Nguyên nhân đau lưng không cúi được và cách trị nhanh nhất
Đau lưng không cúi được thường xảy ra do tuổi tác cao, vận động quá mức, chấn thương hoặc do các bệnh xương khớp gây ra. Tình trạng này thường thuyên giảm sau khi chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu nguyên nhân khởi phát do bệnh lý mãn tính, bạn có thể phải thăm khám và can thiệp các biện pháp y tế.
Các nguyên nhân gây đau lưng không cúi được
Đau lưng không cúi được là tình trạng phổ biến ở những người cao tuổi. Tình trạng này thường xảy ra do cột sống bị thoái hóa và tổn thương, dẫn đến tình trạng giảm phạm vi và chức năng vận động.
So với đau lưng thông thường, đau lưng không cúi được cho thấy đốt sống lưng bị tổn thương nghiêm trọng và có xu hướng tiến triển xấu nếu không kịp thời khắc phục. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như tê bì, cứng cột sống, khó khăn xoay người,…
Các nguyên nhân khiến lưng đau nhức và không cúi được, bao gồm:
- Tuổi tác cao: Tuổi tác cao khiến xương khớp suy giảm chức năng, thoái hóa và dễ đau nhức khi có tác động. Hơn nữa theo thời gian, xương khớp thường có xu hướng cứng và giảm độ dẻo dai. Tình trạng này khiến cho người cao tuổi gặp khó khăn khi cúi gập người, đi lại và vận động.
- Chấn thương: Tác động vật lý có thể khiến cột sống, đĩa đệm, dây chằng và các mô bao quanh bị tổn thương. Với những chấn thương nghiêm trọng, cột sống có thể mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Do đó trong thời gian này, bạn có thể gặp khó khăn khi xoay người hoặc cúi gập.
- Do các bệnh xương khớp: Đau lưng không cúi được cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống lưng, đau thần kinh tọa, gai cột sống, loãng xương,…
- Do thói quen sinh hoạt: Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể là hệ quả do một số thói quen sinh hoạt như ngồi quá nhiều, ít vận động, mang vác nặng trong một thời gian dài, thức khuya, uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá.
Ngoài ra, bị đau lưng không cúi xuống được cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân ít gặp hơn như khối u ở cột sống, cấu trúc cột sống bất thường, béo phì, mang thai,…
Các giảm nhanh tình trạng đau lưng không thể cúi gập được
Đau lưng không cúi người được gây bất lợi và khó khăn trong quá trình làm việc, sinh hoạt. Trong trường hợp triệu chứng phát sinh, bạn có thể cải thiện nhanh bằng các biện pháp sau đây:
1. Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi từ 2 – 3 ngày giúp đốt sống phục hồi và giảm áp lực lên cơ quan này. Với những chấn thương nhẹ, việc nghỉ ngơi có thể giúp cơn đau và các triệu chứng đi kèm thuyên giảm nhanh chóng.
Ngoài ra, thói quen nghỉ ngơi hợp lý còn giảm nguy cơ gặp phải các bệnh lý mãn tính như thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống, đau thần kinh và thoát vị đĩa đệm.
2. Dùng thuốc
Để giảm cơn đau nhanh chóng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa sau đây:
– Acetaminophen (Paracetamol)
Loại thuốc này có tác dụng giảm cơn đau nhẹ đến trung bình. Acetaminophen giúp cải thiện cơn đau ở vùng thắt lưng sau khi uống khoảng 30 phút. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng loại thuốc này nếu mắc các bệnh về gan thận, lạm dụng rượu bia, thiếu men G6PD,…
– Miếng dán/ gel giảm đau tại chỗ
Với những người gặp vấn đề về gan, thận và người cao tuổi, nên ưu tiên sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ để hạn chế tác dụng phụ và rủi ro phát sinh, Các loại thuốc này thường chứa menthol, methyl salicylate, Ibuprofen, Lidocain,… giúp giảm tình trạng sưng, bầm tím và đau nhức.
Khi sử dụng, bạn nên thoa kem hoặc dùng trực tiếp miếng dán lên vùng lưng. Sau khi dùng cần vệ sinh tay sạch sẽ, tránh để thuốc dây vào mắt và các vùng da khác.
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
NSAIDs không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn cải thiện tình trạng viêm sưng. Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm khi sử dụng các loại thuốc giảm đau nói trên, bạn có thể dùng NSAIDs để giảm nhanh các triệu chứng.
Tuy nhiên, sử dụng NSAIDs đường uống có thể kích thích niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ xuất huyết và làm bùng phát cơn đau thượng vị. Do đó nên hạn chế dùng nhóm thuốc này nếu bạn có các vấn đề về dạ dày.
Lưu ý: Không tự ý sử dụng thuốc chống viêm chứa corticoid và thuốc giảm đau gây nghiện opioids. Những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ rất nghiêm trọng nếu tùy tiện sử dụng.
3. Các biện pháp giảm đau khác
Song song với việc sử dụng thuốc, bạn có thể cải thiện tình trạng đau lưng không thể cúi xuống được với những biện pháp sau đây:
– Chườm nóng & chườm lạnh
Chườm nóng/ lạnh là biện pháp giảm đau an toàn và đem lại tác dụng khá nhanh chóng. Trong trường hợp đau nhức lưng do tuổi tác và cơn đau không kèm biểu hiện sưng viêm, bạn nên chườm nóng để nới rộng không gian giữa các đốt sống và tăng cường tuần hoàn máu.
Tuy nhiên nếu đau nhức do chấn thương có kèm theo hiện tượng bầm tím, sưng viêm, bạn nên chườm lạnh để làm co mạch máu, giảm viêm, nóng và cải thiện tình trạng đau nhức.
– Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp giảm đau có nguồn gốc từ Đông Y. Phương pháp này sử dụng lực từ bàn tay và ngón tay, tác động vào huyệt vị nhằm đả thông kinh mạch, trừ huyết ứ và phong hàn.
Bạn nên nhờ người thân xoa bóp nhẹ nhàng vùng thắt lưng để kích thích tuần hoàn máu và giảm áp lực lên các đốt sống. Bên cạnh đó, có thể tác động vào Huyệt Thận du, Hoàn khiêu, Đại trường du,… trong khoảng 1 – 2 phút để giảm nhanh tình trạng đau lưng không cúi được.
– Sử dụng thảo dược
Một số loại thảo dược có tác dụng chống viêm và giảm đau tự nhiên như gừng, lá trầu không, thiên niên kiện, dây đau xương, ngải cứu,… Để làm giảm tình trạng đau nhức, bạn có thể sắc thuốc uống hoặc sao nóng và chườm trực tiếp lên vùng lưng.
So với thuốc Tây, sử dụng thảo dược có mức độ an toàn cao và ít gây ảnh hưởng đến gan thận. Tuy nhiên tác dụng của cách chữa này thường chậm phát huy nên cần thực hiện trong một thời gian dài.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau nhức lưng không thể cúi gập hay xoay người có thể là dấu hiệu của các bệnh xương khớp mãn tính. Các bệnh lý này thường khởi phát thầm lặng và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
Nếu không kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị, xương khớp có thể bị tổn thương nặng nề và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
Do đó bạn nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu sau:
- Đau lưng không cúi được kéo dài và không thuyên giảm sau khi điều trị tại nhà
- Cơn đau ở thắt lưng lan xuống vùng hông, đùi và đầu gối
- Vùng lưng tê bì, ngứa ran
- Khó khăn khi xoay người
Thông thường, đau lưng không cúi người được có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Chủ động thăm khám – điều trị sớm có thể kiểm soát các triệu chứng và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của bệnh.