Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không – Khi nào nên thực hiện?
Mổ thoát vị đĩa đệm chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Khác với điều trị bảo tồn, can thiệp ngoại khoa có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hình thành huyết khối, tổn thương dây thần kinh,…
Khi nào nên thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý hình thành do đĩa đệm bị tổn thương, dẫn đến tình trạng nhân nhầy thoát ra bên ngoài và chèn ép lên những cơ quan xung quanh. Ở thời gian đầu, lượng nhân nhầy tràn ra không nhiều nên người bệnh chỉ gặp phải một số triệu chứng nhẹ như đau nhức, tê bì, khó khăn khi cúi gập,…
Tuy nhiên nếu tình trạng thoát vị ở đĩa đệm không được kiểm soát, lượng nhân nhầy có thể thoát ra với số lượng lớn, gây chèn ép lên các mô mềm, dây thần kinh và những cơ quan lân cận. Mức độ chèn ép lớn có thể gây rối loạn chức năng cơ và giảm khả năng dẫn truyền của dây thần kinh.
Dựa vào mức độ chèn ép, tình trạng tổn thương của đĩa đệm và chức năng của các cơ quan xung quanh, bác sĩ có thể cân nhắc việc phẫu thuật cho một số trường hợp sau:
- Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm đều được điều trị bảo tồn trước khi can thiệp ngoại khoa. Khi việc dùng thuốc, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu,… không đem lại hiệu quả, người bệnh sẽ được cân nhắc can thiệp ngoại khoa.
- Phẫu thuật được thực hiện với bệnh nhân có đĩa đệm tổn thương nghiêm trọng. Lượng nhân nhầy tràn ra nhiều, gây rối loạn cơ và chức năng của dây thần kinh.
- Bệnh nhân giảm khả năng vận động, không thể cúi gập hoặc gặp khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thông thường.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT và MRI để đánh giá tình trạng đĩa đệm trước khi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tùy vào mức độ tổn thương đĩa đệm, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ nhân nhầy bị tràn ra ngoài hoặc thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo. Trong mọi trường hợp, việc can thiệp phẫu thuật chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý từ người bệnh.
Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
So với điều trị nội khoa, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên những rủi ro này còn phụ thuộc vào cơ địa, thủ thuật xâm lấn được thực hiện và chế độ chăm sóc của từng bệnh nhân.
Những rủi ro, biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bao gồm:
1. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất khi can thiệp ngoại khoa. Nhiễm trùng xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ và phát triển tại vị trí này.
Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng: nóng sốt tại vết mổ, người ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ,…
Nhiễm trùng thường không nguy hiểm nếu được phát hiện và khắc phục sớm. Tuy nhiên nếu để kéo dài, vi khuẩn có thể đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng.
Để phòng ngừa nhiễm trùng khi phẫu thuật, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân sử dụng kháng sinh trước và sau khi mổ. Nếu bị bệnh truyền nhiễm hoặc nhiễm trùng, bạn cần điều trị dứt điểm trước khi can thiệp phẫu thuật.
2. Hình thành huyết khối
Huyết khối (cục máu đông) có thể xuất hiện sau khi phẫu thuật. Nếu huyết khối xuất hiện ở những mạch máu nhỏ, tình trạng này thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên trong trường hợp huyết khối hình thành ở những tĩnh mạch và động mạch lớn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, đau ngực, tăng huyết áp,…
Những người có nguy cơ hình thành huyết khối khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bao gồm: người cao huyết áp, có vấn đề về tim, tiền sử đột quỵ, thường xuyên hút thuốc lá, tiểu đường,…
3. Tổn thương dây thần kinh
Tác động từ thủ thuật xâm lấn có thể vô tình gây tổn thương các dây thần kinh lân cận. Với những tổn thương nghiêm trọng, dây thần kinh có thể giảm chức năng dẫn truyền và mất kiểm soát đối với một số cơ quan.
Tổn thương dây thần kinh là biến chứng không thể phòng ngừa hoàn toàn. Vì vậy sau phẫu thuật, người bệnh thường phải tập các động tác vật lý trị liệu để khôi phục chức năng thần kinh và khả năng vận động.
4. Tái phát thoát vị đĩa đệm
Có khoảng 5 – 15% bệnh nhân bị tái phát thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật. Biến chứng này có xu hướng phát sinh ở những người cao tuổi và người không chăm sóc đúng cách.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh mãn tính. Việc điều trị bằng các phương pháp bảo tồn hay phẫu thuật chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng, khôi phục khả năng vận động và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy nếu không chủ động chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tái phát khi có điều kiện thích hợp.
5. Các biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm khác
Ngoài các biến chứng nêu trên, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm còn có thể gây ra các rủi ro khác như yếu cơ, xơ hóa cột sống, thoái hóa cột sống, bại liệt,…
Hầu hết các thủ thuật xâm lấn đều đi kèm với những biến chứng tiềm ẩn. Các biến chứng này có thể xuất hiện ngay cả khi bác sĩ đã thực hiện các biện pháp dự phòng. Vì vậy người bệnh cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi can thiệp ngoại khoa.
Trên thực tế, có rất ít trường hợp gặp phải các biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Những trường hợp thực hiện biện pháp dự phòng và chăm sóc sau phẫu thuật đúng cách có mức độ hồi phục tốt, các triệu chứng của bệnh thuyên giảm và có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt như bình thường.