Thoái Hóa Đĩa Đệm là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng & Điều trị
Thoái hóa đĩa đệm là một trong những căn bệnh về xương khớp thường gặp cần được kịp thời phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu kéo dài, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng lao động, sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Thoái hóa đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt sống cho phép chúng thực hiện các động tác gập người, vặn mình một cách dễ dàng. Không chỉ vậy nó còn được ví là tấm nệm chống đỡ giúp ngăn chặn các lực tác động từ bên ngoài và hỗ trợ giảm xóc giữa các xương của cột sống.
Thoái hóa đĩa đệm thực chất không phải là bệnh mà là hiện tượng các đĩa đệm dần dần bị hao mòn, suy giảm chức năng hoạt động do quá trình lão hóa của cơ thể. Lúc này, các đĩa đệm trào ra ngoài vỏ sụn, lệch khỏi vị trí chèn đệm giữa các đốt xương sống.
Các đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa đĩa đệm thường là người có thói quen thực hiện các động tác sinh hoạt sai tư thế, người thường phải bưng bê, khuân vác vật nặng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra ở người béo phì, có trọng lượng cơ thể tương đối lớn.
Nguyên nhân gây thoái hóa đĩa đệm
Những nguyên nhân thoái hóa đĩa đệm có thể kể đến như:
- Do tuổi tác: Tuổi tác khiến các bộ phận trên cơ thể chúng ta trong đó có đĩa đệm lão hóa, suy giảm khả năng hoạt động.
- Do đĩa đệm khô: Đĩa đệm khỏe mạnh thường chứa khoảng 90% là nước. Tuy nhiên, ở những người đĩa đệm khô, lượng nước rất ít và càng ngày càng giảm khiến chúng co rút lại đồng thời mất đi độ đàn hồi của mình.
- Do các chấn thương: Các hoạt động hằng ngày hoặc các va chạm trong quá trình chơi thể thao có thể gây ra tình trạng bao xơ đĩa đệm. Lâu ngày, đĩa đệm bị thoái hóa làm người bệnh đau nhức, khó khăn trong việc vận động.
- Do viêm khớp, loãng khớp: Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa đĩa đệm cột sống ở nhiều người.
- Do thói quen làm việc: Như đã nói, những người thường xuyên thực hiện các động tác sai tư thế, người lao việc nặng nhọc thường dễ mắc thoái hóa đĩa đệm.
- Do chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý: Không bổ sung đầy đủ dưỡng chất và không để cơ thể nghỉ ngơi nhằm tái tạo cấu trúc xương khớp sẽ khiến đĩa đệm dễ lão hóa, thoái hóa, thoát vị.
Các triệu chứng thoái hóa đĩa đệm
Các triệu chứng thoái hóa đĩa đệm được biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu
- Đau nhẹ ở vùng lưng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp khác.
- Khó khăn trong việc ngồi hay cử động vì đĩa đệm thoái hóa khiến vùng thắt lưng phải gánh chịu nhiều áp lực.
- Đau khi đứng hay ngồi ở một tư thế trong thời gian dài.
Giai đoạn phát triển
- Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày rồi thuyên giảm.
- Đau âm ỉ, kéo dài từ vùng thắt lưng rồi lan xuống mông đùi, chân kèm theo hiện tượng co cứng cơ cột sống.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột, tăng lên khi vận động mạnh hoặc thời tiết thay đổi.
- Tùy theo tình trạng từng người mà mức độ của cơn đau sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, khởi đầu là những cơn đau râm ran, đau dai dẳng rồi đến ê nhức khó chịu thậm chí không thể di chuyển.
Các dạng thoái hóa đĩa đệm
Bệnh thường xuất hiện ở các vị trí như cột sống cổ, cột sống lưng. Cụ thể:
Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ
Tùy vào từng vị trí thoái hóa sẽ có thêm những biểu hiện riêng biệt chỉ xuất hiện ở vị trí đó. Khi đĩa đệm cột sống cổ bị thoái hóa, người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng cổ, vai, gáy. Các cơn đau kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm. Xuất hiện khi thực hiện động tác cúi, gập cổ làm người bệnh gặp nhiều khó khăn trong công việc lẫn sinh hoạt hằng ngày.
Thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng
Tình trạng thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có 3 dấu hiệu lâm sàng là đau lưng cấp, đau thắt lưng mạn tính và đau thắt lưng hông.
Trong đó, đau thắt lưng cấp xảy ra nhiều ở những người trong độ tuổi trung niên khi cơ thể hoạt động quá mức, đột ngột đổi tư thế. Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau nhức khi hắt hơi, ho, rặn, đổi tư thế. Cơn đau sẽ thuyên giảm dần sau 1 – 2 tuần rồi lại tái phát.
Đau thắt lưng mạn tính xảy ra nhiều ở người trong độ tuổi ngoài 40. Bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, đau kéo dài khi thời tiết thay đổi khi vận động mạnh. Cơn đau giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi và để cột sống nằm yên.
Đau thắt lưng hông là tình trạng dây thần kinh hông to một hoặc hai bên. Nguyên nhân là do các thành phần của đĩa đệm bị thoái hóa và có dấu hiệu thoát vị làm các rễ thần kinh bị chèn ép.
Thoái hóa đĩa đệm có nguy hiểm không?
Có thể nói, đây là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Khó khăn trong sinh hoạt và lao động ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Đau rễ thần kinh do bị chèn ép cơ học gây ra các cơn đau khi đi lại, đứng hoặc ngồi quá lâu, đau dữ dội khi ho, hắt hơi…
- Rối loạn cảm giác ở những vùng khoang da tương ứng với rễ thần kinh bị thương tổn.
- Hội chứng đau khập khễnh xuất hiện khi người bệnh đi được một đoạn phải nghỉ ngơi vì đau đớn.
- Rối loạn cơ tròn khiến bệnh nhân không tự chủ đại tiểu tiện do các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép.
- Teo cơ và các chi làm người bệnh mất khả năng lao động thậm chí bại liệt. Đây được xem là biến chứng nặng nhất của bệnh khi các nhân nhầy hoặc các đốt sống chèn ép làm chết dây thần kinh.
Cách điều trị thoái hóa đĩa đệm
Hiện nay, có nhiều cách chữa thoái hóa đĩa đệm tùy tình trạng, mức độ thoái hóa ở mỗi người mà áp dụng các phương pháp khác nhau.
1. Điều trị thoái hóa đĩa đệm bằng thuốc Tây
Khi đã được thăm khám xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ quyết định nên cho người bệnh dùng thuốc hay phẫu thuật. Các loại thuốc thường được sử dụng cho người bệnh thoái hóa đĩa đệm có thể kể đến như:
- Thuốc giảm đau: Neurontin, paracetamol…
- Thuốc tiêm ngoài màng cứng: Thuốc tiêm steroid, hydrocortison…
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid: Diclofenac, methylprednisolone, meloxicam…
- Thuốc giãn cơ: Decontractyl, lumirelax, myonal, mydocalm…
Tuyệt đối phải sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2. Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ giúp tái cấu trúc cột sống đưa đĩa đệm và các đốt sống trở về hình dáng ban đầu. Một số phương pháp phẫu thuật thường dùng là mổ hở, mổ bằng tia laser, phẫu thuật bắt vít qua da, mổ nội soi, phẫu thuật cố định cột sống.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh nặng. Hơn nữa nó còn kèm theo nhiều rủi ro và tốn kém.
3. Chữa thoái hóa đĩa đệm bằng châm cứu
Châm cứu là thủ thuật chèn và thao tác kim vào các huyệt vị nằm trên cơ thể để giảm đau hiệu quả. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, châm cứu sẽ giúp sản sinh một lượng lớn steroid giúp thúc đẩy quá trình tự sửa chữa của cột sống và xoa dịu cơn đau tức thời.
Có nhiều phương pháp châm cứu được áp dụng như điện châm, thủy châm, châm cứu với tinh dầu ngải cứu. Thế nhưng, người bệnh nên chọn các địa chỉ châm cứu thật sự uy tín. Các vị trí châm cứu liên quan trực tiếp đến rễ thần kinh, nếu không có trình độ chuyên môn cao sẽ gây ra nhiều thương tổn cho người bệnh, thậm chí đã có bệnh nhân tử vong vì châm cứu.
4. Điều trị bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được xem là phương pháp an toàn hiệu quả kích thích khả năng tự phục hồi của cơ thể người bệnh. Các phương pháp phổ biến thường là:
- Nhiệt điều trị: chườm nóng, ngâm bùn suối khoáng, hồng ngoại…
- Bấm huyệt, xoa bóp, mát-xa…
- Phong bế khớp gian mỏm, kéo giãn cột sống.
5. Thuốc Nam điều trị bệnh thoái hóa đĩa đệm
Một số cây thuốc nam có thể hỗ trợ điều trị bệnh khá tốt, có thể kể đến như xương rồng, ngải cứu, lá lốt, tía tô… Thường được chế biến dưới dạng sắc uống hoặc đắp để chữa bệnh.
Bài tập hỗ trợ chữa bệnh đĩa đệm bị thoái hóa tại nhà
Để làm giảm triệu chứng, hỗ trợ điều trị bệnh, ngoài chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, người bệnh có thể áp dụng một số bài tập sau:
Bài tập 1
- Thả lỏng vai, thẳng lưng, hai chân bắt chéo lên nhau;
- Tay phải duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng xuống sàn;
- Đặt tay trái lên đầu, kéo đầu về phía phải;
- Giữ nguyên tư thế trong vòng 10s rồi đổi bên.
Bài tập 2
- Nằm úp xuống sàn, hai tay dang rộng đặt ngang vai;
- Hai mũi chân chạm đất;
- Giữ nguyên tư thế từ 10 – 20s.
Bài tập 3
- Chống hai tay và hai gối xuống sàn;
- Hít sâu, nâng ngực và xương cụt hướng lên trần nhà, bụng hướng xuống dưới;
- Thở ra, nâng cột sống và bụng hướng lên, đầu và xương cụt hướng xuống;
- Thực hiện từ 10 – 20 lần.
Biện pháp phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm
Để không mắc phải bệnh thoái hóa đĩa đệm, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ngồi, nằm đứng đúng tư thể, tránh các động tác khom người thường xuyên hoặc gập người quá đột ngột kèm theo bưng bê vật nặng.
- Thúc đẩy sản xuất collagen trong cơ thể bằng cách sử dụng bột protein từ nước dùng xương hoặc hầm xương lấy nước uống.
- Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối, giảm cân nếu xuất hiện tình trạng béo phì.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên ăn nhiều trái cây, rau quả tươi và men vi sinh, các thực phẩm giàu canxi…
- Tập yoga nhẹ nhàng và tuyệt đối không hút thuốc hay sử dụng quá nhiều chất kích thích.
Thoái hóa đĩa đệm rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác. Việc trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này sẽ giúp bạn có thể phòng ngừa hoặc sớm phát hiện thông qua các triệu chứng bệnh. Nếu có các dấu hiệu thoái hóa xương khớp, nên nhanh chóng thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.