Gai cột sống có chữa được không?
Gai cột sống là một trong những bệnh xương khớp khá phổ biến. Bệnh lý này có chữa được không? Điều trị bằng các phương pháp nào? là những vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc trên.
Bệnh gai cột sống có chữa được không? – Giải đáp!
Gai cột sống là tình trạng cột sống bị thoái hóa và hình thành các gai xương bất thường. Các gai xương này có thể chèn ép lên đĩa đệm, mô mềm, dây thần kinh và làm phát sinh cơn đau nhức, tê bì.
Vì bệnh lý này là hệ quả của quá trình thoái hóa nên không thể chữa trị dứt điểm. Các phương pháp được áp dụng chỉ có khả năng cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của gai xương.
Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng bệnh gai đốt sống lại có mức độ tiến triển chậm. Vì vậy nếu có phác đồ điều trị rõ ràng cùng với chế độ chăm sóc đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp điều trị bệnh gai cột sống
Sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, chườm nóng, phẫu thuật,… là các phương pháp điều trị gai cột sống được áp dụng phổ biến. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, bạn cần xem xét mức độ cơn đau, kích thước gai xương và khả năng đáp ứng của cơ thể.
1. Điều trị bảo tồn
Hầu hết các trường hợp gai cột sống đều được điều trị bảo tồn trước khi can thiệp ngoại khoa. Điều trị bảo tồn có tác dụng làm giảm cơn đau, ngăn chặn sự phát triển bất thường của gai xương và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều trị bảo tồn bao gồm các phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc: Dựa vào triệu chứng cụ thể và khả năng đáp ứng của từng cá thể, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm,… để làm giảm các triệu chứng của bệnh.
- Dùng dụng cụ nẹp cổ: Gai xương có xu hướng chèn ép lên những cơ quan khác khi cấu trúc của cột sống mất ổn định. Vì vậy bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng dụng cụ nẹp cổ trong một thời gian để giảm mức độ chèn ép của gai xương.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu được thực hiện nhằm thư giãn cơ bắp, cải thiện cơn đau và tăng phạm vi chuyển động của đốt sống. Phương pháp này không phát sinh tình trạng lạm dụng hay gây ra các tác dụng ngoại ý như việc dùng thuốc. Tuy nhiên bạn cần thực hiện đều đặn để đạt được kết quả như mong đợi.
- Các biện pháp tại nhà: Với những cơn đau có mức độ nhẹ, bạn có thể thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà như chườm lạnh, thực hiện bài thuốc đắp từ thảo dược, bấm huyệt, xoa bóp,…
Phần lớn bệnh nhân bị gai cột sống đều đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn.
2. Phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị bảo tồn thất bại, gai xương phát triển có kích thước lớn gây chèn ép nặng nề lên những cơ quan xung quanh, bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp các thủ thuật xâm lấn.
Phẫu thuật cho bệnh nhân gai cột sống được thực hiện nhằm loại bỏ gai xương và phục hồi cấu trúc cột sống. Sau khi gai xương được loại bỏ, các triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm hoàn toàn.
Tuy nhiên thủ thuật xâm lấn có thể gây ra các biến chứng như xuất hiện cục máu đông, tổn thương mô mềm, dây thần kinh, nhiễm trùng,… Vì vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
Sau khi phẫu thuật, bạn vẫn có nguy cơ hình thành gai xương mới nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.
3. Chế độ chăm sóc
Chế độ chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị gai cột sống. Một chế độ chăm sóc hợp lý sẽ giúp bạn khắc phục hiện tượng viêm, làm giảm tần suất phát sinh cơn đau và cải thiện được khả năng vận động của cột sống.
Ngược lại nếu cẩu thả trong việc chăm sóc, cơn đau do gai cột sống sẽ có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ.
Để hỗ trợ quá trình điều trị, bạn cần thực hiện:
- Nên luyện tập những bộ môn có cường độ nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để thư giãn cơ bắp và tăng phạm vi chuyển động của cột sống.
- Chú trọng các thực phẩm chứa nhiều canxi, omega 3, vitamin, khoáng chất,… nhằm tăng cường độ chắc khỏe của xương khớp.
- Điều chỉnh cân nặng, tránh tình trạng thừa cân – béo phì. Trọng lượng cơ thể cao sẽ gây áp lực lên các đốt sống và tạo điều kiện cho gai xương hình thành. Hơn nữa, người béo phì thường gặp phải hội chứng rối loạn chuyển hóa. Hội chứng này khiến canxi không được thu nạp vào xương mà có xu hướng tích tụ tại một số vị trí bất thường.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính khác như viêm khớp, thoái hóa khớp, gout, tiểu đường,… Những bệnh lý này làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và tạo điều kiện cho gai xương hình thành.
- Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích.
Gai cột sống là bệnh mãn tính không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên nếu nghiêm túc trong quá trình điều trị, bạn có thể làm giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng. Đồng thời thu nhỏ kích thước gai xương và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.