Lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đóng vai trò vô cùng quan trọng với quá trình điều trị. Chăm sóc tốt sẽ hỗ trợ đắc lực cho các giải pháp điều trị chuyên sâu. Đồng thời giúp khắc phục triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng vận động của hệ thống xương khớp.
Tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng tổn thương xương khớp mãn tính liên quan tới sự rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh xung quanh khớp. Từ đó làm phát sinh các triệu chứng đau nhức, xơ cứng và sưng khớp. Vị trí thường gặp là bàn tay, ngón tay, bàn chân và khớp gối.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, 80% trong đó là ở đối tượng người già và trung niên. Số liệu thống kê gần đây còn cho thấy, có tới 70% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là phụ nữ. Đặc biệt là chị em phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.
Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng trực tiếp tới niêm mạc khớp. Không chỉ làm sưng đau mà lâu dần còn dẫn tới hao mòn và biến dạng khớp. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng vận động cũng như cuộc sống thường ngày.
Ngoài ra, nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời thì bệnh còn có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác của cơ thể. Điển hình như mắt, tim và phổi. Chính vì vậy, khi không may mắc bệnh cần nghiêm túc điều trị. Đồng thời lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đúng cách để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Nhận định tình hình bệnh lý của bệnh nhân trước khi lên kế hoạch chăm sóc
Trước khi lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thì cần nhận định rõ tình hình bệnh lý. Bởi viêm khớp dạng thấp là bệnh xương khớp mãn tính có tiến triển lâu dài. Đồng thời không thể điều trị dứt điểm.
Tình hình bệnh lý của bệnh nhân được nhìn nhận thông qua đánh giá tổng thể và đánh giá tình hình biến chứng. Cụ thể như sau:
1. Đánh giá tổng thể
Đây là đánh giá bao quát mà bác sĩ cần đưa ra trước khi hướng dẫn người bệnh lập kế hoạch chăm sóc phù hợp. Bao gồm một số vấn đề sau:
- Mức độ đau nhức và sự ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- Trạng thái tinh thần của bệnh nhân. Xác định người bệnh có biểu hiện tâm thần bất thường hay dấu hiệu trầm cảm hay không.
- Mức độ nặng nhẹ của các cơn đau cùng với tình trạng cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy.
- Bệnh nhân có biểu hiện tiêu hóa bất thường như buồn nôn, nôn hay rối loạn tiêu hóa không.
- Kiểm tra có hay không sự hiện diện triệu chứng các bệnh lý xương khớp khác như viêm khớp thông thường hay thoái hóa khớp không.
- Yêu cầu người bệnh cung cấp tiền sử bệnh lý cùng các bệnh mãn tính đang cần điều trị nếu có.
- Thời gian mắc bệnh cùng với các loại thuốc điều trị đang sử dụng.
2. Đánh giá tình trạng biến chứng
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có nguy cơ cao phát sinh biến chứng nếu không kiểm soát tốt. Và một trong những mục tiêu của kế hoạch chăm sóc là hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Chính vì vậy và việc đánh giá tình trạng biến chứng được cho là vô cùng quan trọng:
- Đánh giá về mức độ tổn thương tại các khớp ảnh hưởng. Cần chú ý nhiều hơn đến các khớp nhỏ như khớp ở ngón tay, ngón chân.
- Kiểm tra xem có sự hiện diện của các dấu hiệu biến chứng liên quan tới tim, phổi hay mắt không. Hỏi rõ người bệnh xem có bị khó thở, đau mắt hay chóng mặt gần đây không.
- Nếu có bệnh lý đi kèm thì cần kiểm tra, xác định rõ dấu hiệu cũng như mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt cần chú ý đến các vấn đề bất thường như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa hay dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.
Lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Các chuyên gia xương khớp cho biết, nếu được chăm sóc đúng cách thì triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện theo thời gian. Lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần chú ý đến các vấn đề sau:
1. Để người bệnh nghỉ ngơi khi cơn đau kích hoạt
Đau nhức là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp. Và khi cơn đau nặng kích hoạt thì người bệnh cần có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Điều này sẽ giúp hạn chế những tác động vật lý và cơ học đến vị trí khớp đang tổn thương. Từ đó thúc đẩy tốt hơn quá trình chữa lành tổn thương.
Nếu bệnh xảy ra ở các khớp bàn chân, ngón chân hay đầu gối thì bệnh nhân nên được nghỉ ngơi một vài ngày nếu bị đau nhiều. Tuy nhiên cần hướng dẫn người bệnh nằm nghỉ ở tư thế dễ chịu hết. Khi cơn đua thuyên giảm thì bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng. Đồng thời đã có thể thực hiện một số công việc không đòi hỏi nhiều sức lực.
2. Giúp bệnh nhân nắm rõ về hiện trạng bệnh của mình
Việc thẳng thắn trao đổi với người bệnh về tình hình sức khỏe của họ là vấn đề cần được chú ý. Đặc biệt cần thông báo rõ cho bệnh nhân được biết về các biến chứng họ có thể gặp phải nếu diễn tiến của bệnh không được kiểm soát tốt.
Mục đích là để bệnh nhân có ý thức hơn với việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đừng quên hướng dẫn cho người bệnh được biết về những điều nên cũng như không nên làm trong sinh hoạt hằng ngày.
3. Chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thông qua chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống được đánh giá cao trong việc hỗ trợ điều trị bất cứ bệnh lý nào. Trong đó có bệnh viêm khớp dạng thấp. Khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất với các thực phẩm lành mạnh nhất định sẽ rất hữu ích.
Ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ làm giảm tần suất xuất hiện của các triệu chứng. Đồng thời thúc đẩy chữa lành tổn thương giúp xương khớp nhanh chóng phục hồi được chức năng vận động.
– Thực phẩm tốt cho người viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Nhóm thực phẩm có chứa lượng vitamin dồi dào: Vitamin A thường nhiều trong trứng, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, bơ. Còn trái cây có múi, cà chua, kiwi lại rất giàu vitamin C. Vitamin B12 có nhiều trong cá, sữa chua, pho mát. Còn vitamin D lại là thành phần có nhiều trong trứng, các loại ngũ cốc, dầu cá.
- Nhóm thực phẩm giàu canxi: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, cá mòi, nước cam, các loại đậu, phô mai, cải xoăn…
- Rau lá xanh: Rau bi na, rau ngót, cải xanh, súp lơ…
- Gia vị có đặc tính kháng viêm, giảm đau tự nhiên: Nghệ vàng, gừng, tỏi…
- Thực phẩm giàu Omega-3: Hạt lanh, hạt óc chó, quả bơ, các loại cá béo…
– Thực phẩm người bị viêm khớp dạng thấp nên tránh tiêu thụ bao gồm:
- Các món ăn cay nóng
- Thịt đỏ
- Nội tạng động vật
- Thức ăn nhanh, đồ đóng hộp
- Đồ chiên xào nhiều dầu mỡ
- Đồ ăn nhiều gia vị muối đường
- Bia rượu, nước ngọt có gas
4. Hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động
Nhiều người bệnh thường có xu hướng sợ đau nên rất ngại việc tập luyện. Thay vào đó họ thường ở yên một chỗ. Và họ cũng không ý thức được rằng chính điều này có thể sẽ khiến cho bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn. Thậm chí, bất động dài ngày còn có thể dẫn tới teo cơ, gây yếu liệt cơ bắp…
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, người nhà nên khuyến khích người bệnh vận động. Nên hỗ trợ và nâng đỡ để thuận tiện hơn cho việc đi lại của bệnh nhân.
Khi cơn đau đã thuyên giảm và tình hình bệnh dần ổn thì người thân nên hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động. Tập luyện sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu và giúp khớp vận động linh hoạt hơn.
Có thể hướng dẫn và hỗ trợ người bệnh thực hiện một số bài tập vận động đơn giản. Tốt nhất nên tham khảo bác sĩ vật lý trị liệu để được tư vấn về các bài tập phù hợp với hiện trạng bệnh lý.
5. Hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Một số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tự vệ sinh cá nhân thường ngày. Vì vậy người chăm sóc cần ở bên cạnh để giúp đỡ người bệnh khi cần thiết.
Thực hiện vệ sinh cơ thể cùng với khu vực nghỉ ngơi của bệnh nhân hằng ngày. Vệ sinh bao gồm cả răng, miệng và da để ngăn ngừa đồng thời phát hiện sớm nếu có các ổ nhiễm trùng. Quần áo, khăn trải giường cùng tất cả các vật dụng cá nhân cần được vệ sinh sạch sẽ.
6. Cho người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ
Các chuyên gia cho biết, thuốc tân dược không khác gì con dao hai lưỡi. Mặc dù mang đến tác dụng rất nhanh chóng nhưng nếu dùng không đúng cách sẽ dễ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng.
Chính vì vậy, người chăm sóc cần nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng liều lượng, tần suất và thời gian. Điều này sẽ giúp cho quá trình kiểm soát diễn tiến của bệnh diễn ra suôn sẻ hơn.
7. Hướng dẫn cách theo dõi và phát hiện sớm tác dụng phụ của thuốc cho bệnh nhân
Đây cũng được ghi nhận là vấn đề rất cần thiết trong chăm sóc bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Bởi tất cả các loại thuốc chống viêm, giảm đau hay corticoid được dùng trong điều trị đều có thể phát sinh tác dụng phụ bất cứ lúc nào. Nhất là trong trường hợp phải sử dụng kéo dài.
Cần trao đổi với bác sĩ để nắm rõ những rủi ro có thể phát sinh khi dùng thuốc theo đơn. Sau đó phổ biến cho người bệnh được biết để họ tự có ý thức theo dõi và ngăn ngừa. Khuyến cáo với người bệnh nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào phát sinh trong quá trình điều trị bằng thuốc thì cần báo cáo lại ngay.
8. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Người bệnh thường rất dễ có xu hướng bi quan và quá lo lắng về bệnh tật của mình. Từ đó gây ra tình trạng căng thẳng, stress, mất ngủ và chán ăn uống. Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến bệnh viêm khớp dạng thấp diễn tiến xấu.
Người chăm sóc và gia đình, bạn bè nên dành thời gian để tâm sự và cổ vũ tinh thần người bệnh. Từ đó giúp người bệnh chấn an tinh thần, suy nghĩ lạc quan, tránh các biến chứng ảnh hưởng đến tâm lý.
9. Một số mẹo chăm sóc và giảm đau tại nhà
Bên cạnh việc cho bệnh nhân dùng thuốc đều đặn thì người chăm sóc có thể áp dụng một số mẹo tự nhiên để hỗ trợ giảm đau. Ví dụ như:
– Massage, xoa bóp:
Hãy thường xuyên massage và xoa bóp tại các khớp bị ảnh hưởng cho bệnh nhân. Cách này giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp khớp xương được thư giãn. Từ đó làm giảm đau nhức và ngăn ngừa tình trạng teo cơ, cứng khớp.
– Tác dụng nhiệt:
Nên căn cứ vào triệu chứng mà người bệnh gặp phải mà áp dụng giải pháp phù hợp. Nếu khớp xương bị sưng viêm thì nên chườm lạnh. Còn nếu chỉ bị đau đơn thuần thì tác dụng nhiệt nóng sẽ phù hợp hơn.
– Cho người bệnh tắm nước ấm:
Đây là giải pháp đơn giản và hữu hiệu giúp tăng cường tuần hoàn máu. Đồng thời hỗ trợ giảm đau, làm thư giãn gân cốt và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nên chuẩn bị bồn tắm nước ấm và thêm vào chút tinh dầu để bệnh nhân ngâm mình trong đó.
– Giảm cân:
Cân nặng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe xương khớp. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu thừa cân, béo phì thì người chăm sóc nên trao đổi với bác sĩ để giúp họ có được chế độ giảm cân an toàn và hiệu quả.
– Tận dụng thảo dược tự nhiên:
Một số thảo dược tự nhiên như lá lốt, gừng tươi hay ngải cứu được đánh giá là có tác dụng rất tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Người chăm sóc có thể tham khảo bác sĩ trước khi áp dụng giải pháp này cho bệnh nhân. Thực hiện đúng cách có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
10. Giúp người bệnh duy trì và xây dựng thói quen sinh hoạt tốt
Để làm chậm diễn tiến của bệnh và hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị thì cần chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho lành mạnh. Người chăm sóc cần nhắc nhở bệnh nhân thực hiện một số vấn đề sau:
- Tránh thức khuya, đi ngủ sớm trước 23 giờ. Ngủ đủ giấc, đảm bảo mỗi ngày từ 7 – 8 tiếng đồng hồ.
- Nhắc nhở bệnh nhân ăn uống đúng giờ.
- Tránh để người bệnh vận động mạnh hay đi lại quá nhiều.
- Khuyến khích người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu bia hay hút thuốc lá.
- Chỉ cho người bệnh thực hành các phương án giúp kiểm soát căng thẳng.
- Duy trì các tư thế đúng cả trong sinh hoạt thường ngày và khi ngủ.
Bài viết đã hướng dẫn cụ thể cách lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh lý mãn tính khó điều trị nên cần kết hợp các giải pháp chuyên sâu và chăm sóc phù hợp. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về việc chăm sóc người bệnh thì bạn nên trực tiếp trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.