Mắc bệnh phong thấp nên ăn gì để hỗ trợ điều trị

Một chế độ ăn uống với các thực phẩm chứa hoạt chất kháng viêm, giảm đau tự nhiên và có lợi cho xương khớp sẽ giúp hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh phong thấp. Vậy người mắc bệnh phong thấp nên ăn gì? Dưới đây là những gợi ý hữu ích cho bạn.

Bệnh phong thấp nên ăn gì?

Người bị phong thấp được khuyến cáo nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm trong thực đơn:

1. Quả dứa ( thơm )

Một số nghiên cứu cho thấy thành phần enzym bromelain trong dứa có khả năng hỗ trợ tiêu hóa và giảm sưng, làm dịu cơn đau ở người bị thấp khớp. Vì vậy bệnh nhân nên ăn dứa hoặc uống nước ép dứa thường xuyên.

bệnh thấp khớp nên ăn gì
Người bị bệnh phong thấp nên ăn dứa thường xuyên để cải thiện các triệu chứng bệnh

Ngoài ra có thể tiêu thụ các chế phẩm bromelain được chiết xuất từ dứa dưới dạng thuốc hoặc viên nén để cơ thể có khả năng hấp thu chất này được tốt hơn. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhằm đảm bảo không xảy ra bất cứ sự tương tác nào ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị.

2. Người bệnh phong thấp nên ăn sữa chua

 Ăn sữa chua giúp cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch. Ngoài ra, thực thực phẩm này còn có khả năng làm giảm mức độ của của cytokine – một chất gây viêm khớp ở người bị phong thấp.

Để cải thiện các triệu chứng của phong thấp, người bệnh được khuyến khích nên ăn 1 – 2 hũ sữa chua mỗi ngày ( tương đương 100 – 250g). Thời điểm dùng sữa chua tốt nhất là sau bữa ăn trưa hoặc tối khoảng 1 giờ. Tránh ăn sữa chua lúc đói bụng vì nó có thể làm tăng tiết axit khiến cho dạ dày khó chịu.

3. Thực phẩm chứa hàm lượng canxi dồi dào

Chúng ta đều biết, canxi là một loại khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của xương khớp. Đặc biệt khi đang bị phong thấp, người bệnh càng phải bổ sung thêm chất này để đẩy nhanh tốc độ tái tạo của các mô sụn bị tổn thương và giúp cho xương khớp được cứng cáp, có khả năng chống đỡ tốt hơn với bệnh tật.

Nguồn thực phẩm chứa hàm lượng canxi dồi dào nhất bao gồm:

  • Động vật có vỏ: Nghêu, sò, tôm, cua, hàu, ốc…
  • Hạt: Hạnh nhân, đậu, hướng dương, vừng
  • Bông cải xanh
  • Khoai lang
  • Các sản phẩm từ sữa
  • Rau dền
  • Rong biển
  • Xương ống

Nếu chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ canxi bạn có thể uống thêm thuốc. Tuy nhiên tổng liều lượng canxi nạp vào trong ngày không được vượt quá 800 mg ở nam giới và 900mg ở nữ giới.

4. Ăn lá lốt tốt cho người bệnh phong thấp

Nếu đang phân vân không biết người mắc bệnh phong thấp nên ăn gì thì lá lốt chính là một gợi ý hữu ích. Loại rau gia vị này có tác dụng khu phong, trừ thấp, giảm đau nên được y học cổ truyền sử dụng như một phương thuốc điều trị bệnh phong thấp tự nhiên.

người bị bệnh phong thấp nên ăn lá lốt

Chính vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh phong thấp không nên thiếu lá lốt. Nếu không thể ăn sống, hãy thêm lá lốt vào các món ăn để tận hưởng được hết những lợi ích tuyệt vời mà thực phẩm này mang lại.

5. Rau quả nhiều chất xơ

Tiếp theo, một nhóm thực phẩm người bệnh phong thấp nên ăn thường xuyên đó chính là các loại rau củ quả giàu chất xơ. Dưỡng chất này không chỉ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe hệ tiêu hóa mà nó còn có công dụng đào thải các chất cặn bã và các chất độc hại trong cơ thể, ổn định hoạt động của hệ miễn dịch, đồng thời nâng cao sức khỏe của xương khớp thông qua việc cung cấp nguồn vitamin và khoáng tố phong phú.

Các thực phẩm có hàm lượng chất xơ dồi dào nhất phải kể đến:

  • Bột yến mạch
  • Cà rốt
  • Trái cây: Táo, chuối, sơ ri, nho, mận
  • Ngô
  • Các loại đậu
  • Gạo lức
  • Bắp cải

6. Gừng – vị thuốc giảm đau tự nhiên cho người bệnh phong thấp

Gừng có tính ấm, giúp giảm đau, tán hàn, tiêu viêm. Bên cạnh đó hoạt chất gingerol được tìm thấy trong gừng còn có khả năng cải thiện lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể. Tất cả những tác dụng trên đều góp phần giúp bệnh nhân bị phong thấp có thể cải thiện được triệu chứng và kiểm soát bệnh tốt hơn.

Người bệnh có thể bổ sung các hoạt chất quý trong gừng bằng cách thêm nó vào trong các món ăn hoặc uống trà gừng hàng ngày. Tuy nhiên cần lưu ý bệnh nhân bị táo bón, trĩ, nhiệt miệng, đái tháo đường, mụn nhọt, sốt cao, người đang được điều trị bằng thuốc Warfarin không nên ăn gừng.

7. Trái cây họ cam/quýt

Các loại trái cây họ cam/quýt chứa hàm lượng vitamin C vô cùng dồi dào. Loại vitamin này có đặc tính chống viêm và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nó giúp người bệnh phong thấp chống lại phản ứng viêm tại khớp và có sức chịu đựng tốt hơn với bệnh tật.

Ngoài cam, quý, bưởi, chanh bạn có thể thay thế bằng các thực phẩm khác cũng giàu vitamin C không kém như: Táo, ổi, ớt đà lạt, bông cải xanh, dâu tây, đu đủ, kiwi, cà chua,…

7. Bệnh phong thấp nên ăn cá béo

Các loại cá béo ở đây bao gồm cá thu, cá trích hay cá hồi. Sở dĩ chúng được khuyến khích sử dụng trong thực đơn của người bị phong thấp là nhờ chứa hàm lượng omega – 3 phong phú. Khi được cơ thể hấp thu, chất này hoạt động như một loại thuốc kháng viêm, giúp chống lại hiện tượng sưng đau ở khớp do phong thấp gây ra.

Bệnh phong thấp nên ăn các loại cá béo
Ăn các loại cá béo giúp bổ sung omega-3 làm giảm tình trạng viêm khớp ở người bị phong thấp

Nếu không thích ăn cá, bạn có thể bổ sung omega -3 thông qua các thực phẩm như dầu oliu, hạnh nhân, bơ, hạt lanh, hạt chia, đậu nành…

8. Ăn cherry tốt cho người bị phong thấp

Cherry còn được gọi là anh đào – một loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa. Thường xuyên ăn quả này sẽ giúp bảo vệ các tế bào xương, sụn ở khớp bị bệnh, giảm viêm nhiễm tại khớp. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, các chất trong cherry có thể giúp giảm lượng nitric oxide trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh phong thấp.

9. Nghệ tươi

Cũng như gừng, nghệ là một vị thuốc kháng viêm, giảm đau an toàn cho người bệnh phong thấp. Những tác dụng này có được chính là nhờ hoạt chất curcumin trong nghệ. 

Chúng ta có thể dùng nghệ theo nhiều cách khác nhau như:

  • Thêm nghệ trong các món kho, xào hay cháo
  • Pha 2 thìa bột nghệ với nước ấm uống hàng ngày. Có thể thêm chút mật ong cho dễ uống
  • Thêm bột nghệ vào ly sữa

10. Trà xanh

Trà xanh giàu EGCG – một chất chống oxy hóa mạnh đã được chứng minh là có khả năng giảm viêm, tiêu sưng, qua đó cải thiện các cơn đau cho người bị phong thấp. Bên cạnh đó, thành phần vitamin K trong trà xanh còn kích thích mạch máu co giãn, đưa máu đến nuôi dưỡng khớp bị bệnh tốt hơn.

Bạn có thể dùng bột trà xanh làm bánh hoặc pha chế nước uống. Một cách khác là lấy lá trà tươi hãm nước uống hàng ngày cũng rất hữu ích.

 Ngoài việc tích cực ăn các thực phẩm có lợi trên đây, người bệnh phong thấp cần chú ý uống nhiều nước ( 2 – 2,5 lít/ngày). Đồng thời kiêng ăn đồ cay nóng, chất béo, thịt đỏ và các thức uống có tính kích thích vì chúng có thể khiến cho bệnh tình phát triển ngoài mức kiểm soát.

Các món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp

Sau khi đã biết được bệnh phong thấp nên ăn gì, bạn nên sử dụng các thực phẩm có lợi ở trên để chế biến ra nhiều món ăn bổ dưỡng giúp hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp. Dưới đây là một số món ăn đơn giản, dễ thực hiện:

1. Món cháo gạo lứt ý dĩ nhân

  • Chuẩn bị: Gạo lứt và ý dĩ nhân mỗi loại 100g
  • Cách chế biến: Gạo lứt vo sạch, đem ngâm trước khi nấu 2 giờ để gạo mềm và nhanh chín. Ý dĩ nhân cũng đem rửa sạch, để cho ráo nước. Cho cả hai nguyên liệu vào nồi, đổ nước ngập mặt rồi đun sôi, vặn nhỏ lửa hầm cho đến khi chín nhừ. Chia ăn 2 lần vào bữa sáng và bữa tối.
  • Tác dụng: Món ăn này giúp đả thông khí huyết, khu phong trừ thấp rất tốt cho người bị phong thấp.
món ăn bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp
Món cháo gạo lứt ý dĩ nhân có nhiều tác dụng tốt với người bệnh phong thấp

2. Chả lươn lá lốt

  • Chuẩn bị: 500g lươn, 1 nắm lá lốt
  • Cách chế biến: Lươn bóp muối cho sạch nhớt, mổ bỏ ruột, cắt nhỏ rồi đem ướp với chút hạt nêm, gừng, hành bằm nhuyễn. Dùng lá lốt gói thịt lươn lại, đem chiên hoặc nướng tùy theo sở thích.
  • Tác dụng: Cả thịt lươn và lá lốt đều có tính ấm. Kết hợp với nhau sẽ tạo thành món ăn bài thuốc có công dụng bồi bổ sức khỏe, ích khí, mạnh gân cốt, làm giảm các triệu chứng bệnh phong thấp.

3. Món khoai sọ hầm xương

  • Chuẩn bị: 600g khoai sọ và 100g xương lợn ( dùng xương ống hoặc xương sống ).
  • Cách chế biến: Gọt vỏ khoai sọ rồi cắt miếng vuông vừa ăn. Xương chần qua nước sôi cho sạch rồi đem hầm chung với khoai sọ. Khi các nguyên liệu chín mềm, nếm nếm gia vị, rắc chút tiêu. Chia làm 2 lần ăn trong ngày, dùng khi còn nóng.
  • Công dụng: Ngoài việc bổ sung thêm nhiều chất xơ và canxi, món canh khoai sọ hầm xương còn có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, khu phong, trừ thấp. Người mắc bệnh phong thấp nên chế biến món này ăn 2 -3 lần mỗi tuần.

4. Món canh lá lốt ngải cứu nấu thịt lợn

  • Chuẩn bị: Lá lốt và lá ngải cứu mỗi loại 50g, 100g thịt lợn bằm, 1 miếng gừng tươi, các gia vị thông dụng
  • Cách chế biến: Thịt lợn đem ướp với chút hành, hạt nêm, nước mắm, tiêu, để 15 phút cho thấm gia vị. Gừng thái sợi hoặc băm nhỏ. Lá lốt và ngải cứu rửa sạch, xắt nhuyễn. Trước tiên xào thịt lợn cho thăn lại rồi đổ lượng nước đủ ăn vào. Khi nước sôi cho các nguyên liệu còn lại vào nấu thành canh. Nêm gia vị cho vừa miệng, dọn ra ăn nóng với cơm.
  • Tác dụng: Món ăn này tuy dân giã nhưng lại có tác dụng rất tích cực trong việc kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp cho người bị phong thấp, đặc biệt là trong những ngày lạnh.

Những thông tin trên đây là lời giải đáp cho thắc mắc “bệnh phong thấp nên ăn gì”. Việc tuân thủ một chế độ ăn hợp lý  đối với người bệnh trong thời gian điều trị là vô cùng cần thiết. Hãy cố gắng đưa những thực phẩm có lợi vào thực đơn để đẩy lùi căn bệnh phong thấp một cách tự nhiên, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thuốc tây.

Bạn cần biết:

  • Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh phong thấp hiệu quả
  • Bị bệnh phong thấp kiêng ăn gì? Lời khuyên từ bác sĩ