Đau đầu gối – Nguyên nhân và cách chữa trị, giảm đau nhanh

Đau đầu gối là triệu chứng rất phổ biến có thể được kích hoạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong nhiều trường hợp cơn đau chỉ đến tạm thời rồi tự biến mất nhưng đôi khi lại dai dẳng kéo dài và đi kèm với những biểu hiện khác. Nắm được nguyên nhân gây đau đầu gối chính là cách tốt nhất để đưa ra phương án khắc phục phù hợp.

đau đầu gối
Triệu chứng đau đầu gối có thể biểu hiện ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy vào nguyên nhân kích hoạt

Đầu gối

Là khớp lớn nhất … có vai trò rất quan trọng. Với chức năng nâng đỡ toàn bộ cơ thể và di chuyển.

Đầu gối là một loại khớp hoạt dịch, giống như bản lề, có ba ngăn chức năng là:

  • Các khớp bánh chè, bao gồm các xương bánh chè, hay còn được gọi là “đầu gối”
  • Các rãnh xương bánh chè trên mặt trước của xương đùi, đầy là điểm nó trượt
  • Các khớp nối tibiofemoral trung gian và bên liên kết xương đùi, hoặc xương đùi, với xương chày, xương chính của chân dưới.

Khớp được tắm trong chất lỏng hoạt dịch được chứa bên trong màng hoạt dịch gọi là nang khớp. (theo wikipedia)

Đau đầu gối – triệu chứng thường gặp

Có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bỗng một ngày bạn cảm thấy vùng đầu gối bị đau nhức khó chịu. Đây là một triệu chứng rất thường gặp, nó có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng đa phần sẽ cảm thấy:

  • Đau nhức bất thường ở đầu gối
  • Gối bị sưng, có thể nhìn, sờ thấy
  • Cứng khớp gối
  • Đầu gối sưng đỏ
  • Cử động khớp gối có tiếng kêu
  • Khớp gối bị mất cảm giác
  • Khó khăn trong việc co duỗi đầu gối
  • Ngoài ra, nếu bạn bị nặng, ngoài đau đầu gối có thể bị sốt.

Nguyên nhân gây đau đầu gối

Tình trạng đau đầu gối có thể được kích hoạt ở nhiều mức độ khác nhau. Cơn đau có thể diễn ra trong thời gian ngắn nhưng trong nhiều trường hợp vẫn dai dẳng kéo dài.

Biểu hiện đau nhức cùng với những triệu chứng đi kèm thường liên quan trực tiếp đến nguyên nhân kích hoạt. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau nhức đầu gối.

1. Vận động quá mức

Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất kích hoạt những cơn đau khớp gối. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức phát sinh do vận động quá mức thường chỉ là tạm thời và có thể thuyên giảm ngay khi được nghỉ ngơi.

Sở dĩ đầu gối dễ bị đau khi vận động quá sức là do vị trí xương khớp này thường phải chịu nhiều áp lực từ cơ thể. Vận động mạnh với cường độ kéo dài sẽ càng làm cho áp lực gia tăng và gây đau.

2. Chấn thương

Đang gặp chấn thương ở khớp gối cũng sẽ là một yếu tố khiến cho những cơn đau nhức ở vị trí này kích hoạt bất cứ lúc nào. Chấn thương có thể xảy ra khi lao động, tham gia giao thông hay chơi thể thao.

Một số chấn thương liên quan trực tiếp đến sự kích hoạt của những cơn đau đầu gối bao gồm:

  • Bong gân: Là tình trạng giãn dây chằng hay tổn thương một vài bó sợi nhưng không làm đứt dây chằng. Lúc này, khớp gối thường bị bầm tím xung quanh do máu tụ lại, đầu gối sẽ rất đau.
  • Tổn thương dây chằng: Đây là một trong những chấn thương thường gặp khi hoạt động mạnh. Tình trạng này không chỉ khiến đầu gối sưng đau mà còn hạn chế vận động.
  • Gãy xương: Cơn đau thường sẽ mạnh hơn khi ấn nhẹ vào ổ xương bị gãy, bạn có thể mất cử động đầu gối hoàn toàn khi bị gãy rời 2 đầu xương.
  • Trật khớp: Đặc trưng bởi tình trạng đầu xương bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, khiến khớp bị đau và sưng tấy. Trật xương bánh chè và trật khớp chày đùi là tình trạng rất dễ gặp ở những người chơi thể thao gây ra triệu chứng đau đầu gối.

Khi những chấn thương đã được chữa lành thì vẫn có thể để lại di chứng, tình trạng đau nhức đầu gối vẫn có thể được kích hoạt. Nhất là khi vận động quá mức hay có bất cứ tác dụng lực nào từ bên ngoài.

3. Các bệnh xương khớp

Nhiều trường hợp những cơn đau đầu gối kích hoạt là do tác động từ những bệnh xương khớp. Thường gặp nhất là một số bệnh lý sau đây:

  • Viêm khớp gối: Đây là bệnh lý phổ biến nhất khiến đầu gối bị đau nhức thường xuyên. Cơn đau có thể sẽ dữ dội hơn vào ban đêm và tình trạng sốt có thể đi kèm nếu viêm khớp là do nhiễm khuẩn.
  • Bệnh gút: Bệnh lý xương khớp này hình thành khi hàm lượng acid uric trong cơ thể tăng cao vượt mức cho phép. Khớp gối là một trong những vị trí rất dễ chịu tác động của bệnh.
  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh lý tự miễn này thường sẽ gây ra tình trạng sưng đau ở nhiều khớp, trong đó phổ biến có khớp gối. Tình trạng đua nhức thường kích hoạt ở mức độ nặng, khớp sưng lên ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động.
  • Thoái hóa khớp gối: Thường xuất hiện cùng với quá trình lão hóa chung của cơ thể, bắt đầu trong độ tuổi 35 – 40. Đặc trưng bởi tình trạng tổn thương sụn khớp cùng xương dưới sụn khiến đầu gối đau nhức, khó đi lại nếu đau mạnh.
nguyên nhân đau đầu gối
Chứng đau ở vị trí khớp gối có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang sống chung với các bệnh xương khớp

4. Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân được đề cập trên đây thì tình trạng đau đầu gối còn có thể liên quan đến yếu tố khác. Điển hình phải kể đến là:

  • Lão hóa: Đây là quá trình diễn ra theo quy luật tự nhiên của con người. lão hóa cũng chính là nguyên nhân kích hoạt nên rất nhiều các vấn đề về xương khớp, trong đó có đau đầu gối. Bởi khi cơ thể già đi thì xương khớp sẽ trở nên suy yếu, mô sụn dễ tổn thương và khả năng chịu áp lực sẽ kém đi.
  • Thừa cân, béo phì: Đầu gối chính là vị trí xương khớp phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể trong quá trình vận động. Việc cân nặng dư thừa sẽ làm cho áp lực gia tăng và bạn sẽ dễ bị đau nhức khớp gối hơn.
  • Chế độ ăn uống: Ít ai ngờ rằng, một chế độ ăn uống thiếu lành mạnh cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đau đầu gối. Nhất là việc bổ sung không đầy đủ nhu cầu canxi, vitamin D và omega-3 cho cơ thể. Thêm vào đó là thường xuyên uống rượu bia cũng như hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích.

Cách điều trị, giảm đau đầu gối

Đau đầu gối là tình trạng thường gặp nhưng không khó để khắc phục nếu bạn biết cách. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp khắc phục tạm thời cơn đau để bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

1. Chườm nóng, chườm lạnh

Tác dụng nhiệt chính là phương án đơn giản nhất có thể giúp bạn khắc phục nhanh chóng tình trạng đau đầu gối. Tùy thuộc vào triệu chứng đi kèm mà bạn có thể lựa chọn tác dụng nhiệt nóng hay nhiệt lạnh.

  • Chườm lạnh: Phù hợp với những cơn đau có đi kèm với triệu chứng đầu gối bị sưng hay phù nề. Nhiệt độ thấp giúp làm hạn chế lưu lượng máu di chuyển đến đầu gối. Từ đó sẽ làm giảm nhanh tình trạng sưng, đồng thời ức chế được cơn đau do khớp gối bị sưng viêm. Chỉ cần cho một ít đá lạnh vào túi chườm và áp lên đầu gối. Thời gian chườm nên giới hạn ở mức dưới 20 phút để tránh gây bỏng lạnh.
  • Chườm nóng: Nên áp dụng trong trường hợp đầu gối bị đau nhức mà không có biểu hiện sưng đi cùng. Độ nóng từ túi chườm sẽ kích thích tuần hoàn máu và kiểm soát cơn đau hiệu quả. Nên dùng dưới ấm khoảng 60 – 70 độ cho vào túi chườm. Tiến hành chườm trực tiếp lên khớp gối cũng trong khoảng 20 phút. Không dùng nước quá nóng bởi rất dễ khiến vùng da bên ngoài bị tổn thương.
cách giảm đau đầu gối
Chườm lạnh có thể giúp giảm sưng đầu gối và ức chế nhanh cơn đau

2. Massage

Phương pháp này có thể áp dụng khi cơn đau kích hoạt ở bất cứ vị trí nào. Trường hợp đau đầu gối thì việc massage hoàn toàn có thể giúp kiểm soát cơn đau và giúp bạn thư giãn tốt hơn. Chỉ cần dùng lực của bàn và ngón tay thực hiện các động tác xoa, bóp, day, ấn trực tiếp lên vùng đầu gối là đã có thể nhận được kết quả khả quan.

Để nâng cao tính công dụng, trong trường hợp khớp gối không bị sưng, bạn có thể xoa một lớp dầu nóng lên vùng da phía ngoài trước khi massage. Dầu nóng sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu được tốt hơn. Đồng thời gia tăng hiệu quả giảm đau nhức, khó chịu.

3. Dành thời gian nghỉ ngơi

Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau nhức đầu gối hoàn toàn được cải thiện khi bạn dành thời gian cho việc nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi, áp lực đè nén lên khớp gối sẽ tự giảm dần rồi biến mất. Từ đó cơn đau cũng sẽ dịu dần xuống rồi dứt hẳn.

Việc cân bằng tốt giữa làm việc và nghỉ ngơi đồng thời tránh lao động quá nặng nhọc cũng là cách giúp ngăn ngừa tình trạng đau đầu gối tái diễn. Bên cạnh đó còn giúp hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp.

4. Kiểm soát cân nặng

Đây cũng là vấn đề mà bạn cần chú ý khi thường xuyên bị đau đầu gối. Việc kiểm soát tốt cân nặng sẽ giúp hạn chế áp lực đè nén lên khớp gối nói riêng và hệ thống xương khớp nói chung.

Nếu đang gặp vấn đề về cân nặng thì tốt nhất bạn nên chủ động tìm biện pháp giảm cân phù hợp. Nên trao đổi với bác sĩ để có thể nhận được lời khuyên về phương án giảm cân phù hợp nhất với bản thân.

5. Dùng thuốc Tây

Trong một số trường hợp, tình trạng đau nhức kích hoạt ở mức độ nặng thì có thể bạn sẽ phải dùng thuốc để khắc phục. Các thuốc có thể được chỉ định khi bị đau đầu gối thường là nhóm thuốc giảm đau hay kháng viêm không steroid.

chữa đau đầu gối
Trong nhiều trường hợp cơn đau khớp gối chỉ được khắc phục khi sử dụng thuốc

Các loại phổ biến bao gồm:

  • Paracetemol
  • Ibuprofen
  • Aproxen
  • Diclofenac

Những loại thuốc này sẽ được chỉ định dùng trong ngắn hạn. Nếu dùng kéo dài sẽ dễ gây ra các tác dụng không mong muốn. Điển hình như đau đầu, buồn nôn, suy giảm chức năng gan thận, viêm loét dạ dày ruột.

Để đảm bảo được sự an toàn cho sức khỏe, bạn cần dùng thuốc đúng liều lượng và tần suất mà bác sĩ khuyến cáo. Nếu có vấn đề bất thường xuất hiện hãy chủ động báo cáo ngay cho bác sĩ để can thiệp và xử lý kịp thời.

Đau đầu gối – Khi nào nên khám bác sĩ?

Với trường hợp bị đau đầu gối, bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ khi:

  • Cơn đau kích hoạt ở mức độ dữ dội và kéo dài
  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhưng triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Đau nhức đi kèm với biểu hiện sưng tấy hay cứng khớp
  • Khả năng vận động khớp giảm rõ rệt
  • Cơn đau không chỉ xuất hiện ở đầu gối mà còn kích hoạt đồng thời ở các vị trí khác.

Đau đầu gối mặc dù không phải là triệu chứng quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Cần chú ý theo dõi và thăm khám để điều trị kịp thời và đúng cách. Bởi nhiều trường hợp đây chính là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề xương khớp nghiêm trọng.