Đau vai – Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị, giảm đau
Tình trạng đau vai có thể liên quan đến viêm xương khớp, viêm gân, viêm cơ rút khớp vai hoặc các nguyên nhân ít phổ biến khác. Khớp vai là khớp linh hoạt nhất trong cơ thể, do đó người bệnh cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
Nguyên nhân gây đau vai
Vai có khớp linh hoạt nhất trong cơ thể, do đó rất dễ bị quá tải và tổn thương. Có nhiều nguyên nhân và điều kiện y tế có thể gây đau vai bao gồm:
1. Viêm chớp xoay khớp vai
Chấn thương hoặc viêm ở gân xoay là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đau vai, chiếm đến 2/3 tỷ lệ những người bị đau vai. Ở vai có một nhóm cơ và gân kết nối với khớp vai để giữ phần bóng xương trên cánh tay và giúp nâng đỡ cánh tay, vai.
Có bốn cơ vòng xoay rất quan trọng để di chuyển vai. Đây không phải là cơ bắp lớn liên quan đến việc nâng vật nặng. Nhưng các cơ này chịu trách nhiệm để vai di chuyển bình thường. Việc thực hiện các chuyển động liên tục, lặp lại trong một thời gian dài có thể dẫn đến viêm cơ xoay hoặc viêm gân và gây ra các cơn đau.
Các triệu chứng cơ bản thường là gây đau đớn khi thực hiện các hoạt động như với tay lên cao hoặc dùng lực ném. Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn về ban đêm khiến người bệnh khó ngủ, mất ngủ.
Viêm chớp xoay khớp vai có thể gây cứng khớp vai và ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của người bệnh. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh, hãy đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn cụ thể.
2. Hội chứng khớp vai đông lạnh
Đây là hội chứng phổ biến dẫn đến cứng khớp vai, khiến người bệnh đau liên tục hoặc khó khăn khi đưa tay ra sau lưng, đầu.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác dẫn đến Hội chứng khớp vai đông lạnh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến bệnh tiểu đường, người có vấn đề về tuyến giáp, bệnh Parkinson.
Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng này sẽ tự cải thiện mà không cần sử dụng thuốc hoặc điều trị y tế. Mất khoảng 18 tháng để các khớp vai lành hoàn toàn và phục hồi lại phạm vi hoạt động của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên hạn chế cử động và có biện pháp chăm sóc khớp vai hợp lý.
3. Viêm bao hoạt dịch ở vai
Đau sâu, đau nhức, cảm thấy nóng rát và sưng ở vai có thể là dấu hiệu viêm bao hoạt dịch. Đây là các túi chứa đầy chất lỏng cung cấp một bề mặt mịn màng cho các cơ bắp và xương. Do đó, khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ tạo nên một bề mặt ma sát lớn giữ các khớp. Điều này dẫn đến các cơn đau ở vai.
Bao hoạt dịch được tìm thấy ở hầu hết các khớp trong cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi làm việc quá sức hoặc bị ngoại lực tấn công có thể làm bao hoạt dịch bị tổn thương. Đôi khi cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra nhiều chất lỏng hơn, điều này khiến các khớp sưng to và gây đau đớn.
Các cơn đau do viêm bao hoạt dịch có thể khiến các cơn đau vai trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh cần cử động tay. Việc điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi, chườm lạnh, chườm nóng và vật lý trị liệu.
4. Viêm gân bắp tay
Những người bị viêm gân bắp tay thường bị đau ở phía trước vai và di chuyển dần xuống các bắp tay. Các cơn đau có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh cân năng tay lên cao hoặc xoay quanh theo đường tròn. Ngoài ra, các cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm.
Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị vỡ gân bắp tay. Các triệu chứng thường bao gồm phát ra một âm thanh đứt gãy đột ngột và các cơn đau ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu bên ngoài thường bao gồm bầm tím, sưng và xuất hiện các khối u, bầm tím ở vị trí tổn thương, thường là hố khuỷu tay.
5. Rách sụn viền khớp vai
Đây là tình trạng các sụn ở viền khớp vai bị chấn thương, rách hoặc vỡ. Các nguyên nhân phổ biến thường là do té ngã với cánh tay dang rộng ra. Ngoài ra, tình trạng này cũng phổ biến ở các vận động viên thực hiện động tác ném lên (như vận động viên bóng chày) hoặc những người thực hiện các công việc áp lực cao lên vai trong thời gian dài.
Các triệu chứng thường bao gồm đau nghiêm trọng và kéo dài ở vai, có cảm giác khó chịu và xuất hiện các âm thanh nhỏ khi chuyển động vai.
6. Viêm xương khớp
Các bệnh lý viêm xương khớp và thoái hóa khớp có thể dẫn đến các cơn đau nhói, khó chịu kéo dài ở vai. Tình trạng này có thể phá hủy các sụn, lớp đệm giữa các khớp và tăng độ ma sát ở các khớp.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, các khớp có thể bị cọ sát vào nhau do sụn khớp bị vỡ. Điều này sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn khi đưa tay lên cao hoặc vòng qua vai.
7. Chấn thương vai
Các chấn thương hoặc tác động ngoại lực tác động lên vai có thể dẫn đến các cơn đau. Chấn thương thường xuất hiện ở người thực hiện các động tác lặp lại nhiều lần, như vận động viên bơi lội.
Trật khớp vai là một dạng chấn thương vai phổ biến và khá nghiêm trọng. Tình trạng này có thể dẫn đến mất ổn định khớp. Điều này gây ra đau đớn và khiến người bệnh mất khả năng thăng bằng.
8. Gãy xương đòn
Xương đòn là một trong những xương chính ở vai. Gãy hoặc tổn thương xương đòn có thể chiếm khoảng 5% các trường hợp gãy xương ở người trưởng thành. Kiểu gãy này thường có liên quan đến các chấn thương nghiêm trọng như tai nạn giao thông trực tiếp, té ngã với cánh tay dang rộng ra bên ngoài.
Gãy xương đòn là một chấn thương nghiêm trọng. Xương đòn có thể gãy thành nhiều mảnh, gây tổn thương và khó chịu cho các mô, xương xung quanh. Do đó, nếu cảm thấy đau vai sau khi té ngã hoặc nghe thấy âm thanh phát ra từ vai, hãy đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị hợp lý.
9. Bệnh tim
Đau vai hoặc cánh tay bên trái có thể là triệu chứng báo hiệu cho một cơn đau tim. Các triệu chứng đau tim khác thường bao gồm căng tức ngực hoặc cảm thấy có áp lực ở ngực, đổ mồ hôi và buồn nôn.
Các vấn đề về sức khỏe tim là tình trạng nguy hiểm. Do đó, nếu nghi ngờ bệnh tim người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán tình trạng đau vai
Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến đau vai. Do đó việc thăm khám thường bao gồm kiểm tra, đánh giá các triệu chứng và chẩn đoán thông qua hình ảnh. Cụ thể, công tác chẩn đoán như sau:
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ tiến hành kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể ấn vào vai và các khu vực lân cận để đánh giá khả năng chấn thương hoặc dị tật ở vai. Để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng khác, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra ổ bụng, cổ và một số khu vực khác trên cơ thể.
- X- quang: Có thể giúp bác sĩ phát hiện các chấn thương, tổn thương trên khớp vai. Ngoài ra hình ảnh X – quang cũng có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng gai xương hoặc các bệnh xương khớp khác.
- MRI: Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) có thể cung cấp chi tiết hình ảnh của gân, dây chằng và các cơ bắp xung quanh của vai, bao gồm các vết rách, kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
Trong các trường hợp nghi ngờ tình trạng đau vai có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Cách điều trị tình trạng đau vai
Việc điều trị đau vai thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau vai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên môn đẻ có biện pháp xử lý phù hợp.
Thông thường có thể mất khoảng 8 tuần hoặc lâu hơn để chữa lành các tổn thương trên vai. Các biện pháp cụ thể thường bao gồm:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Các biện pháp điều trị tại nhà thường liên quan đến việc làm dịu sưng tấy và tăng cường sức mạnh xương khớp, cơ bắp. Một số biện pháp cụ thể như sau:
- Chườm lạnh: Có thể làm giảm sưng, đau và hỗ trợ làm mát vai. Người bệnh có thể chườm một túi nước đá lên vai trong tối đa 20 phút mỗi lần, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Chườm nóng: Có thể giúp các cơ bắp và làm dịu cơn đau, cứng khớp ở vai. Ngoài ra, chườm nóng cũng có thể giảm đau cơ và viêm khớp ở vai. Người bệnh có thể chườm một chai nước nóng hoặc miệng đệm nóng lên vị trí đau.
- Băng quấn vai: Biện pháp này có thể giúp giảm đau và sưng. Người bệnh có thể sử dụng một băng vải hoặc băng y tế để băng bó vai lại. Tuy nhiên không nên băng quá khít để tránh ngăn chặn lưu lượng máu, gây tê cứng tay.
- Nghỉ ngơi: Dừng các hoạt động gây tổn hại đến vai và thay đổi các tư thế làm việc không đúng. Điều quan trọng là người bệnh cần di chuyển và sử dụng vai một cách nhẹ nhàng để giúp vai hồi phục linh hoạt, khỏe mạnh.
2. Thuốc điều trị đau vai
Các loại thuốc điều trị đau vai phổ biến nhất thường bao gồm:
- Thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDS) có thể hỗ trợ giảm đau và viêm. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm Aspirin, Ibuprofen và Naproxen.
- Thuốc giảm đau: Như Acetaminophen và Aspirin có thể giảm đau và giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, sử dụng nhiều thuốc giảm đau có thể gây đau dạ dày và ợ nóng. Do đó, trao đổi với bác sĩ nếu cần sử dụng thuốc nhiều hơn 4 tuần liên tục.
- Thuốc giãn cơ: Có thể điều trị các cơn đau nếu người bệnh bị căng cơ hoặc cơ thắt xung quanh khớp vai. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm Cyclobenzaprine, Tizanidine và Baclofen. Thuốc có thể gây buồn ngủ, do đó không sử dụng thuốc nếu cần lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Tiêm Steroid: Thường được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng để điều trị viêm khớp vai hoặc hạn chế các cơn đau.
3. Bài tập hỗ trợ điều trị đau vai
Các bài tập thường mang lại hiệu quả lâu dài và an toàn. Thường xuyên thực hiện các bài tập có thể giúp vai luôn mạnh mẽ và linh hoạt. Người bệnh có thể đến các lớp học Yoga, Thiền hoặc Vật lý trị liệu để giảm đau vai.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện các bài tập, người bệnh cần lưu ý:
- Dừng việc luyện tập nếu các cơn đau trở nên nghiêm trọng.
- Luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên. Sai tư thế có thể gây chấn thương và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Khởi động trước và sau khi luyện tập để tránh các chấn thương. Cử động nhẹ vai hoặc tắm nước ấm cũng có thể khiến các cơ bắp nóng lên và sẵn sàng để vận động.
- Thông báo cho bác sĩ hoặc huấn luyện viên về tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bản thân.
4. Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, đau vai có thể cần phẫu thuật điều trị. Phẫu thuật sẽ được chỉ định cho các trường hợp thuốc và các biện pháp cải thiện khác không mang lại hiệu quả điều trị.
Phẫu thuật vai là phẫu thuật phức tạp. Vì vậy trao đổi với bác sĩ điều trị nếu có nhu cầu phẫu thuật vai.
Biện pháp ngăn ngừa đau vai
Để ngăn ngừa tình trạng đau vai, người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tránh khỏi các áp lực, nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện chế độ ăn uống cần bằng, nhiều chất dinh dưỡng, lành mạnh để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều này có thể giúp vai khỏe mạnh và linh hoạt hơn.
Tránh hút thuốc cũng có thể tác động đến các cơn đau ở vai. Hút thuốc có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu lưu thông đến vai và gây đau. Ngoài ra, hút thuốc cũng khiến cơ thể chậm phục hồi sau các tổn thương.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cơ bắp, gân và các cơ xoay.
Nếu có các bệnh lý về xương khớp, hãy đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị phù hợp.
Vai có cấu trúc rất phức tạp và có nhiều lý do dẫn đến đau vai. Đôi khi các cơn đau có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu đau đớn ở vai, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn, điều trị phù hợp.