Ngủ hay bị tê tay là bệnh gì? Cách khắc phục và điều trị

Ngủ hay bị tê tay có thể nằm đè lên tay, ngủ sai tư thế hoặc du tay chân thiếu chất dinh dưỡng khi ngủ nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh. Để biết được vì sao tay lại bị tê, thậm chí mất cảm giác, liệt tạm thời sau khi ngủ dậy, cùng tìm hiểu những thông tin trong bài viết này.

Tay bị tê khi ngủ do nhiều nguyên nhân
Tay bị tê khi ngủ do nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân khiến nhiều người bị tê tay khi ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tay bạn bị tê khi ngủ, có thể kể đến như:

  • Do ngủ sai tư thế: Ngủ nằm nghiêng một bên, ngủ gác tay lên trán, ngủ gục xuống bàn là những tư thế ngủ không đúng khiến nhiều người thường xuyên tê tay sau khi ngủ dậy. Lý do là vì khi giữ những tư thế này trong thời gian dài sẽ khiến máu không thể lưu thông làm cánh tay, bàn tay bị tê bì, rối loạn cảm giác.
  • Do cơ thể thiếu dưỡng chất: Chế độ ăn uống thiếu vitamin B1, vitamin B12, canxi… là một trong những nguyên nhân khiến tay chân bị tê khi ngủ.
  • Do mang thai: Tê tay sau khi ngủ là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai do lượng máu cung cấp đến các chi chậm.
  • Dấu hiệu của nhiều bệnh: Nếu ngủ đúng tư thế, cơ thể cũng không thiếu dưỡng chất mà bị tê tay sau khi ngủ dậy thì có thể bạn đang mắc phải một trong số bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, viêm dây thần kinh ngoại biên, tiểu đường, hội chứng ống cổ tay…

Ngủ bị tê tay là bệnh gì?

Như đã nói, tay bị tê sau khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang mắc một số bệnh lý. Có thể kể đến như:

  • Hội chứng ống cổ tay

Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh tay chèn ép hoặc viêm nhiễm dẫn đến các vấn đề như tay tê bì, đau nhức vào buổi tối hoặc khi vừa ngủ dậy. Các biểu hiện thường gặp của bệnh là đau, dị cảm, tê cứng ở 3 ngón giữa do đây là vùng có thần  kinh giữa chi phối nhưng cũng có lúc tê đau cả bàn tay.

Hội chứng này thường gặp ở những người chơi piano, gõ máy tính liên tục hoặc phụ nữ mang thai. Tình trạng đau tê thường xuất hiện nhiều về đêm và lan ra cả cẳng tay, khuỷu hoặc vai.

  • Viêm dây thần kinh ngoại biên

Viêm dây thần kinh ngoại biên là tình trạng dây thần kinh ngoại vi tổn thương do chấn thương, di truyền, nhiễm trùng hoặc chuyển hóa. Bệnh thường có các dấu hiệu đặc trưng như ngứa rát, tê đau ở tay chân. Đồng thời có cảm giác như bị kim châm, điện giật ở các khu vực khớp cổ tay, cổ chân, khớp vai…

  • Bệnh tim mạch

Người mắc bệnh tim mạch cũng thường xuất hiện triệu chứng tê tay khi ngủ
Người mắc bệnh tim mạch cũng thường xuất hiện triệu chứng tê tay khi ngủ

Khi mắc bệnh tim mạch, khả năng vận chuyển của máu bị ảnh hưởng khiến các bộ phận ở xa tim có nguy cơ nhức mỏi, tê và thậm chí là tê liệt, mất cảm giác. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở tay mà còn thường gặp ở chân khiến các bắp chân bị phù nền.

  • Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng tê tay khi ngủ. Nguyên nhân là do tình trạng lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sẽ khiến các dây thần kinh bị thoái hóa, làm giảm tốc độ dẫn truyền các tín hiệu đến trung ương thần kinh.

  • Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ hay bị tê tay
Thoái hóa đốt sống cổ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ hay bị tê tay

Là một bệnh thường gặp ở những người làm văn phòng hoặc người phải mang vác vật nặng hoặc cúi nhiều. Bệnh chia làm nhiều dạng với biểu hiện đặc trưng là khiến người bệnh có cảm giác tay tê buốt, đau nhức sau khi ngủ dậy.

  • Thiếu máu não cục bộ

Thiếu máu não cục bộ là tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi. Các biểu hiện thường gặp có thể kể đến như tê chân tay, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt…

  • Mỡ trong máu cao

Tê tay khi ngủ có thể là do mỡ máu cao. Khi chỉ số Cholesterol xấu trong máu tăng cao gây ra xơ vữa thành động mạch, trong đó tê chân tay khi ngủ chỉ là một triệu chứng nhỏ. Nguy hiểm hơn, tình trạng này có thể gây tắc vành mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

  • Các bệnh lý về xương khớp

Tình trạng cánh tay bị tê khi ngủ cũng có thể liên quan đến các bệnh về xương khớp thoát vị đĩa đệm cổ, viêm khớp, thoát vị khớp tay… Những bệnh lý này khiến các phần mềm xung quanh chèn ép vào rễ thần kinh gây ra các triệu chứng đau nhức, tê mỏi.

Cách trị tê tay khi ngủ

Tùy theo từng nguyên nhân mà chúng ta sẽ có biện pháp khắc phục tình trạng bị tê tay khi ngủ theo những cách khác nhau.

Đối với trường hợp tê tay vật lý

Ngâm tay trong nước ấm giúp các mạch máu thư giãn
Ngâm tay trong nước ấm giúp các mạch máu thư giãn

Tê tay vật lý xảy ra khi ngủ đè lên tay, cơ thể bị nhiễm lạnh, khí huyết không được lưu thông khiến tay tê buốt, đau nhức, khó chịu. Có thể khắc phục bằng cách:

  • Điều chỉnh tư thế nằm hợp lý, cần chọn ruột gối êm ái vừa phải để dễ ngủ. Theo Đông y, tư thế ngủ tốt nhất là nghiêng về bên phải, thân mình co tự nhiên, tránh ngủ khoanh tay hoặc gác tay trên trán.
  • Chăm chỉ vận động, massage để giúp lưu thông khí huyết, khắc phục chứng tê tay khi ngủ.
  • Thường tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong nước ấm, suối nước nóng để tay chân và các mạch máu được thư giãn.
  • Cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhất là các thực phẩm giàu đạm, bổ máu, tránh làm việc nặng nhọc hoặc ngồi yên một tư thế nhiều giờ liền.

Đối với trường hợp tê tay do bệnh lý

Nếu bị tê tay khi ngủ kèm theo các triệu chứng khác thì nên nhanh chóng thăm khám để tìm ra nguyên nhân
Nếu bị tê tay khi ngủ kèm theo các triệu chứng khác thì nên nhanh chóng thăm khám để tìm ra nguyên nhân

Nếu tay bị tê khi ngủ là do bệnh lý gây ra thì trước hết xác định đó là bệnh gì để điều trị căn nguyên. Cụ thể:

  • Nếu là bệnh tiểu đường thì phải kiểm soát được đường huyết ở mức cho phép.
  • Với bệnh mỡ máu thì phải điều chỉnh chỉ số Cholesterol toàn phần trong máu.
  • Với các bệnh lý về xương khớp phải điều trị, ngăn ngừa thoái hóa bằng các biện pháp phù hợp.

Việc thay đổi tư thế ngủ chỉ góp một phần nhỏ trong việc giảm bớt các triệu chứng bệnh. Để tránh việc bệnh biến chứng xấu gây nguy hiểm cho sức khỏe, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám trong thời gian sớm nhất để tìm ra nguyên nhân và có liệu trình chữa bệnh phù hợp.

Cách xử lý khi tay bị tê sau khi ngủ dậy

Massage nhẹ nhàng các ngón tay sau khi thức dậy
Massage nhẹ nhàng các ngón tay sau khi thức dậy

Khi tay bị tê, mất cảm giác sau khi ngủ dậy, bạn đừng vội cử động tay mà nên thực hiện theo cách bước sau đây:

  • Trước tiên, hãy nán lại giường hít thật sâu rồi từ từ cử động từng ngón tay.
  • Nhích từ từ từng ngón, từng ngón rồi bắt đầu co duỗi các ngón tay.
  • Nếu không thể tự mình thực hiện, có thể nhờ người thân nắm lấy các đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng rồi từ từ kéo ra.

Việc cố gắng vội động khi các ngón tay đang tê cứng sẽ chỉ khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng hơn. Hơn nữa lúc này, các cơn đau nhức sẽ gia tăng gấp bội nếu bạn cử động đột ngột.

Biện pháp phòng ngừa tê tay sau khi ngủ

Để không bị tê tay, chân sau khi ngủ, người bệnh cần:

  • Chú ý đến chế độ ăn uống sinh hoạt, ăn nhiều rau xanh và bổ sung thêm các thực phẩm giàu đạm và bổ máu như gan, thịt bò. Ngoài ra, tích cực sử dụng những thực phẩm giàu magie như rau chân vịt, cá, đậu nành, bơ, chuối…
  • Uống nhiều nước, giữ ấm cho cơ thể nhất là tay chân khi thời tiết trở lạnh. Tích cực rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể thao để nâng cao sức đề kháng.
  • Khi ngủ hay bị tê tay, không nên hút thuốc, uống rượu bia, cà phê thuốc lá.
  • Không ngồi quá lâu ở một tư thế và không nên ăn những thực phẩm đã được chế biến sẵn.

Khi liên tục xuất hiện tình trạng ngủ hay bị tê tay, bạn nên nhanh chóng đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng các loại thuốc giảm đau để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.