Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) – Dấu hiệu và cách điều trị
Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) đề cập đến những triệu chứng phát sinh do bó rễ thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép. Hội chứng này đặc trưng bởi triệu chứng đau thắt lưng dữ dội, mất cảm giác chi dưới, trực tràng và bàng quang. Ở những trường hợp nặng nề, bệnh có thể làm mất khả năng kiểm soát cơ bàng quang, ruột và cơ quan sinh dục.
Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) là gì?
Chùm đuôi ngựa là bó rễ thần kinh nằm ở vùng lưng dưới, có vai trò dẫn truyền tín hiệu cảm giác – vận động của chi dưới và các cơ quan bên trong vùng xương chậu như ruột kết, bàng quang, trực tràng…
Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda equina syndrome) đề cập đến các triệu chứng phát sinh do bó rễ thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép và tổn thương. Hội chứng này gây ra các triệu chứng đột ngột và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
Trong trường hợp không được kiểm soát kịp thời, CES có thể dẫn đến những biến chứng vĩnh viễn không thể hồi phục. Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp mắc bệnh có tiên lượng xấu ngay cả khi đã tiến hành phẫu thuật.
Nguyên nhân gây hội chứng chùm đuôi ngựa
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa là do bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh lý này xảy ra khi đĩa đệm bị xơ hóa, nứt, rách, dẫn đến hiện tượng thoát dịch nhầy ra bên ngoài. Dịch nhầy từ đĩa đệm có thể chèn ép bó rễ thần kinh và làm phát sinh hội chứng đuôi ngựa.
Ngoài ra hội chứng chùm đuôi ngựa cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Chấn thương: Chấn thương trực tiếp lên vùng thắt lưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra CES. Tác động từ chấn thương có thể gây thoát vị đĩa đệm, vỡ cột sống hoặc gây tổn thương lên rễ thần kinh.
- Hẹp cột sống: Hẹp cột sống vùng thắt lưng là khiếm khuyết bẩm sinh hoặc có thể là hệ quả do quá trình thoái hóa cột sống. Không gian trong cột sống bị thu hẹp có thể gia tăng áp lực lên bó rễ thần kinh và khiến cơ quan này bị tổn thương.
- Biến chứng sau phẫu thuật cột sống: Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, thay cột sống, loại bỏ u cột sống,… có thể vô tình gây tổn thương bó rễ thần kinh và làm phát sinh hội chứng chùm đuôi ngựa.
- Viêm cột sống dính khớp: Là bệnh xương khớp mãn tính có liên quan đến tình trạng rối loạn tự miễn. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng cứng cột sống, đau thắt lưng và khớp háng. Ảnh hưởng của bệnh lý này có thể làm tăng áp lực lên đĩa đệm và rễ thần kinh, từ đó làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chùm đuôi ngựa và bệnh thoát vị đĩa đệm.
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp, tỷ lệ mắc hội chứng chùm đuôi ngựa có thể tăng lên đáng kể do một số yếu tố như béo phì, thừa cân, thường xuyên phải lao động nặng nhọc, có người thân cận huyết mắc chứng bệnh liên quan đến đĩa đệm thắt lưng và rễ thần kinh.
Triệu chứng & Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa phụ thuộc vào mức độ chèn ép và tổn thương ở bó rễ thần kinh. Phần lớn triệu chứng của bệnh tập trung ở khu vực thắt lưng, chi dưới và bàng quang.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết hội chứng chùm đuôi ngựa, bao gồm:
- Đau vùng thắt lưng dữ dội
- Có cảm giác tê bì lan rộng ra vùng chậu và chi dưới
- Mất cảm giác từ vùng thắt lưng trở xuống vùng chậu, bắp đùi, và bàn chân
- Yếu chi dưới
- Chi dưới mất phản xạ
- Rối loạn chức năng bàng quang (tiểu tiện khó, bí tiểu, tiểu nhắt)
- Rối loạn chức năng sinh dục (thường gặp ở nam giới)
- Mất cảm giác ở vùng trực tràng
- Không thể tự chủ khi đi đại tiện và tiểu tiện
Hội chứng chùm đuôi ngựa có nguy hiểm không?
Khác với đau thần kinh tọa hay các bệnh lý thần kinh ngoại biên khác, hội chứng chùm đuôi ngựa là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và dễ gây ra biến chứng nặng nề.
Hầu hết các triệu chứng của bệnh đều khởi phát đột ngột, gây ra cảm giác khó chịu, giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm gián đoạn hoạt động làm việc và học tập.
Ngoài ra nếu không được kiểm soát, hội chứng này còn có thể gây ra một ảnh hưởng nặng nề như:
- Tổn thương bàng quang và ruột vĩnh viễn: Trong trường hợp bó rễ thần kinh bị chèn ép nặng nề, bàng quang và ruột kết có thể bị tổn thương vĩnh viễn và không thể hồi phục hoàn toàn. Trong trường hợp này bạn buộc phải sử dụng ống thông tiểu và tã quần để xử lý tình trạng mất tự chủ khi đại tiểu tiện.
- Rối loạn cương dương: Bó rễ thần kinh còn ảnh hưởng đến hoạt động cương cứng của dương vật. Vì vậy nếu cơ quan này bị chèn ép nặng nề, bạn có thể gặp phải tình trạng rối loạn cương dương hoặc thậm chí là liệt dương.
- Trầm cảm: Phần lớn các bệnh nhân bị CES đều có xu hướng trầm cảm và mất ngủ kéo dài nếu không nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân.
Chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa
Hội chứng chùm đuôi ngựa có triệu chứng tương tự như gai đôi cột sống và đau thần kinh tọa. Vì vậy trước khi can thiệp điều trị, bác sĩ bắt buộc phải thực hiện các chẩn đoán cần thiết.
- Xem xét tiền sử và tình trạng bệnh lý: Phần lớn các trường hợp mắc CES đều do các bệnh mãn tính gây ra. Vì vậy bác sĩ có thể xem xét tiền sử và tình trạng sức khỏe của bạn để khoanh vùng những khả năng có thể xảy ra.
- Kiểm tra thể chất: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số hoạt động thể chất như đứng, ngồi, nâng chân, cúi gập người,… để quan sát phản ứng và lực của chi dưới.
- MRI: MRI là xét nghiệm hình ảnh sử dụng cộng hưởng tử để hiển thị rõ hình ảnh của các mô mềm, bao gồm dây thần kinh, da,… Qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định một số nguyên nhân gây hội chứng chùm đuôi ngựa như thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống, u cột sống,…
Ngoài ra với những trường hợp khó chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-Quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa
1. Phẫu thuật
Phần lớn các trường hợp bị hội chứng đuôi ngựa đều phải tiến hành phẫu thuật. Với những trường hợp đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như yếu chi dưới, đau, mất cảm giác, tiểu không tự chủ,… phẫu thuật cần được thực trong 24 – 48 giờ sau đó.
Chậm trễ trong quá trình điều trị có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng và khiến tình trạng mất tự chủ khi đại tiểu tiện không thể hồi phục hoàn toàn.
Các phẫu thuật có thể được thực hiện, bao gồm:
- Loại bỏ khối u và gai xương
- Thay đĩa đệm nhân tạo
- Phẫu thuật chỉnh hình cấu trúc cột sống
Sau khi phẫu thuật, bạn cần ở lại bệnh viện trong một thời gian để kiểm tra và xem xét mức độ hồi phục. Ở một số trường hợp, dây thần kinh có thể phục hồi hoàn toàn mà không để lại bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên nếu có dấu hiệu suy giảm khả năng đi lại sau phẫu thuật, bạn cần thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động của chi dưới.
2. Sử dụng thuốc
Hội chứng chùm đuôi ngựa có thể thuyên giảm hoàn toàn sau lần phẫu thuật đầu tiên. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tổn thương thần kinh có thể không được phục hồi hoàn toàn. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhằm cải thiện cơn đau và hỗ trợ kiểm soát hoạt động của ruột, bàng quang.
Thuốc giảm đau được sử dụng trong điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa, bao gồm:
- Paracetamol, Ibuprofen và Diclofenac là nhóm thuốc giảm đau không kê toa có đáp ứng đối với cơn đau nhẹ đến trung bình. Nhóm thuốc này khá an toàn và hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Oxycodone là thuốc giảm đau gây nghiện (opioids) được sử dụng ngay sau khi thực hiện phẫu thuật. Loại thuốc này ức chế thụ thể opioids ở tế bào thần kinh làm cho não bộ không cảm nhận được tín hiệu đau. So với thuốc giảm đau không kê toa, opioids có tác dụng giảm đau mạnh hơn nhưng dễ gây tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
- Corticosteroid có thể được chỉ định nếu hội chứng chùm đuôi ngựa đi kèm với hiện tượng sưng viêm quanh cột sống. Thuốc có thể giảm nhanh tình trạng viêm và cải thiện cơn đau có mức độ nặng nề. Tuy nhiên corticosteroid có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
Ngoài ra bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giúp kiểm soát hoạt động của ruột kết và bàng quang như:
- Hyoscyamine
- Tolterodine
- Oxybutynin
3. Phương pháp khác
Trong trường hợp bàng quang và ruột kết bị tổn thương hoàn toàn, dẫn đến tình trạng mất tự chủ đại tiểu tiện không thể khắc phục, bạn buộc phải thực hiện các biện pháp sau:
- Sử dụng ống thông tiểu
- Mang tã trong trường hợp mất tự chủ khi đại tiện
- Sử dụng thuốc thụt glycerin để quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi
- Áp dụng liệu pháp tâm lý nếu có dấu hiệu trầm cảm
Khi sử dụng ống thông tiểu, bạn cần uống nhiều nước và vệ sinh cơ thể thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tiến triển và mức độ hồi phục của hội chứng chùm đuôi ngựa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, một số bệnh nhân có thể phải tập thích ứng và sống chung với CES suốt đời. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên thăm khám thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ tiến triển và triệu chứng của bệnh.