Thấp khớp cấp (thấp tim) – Điều trị sớm, tránh biến chứng
Bệnh thấp khớp cấp là một tình trạng hiếm gặp và thường xuất hiện như biến chứng của một số bệnh nhiễm trùng không được điều trị hợp lý. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng bệnh có thể rất nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng phương pháp.
Thấp khớp cấp là gì?
Bệnh thấp khớp cấp là một tình trạng hiếm gặp và thường là biến chứng của một số bệnh nhiễm trùng không được điều trị như viêm họng liên cầu khuẩn. Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp lúc.
Các triệu chứng thường bao gồm sốt, đau khớp, đau ngực và nhịp tim không đều. Một số bệnh nhân không thể kiểm soát chuyển động cơ thể và thể hiện những hành vi bất thường.
Bệnh thấp khớp cấp thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 đến 15 tuổi và hiếm khi gặp ở độ tuổi khác, đặc biệt là dưới 3 tuổi và trên 30 tuổi. Bệnh có thể gây tổn thương tim và dẫn đến tử vong, do đó sốt thấp khớp cấp còn được gọi là thấp tim.
Thấp khớp cấp được điều trị bằng kháng sinh và thuốc chống viêm. Điều trị bệnh ngay sau khi được chẩn đoán có thể giúp giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về tim.
Nguyên nhân gây bệnh thấp khớp cấp
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thấp khớp cấp có liên quan đến liên cầu khuẩn nhóm A. Có khoảng 50 -70% các trường hợp, người bệnh có tiền sử viêm họng liên cầu khuẩn.
Không phải tất cả những người bị viêm họng đều biến chứng trở thành thấp khớp cấp. Có khoảng 2 – 3% người bệnh viêm họng liên cầu khuẩn bị thấp khớp. Các triệu chứng thường xuất hiện sau viêm họng từ 10 – 15 ngày.
Ngoài ra, điều kiện sống và khí hậu cũng lạnh, ẩm, vệ sinh kém,… cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thấp tim.
Triệu chứng thấp khớp cấp
Các triệu chứng bệnh thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Các triệu chứng bệnh phổ biến bao gồm:
1. Triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn
Khoảng 50 – 70% người bệnh thấp tim có các triệu chứng tương tự như viêm họng liên cầu khuẩn như:
- Viêm họng đỏ cấp tính
- Khó nuốt hoặc nuốt đau
- Sưng các hạch bạch huyết ở cổ
- Sốt cao (khoảng 38 – 39 độ C) và kéo dài trong khoảng 3 – 4 ngày
- Các trường hợp nặng, người bệnh có thể bị sưng Amidan, viêm Amidan.
Sau khoảng 10 – 15 ngày, các triệu chứng thấp tim có thể xuất hiện cụ thể hơn. Lúc này người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như nhịp tim nhanh, da xanh xao, thiếu máu, đổ mồ hôi nhiều. Một số khác có thể bị chảy máu cam.
2. Triệu chứng thấp tim ở khớp
Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng viêm xương khớp gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, hoạt động. Các khớp dễ bị viêm là khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, vai. Rất hiếm khi viêm ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn như ngón tay, ngón chân và hầu như không xuất hiện ở khớp háng và cột sống.
Tình trạng viêm sưng khớp có thể kéo dài khoảng 3 – 8 ngày. Sau đó tình trạng có thể tự cải thiện mà không để lại bất cứ biến chứng hoặc ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể chuyển sang các khớp khác.
3. Dấu hiệu thấp tim
Khi ảnh hưởng đến tim, thấp khớp cấp thường dẫn đến các triệu chứng bao gồm:
- Nhịp đập của tim yếu
- Xuất hiện âm thanh ở tim
- Đau ngực, khó thở
- Có áp lực đè lên ngực
- Chóng mặt thậm chí là ngất xỉu
- Tăng cân nhanh chóng mà không rõ lý do
- Sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc bụng
Một số bệnh nhân có thể bị hở van tim khiến máu chảy sai hướng. Một số khác có thể bị hẹp van tim khiến lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm. Điều này có thể dẫn đến tổn thương van tim và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
4. Các dấu hiệu nhận biết khác
Bên cạnh gây ảnh hưởng đến các khớp và xương, thấp tim có thể gây ra một số triệu chứng lâm sàng khác như:
- Nổi hạt Meynet dưới da, đường kính khoảng 5 – 20 mm. Các hạt này thường nổi trên nền xương nông như chẩm, khuỷu, gối từ vài hạt đến vài chục hạt, không gây đau. Sau một vài tuần các hạt này có thể biến mất mà không để lại bất cứ biến chứng nào.
- Ban vòng (ban Besier) là những vệt màu hồng hoặc vàng nhạt có màu đỏ sẫm. Ban thường tự biến mất trong vài ngày.
- Múa giật Sydenham là tình trạng tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Biểu hiện này có thể xuất hiện sau các dấu hiệu nhận biết khác đến vài tháng. Tình trạng này khiến người bệnh bị kích thích, lo âu, xuất hiện các động tác kỳ lạ như múa giật, động kinh.
- Tràn dịch màng phổi.
- Xuất hiện protein trong nước tiểu, tiểu ra máu.
- Viêm cầu thận cấp tính.
- Đau bụng, viêm ruột thừa.
- Viêm động mạch, tĩnh mạch, viêm tuyến giáp.
- Xuất huyết dưới da, nổi mề đay mẩn ngứa.
Chẩn đoán bệnh thấp khớp cấp
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân để xác định các âm thanh bất thường ở tim. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng van tim hoặc các tổn thương có liên quan.
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán như:
- Siêu âm tim để kiểm tra chức năng và hoạt động của van tim.
- Điện tâm đồ và X – quang ngực có thể được chỉ định để kiểm tra tổn thường ở vùng liên nhĩ, vách nhĩ thất.
Lịch sử y tế và độ tuổi của bệnh nhân cũng góp phần hỗ trợ chẩn đoán bệnh thấp tim. Nếu một bệnh nhân trẻ tuổi gặp các vấn đề về van tim, thấp khớp cấp thường được cho là nguyên nhân. Bởi vì ngoại trừ bệnh tim bẩm sinh thì các vấn đề về tim rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, bác sĩ thường đề nghị một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng dị tật van tim hoặc thấp tim.
Biện pháp điều trị thấp khớp cấp
Để điều trị thấp khớp cấp, bác sĩ thường chỉ định thuốc chống viêm và kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng. Trong trường hợp, thấp khớp ảnh hưởng đến tim, đôi khi người bệnh cần phẫu thuật thay thế van tim hoặc chữa lành các tổn thương.
1. Sử dụng thuốc chống viêm
Một số loại thuốc chống viêm thường được kê để điều trị thấp tim bao gồm:
- Steroid mang lại hiệu quả điều trị cao, nhanh chóng và ít biến chứng khi sử dụng trong thời gian ngắn.
- Aspirin có tác dụng tương tự như Steroid. Tuy nhiên sử dụng Aspirin có thể dẫn đến một số tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
Các loại thuốc chống viêm phổ biến khác bao gồm: Phenylbutazon, Voltaren, Indomethacin, Brufen. Trong đó Phenylbutazon là thuốc được sử dụng phổ biến nhất nhưng thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
2. Điều trị bằng kháng sinh
Ngăn ngừa nhiễm trùng là cách tốt nhất để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến tim. Do đó một số bệnh nhân thấp tim thường cần sử dụng kháng sinh trong vài năm để điều trị.
Penicillin thường được chỉ định để điều trị thấp khớp cấp. Tuy nhiên, đối với người dị ứng Penicillin, các loại kháng sinh khác có thể được chỉ định sử dụng như Erythromycin, Sulfadiazin,…
Biến chứng của bệnh thấp khớp cấp
Thấp khớp cấp không được điều trị kịp lúc có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến tim. Các biến chứng cụ thể như:
- Tổn thương mô van tim: Nếu mô van tim bị tổn thương, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ hoặc chữa lành các mô bị tổn thương.
- Tổn thương mô cơ tim: Biến chứng này thường không phổ biến nhưng có thể gây ra tình trạng huyết áp cao và tăng nguy cơ đột quỵ.
Thấp khớp cấp thường không quá phổ biến nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng để có biện pháp điều trị và xử lý kịp thời.