Đau cột sống thắt lưng ở người trẻ – Cảnh báo nguy cơ bệnh khớp
Tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ tuổi thường khởi phát do phải làm việc nặng hay thói quen sinh hoạt, tập luyện thiếu lành mạnh. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp ở người trẻ cần sớm phát hiện.
Nguyên nhân khiến người trẻ bị đau cột sống thắt lưng
Các vấn đề xương khớp thường dễ xuất hiện cùng với quá trình lão hóa chung của cơ thể. Tuy nhiên, khớp xương của người trẻ cũng có thể gặp các vấn đề, điển hình như đau cột sống thắt lưng. Nguyên nhân khiến tình trạng này phát sinh có thể là:
1. Tính chất công việc
Hiện tượng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ thường kích hoạt ở những đối tượng phải làm việc nặng nhọc, mang vác nhiều. Bởi lúc này, vùng cột sống sẽ phải chịu đựng áp lực kéo dài, trở nên yếu đi và dễ dàng đau nhức.
Ngoài ra, những người thường xuyên phải đứng ngồi một chỗ khi làm việc cũng rất dễ bị đau cột sống thắt lưng. Thiếu vận động sẽ khiến cột sống không được thư giãn, dễ co cứng và đau nhức.
2. Trọng lượng cơ thể
Thừa cân là vấn đề rất phổ biến ở những người trẻ hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn tác động xấu đến sức khỏe xương khớp. Cột sống thắt lưng lại là khu vực phải chịu nhiều áp lực nhất từ cơ thế. Chính vì thế khi bạn có một cơ thể quá khổ thì sẽ đè nén rất nhiều lên cột sống. Ngoài ra, người trẻ còn rất dễ bị đau khớp gối, nhất là khi vận động.
3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Người trẻ thường ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, hay sử dụng các loại đồ ăn nhanh. Một chế độ ăn thiếu lành mạnh sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu canxi và vitamin D cơ thể cần. Điều này rất dễ khiến xương khớp suy yếu và kích hoạt tình trạng đau nhức, trong đó có đau cột sống thắt lưng.
Ngoài ra, vấn đề sinh hoạt thất thường, ngủ không đủ giấc, căng thẳng, stress cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe xương khớp. Duy trì tư thế xấu cả khi làm việc hay nghỉ ngơi cũng là yếu tố có thể khiến người trẻ bị đau cột sống thắt lưng.
4. Chấn thương
Đây là vấn đề mà rất nhiều người trẻ gặp phải. Chấn thương có thể gặp phải trong lao động, chơi thể thao hay tham gia giao thông. Đặc biệt là những chấn thương trực tiếp ở vùng cột sống thắt lưng sẽ rất dễ để lại di chứng. Tình trạng đau nhức có thể dễ kích hoạt ngay cả khi các tổn thương đã lành lại.
Đau cột sống thắt lưng ở người trẻ – Dấu hiệu của bệnh xương khớp
Nếu tình trạng đau nhức được kích hoạt ở mức độ nhẹ mà sẽ thuyên giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi thì sẽ không đáng quan ngại. Tuy nhiên nếu những cơn đau xuất hiện thường xuyên, kéo dài và kèm theo các biểu hiện bất thường khác thì nên cẩn trọng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang sống chung với các bệnh lý xương khớp.
Sau đây là một số bệnh có thể liên quan đến những cơn đau cột sống thắt lưng ở người trẻ:
1. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Tình trạng thoái hóa xương khớp thường xuất hiện ở người già nhưng hiện nay, số người trẻ mắc bệnh đang có xu hướng tăng lên. Thoái hóa khiến cho các đốt sống bị bào mòn dần. Điều này làm gia tăng áp lực lên đĩa đệm và kích hoạt tình trạng đau nhức. Ở người trẻ, bệnh lý bày thường diễn tiến châm nhưng lại dễ phát sinh các vấn đề nghiêm trọng nếu không sớm can thiệp.
2. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Đĩa đệm chính là bộ phận nối hai đốt sống, giúp giảm ma sát và giảm xóc khi vận động. Khi đĩa đệm bị tổn thương, phần nhân nhầy sẽ thoát ra ngoài. Lúc này, dây thần kinh lân cận, mạch máu hay tủy sống có thể sẽ bị chèn ép.
Tổn thương càng lớn thì nhân nhầy thoát ra sẽ càng nhiều và mức độ chèn ép sẽ tăng lên. Ngoài đau cột sống thắt lưng, bạn có thể gặp tình trạng tê bì vùng hông, mông… đi kèm.
3. Đau thần kinh tọa
Bệnh lý này có thể kích hoạt ở mọi đối tượng, nhất là những người thừa cân hay làm công việc văn phòng. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng đau nhức trải dài từ cột sống thắt lưng xuống tận chi dưới.
Đau dây thần kinh tọa có thể chính là hệ quả của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Cần can thiệp sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như yếu cơ hay bại liệt.
4. Các bệnh lý khác
Tình trạng đau cột sống thắt lưng đôi khi không chỉ là dấu hiệu của các bệnh xương khớp. Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể kích hoạt triệu chứng này:
- Bệnh về thận: Điển hình như sỏi thận, suy thận sẽ kích thích bàng quang có thắt mạnh và chèn ép các dây thần kinh. Điều này đôi khi khiến các cơn đau ở vùng cột sống thắt lưng xuất hiện.
- Viêm tụy: Tuyến tụy là cơ quan nằm vắt qua cột sống thắt lưng. Tình trạng viêm tuyến tụy thường dễ phát sinh khi quá trình hoạt động gặp rối loạn khiến enzyme ứ đọng. Ngoài đau cột sống thắt lưng thì bạn còn có thể thấy buồn nôn, đầy hơi, chán ăn…
- Phình động mạch chủ: Đây là bệnh lý nguy hiểm mà dấu hiệu của nó thường là triệu chứng đau thắt lưng kéo dài. Cơn đau thường diễn ra đột ngột và dữ dội, dễ lan vào ổ bụng.
Khắc phục tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ
Khi gặp phải các cơn đau cơ học thì bạn hoàn toàn có thể khắc phục ngay tại nhà với các biện pháp dưới đây:
1. Chườm nóng, chườm lạnh
Đây là một trong những biện pháp đơn giản, dễ thực hiện có thể áp dụng để khắc phục tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ. Tác dụng nhiệt phù hợp sẽ giúp vùng lưng được thư giãn, các cơn đau cũng nhanh chóng bị ức chế.
Chườm nóng:
Nên áp dụng với trường hợp đau nhức đơn thuần. Nhiệt độ cao từ túi chườm sẽ giúp làm mềm các mô cơ, khiến cho đốt sống giãn ra, giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép. Bạn có thể dùng nước ấm khoảng 70°C cho vào túi chườm rồi áp lên vùng lưng đang bị đau khoảng 20 phút.
Mỗi ngày có thể thực hiện 2 lần vào buổi tối trước khi ngủ và sáng khi thức dậy. Biện pháp này còn giúp cải thiện đáng kể tình trạng co cứng cột sống khi ngủ.
Chườm lạnh:
Liệu pháp này thường được khuyến khích khi triệu chứng đau nhức đi kèm với biểu hiện sưng. Nhiệt độ thấp sẽ giúp tình trạng sưng đau được cải thiện rõ rệt. Đồng thời nó còn có tác dụng ức chế sự phát sinh của các phản ứng viêm. Đối với chườm lạnh, mỗi lần chườm không nên áp dụng quá 20 phút. Bởi chườm quá lâu rất dễ khiến vùng da phía ngoài bị bỏng lạnh.
2. Massage
Liệu pháp này cũng sẽ đáp ứng tốt khi bạn bị đau cột sống thắt lưng. Lực tác động từ bàn và ngón tay sẽ giúp khu vực bị đau được thư giãn. Bạn nên thực hiện các động tác như xoa, bóp, day hay ấn lên vùng cột sống thắt lưng. Điều này còn giúp cải thiện lưu thông máu để cơ thể được thoải mái hơn.
Để tăng tác đụng, có thể xoa một lớp dầu nóng mỏng nhẹ trước khi massage. Không nên dùng lực tay quá mạnh bởi có thể khiến mô mềm cũng như vùng da phía ngoài bị tổn thương. Nên thực hiện liệu pháp này trước khi ngủ để hạn chế cơn đau phát sinh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
3. Sử dụng thuốc Tây
Nếu tình trạng đau nhức diễn biến xấu, việc sử dụng các loại thuốc Tây là cần thiết để hạn chế ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Trong trường hợp này, các loại thuốc giảm đau, chống viêm hay giãn cơ thường được dùng:
- Acetaminophen: Có tác dụng ức chế nhanh các cơn đau ở mức độ nhẹ và vừa.
- Ibuprofen, Naproxen: Giúp giảm đau và sưng khi có sự phát sinh của các phản ứng viêm.
- Cyclobenzaprin, Carisoprodol: Có tác dụng làm giãn cơ để giải phóng các rễ dây thần kinh bị chèn ép.
Tất cả các loại thuốc được đề cập trên đây đều phải được sử dụng theo chỉ định từ bác sĩ. Chúng có thể khiến một số tác dụng ngoại ý phát sinh nên bạn cần cẩn trọng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng, đồng thời báo ngay cho bác sĩ khi gặp phải tác dụng phụ.
4. Dùng thuốc dân gian
Thuốc dân gian đa phần sử dụng các thảo dược tự nhiên nên tương đối an toàn với sức khỏe, ít phát sinh tác dụng phụ. Khi bị đau cột sống thắt lưng, bạn nên sử dụng một số bài thuốc đắp ngoài da để cải thiện:
Bài thuốc từ ngải cứu:
- Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu và 1 ít muối hạt
- Rửa sạch ngải cứu rồi cho lên chảo sao nóng với muối hạt
- Để vị thuốc có độ ấm vừa đủ rồi đắp trực tiếp lên vùng cột sống thắt lưng đang bị đau
- Để yên trong khoảng 20 phút rồi gỡ thuốc ra
Bài thuốc từ lá ớt:
- Cần có 1 nắm lá ớt và 1 ít rượu trắng
- Lá ớt đem rửa thật sạch rồi giã cho hơi nát
- Cho lên chảo sao chung với rượu đến khi nóng lên và ráo nước hoàn toàn
- Cho thuốc vào túi vải mỏng rồi đắp lên vùng thắt lưng
- Khi thuốc nguội có thể đem ra sao lại và đắp thêm 1 lần nữa
Các bài thuốc trên đây thường chỉ đáp ứng với những cơn đau cột sống thắt lưng cấp tính. Nên chú ý đến nhiệt độ của thuốc để tránh gây tổn thương ngoài da.
Khi nào nên thăm khám bác sĩ?
Hầu hết ở người trẻ, những cơn đau cột sống thắt lưng thường được kích hoạt ở dạng cấp tính do các nguyên nhân cơ học là chủ yếu. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, bạn nên chủ động thăm khám để dự phòng các vấn đề nghiêm trọng:
- Cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm dù cho bạn dành thời gian nghỉ ngơi
- Tình trạng đau nhức lan rộng xuống cả vùng mông và chi dưới
- Đau nhức kèm theo triệu chứng sưng hay nóng ran vùng lưng
- Các biểu hiện khác đi kèm như đau bụng, buồn nôn, chán ăn…
Lúc này, sức khỏe của bạn đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp kịp thời. Tình trạng đau cột sống thắt lưng chỉ được khắc phục tạm thời khi các bệnh lý liên quan được chữa trị triệt để.
Ngăn ngừa tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ tuổi
Tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu bạn nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh tư thế xấu cả trong sinh hoạt và lao động, không nên đứng ngồi một chỗ quá lâu.
- Không nên mang vác nặng quá nhiều để tránh gây sức ép cho vùng cột sống thắt lưng. Trong trường hợp phải vác vật nặng, nên thực hiện một vài động tác đơn giản để thư giãn cột sống.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung đủ canxi và vitamin D cùng những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, thức uống có cồn, chất kích thích.
- Chú ý thận trọng để tránh gặp phải các chấn thương trong cuộc sống, nhất là tai nạn lao động, giao thông hay thể thao.
- Thiết lập chế độ rèn luyện thân thể khoa học để tăng cường sức mạnh của cơ bắp và xương khớp.
- Hãy chú ý đến việc giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì. Có thể trao đổi với bác sĩ để có được liệu trình giảm cân phù hợp nhất với thể trạng.
Đau cột sống thắt lưng ở người trẻ là vấn đề không nên chủ quan, nhất là khi tình trạng này dai dẳng kéo dài. Hãy thăm khám trong những trường hợp cần thiết để có thể sớm can thiệp và điều trị đúng cách.