Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio khi nào nên thực hiện?
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio có phạm vi chỉ định hạn chế. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho các trường hợp bệnh mới khởi phát, có mức độ nhẹ và không đi kèm với bất cứ bệnh lý cột sống nào khác.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio là gì? Khi nào nên thực hiện?
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio (sóng cao tần) là phương pháp điều trị nội khoa ít phổ biến. Phương pháp này sử dụng sóng cao tần đưa vào bên trong đĩa đệm bị tổn thương nhằm cân bằng áp lực, đưa dịch nhầy bị thoát vị trở về đúng vị trí và hạn chế nguy cơ chèn ép lên rễ thần kinh cột sống.
Phương pháp này chỉ được thực hiện cho những trường hợp sau:
- Thoát vị đĩa đệm chỉ mới khởi phát và có mức độ nhẹ.
- Không có các bệnh lý cột sống đi kèm.
Mặc dù phương pháp này ứng dụng công nghệ và khoa học tiên tiến nhưng phạm vi chỉ định rất hạn chế. Vì vậy trước khi áp dụng điều trị thoát vị đĩa đệm bằng radio, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem xét mức độ đáp ứng.
Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio
Sử dụng sóng Radio chữa thoát vị đĩa đệm là biện pháp nội khoa nên ít xâm lấn và có thời gian thực hiện nhanh chóng (chỉ khoảng 20 phút).
Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Radio:
- Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ để giảm mức độ đau.
- Sau đó sử dụng kim tiêm lớn đâm qua da và tiếp xúc với đĩa đệm bị tổn thương
- Sử dụng sóng cao tần và tăng nhiệt độ của cây kim (khoảng 40 – 70 độ C) nhằm cân bằng áp lực ở lòng đĩa đệm và đưa nhân nhầy trở về vị trí.
Với những trường hợp bệnh mới khởi phát, phương pháp này có thể đem lại cải thiện từ 80 – 90%.
Điều trị bằng sóng cao tần có thay thế phẫu thuật được không?
Sóng cao tần là phương pháp điều trị nội khoa ít xâm lấn, vì vậy tác động từ phương pháp này không thể thay thế cho phẫu thuật. Sử dụng sóng Radio có thể cân bằng áp lực ở đĩa đệm và đưa lượng nhân nhầy trở về vị trí ban đầu. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có đáp ứng với những trường hợp bệnh mới khởi phát và có mức độ nhẹ.
Với trường hợp nhân nhầy đã tràn ra nhiều và gây chèn ép rễ thần kinh, điều trị bằng sóng cao tần thường không có đáp ứng tốt.
Hơn nữa, bệnh thoát vị đĩa đệm có tiến triển âm thầm và triệu chứng ban đầu không rõ rệt nên phần lớn người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng nề. Cũng vì lý do này nên phương pháp điều trị bằng sóng cao tần hiếm khi được chỉ định.
Ưu điểm và hạn chế của phương pháp điều trị bằng sóng cao tần
Phương pháp điều trị bằng sóng cao tần có những ưu điểm và các mặt hạn chế sau:
– Ưu điểm:
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ mất khoảng 15 – 20 phút
- Mức độ xâm lấn thấp nên thời gian phục hồi khá nhanh chóng. Chỉ sau khoảng 24 giờ, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt như bình thường.
- Có đáp ứng tốt đối với các trường hợp mới khởi phát.
- Ít gây đau đớn và hầu như không xuất hiện tình trạng chảy máu.
– Hạn chế:
- Phạm vi chỉ định rất hạn chế.
- Phương pháp này ít phổ biến nên chỉ có một vài bệnh viện lớn thực hiện.
Chăm sóc sau khi điều trị bằng sóng Radio
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio là phương pháp nội khoa nên không thể điều trị từ căn nguyên của bệnh. Do đó để ngăn chặn tình trạng thoát vị tái phát, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý:
- Sau khi thực hiện khoảng 5 ngày, bạn nên tránh di chuyển và vận động quá nhiều. Thay vào đó nên nghỉ ngơi và đi lại nhẹ nhàng để tránh kích thích lên đĩa đệm.
- Kiểm soát cân nặng có thể làm giảm áp lực lên đĩa đệm và hạn chế nguy cơ thoát vị tái phát.
- Thường xuyên luyện tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, bơi lội,… Các bộ môn này có thể kéo giãn cột sống và cân bằng áp lực lên đĩa đệm bị tổn thương.
- Bổ sung nhiều nước, vitamin, rau xanh, Omega 3 và các khoáng chất cần thiết nhằm phục hồi tổn thương ở cột sống và duy trì sức khỏe xương khớp.
- Không mang vác nặng, vận động quá mức và ngồi quá nhiều. Bạn nên đi lại sau 1 – 2 giờ làm việc và sử dụng thiết bị hỗ trợ nếu phải mang vác vật nặng.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio có thể cải thiện tình trạng thoát vị từ 80 – 90% và làm giảm các triệu chứng đau nhức nhanh chóng. Tuy nhiên phương pháp này có thể không đem lại hiệu quả với một số trường hợp. Vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.