Đau lưng trên: Vị trí, nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất
Đau lưng trên thường là hậu quả của tư thế xấu hoặc một số hoạt động quá mức làm tổn thương lưng. Tuy nhiên, một số trường hợp đau mỏi lưng trên có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn khác.
Đau lưng trên là bệnh gì?
Lưng trên là khu vực nối giữa gốc cổ và lồng ngực. Do đó, các cơn đau ở khu vực này được gọi chung là đau lưng trên. Hầu hết các tình trạng đau mỏi lưng trên thường được gây ra bởi chấn thương, căng thẳng hoặc một tư thế xấu lặp lại trong thời gian dài.
Đau mỏi lưng trên có thể được cải thiện tại nhà bằng cách bài tập nhẹ nhàng hoặc vật lý trị liệu. Tuy nhiên, trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc khi các cơn đau vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các vị trí đau trên lưng
Hiện tượng đau lưng khá phổ biến mà ai cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, đau lưng xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau có thể là dấu hiệu cho một số bệnh lý nguy hiểm. Các vị trí đau lưng trên và các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Đau lưng trên bên phải:
Tình trạng này thường là do các vấn đề ở cột sống bao gồm tổn thương đốt sống, dây chằng, gân và hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể là do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Bao gồm gãy đốt sống, có áp lực lên dây thần kinh cột sống, loãng xương, viêm khớp,…
Đôi khi, đau lưng trên bên phải có thể là dấu hiệu ung thư phổi, nhiễm trùng cột sống, viêm túi mật.
- Đau lưng trên bên trái:
Đau mỏi lưng trên bên trái thường là do tổn thương cơ xương khớp. Tuy nhiên, một số nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể bao gồm gãy xương, tư thế xấu, đau cơ xơ hóa, viêm khớp dạng thấp hoặc các tổn thương thần kinh cột sống.
Một số nguyên nhân nghiêm trọng khác có thể bao gồm nhiễm trùng cột sống, thoái hóa cột sống, hẹp cột sống, đau tim (hoặc các vấn đề về tim), sỏi thận, có khối u ở cột sống (hoặc ung thư cột sống).
- Đau ở trung tâm lưng:
Thông thường có các cơn đau ở giữa lưng thường báo hiệu các vấn đề về tuyến tụy hoặc bệnh dạ dày. Theo nhiêu nghiên cứu, có đến 50% các bệnh nhân viêm dạ dày xuất hiện các cơn đau ở vị trí trung tâm lưng trên.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị đau bụng và buồn nôn.
Nguyên nhân đau lưng trên
Các vấn đề đau lưng trên thường có liên quan đến cơ bắp, gân, dây chằng hoặc các mô mềm ở lưng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
1. Tư thế xấu
Tư thế xấu có thể làm mất sức mạnh và làm suy yếu cơ bắp ở lưng. Điều này có thể dẫn đến một số kích thích và tổn thương dẫn đến đau lưng mỏi trên.
Khi bạn cong hoặc khom lưng, áp lực cơ thể dồn lên cột sống, cổ, đĩa đệm và các dây chằng, theo thời gian, áp lực này có thể dẫn đến các cơn đau, nhức, mỏi và các biến chứng khác ở lưng.
2. Hoạt động cơ bắp quá sức
Làm việc quá sức là một nguyên nhân phổ biến gây đau lưng trên. Điều này thường xảy ra khi người bệnh tạo một áp lực nhất định lên lưng trong một thời gian.
Các hoạt động nâng đồ vật nặng thường xuyên có thể kích thích cơ bắp, gây cứng khớp hoặc căng thẳng. Từ đó dẫn đến đau lưng mãn tính.
3. Chấn thương lưng
Chấn thương cũng có thể là nguyên nhân gây đau lưng trên. Chấn thương có thể bao gồm:
- Tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động
- Ngã
- Nâng đồ vật không đúng cách
- Làm việc quá sức
Chấn thương đôi khi có thể nghiêm trọng bao gồm cả gãy đốt sống. Do đó, nếu các cơn đau kéo dài hoặc vượt quá sự kiểm soát, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
4. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường phổ biến ở lưng dưới nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở lưng trên. Thoát vị đĩa đệm ở lưng trên có thể gây áp lực lên cột sống, gây đau lưng và một số triệu chứng khác như tê, hoặc yếu ở cánh tay (hoặc chân).
Hầu hết tình trạng thoát vị đĩa đệm ở lưng trên không nguy hiểm và có thể điều trị tại nhà. Điều quan trọng là người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng của thương.
5. Dây thần kinh bị chèn ép
Thoát vị đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở khu vực lân cận. Dây thần kinh bị chèn ép có thể dẫn đến:
- Đau lưng
- Tê liệt và đau ở cánh tay hoặc chân
- Mất kiểm soát vấn đề tiểu tiện
- Yếu hoặc mất kiểm soát tứ chi
6. Viêm khớp
Đôi khi nguyên nhân gây đau mỏi lưng trên có thể liên quan đến xương và khớp. Theo thời gian, quá trình lão hóa tự nhiên sẽ khiến sụn bảo vệ xương bị mòn. Điều này có thể gây viêm khớp hoặc viêm đa khớp ở người lớn tuổi.
Viêm khớp không được điều trị có thể dẫn đến mòn sụn giữa xương. Điều này khiến các khớp xương ma sát trực tiếp với nhau và gây tê, ngứa ở cánh tay. Do đó, nếu nghi ngờ viêm khớp hãy đến bác sĩ để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Việc điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát các cơn đau và ngăn ngừa hao mòn sụn khớp.
7. Nhiễm trùng cột sống
Đôi khi tình trạng đau lưng trên có thể liên quan đến nhiễm trùng cột sống, mặc dù điều này hiếm khi xảy ra. Nhiễm trùng có thể phát triển, sưng to, hình thành mủ và dẫn đến các cơn đau nhói ở lưng.
Chẩn đoán và điều trị sớm là điều rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
Các triệu chứng đau lưng trên
Các triệu chứng đau lưng trên bao gồm:
- Cảm thấy đau hoặc đau nhói ở lưng
- Đau ở một điểm hoặc lan ra xung quanh
- Cơn đau xuất hiện nhiều lần hoặc có xu hướng kéo dài
- Đôi khi các cơn đau có thể làm cứng khớp hoặc tồi tệ hơn khi người bệnh ngồi hoặc đi chuyển lưng
Trong hầu hết các trường hợp đau lưng trên có thể được cải thiện bằng các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện nếu đau mỏi lưng trên kèm các dấu hiệu sau:
- Tê hoặc mất cảm giác ở tay
- Tê, yếu hoặc ngứa ran cánh tay, chân, ngực hoặc bụng
- Mất kiểm soát ruột, bàng quang
Cách điều trị đau lưng trên
Hầu hết tình trạng đau lưng trên có thể được khắc phục bằng cách nghỉ ngơi tại nhà trong vài ngày. Nếu các cơn đau kéo dài hơn một tuần hoặc có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ.
1. Chăm sóc đau mỏi lưng trên tại nhà
Thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi đầy đủ có thể cải thiện tình trạng đau lưng trên. Nếu tình trạng đau lưng có liên quan đến tình trạng công việc, hãy tìm các biện pháp, tư thế đúng đắn để tránh làm tổn thương lưng. Nếu tình trạng không thuyên giảm, người bệnh có thể cân nhắc thay đổi công việc.
Kiểm tra tư thế ngủ và điều kiện ngủ cũng là một cách có thể khắc phục tình trạng đau lưng trên. Người bị đau lưng không nên ngủ trên đệm quá mềm. Điều này có thể gây áp lực lên cột sống và làm tình trạng đau lưng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, tránh tư thế ngủ sấp, vì điều này khiến đầu, cổ bị xoắn và gây đau lưng.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể là một phương pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các cơn đau lưng. Áp dụng phương pháp bất cứ lúc nào nào thấy cần thiết. Tuy nhiên, kiểm tra nhiệt độ trước khi áp dụng để tránh làm tổn thương bề mặt da.
Sử dụng các loại thuốc chống viêm không kê đơn như Ibuprofen, Naproxen hoặc Aspirin. Liều dùng thông thường là 200 – 400 mg sau mỗi 4 – 6 giờ. Không dùng thuốc quá liều để tránh gây ảnh hưởng đến dạ dày, gan và thận. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc thuốc giãn cơ như Cyclobenzaprine có thể hỗ trợ điều trị đau mỏi lưng trên.
2. Điều trị y tế
Nếu tình trạng đau lưng kéo dài hãy đến bệnh viện. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm như ung thư xương, viêm xương tủy hoặc viêm khớp dạng thấp.
Một số loại thuốc phổ biến thường được chỉ định cho chứng đau lưng trên bao gồm:
- Các loại thuốc giảm đau có chứa Opioids như Oxycodone, Percocet hoặc Acetaminophen (Vicodin).
- Thuốc chống trầm cảm Cymbalta có thể điều trị viêm khớp và đau lưng mãn tính.
- Tiêm Steroid ngoài màng cứng có thể được chỉ định nếu các phương pháp trên không mang lại hiệu quả điều trị. Một mũi tiêm có thể giảm đau từ vài tuần đến vài tháng.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng để điều trị đau lưng trên. Phẫu thuật thường được áp dụng để điều trị gãy xương, loại bỏ khối u, điều trị thoát vị đĩa đệm hoặc chỉnh hình cột sống.
3. Liệu pháp thay thế
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bị đau lưng trên có thể áp dụng một số biện pháp thay thế để giảm đau. Các biện pháp bao gồm:
- Xoa bóp có tác dụng làm giảm co thắt cơ, chống viêm và giúp người bệnh thư giãn. Tuy nhiên, việc xoa bóp cần được thực hiện bởi người có chuyên môn để tránh làm tổn thương lưng hoặc gây ra các bệnh lý khác.
- Vật lý trị liệu có thể hỗ trợ điều trị tình trạng thoái hóa xương khớp, phục hồi chức năng và tăng cường sức khỏe cho xương khớp. Các bài tập vật lý trị liệu nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của huấn luyện viên hoặc người có chuyên môn để tránh các chấn thương.
- Châm cứu là cách chữa đau lưng cổ truyền dựa vào việc tác động các điểm, huyệt trên cơ thể. Theo nhiều nghiên cứu hiện đại, châm cứu có thể giải phóng Endorphin và Serotonin có tác dụng giảm đau.
- Gặp bác sĩ tâm lý trong trường hợp đau lưng do căng thẳng, áp lực công việc.
Ngoài ra, các biện pháp như thiền, thái cực quyền, yoga hoặc các bài tập hít thở cũng được chứng minh là có thể giảm đau lưng và ngăn ngừa các chấn thương trong tương lai.
Biện pháp phòng ngừa đau lưng trên
Mặc dù không thể ngăn chặn hết tất cả các nguyên nhân gây đau lưng trên. Tuy nhiên, người bệnh có thể tránh một số nguyên nhân phổ biến như:
- Điều chỉnh tư thế, giữ lưng luôn thẳng, không khom hoặc cong cột sống. Ngoài ra, dành thời gian nghỉ ngơi để tránh gây áp lực lên lưng.
- Nếu tính chất công việc cần ngồi hoặc đứng thường xuyên, hãy vận động sau mỗi 45 – 60 phút. Điều này làm tăng tính linh hoạt của cột sống và cơ bắp.
- Nâng vật nặng đúng cách. Sử dụng lực từ chân và cánh tay khi nâng đồ. Hạn chế việc cong lưng hoặc tạo áp lực lên cột sống.
- Không nên đeo ba lô quá nặng hoặc không đeo túi chéo một bên.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ bắp và cột sống.
- Thực hiện chế độ ăn uống dinh dưỡng và lối sống khoa học. Bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất để tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Hầu hết các tình trạng đau lưng trên đều do lối sống gây ra. Do đó, người bệnh chỉ cần thay đổi phong cách sống, luyện tập thường xuyên để giảm đau và ngăn ngừa tình trạng tái phát trong tương lai.