Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm mới (cập nhật Bộ Y Tế)

Lựa chọn phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm phù hợp có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các triệu chứng và sớm đẩy lùi được bệnh. Tùy theo mức độ thoát vị của đĩa đệm mà bệnh nhân sẽ được chữa trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.

Nhận định chung về bệnh thoát vị đĩa đệm

1. Định nghĩa

Bệnh thoát vị đĩa đệm là một vấn đề thường gặp ở cột sống xảy ra khi nhân nhân nhày trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu trong vòng sợi. Điều này khiến cho cột sống cũng như thần kinh bị chèn ép gây đau lưng và ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của cột sống.

phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm
Người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thường được điều trị theo phác đồ do bác sĩ chuyên khoa chỉ định

Đối tượng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động, từ 22 – 55 tuổi. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và xây dựng được phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cũng như chức năng vận động cho người bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm khởi phát vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cũng có những trường hợp không thể xác định được cụ thể “thủ phạm” gây bệnh. Bạn có thể mắc căn bệnh này vì một trong những lý do sau:

  • Lao động nặng nhọc, quá sức và vận động sai tư thế gây tổn thương đến đĩa đệm cũng như các đốt sống.
  • Tuổi tác cao khiến cho đĩa đệm, sụn, cột sống bị mất nước và dần trở nên xơ cứng, thoái hóa. Chỉ cần một tác động mạnh từ bên ngoài cũng có thể đẩy nhân nhày đĩa đệm thoát ra ngoài.
  • Gặp chấn thương ở vùng lưng khi chơi thể thao, té ngã hay tai nạn giao thông.
  • Mắc các bệnh lý bẩm sinh như thoái hóa cột sống, loãng xương, gù vẹo cột sống.

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Có tiền sử mắc bệnh trong gia đình
  • Béo phì, thừa căn quá mức khiến đĩa đệm cột sống phải chịu áp lực lớn, nhất là đĩa đệm ở khu vực thắt lưng
  • Nghề nghiệp: Người lao động chân tay, công nhân bốc vác, đứng lâu, ngồi nhiều gây căng thẳng cho cột sống và có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm rất cao.
  • Hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong máu và ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của mô và các tế bào xương.
  • Chiều cao: Một số nghiên cứu cho thấy bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy cơ xảy ra cao hơn ở nam giới có chiều cao từ 180cm trở lên và phụ nữ cao trên 170 cm.

3. Triệu chứng bệnh

Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ đốt sống nào, tuy nhiên phổ biến nhất là đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng bất thường như:

  • Đau thần kinh tọa, cơn đau buốt có thể kéo dài từ hông xuống tới đùi và lan dần xuống đến các ngón chân. Dấu hiệu này ảnh hưởng chủ yếu đến bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
  • Đau cánh tay trong trường hợp vị trí thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cổ. Cơn đau tăng nặng hơn mỗi khi di chuyển, cử động cột sống hoặc có những hành động như ho, hắt hơi.
  • Tê yếu, ngứa ran hoặc có cảm giác châm chích như bị điện giật ở một vị trí nào đó do thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh.
  • Teo cơ, yếu liệt

4. Biến chứng bệnh 

Thoát vị đĩa đệm không phải là một vấn đề cần phải cấp cứu y tế. Tuy vậy, việc chủ quan trong điều trị có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng như:

  • Hội chứng cauda equina – một bệnh lý chỉ tình trạng rễ thần kinh bị chèn ép
  • Rối loạn cảm giác
  • Teo cơ, yếu liệt, tàn phế vĩnh viễn
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang dẫn đến rối loạn chức năng đại tiểu tiện.

Chẩn đoán xây dựng phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm

Kết quả chẩn đoán bệnh chính là cơ sở để bác sĩ có thể lựa chọn được phác đồ điều trị thích hợp nhất cho mỗi cá nhân. Dưới đây là các kỹ thuật đang được áp dụng để chẩn đoán căn bệnh này:

chẩn đoán xây dựng phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm
Kết quả chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm

Thăm khám lâm sàng:

  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh, thói quen ăn uống, sinh hoạt
  • Ghi nhận các triệu chứng đang gặp phải, thời điểm xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Thực hiện các thử nghiệm chân thẳng, chân giao nhau, phản xạ thần kinh, cảm giác, khả năng đi bộ và vận động cột sống để đánh giá chức năng vận động.
  • Khu vực quanh trực tràng cũng được kiểm tra, thử nghiệm cảm giác bởi đây cũng là vị trí chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh thoát vị đĩa đệm.

– Các xét nghiệm cần thiết:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho phép xác định được vị trí đĩa đệm bị thoát vị, mức độ thoát vị và ảnh hưởng của nó tới dây thần kinh
  • Chụp CT scan: Hình ảnh chụp được giúp quan sát được mặt cắt ngang của cột sống cũng như những biến đổi bất thường trong cấu trúc xung quanh.
  • Myelogram: Bệnh nhân được tiêm một chất nhuộm màu trực tiếp vào trong dịch tủy sống, sau đó tiến hành chụp X-quang. Phương pháp này giúp đánh giá được áp lực tác động lên cột sống cũng như các dây thần kinh nằm ở khu vực bị thoát vị đĩa đệm.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh trên phim chụp giúp chẩn đoán phân biệt tình trạng đau lưng do thoát vị đĩa đệm với các bệnh lý khác như gãy xương, viêm cột sống, có khối u ở cột sống.

Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm

 Các phương pháp chữa bệnh thoát vị đĩa đệm được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng liên quan, bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa.

1. Phác đồ chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng nội khoa

Nhiều bệnh nhân cảm thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm nhiều sau khi trải qua quá trình điều trị bảo tồn từ 1 – 2 tháng. Người bệnh có thể được dùng thuốc hoặc áp dụng một số phương pháp điều trị thay thế khác. 

– Thuốc chữa thoát vị đĩa đệm

Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc có thể kết hợp giữa nhiều loại tân dược với nhau nhằm cải thiện các triệu chứng cho người bệnh. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc NSAIDs như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,… có thể giúp xoa dịu cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tránh lạm dụng quá mức bởi một số thuốc có thể gây hại cho gan, thận và dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nếu dùng kéo dài.
  • Thuốc giãn cơ: Phổ biến nhất là Valium hay Flexeril. Thuốc có tác dụng giảm đau bằng cách chống co cứng cơ.
  • Thuốc chứa opiat: Trong trường hợp các thuốc trên không giúp cải thiện cơn đau, bệnh nhân có thể được kê đơn các thuốc chứa opiat trong thời gian ngắn. Thường dùng là Codeine hay hydrocodone kết hợp acetaminophen. Những thuốc này có thể gây nghiện và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin (Neurontin) là loại thuốc thường được chỉ định trong phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm cho những bệnh nhân có biểu hiện bị chèn ép, đau dây thần kinh.
  • Thuốc Corticoid: Loại thuốc này có tác dụng ức chế phản ứng viêm ở khu vực bị bệnh. Thuốc được sử dụng theo đường tiêm.
phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội khoa

– Các phương pháp điều trị thay thế thuốc:

  • Nghỉ ngơi: Nằm nghỉ trên giường trong các đợt bị đau nặng có thể giúp người bệnh bớt đau. Tuy nhiên, thời gian nghỉ ngơi tại chỗ không nên kéo dài quá 2 ngày sẽ gây mất trương lực cơ và khiến cho khí huyết kém lưu thông.
  • Vật lý trị liệu: Phương pháp này áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để giảm đau lưng, kích thích lưu thông máu và làm giãn cơ, cải thiện chức năng vận động của người bệnh.
  • Chườm nóng, chườm lạnh: Nếu vùng đĩa đệm thoát vị bị đau kèm theo biểu hiện sưng, viêm người bệnh có thể chườm túi lạnh. Sau 2 – 3 ngày thì có thể chuyển sang chườm nóng để giảm đau.
  • Châm cứu: Phương pháp này sử dụng kim châm tác động vào các huyệt đạo tương ứng với vùng tổn thương. Nó có tác dụng giảm đau, hoạt huyết, cân bằng năng lượng trong cơ thể, làm giãn cơ và khôi phục chức năng vận động cho cột sống.
  • Massage: Các động tác xoa bóp đúng cách có thể giúp cải thiện đáng kể cơn đau lưng do bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra.
  • Tập yoga: Các động tác tập yoga kết hợp hít thở sâu giúp tinh thần thư giãn, đồng thời giảm đau, giải phóng áp lực cho dây thần kinh và cột sống.
  • Thay đổi hoạt động: Không làm việc nặng nhọc, tránh nâng vật nặng quá mức, giảm nhẹ khối lượng công việc trong ngày và dành thời gian để tập thể dục, vận động…

Nếu đáp ứng tốt với phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội khoa,các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm đáng kể sau 4 – 6 tuần.

2. Phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng ngoại khoa

Phương pháp điều trị bảo tồn có thể không mang lại hiệu quả đối với một số trường hợp. Lúc này, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ nhằm mục đích giải phóng áp lực chèn ép lên rễ thần kinh, đưa khối thoát vị trở về vị trí ban đầu hoặc thay thế đĩa đệm nhân tạo trong trường hợp cần thiết.

phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng ngoại khoa
Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nặng, không đáp ứng được với phác đồ điều trị nội khoa

Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm đang được áp dụng phổ biến bao gồm: 

  • Phẫu thuật truyền thống ( mổ hở): Bác sĩ tiến hành rạch một vết mổ bên ngoài da để tiếp cận với vị trị đĩa đệm bị thoát vị và sữa chữa tổn thương bên trong.
  • Mổ nội soi: Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng nội soi giúp xử lý khối thoát vị thông qua hình ảnh ghi nhận được từ camera được gắn trong ống nội soi. Đây là phương pháp an toàn, ít gây chảy máu và giúp bệnh nhân có tốc độ phục hồi nhanh.
  • Phẫu thuật giảm áp đĩa đệm qua da: Phương pháp này sử dụng tia laser hay sóng cao tần nhằm mục đích đốt cháy một phần đĩa đệm, cải thiện khả năng vận động và giúp bệnh nhân bớt đau đớn.

Song song với việc tuân thủ theo phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần chú ý duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày, tránh căng thẳng, có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý để bệnh tình mau được chữa khỏi.