Đau đốt sống lưng – Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người bị

Hiện tại, số lượng người bị đau đốt sống lưng đang có xu hướng gia tăng do thói quen và chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh. Trong trường hợp để kéo dài, đau đốt sống lưng có thể phát triển thành thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa.

đau đốt sống lưng
Đau đốt sống lưng đang có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau

Các nguyên nhân gây đau đốt sống lưng thường gặp

Đau đốt sống lưng là tình trạng cơn đau khởi phát ở đốt sống L1 – L5. So với đốt sống cổ và ngực, đốt sống lưng chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động thông thường. Do đó cơn đau thường có xu hướng khởi phát ở vị trí này.

Trong trường hợp bị đau đốt sống lưng, các nguyên nhân có thể gặp phải, bao gồm:

1. Sai tư thế

Cột sống là cơ quan bảo vệ tủy sống và hỗ trợ các hoạt động (uống cong, đứng thẳng, cúi gập,…) của cơ thể. Các đốt sống và đĩa đệm có mức độ linh hoạt cao, giúp bạn dễ dàng vận động và di chuyển.

Tuy nhiên nếu bạn ngồi, đứng hoặc mang vác vật nặng sai tư thế, áp lực từ các hoạt động này có thể đè nén lên các đốt sống thắt lưng và khiến cơ quan này bị đau nhức. Trong trường hợp sai tư thế kéo dài, cột sống có thể bị tổn thương, thoái hóa và dẫn đến các bệnh lý mãn tính khác.

2. Ít vận động

Ít vận động có thể khiến xương khớp giảm chức năng và dễ bị tổn thương. Hơn nữa thói quen này còn khiến đốt sống thắt lưng phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể và phát sinh triệu chứng đau nhức, tê bì,…

đau đốt sống lưng
Thói quen ít vận động dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp ở những người trẻ tuổi

Do đó, những người làm công việc văn phòng thường có nguy cơ đau lưng và mắc các bệnh về xương sống cao hơn bình thường.

3. Thừa cân – béo phì

Thừa cân – béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Cân nặng quá mức có thể làm tăng mức độ chèn ép lên đốt sống thắt lưng, đĩa đệm và khớp gối. Do đó những người có chỉ số BMI (chỉ số đo cân nặng) cao hơn 25 thường xuyên gặp phải tình trạng đau nhức khớp gối và đốt sống lưng.

4. Vận động quá mức

Vận động với cường độ cao liên tục có thể khiến dây chằng, cơ bắp và gân xung quanh cột sống bị kích thích và đau nhức. Tình trạng này thường thuyên giảm sau 3 – 5 ngày nghỉ ngơi và giảm mức độ vận động.

đau đốt sống lưng
Vận động với cường độ mạnh cũng có thể kích thích đốt sống và khiến cơ quan này bị tổn thương

Tuy nhiên nếu vận động mạnh thường xuyên, các cơ quan của cột sống có thể bị hư hại và thoái hóa dần theo thời gian.

5. Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp mãn tính, xảy ra chủ yếu ở vùng thắt lưng. Đĩa đệm bị tổn thương có thể rách và khiến dịch nhầy chảy ra bên ngoài. Dịch nhầy này gây chèn ép dây thần kinh và cột sống, gây ra hiện tượng đau nhức, cứng cột sống và giảm phạm vi chuyển động.

Thoát vị đĩa đệm là hệ quả do thói quen sinh hoạt không hợp lý, lười vận động, béo phì, vận động quá mức hoặc do quá trình lão hóa gây ra.

6. Thoái hóa đốt sống lưng

Thoái hóa đốt sống lưng xảy ra khi đốt sống bị thoái hóa và hình thành gai xương. Gai xương này chèn ép lên đĩa đệm, dây chằng và các mô mềm xung quanh.

Thoái hóa đốt sống lưng là bệnh lý mãn tính, có tiến triển theo thời gian và không thể điều trị dứt điểm. Khi mới khởi phát, bệnh có thể gây ra tình trạng đau thắt lưng, cứng khớp, tê bì, khó khăn khi vận động,…

đau đốt sống lưng
Thoái hóa đốt sống lưng khiến gai xương xuất hiện, gây đè nén lên đĩa đệm và làm phát sinh cơn đau

Tuy nhiên khi gai xương phát triển lớn, bạn có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng khác như co thắt cơ bắp, khó khăn khi đi lại, mất thăng băng, mất kiểm soát ruột và bàng quang,..

7. Chấn thương

Chấn thương trong quá trình làm việc và sinh hoạt có thể gây đau nhức xương khớp. Bên cạnh đó, triệu chứng này có thể đi kèm với biểu hiện sưng nóng, viêm và bầm tím ở vùng da bên ngoài. Với các trường hợp nhẹ, chấn thương thường thuyên giảm nhanh chóng sau 3 – 5 ngày.

Tuy nhiên nếu chấn thương nặng nề khiến vùng thắt lưng đau đớn dữ dội và không thể vận động, bạn nên đến bệnh viện để được xét nghiệm và xử lý kịp thời.

8. Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa xảy ra khi rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép, gây đau đớn vùng lưng chạy dọc xuống hông, bắp chân và đầu gối. Bệnh lý này có thể khởi phát do ngồi quá nhiều, béo phì hoặc do ảnh hưởng của các bệnh xương khớp khác.

Đau thần kinh tọa có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời. Trong trường hợp phát hiện muộn, dây thần kinh có thể bị chèn ép nghiêm trọng, gây ra biến chứng yếu cơ, rối loạn kiểm soát bàng quang và ruột.

9. Loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ xương thưa dần khiến xương khớp giòn và giảm mức độ dẻo dai. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh, tiền mãn kinh và người cao tuổi.

đau đốt sống lưng
Mật độ xương giảm khiến xương giòn, suy yếu và dễ đau nhức – ngay khi không có yếu tố tác động

Loãng xương phát triển thầm lặng và ít khi gây ra triệu chứng đặc trưng. Do đó phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều chỉ phát hiện khi bị gãy xương hoặc thăm khám các bệnh lý khác. Tuy nhiên nếu chú ý, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng như đau vùng thắt lưng, lưng còng, sụt cân và dáng đi khom.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau đốt sống lưng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu do các nguyên nhân thông thường (béo phì, ít vận động, chấn thương nhẹ,…) bạn có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên trong trường hợp nguyên nhân do chấn thương nghiêm trọng hoặc do các bệnh lý mãn tính, bạn nên tiến hành thăm khám trong thời gian sớm nhất.

Cần tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Người sụt cân bất thường
  • Khó khăn khi đi lại
  • Cơn đau thắt lưng có mức độ dữ dội
  • Tình trạng tê bì khởi phát từ thắt lưng lan xuống hông và đầu gối
  • Thỉnh thoảng có cảm giác đau nhói ở vùng lưng
  • Không tự chủ khi tiểu tiện
  • Vùng thắt lưng sưng viêm nặng, bầm tím và không thể di chuyển
  • Không thể cúi gập hoặc xoay người
  • Cảm giác tê bì, ngứa ran và yếu ở chi dưới
  • Sốt cao

Điều trị đau đốt sống lưng bằng cách nào?

Với tình trạng đau đốt sống lưng do những nguyên nhân thông thường, bạn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục sau đây:

1. Xây dựng lối sống lành mạnh

Phần lớn nguyên nhân gây đau xương khớp nói chung và đau đốt sống lưng nói riêng đều do thói quen vận động và sinh hoạt thiếu lành mạnh.

đau đốt sống lưng
Luyện tập từ 15 – 30 phút/ ngày giúp tăng cường chức năng vận động, giảm đau nhức và tái tạo mô xương

Do đó để cải thiện tình trạng này, bạn cần xây dựng lối sống khoa học và hợp lý.

  • Nên điều chỉnh các tư thế sai lệch, đồng thời cần sử dụng thiết bị hỗ trợ khi mang vác vật nặng hoặc lấy đồ vật trên cao.
  • Hạn chế ngồi quá lâu, thay vào đó nên đi lại sau 1 – 2 giờ làm việc.
  • Tập thể dục từ 15 – 30 phút/ ngày. Nếu không có thời gian đến phòng tập, bạn có thể tập các động tác đơn giản ngay tại nhà.
  • Giảm cân bằng cách luyện tập, ăn ít tinh bột và chất béo.
  • Uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, trái cây, cá, hải sản, trứng và sữa để duy trì xương khớp chắc khỏe.
  • Có thể bổ sung các viên uống chứa canxi và Omega 3 để phục hồi và tái tạo mật độ xương.
  • Hạn chế thức khuya, căng thẳng, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi để giảm áp lực lên xương khớp và giúp đầu óc thư giãn.

2. Sử dụng thuốc

Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau sau đây:

đau đốt sống lưng
Có thể sử dụng thuốc giảm đau dạng uống, kem bôi hoặc dạng dán để cải thiện tình trạng đau đốt sống lưng
  • Miếng dán Salonpas: Nếu bạn đau nhức lưng do chấn thương nhẹ hoặc vận động quá mức, bạn có thể dùng miếng dán Salonpas. Miếng dán này chứa Methyl salicylate và Menthol có tác dụng giảm đau và sưng viêm.
  • Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau toàn thân được sử dụng để cải thiện đau nhức lưng, đau răng, đau đầu,… Tuy nhiên Paracetamol chỉ có đáp ứng với cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình.
  • NSAIDs: NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) có tác dụng chống viêm và giảm đau. Nhóm thuốc này được sử dụng khi cơn đau không thuyên giảm khi dùng Paracetamol. Tuy nhiên NSAIDs có thể gây xuất huyết dạ dày, vì vậy không nên sử dụng cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Capsaine cream: Capsaine là hoạt chất có nguồn gốc từ ớt giúp làm giảm cơn đau tại chỗ. Loại thuốc này được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên vùng lưng nhằm làm giảm tình trạng sưng và đau nhức.

So với dạng thuốc uống, các dạng thuốc điều trị tại chỗ thường có mức độ an toàn và ít gây tác dụng phụ khi sử dụng. Vì vậy nếu cơn đau có mức độ nhẹ, bạn nên ưu tiên sử dụng các dạng thuốc này giảm thiểu rủi ro phát sinh.

3. Giảm đau bằng các mẹo tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể làm giảm cơn đau ở đốt sống lưng bằng một số biện pháp sau đây:

đau đốt sống lưng
Massage lên vùng lưng có thể tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện cơn đau ở vị trí này
  • Chườm lạnh: Áp túi lạnh lên vùng thắt lưng trong 15 – 20 phút có thể giảm nhanh cơn đau và hiện tượng sưng viêm. Nếu thực hiện liên tục trong vài ngày, triệu chứng đau nhức có thể thuyên giảm hoàn toàn.
  • Massage: Xoa bóp lên vùng thắt lưng có thể giảm chèn ép lên dây thần kinh và tăng cường tuần hoàn máu. Khi xoa bóp bạn có thể kết hợp với dầu nóng để giảm nhanh hiện tượng đau nhức và viêm ở cơ quan này.
  • Yoga: Các chuyên gia cho rằng, một số động tác kéo giãn cột sống trong bộ môn yoga có thể giảm cơn đau và tăng cường phạm vi chuyển động của đốt sống. Bên cạnh đó, tập luyện yoga thường xuyên còn thúc đẩy quá trình tái tạo mô xương và giảm nguy cơ thoái hóa.

Tình trạng đau đốt sống lưng có thể thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi, thay đổi thói quen và sử dụng thuốc giảm đau. Trong trường hợp cơn đau tiếp tục tiến triển, bạn nên gặp bác sĩ Cơ xương khớp để thực hiện các chẩn đoán cần thiết.