Đau lưng mỏi gối là bệnh gì và bài thuốc đặc trị
Đau lưng mỏi gối là dấu hiệu của các bệnh cơ xương khớp hoặc có thể cảnh báo tình trạng thận hư yếu và suy nhược cơ thể. Để cải thiện triệu chứng này, cần xác định thể bệnh và áp dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với từng căn nguyên cụ thể.
Đau lưng mỏi gối là bệnh gì?
Đau lưng mỏi gối là tình trạng khá phổ biến ở những người cao tuổi. Triệu chứng này có thể dấu hiệu của các bệnh cơ xương khớp hoặc cảnh báo tình trạng cơ thể suy nhược và thận hư yếu.
1. Các bệnh cơ xương khớp
Nhức mỏi lưng, gối là triệu chứng đặc trưng của các bệnh cơ xương khớp như đau dây thần kinh tọa, thoái hóa cột sống lưng, phong thấp,…
Ban đầu cơn đau chỉ xuất hiện và khu trú ở vùng thắt lưng. Tuy nhiên khi mức độ chèn ép tăng lên, triệu chứng đau nhức và tê mỏi có thể lan xuống bắp chân và đầu gối.
Bên cạnh triệu chứng này, người bệnh mắc các bệnh cơ xương khớp còn gặp phải các triệu chứng đi kèm như cứng thắt lưng/ khớp gối, rối loạn cảm giác, sưng viêm ở khớp,…
2. Thận hư yếu
Thận là cơ quan có vai trò bài tiết chất thải, duy trì các thành phần điện giải và thúc đẩy quá trình chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể. Khi thận suy giảm chức năng, bạn sẽ đối mặt với nhiều triệu chứng tiêu cực – trong đó có đau lưng mỏi gối.
Thông thường thận hư yếu sẽ gây ra các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, bí tiểu, nước tiểu vàng, táo bón,… Tuy nhiên ở những trường hợp thận giảm chức năng trong một thời gian dài, các triệu chứng toàn thân có thể phát sinh như đau lưng mỏi gối, cơ thể mệt mỏi, yếu sinh lý và giảm nhu cầu tình dục.
3. Cơ thể suy nhược
Cơ thể suy nhược là một trong những nguyên nhân khiến triệu chứng nhức lưng mỏi gối phát sinh. Khi cơ thể mệt mỏi, mức độ chống chịu của cơ thể với các tác nhân bên ngoài sẽ suy giảm. Tình trạng này tạo điều kiện cho các cơn đau xương khớp xuất hiện.
Ngoài ra thể trạng yếu còn khiến cho phong hàn dễ xâm nhập và gây ứ trệ. Khí huyết không thông chính là căn nguyên khiến gân cốt tổn thương và đau nhức.
Bài thuốc đặc trị đau lưng mỏi gối
Để áp dụng bài thuốc phù hợp, bạn cần xác định căn nguyên gây ra triệu chứng đau lưng mỏi gối thông qua các biểu hiện lâm sàng.
1. Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối do cơ thể suy nhược
Ngoài triệu chứng đau lưng, tê mỏi gối, tình trạng suy nhược cơ thể còn làm phát sinh các triệu chứng như ù tai, mất ngủ, người mệt mỏi, ăn uống kém, thường xuyên nhức đầu,… Thể bệnh này thường gặp ở những người cao tuổi hoặc người làm việc quá sức.
Để làm giảm triệu chứng do suy nhược cơ thể gây ra, cần áp dụng bài thuốc có khả năng điều dưỡng khí huyết.
- Chuẩn bị: Hoàng kỳ 180g, qui giao 120g, đẳng sâm 180g, táo nhân 120g, dâm dương hoắc 120g, sa nhân 30g, hà thủ ô 120g, đan sâm 120 và kỉ tử 120g.
- Thực hiện: Để qui giao riêng, các vị còn lại đem sao vàng, tán bột và trộn với qui giao, mật ong làm thành viên. Mỗi lần dùng 10g, ngày dùng 2 lần.
2. Bài thuốc trị nhức lưng mỏi gối do thận hư
Với trường hợp thận hư, cần xác định thận dương hay thận âm hư yếu để áp dụng phương pháp phù hợp.
Đau lưng mỏi gối do thận dương hư đặc trưng bởi triệu chứng mỏi lưng, gối lạnh, người yếu sức, chân hay mỏi, tinh thần tiều tụy, chịu lạnh kém, tiểu tiện ít, táo bón và có thể đi kèm với chứng dương nuy (liệt dương). Để làm giảm thể bệnh này, cần áp dụng bài thuốc sau:
- Chuẩn bị: Sa uyển tử 10g, tang ký sinh 15g, sơn dược 10g, đỗ trọng 10g, sơn du nhục 10g, ngũ vị 5g, nhục thung dung 10g, ngưu tất 10g và thỏ ti tử 10g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Đau lưng mỏi gối do thận âm hư thường đi kèm với triệu chứng đau đầu, ù tai, chóng mặt, hay mất ngủ và tâm phiền. Với thể bệnh này, nên sử dụng bài thuốc có khả năng trợ tâm, bổ thận và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: Hoàng bá 12g, đương quy 10g, đan sâm 15g, kỉ tử 12g, xuyên đoạn 12g, hà thủ ô 10g, hoàng tinh 14g, cát căn 15g, nữ trinh tử 15g, tang ký sinh 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Ngoài ra, một số trường hợp thận yếu có thể đi kèm với suy giảm chức năng gan (can thận đều hư). Thể bệnh này có thể đi kèm với các triệu chứng như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu dưới da, họng khô và thường xuyên ra mồ hôi trộm.
Trong trường hợp can thận đều hư, cần áp dụng bài thuốc có tác dụng bồi bổ can, ích thận và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: A giao 10g, ngẫu tiết 30g, bạch thược 10g, mẫu đơn 10g, xích thược 10g, thục địa 30g, nữ trinh tử 10g, sinh địa 30g, câu kỷ tử 10g, xuyến thảo 10g, hạ liên thảo 12g và kê huyết đằng 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống.
3. Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối do bệnh cơ xương khớp
Y học cổ truyền quan niệm chứng đau nhức xương khớp là do phong hàn và thấp nhiệt xâm nhập, gây ứ trệ và làm gối sưng đau.
Nhức mỏi lưng gối ở thể phong hàn đặc trưng bởi cơn đau dữ dội, khớp sưng viêm nặng nề, chân tay lạnh và dễ tê bì. Vì căn nguyên là do phong hàn nên bạn cần áp dụng bài thuốc có tác dụng tán hàn, hóa ứ, hoạt huyết và giải độc để cải thiện triệu chứng của bệnh.
- Chuẩn bị: Đương quy 30g, can địa hoàng 30g, xuyên khung 12g, sinh khương 20g, bạch thược 12g, thương truật 12g, ma hoàng 16g, can khương 10g, hậu phác 12g, phục linh 20g, bạch chỉ 12g, bán hạ 12g và nhục quế 10g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi phong hàn được giải phóng.
Nếu căn nguyên là do thấp nhiệt, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng như gối sưng nóng, khó khăn khi co dỗi, lưng mỏi, tiểu tiện vàng và thường xuyên khát nước. Với thể bệnh này, nên áp dụng bài thuốc có các dược liệu tính bình và mát để thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu sưng và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: Mộc dược 10g, cam thảo 10g, tần giao, hoàng kỳ, tang kí sinh, dạ giao đằng, kê huyết đằng, kim ngân hoa, ngưu tất, liên kiều, đương quy và tang chi mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Đem sắc uống mỗi ngày.
Khi áp dụng các bài thuốc đặc trị đau lưng mỏi gối, cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để đạt được kết quả. Nếu cơn đau có mức độ nghiêm trọng, bạn có thể tiến hành xoa bóp bấm huyệt hoặc châm cứu để hỗ trợ quá trình điều trị.