:
- X-Quang: Chụp X-Quang là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng đối với các bệnh lý xương khớp. Hình ảnh phản chiếu từ xét nghiệm này cho phép bác sĩ xác định sự hình thành gai xương, không gian giữa đĩa đệm và đốt sống,…
- MRI: MRI (chụp cộng hưởng từ) cho hình ảnh hiển thị rõ nét các mô mềm xung quanh cột sống (đĩa đệm, dây thần kinh tọa, dây chằng,…). Hình ảnh từ MRI giúp bác sĩ loại trừ khả năng thoát vị đĩa đệm, u cột sống và một số bệnh lý khác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm loại trừ khả năng đau nhức lưng do nhiễm trùng và các bệnh lý rối loạn miễn dịch (viêm khớp vảy nến và lupus ban đỏ hệ thống).
Cách chữa thoái hóa đốt sống thắt lưng L3 L4 L5
Mục tiêu của việc điều trị thoái hóa đốt sống lưng L3 L4 L5 là cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
1. Điều trị theo Tây Y
Điều trị bệnh theo Tây y bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và can thiệp ngoại khoa. Phương pháp được chỉ định phụ thuộc vào mong muốn của người bệnh, mức độ bệnh lý và khả năng đáp ứng.
– Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa đốt sống lưng L3 L4 L5 có tác dụng cải thiện cơn đau nhức và các triệu chứng đi kèm. Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ cơn đau để chỉ định các loại thuốc thích hợp.
- Thuốc giảm đau chống viêm: Paracetamol, Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen,… có thể giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Bạn có thể dùng thuốc ở dạng viên uống, đặt trực tràng hoặc sử dụng thuốc dạng miếng dán, kem bôi tùy vào tình trạng sức khỏe.
- Thuốc giãn cơ:Thuốc giãn cơ có tác dụng thư giãn cơ bắp và dây chằng xung quanh cột sống, từ đó làm giảm hiện tượng đau nhức do co thắt. Loại thuốc này được sử dụng khi thuốc giảm đau chống viêm không có đáp ứng và cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên sử dụng thuốc giãn cơ có thể làm phát sinh một số tác dụng phụ như căng thẳng, chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, hạ huyết áp thế đứng,…
- Thuốc giảm đau gây nghiện (Opioid): Nhóm thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương nhằm làm giảm cơn đau có mức độ trung bình đến nặng. So với thuốc giảm đau thông thường, Opioid có tác dụng giảm đau mạnh nhưng dễ phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc corticosteroid dạng uống/ tiêm nếu thực sự cần thiết. So với những loại thuốc trên, corticosteroid và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nên bác sĩ thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định.
– Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp sử dụng các tác nhân vật lý nhân tạo (nhiệt, nước, tia hồng ngoại,…) nhằm cải thiện cơn đau và phục hồi chức năng của xương khớp.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống lưng L3 L4 L5:
- Chườm nóng/ chườm lạnh: Biện pháp này tận dụng nhiệt độ để giảm viêm và cải thiện triệu chứng đau nhức. Phương pháp này có đáp ứng tốt với cơn đau ở mức độ nhẹ.
- Kích thích điện:Kỹ thuật này sử dụng dòng điện có tần số thấp tác động kích thích đến dây chằng và cơ bắp nhằm giảm đau và phục hồi chức năng.
- Dùng tia hồng ngoại: Chiếu tia hồng ngoại vào vùng đau nhức có thể giúp cơ bắp, dây chằng thư giãn và giảm tình trạng co thắt quá mức. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể tận dụng tia hồng ngoại để dẫn thuốc vào đốt sống bị đau nhức nhằm cải thiện triệu chứng.
- Bài tập kéo giãn cơ: Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng kéo giãn cột sống nhằm cải thiện cơn đau, ngăn ngừa tiến triển của quá trình thoái hóa và phục hồi chức năng.
– Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp không có đáp ứng với điều trị bảo tồn và mức độ tổn thương nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa. Mục đích của phẫu thuật là cân bằng cấu trúc cột sống, cải thiện triệu chứng lâm sàng và tăng cường phạm vi chuyển động.
Các thủ thuật ngoại khoa được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống thắt lưng:
- Cắt bỏ gai xương
- Loại bỏ dịch nhầy thoát vị
- Ổn định cấu trúc cột sống
- Thay đốt sống nhân tạo
- Thay đĩa đệm nhân tạo
Phẫu thuật là phương pháp can thiệp trực tiếp đến cơ quan bị tổn thương. Tuy nhiên phương pháp này gây ra nhiều biến chứng và rủi ro nghiêm trọng như tổn thương dây thần kinh xung quanh, nhiễm trùng, chảy máu kéo dài, trật cột sống,… Do đó can thiệp ngoại khoa chỉ được thực hiện khi không còn lựa chọn thay thế.
2. Điều trị theo Đông Y
Ngoài các phương pháp điều trị theo Tây y, một số người bệnh lựa chọn các bài thuốc từ Đông y để giảm đau (chỉ thống), hoạt huyết, thông kinh mạch và trừ thấp.
– Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: Cam thảo 6g, xuyên khung 9g, quế chi 9g, sinh khương 3g, mộc qua 9g, quy đầu 9g, cát căn 15g, tam thất 3g, xương truật 9g, bạch thược 9g và đại táo 3 quả.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
– Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: Cốt toái bổ 12g, cam thảo 6g, xương truật 12g, hoàng cầm 12g, chỉ thực 8g, quế 12g, khương hoạt 12g, đảng sâm 16g, tế tân 6g, đại táo 3 quả, bạch linh 16g, xuyên khung 12g, trần bì 8g và phòng phong 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
– Bài thuốc 3:
- Chuẩn bị: Táo 3 quả, bạch thược 12g, quế chi 9g, kê huyết đằng 15g, sinh khương 6g, hoàng kỳ 18g, cát căn 9g và xích thược 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
Để áp dụng bài thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, bạn nên đến phòng khám để được thầy thuốc bắt mạch và thăm khám cụ thể. Bên cạnh việc áp dụng bài thuốc, bạn cũng có thể làm giảm cơn đau và kiểm soát triệu chứng của thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 bằng cách xoa bóp bấm huyệt và châm cứu.
Lối sống cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống lưng L3 L4 L5
Ngoài các phương pháp điều trị, tiến triển của bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng còn chịu chi phối bởi thói quen sinh hoạt. Do đó bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh để tác động tích cực đến quá trình điều trị.
Cách xây dựng lối sống khoa học cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống:
- Cần kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân – béo phì.
- Bổ sung thực phẩm lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe và sửa chữa tổn thương ở hệ thống xương khớp. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, thịt trắng, trứng, nấm, đậu và uống nhiều nước.
- Hạn chế các thức uống và thực phẩm cản trở quá trình tái tạo xương và giảm mức độ hấp thu canxi của cơ thể như cà phê, trà đặc, bia rượu, đồ uống chứa cồn, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị,…
- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích và thức khuya.
- Nên điều chỉnh những tư thế sai lệch, đồng thời cần vận động thường xuyên để phục hồi chức năng cột sống.
- Thăm khám định kỳ nhằm kiểm soát tiến triển của bệnh.
Thoái hóa đốt sống lưng là bệnh lý mãn tính không thể chữa trị hoàn toàn. Vì vậy ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên chủ động thăm khám để thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời.