Điều trị thoái hóa khớp gối bằng đông y hiệu quả bền vững
Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng Đông y có thể cải thiện các triệu chứng lâm sàng và làm chậm quá trình thoái hóa mô sụn. Tuy nhiên phương pháp này chỉ đem lại tác dụng rõ rệt đối với trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.
Hiệu quả của đông y trong điều trị thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là bệnh viêm khớp mãn tính thường gặp nhất. Thoái hóa là trạng thái mô sụn bị bào mòn, dẫn đến tình trạng xơ cứng và khó khăn khi vận động. Bệnh lý này không chỉ làm giảm khả năng di chuyển mà còn gây đau nhức, mệt mỏi và khó chịu.
Ở một số trường hợp, tình trạng xơ hóa mô sụn có thể kích thích mô mềm xung quanh khiến vùng đầu gối bị sưng nóng và phù nề. Các triệu chứng này có thể tăng lên theo thời gian nếu không được điều trị dứt điểm.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị từ Tây y, một số người bệnh đã lựa chọn bài thuốc và kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt từ Đông y để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Theo Đông y, chứng thoái hóa khớp gối hình thành là do cơ thể suy yếu tạo điều kiện cho thấp tà, phong và hàn xâm nhập vào khí huyết gây sưng đau ở khớp. Vì vậy để giải huyết ứ cần áp dụng bài thuốc có công dụng hoạt huyết, mạnh gân xương, bồi bổ thể trạng và chỉ thống (giảm đau).
Song song với việc áp dụng bài thuốc, Đông y còn kết hợp với kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt để tăng cường tuần hoàn máu, giải ứ trệ và cải thiện tình trạng phù nề ở khớp gối.
Vì vậy điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y có thể làm chậm tiến triển của quá trình hư hại mô sụn và kiểm soát một số triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên phương pháp này có tác dụng chậm nên chỉ thích hợp với những trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.
Ở những bệnh nhân thoái hóa khớp gối có dấu hiệu biến dạng khớp và mất sụn trên phạm vi rộng, cần thăm khám trong thời gian sớm nhất để can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời.
Cách điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông Y
Chữa thoái hóa khớp gối bằng Đông Y bao gồm bài thuốc uống, đắp và kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt.
1. Dùng các bài thuốc đông y trị bệnh
Bạn có thể thực hiện song song bài thuốc uống và bài thuốc đắp từ Đông y để giảm đau, sưng viêm và tăng khả năng phục hồi các mô sụn bị bào mòn, xơ hóa.
– Bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang
Độc hoạt ký sinh thang là bài thuốc chữa thoái hóa khớp và phong thấp rất phổ biến. Bài thuốc này phối hợp nhiều dược liệu có đặc tính trừ hàn, khu phong, hoạt huyết và thông kinh lạc để giải phóng ứ trệ ở khớp gối.
- Chuẩn bị: Tế tân 4g, độc hoạt 12g, tần giao 8g, xuyên khung 8g, đỗ trọng 12g, cam thảo 4g, sinh địa 12g, bạch thược 10g, đảng sâm 12g, ngưu tất 12g, quế chi 4g, tang ký sinh 16g, phòng phong 10g, phục linh 10g và đương quy 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
– Bài thuốc PT 5
PT5 là bài thuốc chữa các chứng bệnh về xương khớp do phong hàn gây ra. Bài thuốc này tận dụng các thảo dược có tính ấm như quế chi, thiên niên kiện, cây trinh nữ và lá lốt để trừ hàn, đồng thời gia thêm hà thủ ô, thổ phục linh và sinh địa nhằm bồi bổ sức khỏe và thông kinh hoạt lạc.
- Chuẩn bị: Hà thủ ô 12g, thiên niên kiện 10g, lá lốt 10g, thổ phục linh 16g, quế nhục 8g, cây trinh nữ 12g, sinh địa 12g và cỏ xước 16g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.
– Bài thuốc từ dược liệu tục đoạn
Bài thuốc uống này phù hợp với những bệnh nhân bị đau nhức khớp gối nhiều về đêm đi kèm với triệu chứng chân tay lạnh.
- Chuẩn bị: Rễ cây xấu hổ 20g, nam tục đoạn 16g, chích cam thảo 12g, thổ phục linh 20g, thiên niên kiện 10g, quế chi 10g, kinh giới 16g, thạch xương bồ 12g, huyết đằng 16g, đậu đen (sao thơm) 24g, đương quy 12g và hà thủ ô 16g.
- Thực hiện: Đem sắc với 1 lít nước còn lại 350ml, chia thành 2 lần uống dùng hết trong ngày.
– Bài thuốc ngâm rượu
Với những trường hợp khớp gối đau nhức lâu ngày, bạn có thể áp dụng bài thuốc ngâm rượu để khu phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc và giảm sưng viêm.
- Chuẩn bị: Cam thảo 16g, táo nhân sao đen 20g, rễ cỏ xước 20g, đương quy 20g, rễ bưởi bung 20g, tang chi 20g, nam tục đoạn 20g, kê huyết đằng 20g, trần bì 12g, xuyên khung 20g và hà thủ ô chế.
- Thực hiện: Cho các vị thuốc vào bình ngâm với rượu trong 12 ngày. Mỗi lần dùng 50ml uống trước bữa ăn, ngày dùng 2 lần.
– Bài thuốc đắp từ thạch xương bồ và ngải diệp
Trong trường hợp bị cứng khớp, khó khăn khi di chuyển, bạn có thể áp dụng song song với bài thuốc đắp. Đắp bài thuốc trong khoảng 20 phút có thể làm ấm khớp, cải thiện triệu chứng cứng khớp và tăng phạm vi chuyển động.
- Chuẩn bị: Củ thạch xương bồ (giã dập) 24g và ngải diệp 1 nắm.
- Thực hiện: Đem sao nóng và bọc trong tấm vải, sau đó chườm trực tiếp lên chỗ đau nhức.
2. Kết hợp xoa bóp bấm huyệt cho người thoái hóa khớp gối
Bên cạnh việc áp dụng bài thuốc từ Đông y, bạn cũng có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt để cải thiện tình trạng đau nhức và tăng cường phạm vi chuyển động của khớp gối. Phối hợp giữa xoa bóp bấm huyệt với các bài thuốc có thể tác động toàn diện đến bệnh và đem lại kết quả điều trị tối ưu.
Để giảm đau do thoái hóa khớp gối, bạn nên xoa bóp và day ấn vào các huyệt vị sau:
- Huyệt Thận Du: Huyệt vị này nằm ngay phía dưới mỏm gai đốt sống lưng thứ 2, đo ngang ra 1.5 thốn.
- Huyệt Dương Lăng Tuyền: Huyệt nằm bờ ngoài của bắp chân, ngay dưới đầu nhỏ của xương mác.
- Huyệt Can Du: Huyệt Can Du nằm dưới mỏm gai đốt sống thứ 9, đo ngang ra 1.5 thốn.
- Huyệt Âm Lăng Tuyền: Huyệt vị nằm ở mặt trong đùi, ngay phía dưới đầu gối.
Trong trường hợp khí huyết ứ trệ lâu ngày, có thể kết hợp với châm cứu để đả thông kinh mạch và giảm đau nhức khớp. Nếu cơn đau có mức độ nặng nề hơn, bạn nên áp dụng kỹ thuật thủy châm, điện phân để cải thiện triệu chứng, kích thích cơ bắp và nuôi dưỡng khớp gối.
Những lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông Y
Để đạt được kết quả tối ưu khi điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông Y, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Chữa thoái hóa khớp gối bằng Đông Y là phương pháp bảo tồn, do đó chỉ áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nhẹ đến trung bình. Những trường hợp có mức độ tổn thương khớp nặng nề nên thăm khám để tiến hành can thiệp các thủ thuật ngoại khoa.
- Trong thời gian điều trị, bạn nên điều chỉnh các tư thế sai lệch, hạn chế mang vác nặng và chạy bộ. Thay vào đó nên sử dụng thiết bị hỗ trợ khi mang vác và luyện tập các bộ môn ít gây áp lực lên khớp gối như yoga, bơi lội, đạp xe,…
- Với những người bị thừa cân béo phì, nên điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện khoa học nhằm kiểm soát cân nặng ở mức cân đối.
- Có thể áp dụng cách chữa từ Đông Y với một số kỹ thuật vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khớp gối và cải thiện tình trạng đau nhức.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động trong thời gian khớp sưng nóng và phù nề.
- Tiến hành thăm khám để bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương khớp trước khi áp dụng cách điều trị từ Đông Y.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông Y có thể đem lại cải thiện lâm sàng đối với trường hợp bệnh có mức độ nhẹ đến trung bình. Người có mức độ thoái hóa nghiêm trọng nên tiến hành thăm khám để can thiệp phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.