Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn và những điều cần biết
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn là một trong những lựa chọn điều trị được nhiều người quan tâm. Việc điều trị này được mô tả là tiêm chất nhờn vào khớp gối nhằm mục đích bổ sung chất bôi trơn, giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.
Vai trò của chất nhờn đối với xương khớp
Một khớp gối khỏe mạnh chứa tới 4 ml dịch khớp (chất nhờn). Thành phần chính của dịch khớp gối là Axit Hyaluronic. Khớp gối bị thoái hóa thường có nồng độ Axit Hyaluronic trong dịch khớp thấp hơn so với các khớp khỏe mạnh. Các chuyên gia tin rằng chất nhờn này có thể hỗ trợ và giữ cho khớp gối không bị tổn thương. Các tác dụng chính của dịch khớp gối bao gồm:
- Lót ở giữa bề mặt sụn và khớp, do đó nó làm giảm ma sát khớp để bảo vệ khớp khi va chạm do tại nạn hoặc do sinh hoạt hàng ngày.
- Axit Hyaluronan được công nhận về vai trò duy trì sức khỏe khớp. Hyaluronan được tổng hợp tự nhiên tại các khớp, nó liên kết với collagen và elastin để tạo thành sụn khớp. Chính sự hiện diện của Axit Hyaluronan làm cho sụn đủ mạnh để xử lý các lực nén trong khớp.
- Axit Hyaluronan có trong trong bao hoạt dịch, điều này rất quan trọng cho sự vận động bình thường của khớp.
- Ở trong xương, sự hiện diện của Aixt Hyaluronan có vai trò chủ yếu là mô hình hóa và tái tạo xương. Axit Hyaluronan đã được chứng minh là có thể điều chỉnh tái tạo xương bằng cách kích thích các nguyên bào và tế bào xương.
Axit Hyaluronan là một thành phần không thể thiếu của khớp gối và thường được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối. Axit Hyaluronan có thể làm giảm các triệu chứng viêm, đau, sưng và kích thích chuyển hóa các chất để tái tạo sụn và xương mới.
Những điều cần biết về việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Tiêm Axit Hyaluronan được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối và cải thiện các chức năng của khớp gối. Phương pháp này được gọi là điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không phù hợp với tất cả các đối tượng. Do đó, người bệnh nên tham khảo một số thông tin cơ bản về phương pháp này trước khi quyết định áp dụng điều trị.
1. Đối tượng điều trị thoái hóa khớp bằng chất nhờn
Axit Hyaluronic được dùng để điều trị thoái hóa khớp gối và viêm khớp gối. Phương pháp điều trị này có thể được áp dụng cho các trường hợp:
- Bị thoái hóa khớp gối vừa phải với các triệu chứng gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Thuốc giảm đau không có tác dụng. Người bệnh dị ứng với thuốc giảm đau, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid và steroid dạng viên nén hoặc thuốc tiêm.
- Có các bệnh lý về thận, vấn đề về tim và hoặc xuất huyết dạ dày khi sử dụng thuốc chống viêm lâu dài.
- Có bênh lý như tiểu đường hoặc huyết áp cao.
- Không đủ điều kiện để phẫu thuật hoặc muốn trì hoãn phẫu thuật, không muốn phẫu thuật.
- Các phương pháp điều trị như : Vật lý trị liệu, tập thể dục, chườm nóng hoặc lạnh,… không có tác dụng điều trị
2. Ai không nên điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Tiêm chất nhờn có thể không phù hợp ở một số người, bao gồm:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú
- Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi
- Những người bị nhiễm vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác ở bên trong hoặc xung quanh đầu gối
Ngoài ra, những người bị dị ứng với trứng hoặc gia cầm (gà hoặc chim) nên thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện liệu pháp. Điều này được giải thích là do chất nhờn (Axit Hyaluronic) được làm từ lược gà trống và có thể không phù hợp với những bệnh nhân dị ứng.
3. Công dụng của việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Phương pháp này được cho là có thể:
- Giảm đau
- Cải thiện chuyển động khớp bằng cách tăng bôi trơn, giảm ma sát và viêm khớp
- Góp phần tái tạo xương, sụn và làm chậm quá trình lão hóa
4. Tác dụng phụ của việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Tác dụng phụ những mũi tiêm chất nhờn vào khớp gối bao gồm:
- Sưng khớp và đau
- Đỏ ở vị trí tiếp xúc
- Nhiễm trùng da hoặc khớp
- Có thể gây nên các dấu hiệu dị ứng
- Đau ở vị trí tiêm
- Ngứa
- Bầm tím
5. Thời gian tiêm chất nhờn điều trị thoái hóa khớp gối
Tiêm chất nhờn thường được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ chuyên khoa. Mỗi lần chỉ tiêm một lượng nhỏ Axit Hyaluronic, thường là 2 ml, tiêm trực tiếp vào nang khớp gối. Các mũi tiêm được tiêm cách nhau một tuần.
Điều trị thoát hóa khớp gối bằng cách tiêm chất nhờn dao động từ 3 đến 5 tuần, mỗi tuần tiêm một đến hai lần. Hiệu quả giảm đau có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần tiêm hoặc thậm chí là 6 tháng. Việc điều trị có thể được lặp lại khi cần thiết.
6. Tiêm chất nhờn chỉ được sử dụng để điều trị thoát hóa khớp gối
Tiêm chất nhờn là một phương pháp điều trị thoái hóa khớp và nó chỉ được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn cho viêm xương khớp, thoái hóa khớp gối. Liệu pháp chưa được sử dụng cho các khu vực khác của cơ thể bao gồm viêm xương khớp vai, hông và mắt cá chân,…
7. Ưu nhược điểm của việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Ưu điểm:
- An toàn, rất ít trường hợp gây phản ứng viêm, đau ở vị trí tiêm. Nếu các phản ứng xảy ra thì chúng cũng sẽ biến mất nhanh chóng sau 2, 3 ngày và các triệu chứng chỉ gặp trong lần tiêm đầu tiên.
- Có tác dụng giảm đau, viêm, sưng khá tốt.
- Hiệu quả có thể lên đến 6 tháng và có thể kích thích sản sinh ra Axit Hyaluronic tự nhiên trong cơ thể.
Nhược điểm:
- Phương pháp chỉ có tác dụng với một số đối tượng. Các trường hợp khác nhau có thể có hiệu quả điều trị khác nhau.
- Chỉ dùng để điều trị thoái hóa khớp gối và chỉ có tác dụng ở giai đoạn nhẹ và trung bình.
- Chi phí điều trị khá cao và tiêm đủ liều mới có hiệu quả. Việc ngừng liệu trình một cách đột ngột sẽ làm mất tác dụng của các mũi tiêm trước đó.
Mặc dù tiêm chất nhờn điều trị thoái hóa khớp gối thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị nội khoa khác không có tác dụng. Nhưng hiệu quả điều trị tốt hơn nếu được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh. Nếu bạn đang ở giai đoạn sau của bệnh hoặc đang chờ phẫu thuật thay khớp gối, liệu pháp có thể giúp giảm đau trong khi chờ phẫu thuật. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn.