Đau lưng cấp và cách điều trị, giảm đau nhanh nhất

Khác với đau lưng mãn tính kéo dài dai dẳng, những cơn đau lưng cấp tính chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Tình trạng đau lưng cấp thường dễ khắc phục nhưng cũng rất dễ chuyển thành mãn tính.

đau lưng cấp
Đau lưng cấp là một trong những vấn đề xương khớp có thể gặp ở mọi đối tượng

Tìm hiểu về chứng đau lưng cấp

Đau lưng cấp tính đặc trưng bởi tình trạng đau nhức vùng lưng xuất hiện một cách đột ngột. Những cơn đau thường diễn ra trong vài ngày cho đến vài tuần, thường thuyên giảm khi bạn dành thời gian cho việc nghỉ ngơi.

Tuy nhiên nếu tình trạng này được kích hoạt thường xuyên thì cũng rất dễ chuyển biến thành mãn tính. Lúc này việc khắc phục sẽ trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp.

Sau đây là một số thông tin về tình trạng đau lưng cấp:

1. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân kích hoạt những cơn đau lưng ngắn hạn. Thông thường là vận động quá sức, tư thế xấu hay có tác động ngoại lực trực tiếp lên vùng lưng.

Dưới đây là một số yếu tố cụ thể có thể liên quan đến sự xuất hiện của những cơn đau lưng cấp:

  • Tư thế xấu: Làm việc hay sinh hoạt với các tư thế xấu ảnh hưởng rất nhiều đến cường cong sinh lý của cột sống. Ngoài ra còn có thể khiến cho đốt sống, đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí vốn có. Từ đó gây chèn ép lên rễ dây thần kinh, mạch máu và kích hoạt những cơn đau.
  • Duy trì một tư thế quá lâu: Thường khiến cho cơ thể bị gò bó, đồng thời ức chế hoạt động của cột sống, mô cơ và hệ thống dây chằng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lưu thông máu và khiến tình trạng đau lưng xuất hiện.
  • Mang vác nặng: Làm việc quá sức cùng với mang vác nặng nhiều sẽ khiến cho cột sống phải chịu đựng rất nhiều áp lực. Lúc này, đĩa đệm thường sẽ bị đè nén và gây đau, đặc biệt là đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng.
  • Thay đổi thời tiết: Đây cũng là yếu tố liên quan đến rất nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có tình trạng đau lưng cấp. Thời tiết thay đổi đột ngột cũng sẽ làm cho các mô cơ, mạch máu, dây chằng ở vùng lưng phải co giãn quá mức.
  • Chấn thương: Đau lưng cấp cũng có thể là do di chứng của những chấn thương ngay tại vùng lưng để lại. Chấn thương là một trong những vấn đề rất dễ gặp trong lao động cũng như cuộc sống.
  • Đi giày cao gót: Đây là yếu tố khiến không ít chị em phụ nữ gặp phải những cơn đau lưng ngắn hạn. Di chuyển thường xuyên bằng giày cao gót cũng sẽ khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn. Đồng thời, đường cong sinh lý của cột sống cũng sẽ bị ảnh hưởng.

2. Triệu chứng

Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng đau lưng cấp tính thông qua các triệu chứng điển hình như:

  • Những cơn đau được kích hoạt một cách đột ngột
  • Càng vận động sẽ càng thấy đau dữ dội
  • Cơn đau có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi
  • Tình trạng đau nhức xuất hiện không quá 2 tuần

3. Đau lưng cấp có phải do bệnh lý?

Nhiều người cho rằng, đau lưng cấp thường chỉ do các vấn đề bên ngoài kích hoạt. Còn vấn đề bệnh lý sẽ liên quan đến những cơn đau mãn tính nhiều hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau lưng cấp cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý. 

đau cột sống thắt lưng cấp
Đau lưng cấp có thể là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn khởi phát của một số bệnh lý

Sau đây có thể là những bệnh lý liên quan:

  • Thoái hóa cột sống
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Đau thần kinh tọa
  • Viêm tụy
  • Các vấn đề về thận
  • Viêm ruột thừa

Những cơn đau lưng ngắn hạn bùng phát có thể là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, các triệu chứng thường chưa thất sự rõ ràng. Tốt nhất bạn nên thăm khám khi dành thời gian nghỉ ngơi mà tình trạng đau lưng vẫn không giảm bớt.

Cách điều trị, giảm đau lưng cấp nhanh nhất

Tình trạng đau lưng cấp tính thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe xương khớp.

Khi những cơn đau này kích hoạt, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để khắc phục:

1. Dành thời gian nghỉ ngơi

Đây là việc đầu tiên bạn cần thực hiện ngay khi tình trạng đau lưng kích hoạt. Bạn cần thả lỏng cơ thể và nằm ngửa trên nệm cứng. Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi sẽ hạn chế được áp lực đè nén lên cột sống.

Khi nghỉ ngơi, hệ thống dây thần kinh và mạch máu cũng sẽ thoát khỏi sự chèn ép. Từ đó, tình trạng đau nhức, khó chịu sẽ được xoa dịu dần.

Khi nằm nghỉ ngơi, chú ý giữ cho cột sống được thẳng, có thể dùng một chiếc gối mỏng để kê dưới khu vực thắt lưng. Sau khoảng 30 phút nên chú ý đổi tư thế một lần. Tuy nhiên, tuyệt đối không được nằm sấp bởi có thể khiến cơn đau trở nên dữ dội hơn.

2. Chườm nóng, chườm lạnh

Tác dụng nhiệt là liệu pháp có thể đáp ứng khi bạn gặp phải tình trạng đau lưng cấp. Hãy sử dụng nhiệt nóng khi tình trạng đau nhức được kích hoạt đơn lẻ. Còn nhiệt lạnh sẽ phù hợp hơn nếu các mô cơ có dấu hiệu nóng ran hay sưng lên.

  • Chườm nóng: Có tác dụng tốt trong việc kéo giãn cơ, mạch máu hay dây chằng. Bạn chỉ cần cho một ít nước ấm khoảng 70°C vào túi chườm rồi áp trực tiếp lên vùng lưng bị đau. Bạn có thể dùng các nguyên liệu như lá lốt hay ngải cứu sao nóng lên để chườm nhằm nâng cao tác dụng.
  • Chườm lạnh: Giúp co mạch và đem lại tác dụng giảm đau rất nhanh. Bạn chỉ cần cho đá lạnh vào túi chườm rồi áp lên khu vực đau. Chú ý không chườm lạnh quá 20 phút bởi rất dễ khiến vùng da bên ngoài tổn thương, dễ gặp nhất là tình trạng bỏng lạnh.

3. Massage

Massage là liệu pháp rất đơn giản nhưng lại đem đến hiệu quả tốt trong việc khắc phục tình trạng đau lưng cấp. Bạn có thể dùng lực từ bàn và ngón tay để xoa bóp nhẹ nhàng lên vùng lưng bị đau. Điều này sẽ giúp các mô cơ được giãn ra, giải phóng hệ thống rễ dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép.

cách điều trị đau lưng cấp
Massage là liệu pháp đơn giản có thể xoa dịu những cơn đau lưng ngắn hạn

Massage đúng cách không chỉ giúp giảm đau lưng mà còn khiến tinh thần được thư giãn và thoải mái hơn. Để nhận được tác dụng nhanh chóng hơn, bạn có thể sử dụng dầu nóng hay tinh dầu để xoa lên khu vực bị đau nhức trước khi massage. Nếu không thể tự massage, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân.

4. Sử dụng các loại thuốc tại chỗ

Thuốc tại chỗ đáp ứng được với tình trạng đau lưng cấp tính có thể là miếng dán, gel, kem hay dạng xịt… Các sản phẩm này thường chứa các loại tinh dầu như menthol, camphor, tinh dầu quế, tràm và một số hoạt chất có tính giảm đau, kháng viêm như diclofenac, methyl salicylate, ketoprofene…

Một số loại được dùng phổ biến như:

  • Salonpas
  • Perkindon
  • Sungaz
  • Deep heat

Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này thường đem lại tác dụng giảm đau rất nhanh. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng bởi chúng vẫn tiềm ẩn một số tác dụng ngoại ý dù chỉ sử dụng ngoài da.

Khi nào nên thăm khám bác sĩ?

Để tránh tình trạng đau lưng cấp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Bạn nên sớm thăm khám khi:

  • Những cơn đau thường xuyên xuất hiện
  • Đau nhức ở mức độ dữ dội
  • Các biện pháp khắc phục tại nhà không đáp ứng

Lúc này, có thể bạn đang sống chung với các bệnh lý cần phát hiện và điều trị kịp thời. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Biện pháp ngăn ngừa chứng đau lưng cấp

Sau đây là một số khuyến nghị giúp bạn hạn chế sự xuất hiện của tình trạng đau nhức lưng cấp tính:

  • Thường xuyên thay đổi tư thế kể cả khi làm việc hay nghỉ ngơi.
  • Điều chỉnh tư thế cho phù hợp, tránh duy trì các tư thế xấu.
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhất là canxi, các vitamin và khoáng chất.
  • Tránh lao động hay vui chơi thể sao quá sức, mang vác nặng thường xuyên.
  • Cẩn trọng để tránh gặp phải các chấn thương ngoại ý trong lao động cũng như cuộc sống. Nếu không may gặp phải cần điều trị triệt để.

Đau lưng cấp là tình trạng mà bất cứ đối tượng nào cũng có thể gặp phải. Tuyệt đối không nên chủ quan bởi nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn đầu của nhiều bệnh lý. Hãy sớm khắc phục và thăm khám khi cần thiết để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.