Chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc đông y (y học cổ truyền)

Hiện nay nhiều người bệnh chọn cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y bởi có độ an toàn tương đối cao. Đồng thời ít gây hại tới các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là gan thận. Hơn nữa, dùng đúng cách còn giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y là giải pháp lành tính, dễ áp dụng

Bệnh thoát vị đĩa đệm theo quan điểm đông y

Bệnh thoát vị đĩa đệm theo quan điểm đông y thuộc phạm vi chứng yêu thống, yêu thống liên tất và yêu chùy thống. Nguyên nhân thường là do các chứng ngoại từ như phong, hàn, thấp, nhiệt từ bên ngoài xâm nhập vào trong cơ thể. Từ đó khiến cho kinh mạch ở vùng cột sống bị ngăn trở và gây đau nhức, tổn thương.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do vấn đề tuổi tác, lao động quá sức hay sinh hoạt tình dục quá mức. Những yếu tố này cũng có thể khiến cho các mạch lạc ở vùng cột sống lưng không được nuôi dưỡng. Từ đó dẫn đến đĩa đệm dần bị khô cứng và gây đau nhức, thoát vị.

Vùng lưng còn có sự liên hệ đến thận, trường hợp thận suy yếu cũng có thể là nguyên nhân. Bên cạnh đó, khí và huyết nếu không được vận hành tốt sẽ gây ngưng trị. Từ đó gây ra các cơn đau nhức ở vùng cột sống. Thoát vị đĩa đệm cũng có thể là hệ quả do chấn thương, té ngã. Chấn thương khiến huyết bị ứ lại và ảnh hưởng tới các kinh lạc, mạch lạc ở vùng cột sống.

Có nhiều cách giúp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Trong đó thì cách điều trị bằng các bài thuốc đông y được đánh giá là an toàn và dễ thực hiện. Hơn nữa còn hạn chế được những vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình điều trị.

Ưu điểm của chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y là:

  • Thuốc đông y tận dụng nguồn dược liệu tự nhiên. Nhờ đó mà đảm bảo được sự lành tính và yếu tố an toàn.
  • Cách thực hiện các bài thuốc đông y hầu hết đều tương đối đơn giản. Đồng thời còn phù hợp với nhiều đối tượng.
  • Ít phát sinh các tác dụng ngoại ý, ngay cả trong trường hợp sử dụng kéo dài.
  • Ngoài việc kiểm soát diễn tiến của bệnh thì còn giúp nâng cao thể trạng và khả năng đề kháng cho cơ thể.

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm ra thì giải pháp này vẫn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định. Bao gồm:

  • Các bài thuốc đông y thường có tác dụng chậm. Điều này đòi hỏi mỗi người bệnh phải thật kiên trì.
  • Hiệu quả của các bài thuốc còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa và mức độ bệnh.
  • Chỉ đáp ứng tốt với trường hợp bệnh còn ở mức độ nhẹ.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y – Các bài thuốc cụ thể

Như đã đề cập, chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng đông y cần căn cứ vào từng thể bệnh. Ở mỗi thể bệnh sẽ có đặc điểm cũng như bài thuốc điều trị riêng. Chính vì vậy, để áp dụng đúng bài thuốc, người bệnh cần xác định đúng thể bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng.

chữa thoát vị địa đệm theo đông y
Chữa thoát vị đĩa đệm theo đông y cần căn cứ vào từng thể bệnh cụ thể

Dưới đây là các bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm theo từng thể bệnh:

1. Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm thể hàn thấp

Ở thể bệnh này, triệu chứng đặc trưng nhất là đau ở vùng lưng. Lưng dưới thường có cảm giác nặng, giống như có vật nặng đè lên lưng. Chân tay có biểu hiện lạnh, không có sức.

Khi ấn vào, gặp thời tiết lạnh hay âm u thì cơn đau thường tăng. Tuy nhiên khi chườm nóng thì sẽ thấy bớt đau. Ngoài ra người bệnh còn có xu hướng đi tiểu nhiều, nước tiểu trong. Quan sát thấy lưỡi nhạt, rêu lưỡi nhờn. Khi bắt mạch cho kết quả mạch trầm, tế.

Chữa thoát vị đĩa đệm thể hàn thấp bằng đông y sẽ dựa vào phương pháp ôn kinh, trừ thấp, tán hàn, chỉ thống. Bài thuốc Phụ tử ma hoàng quế chi thang gia vị có thể đáp ứng.

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Các vị thuốc xuyên ô, quế chi, phụ tử, độc hoạt, can khương, cát căn mỗi vị 9g. Cam thảo và ma hoàng mỗi vị 6g. Cùng với 3g tế tân.
  • Gia thêm theo từng trường hợp: Thận hư gia thêm tục đoạn và tang ký sinh mỗi vị 9g. Cảm thấy nặng vùng lưng dưới gia thêm 9g thương truật. Tỳ hư thì gia thêm phục linh và bạch truật mỗi vị 12g. Huyết ứ gia thêm nhũ hương, xích thược và một dược mỗi vị 9g. Phong hàn gây đau lan qua hông sườn hay lan xuống gối thì gia thêm phòng phong và khương hoạt.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đem sắc uống 1 thang/ ngày.

2. Chữa thoát vị đĩa đệm thể phong thấp bằng đông y

Ở thể phong thấp, bệnh thoát vị đĩa đệm thường gây đau lưng, có thể cả lưng trên và lưng dưới. Cảm giác đau thường giống như có vật nặng đè lên. Đồng thời cơn đau thường lan tỏa xuống cả dưới các ngón chân.

Đôi khi người bệnh còn bị mất cảm giác, sợ gió, sợ lạnh. Cơ thể luôn cảm thấy nặng nề, lưỡi trắng nhạt và rêu lưỡi vàng. Khi bắt mạch cho kết quả mạch phù, tế, huyền. Đặc biệt triệu chứng thường có xu hướng thay đổi theo thời tiết.

Để điều trị bệnh cần áp dụng phương pháp khu phong, hóa thấp và thông kinh hoạt lạc. Bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang có thể đáp ứng với bệnh thoát vị đĩa đệm thể phong thấp.

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: 8g tang ký sinh, 12g đương quy, 15g thạch chi, 12g đẳng sâm, 12g tần giao, 12g phục linh, 12g đỗ trọng, 9g độc hoạt, 9g phòng phong, 9g xuyên khung, 9g ngưu tất, 9g bạch thược, 3g cam thảo, 3g nhục quế, 3g tế tân.
  • Gia thêm theo từng trường hợp: Có cảm giác đau nặng thì gia thêm uy linh tiên và thương truật mỗi vị 9g. Cử động khó khăn gia thêm hải phong đằng và lạc thạch đằng mỗi vị 9g. Thận hư nặng thêm tục đoạn và câu kỷ tử mỗi vị 9g. Tỳ hư gia thêm 12g bạch truật. Huyết ứ gia thêm 9g xích thược, 6g một dược và 6g nhũ hương.
  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc đem cho hết vào ấm. Thêm nước vào sắc uống 1 thang/ ngày.

3. Bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm thể thấp nhiệt

Triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là thắt lưng luôn đau kèm theo cảm giác nóng. Nhiều trường hợp còn bị sưng nặng vùng thắt lưng. Người bệnh gặp khó khăn khi cúi về phía trước ngay ngả người về phía sau.

bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Với thuốc đông y, người bệnh chỉ cần cho các vị thuốc vào ấm và sắc lấy nước đặc uống trong ngày

Trong người luôn có cảm giác bứt rứt, khát, thường xuyên ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng nhờn. Đi tiểu ít, hay bị tiểu buốt, nước tiểu có màu vàng đậm, đôi khi còn bị táo bón. Khi bắt mạch cho kết quả mạch sác, hoạt hay nhu hoạt.

Chữa bệnh thoát vị đĩa đệm thể thấp nhiệt bằng đông y cần áp dụng phương pháp thanh nhiệt, hóa thấp và chỉ thống. Trong trường hợp này, bài thuốc Tứ diệu hoàn gia vị có thể giúp ích.

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: 30g ý dĩ, 12g ngưu tất, 12g xương truật, 9g hoàng bá, 9g tần giao.
  • Gia thêm theo từng trường hợp: Cảm thấy nặng nề vùng lưng thì gia thêm mộc qua và hán phòng kỷ mỗi vị 9g. Khát, nước tiểu vàng gia thêm 9g chi tử, 9g liên kiều và 3g mộc thông. Âm hư, miệng khô, họng khô, khó chịu về đêm, ngũ tâm phiền nhiệt và thắt lưng mỏi thì gia thêm 12g thục địa, 9g hạn liên thảo, 9g nữ trinh tử. Cử động khó khăn gia thêm hải phong đằng và lạc thạch đằng mỗi vị 9g. Tỳ hư thêm phục linh và bạch truật mỗi vị 12g. Thận hư nặng thêm 9g tục đoạn và 9g câu kỷ tử. Huyết ứ gia thêm 6g một dược, 6g nhũ hương và 9g xích thược.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào trong ấm. Thêm nước vào sắc lấy nước đặc, uống 1 thang/ ngày.

4. Chữa thoát vị đĩa đệm thể thận hư bằng đông y

Ở thể thận hư, bệnh thoát vị địa đệm đặc trưng bởi triệu chứng vùng thắt lưng đau ê ẩm. Khi bước đi cảm giác như không có sức. Khi đứng lâu thì chân như muốn khụy xuống.

Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi cơ thể mệt mỏi. Khi nghỉ ngơi, nằm hay xoa bóp thì sẽ thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, người bệnh hay bị sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô, lưỡi đỏ. Khi bắt mạch cho kết quả mạch tế sác.

Để điều trị, cần áp dụng phương pháp tư âm, bổ thận, giáng hỏa và thông kinh hoạt lạc. Trong trường hợp này, có thể áp dụng bài thuốc Tả quy hoàn gia giảm.

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: 12g đỗ trọng, 12g thục địa, 9g sơn thù, 9g ngưu tất, 9g thỏ ti tử, 9g kỷ tử, 9g hoài sơn, 9g tang ký sinh, 6g cao quy bản và 6g cao ban long.
  • Gia giảm theo từng trường hợp: Chóng mặt, ù tai, hồi hộp, mất ngủ thì gia thêm 12g thạch quyết minh, 6g long cốt và 6g mẫu lệ. Tâm hư, miệng khô, họng khô và ra mồ hôi trộm thì gia thêm tri mẫu và hoàng bá mỗi vị 9g. Nếu cứ động khó khăn thì hoa thêm lạc thạch đằng và ty qua lạc mỗi vị 9g. Khí trệ huyết ứ gia thêm một dược và nhũ hương mỗi vị 6g. Có đờm thấy thì gia thêm khương hoạt và tầm giao mỗi vị 12g. Tỳ hư thì gia thêm 12g phục linh và 12g bạch truật.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm. Thêm nước vào rồi sắc uống 1 thang/ ngày.

5. Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư

Triệu chứng đặc trưng của bệnh thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư là đau lưng ê ẩm. Khi nghỉ ngơi, nằm, xoa bóp hay chườm ấm thì sẽ đỡ hơn. Nhiều trường hợp lưng còn bị tê, mất cảm giác và lạnh lưng.

Chân tay thường lạnh, đi hay đứng chân như không còn sức. Người bệnh có xu hướng sợ lạnh, da mặt xanh xám, hơi thở ngắn. Nước tiểu trong, lưỡi nhạt và rêu lưỡi trắng. Khi bắt mạch cho kết quả mạch trầm tế và không lực.

Phương pháp điều trị cho thể bệnh này là cần bổ thận, tráng dương, ôn kinh và tán hàn. Bài thuốc Hữu quy hoàn gia giảm được cho là có thể đáp ứng tốt trong trường hợp này.

thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư
Thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư đặc trưng bởi triệu chứng đau lưng ê ẩm

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: 12g thục địa, 9g thỏ ti tử, 9g tục đoạn, 9g đỗ trọng, 9g hoài sơn, 9g kỷ tử, 9g cao ban long, 9g sơn thù, 9g cẩu tích, 8g đương quy và 3g phụ tử.
  • Gia thêm theo từng trường hợp: Cảm giác âm ỉ ở vùng đau và trung khí hạ hãm thì bỏ câu kỷ từ và đương quy, gia thêm 12g hoàng kỳ, 9g đảng sâm, 9g bạch truật, thăng ma và sài hồ mỗi thứ 3g. Khí trệ huyết ứ thì tăng đương quy lên 9g, gia thêm một dược và nhũ hương mỗi vị 6g. Nếu có dấu hiệu hàn thấp thì thêm khương hoạt, tần giao và độc hoạt mỗi vị 9g. Tỳ hư cần gia thêm 12g bạch truật và 12g phục linh.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, sắc uống 1 thang/ ngày.

6. Chữa thoát vị đĩa đệm thể khí trệ huyết ứ bằng đông y

Ở thể khí trệ huyết ứ, triệu chứng đặc trưng của bệnh là đau nhói ở vùng lưng và chân. Tuy nhiên cơn đau thường cố định 1 chỗ, ngày nhẹ và đêm nặng. Ấn vào cột sống có thể thấy đau không chịu nổi. Đôi khi còn bị đau lan xuống chân.

Nhiều người bệnh còn bị mất cảm giác ở chân khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Các dấu hiệu khác đi kèm có thể là lưỡi đỏ tím hoặc có vết ban đỏ, dễ bị táo bón. Khi bắt mạch sẽ cho kết quả mạch trầm, sác, huyền.

Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm thể khí trệ huyết ứ cần áp dụng phương pháp khử ứ, hành khí, hoạt huyết, chỉ thống và thông kinh hoạt lạc. Ở thể bệnh này, bài thuốc Thân thống trục ứ thang gia giảm sẽ đáp ứng tốt.

Thông tin bài thuốc:

  • Chuẩn bị: 12g tục đoạn, 9g xuyên khung, 9g cốt toái bổ, 9g hồng hoa, 9g đào nhân, 9g khương hoạt, 9g đương quy, 9g nhũ hương, 9g địa long, 9g tần giao, 6g xương bồ và 3g cam thảo.
  • Gia giảm theo từng trường hợp: Nếu bị khí trệ huyết ứ do phong thấp thì gia thâm phòng phong, độc hoạt và uy linh tiên mỗi vị 9g. Do chấn thường thì gia thêm 3g tam thất và 3g tô mộc (có thể thay thế bằng vân nam bạch dược). Thận hư gia thêm 15g ngũ gia bì, 9g cẩu tích và 9g tang ký sinh. Tỳ hư gia thêm 12g bạch truật và 12g phục linh. Chi dưới tê hay mất cảm giác gia thêm 6g ô tiêu, 6g thổ miết trùng và 3g ngô công. Thắt lưng đau kèm kinh nguyệt không đều thì có thể thay bài Thân thống trục ứ gia giảm bằng bài Đào hồng tứ vật thang gia giảm bao gồm: 12g tục đoạn, 12g xuyên khung, 12g đương quy, 9g hương phụ, 9g đào nhân, 9g thục địa, 9g bạch thược, 9g hồng hoa và 6g sài hồ.
  • Thực hiện: Cho các vị thuốc trên vào ấm. Thêm nước vào sắc uống 1 thang/ ngày.

7. Một số bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm khác

Ngoài các bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm theo từng thể bệnh nêu trên vẫn còn một số bài thuốc hỗ trợ khác. Người bệnh có thể căn cứ vào triệu chứng gặp phải để lựa chọn bài thuốc phù hợp.

– Bài thuốc giúp đẩy lùi cơn đau thắt lưng:

  • Chuẩn bị: 300g rễ ngưu tất, 20g đỗ trọng, 20g ý dĩ và 16g lá lốt.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch rồi cho vào ấm. Thêm vào 4 bát nước, sắc trên lửa nhỏ 20 phút. Chia lượng nước sắc thu được làm 3 lần uống/ ngày. Dùng 1 thang/ ngày trong 4 tuần liên tục.

– Bài thuốc giúp hoạt huyết và giảm áp lực lên đĩa đệm:

  • Chuẩn bị: Các vị thuốc phòng phong, ý dĩ nhân, địa hoàng, tần giao, quế chi, rễ cỏ xước, uy linh tiên, hoàng bá.
  • Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc, cho vào ấm. Thêm vào 6 bát nước đun trên lửa nhỏ 30 – 45 phút. Chia nước sắc thu được thành nhiều lần uống trong ngày. Chỉ dùng 1 thang/ ngày.
thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Thuốc đông y tận dụng nguồn dược liệu tự nhiên nên được đánh giá là lành tính và an toàn

Lưu ý khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc đông y

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y được đánh giá cao nhờ tính an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Đặc biệt, có thể áp dụng giải pháp này trong thời gian dài mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh việc khắc phục triệu chứng và cải thiện chức năng đĩa đệm thì các bài thuốc đông y còn giúp bồi bổ sức khỏe. Đồng thời giúp tăng cường lưu thông khí huyết, cải thiện thể trạng.

Tuy nhiên, khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y, người bệnh cần chú ý tới một số vấn đề sau đây:

  • Các bài thuốc đông y chữa thoát vị đĩa đệm thường tác dụng rất chậm. Hơn nữa, hiệu quả cũng còn nhiều hạn chế. Trong trường hợp bệnh tình diễn tiến nghiêm trọng, người bệnh cần chủ động thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách.
  • Khi áp dụng các bài thuốc đông y hãy kiên trì trong thời gian dài để nhận được kết quả tốt nhất. Việc áp dụng không đều đặn có thể làm giảm hiệu quả. Đồng thời còn gây gián đoạn đến quá trình điều trị.
  • Trường hợp bị đau bụng, tiêu chảy hoặc dị ứng khi sử dụng thuốc đông y thì tốt nhất người bệnh hãy chủ động tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ.
  • Tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều lượng của từng vị thuốc trong bài thuốc. Đồng thời chú ý dùng thuốc theo đúng tần suất được khuyến cáo.
  • Trường hợp muốn kết hợp dùng thuốc đông y chung với thuốc tây hay các sản phẩm viên uống bổ sung thì người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn liều lượng cũng như thời gian sử dụng nhằm dự phòng nguy cơ xảy ra tương tác.
  • Nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Uống đủ nước, tăng cường các sản phẩm giàu canxi, các vitamin và thành phần dưỡng chất tốt cho xương khớp trong khẩu phần ăn. Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, trà đặc, cà phê.
  • Sinh hoạt điều độ. Nên làm việc vừa sức, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Đồng thời nên dành thời gian cho các hoạt động thể chất phù hợp mỗi ngày.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y có những ưu và nhược điểm nhất định. Vì vậy, người bệnh hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Trường hợp bệnh diễn tiến nghiêm trọng hãy sớm thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ từ bác sĩ chuyên khoa.