Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mới và tốt nhất

Nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đang được bác sĩ kê đơn như thuốc Methotrexat, thuốc kháng viêm không steroid hay thuốc Sulfasalazin… Những loại thuốc này đều tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách. Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số vấn đề quan trọng dưới đây để bệnh tình sớm bị đẩy lùi.

Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh tự miễn mãn tính không chỉ gây tổn thương cho khớp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như tim, phổi hay mạch máu. Sự khởi phát của bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, nhiễm trùng, thay đổi hormone hoặc do rối loạn miễn dịch.

Để điều trị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc dưới đây:

1. Thuốc Methotrexat trị viêm khớp dạng thấp

Thuốc Methotrexat được chỉ định phổ biến trong phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc này được xếp vào nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. 

Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Unitrexates Methotrexat 2.5mg

Methotrexat chứa thành phần chính là methotrexat. Khi sử dụng, thuốc có tác động trực tiếp lên hệ miễn dịch và có khả năng ức chế quá trình phân chia tế bào, ngăn chặn quá trình phá hủy các tế bào khỏe mạnh ở xương và các mô sụn. Nhờ vậy, bệnh nhân sẽ bớt đau và có thể kiểm soát tốt bệnh. 

Ngoài tác dụng điều trị viêm khớp dạng thấp, thuốc methotrexate còn được sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư hoặc các trường hợp bị bệnh vảy nến. Thận trọng khi chỉ định thuốc cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc đi vào sữa mẹ làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Thuốc methotrexate có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, tiêu chảy, rụng tóc, lở miệng, sưng nướu, chán ăn, phát ban. Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc với liều dùng từ 7,5 – 10 mg mỗi tuần, liều duy trì tối đa có thể tăng lên 20mg/tuần tùy theo khả năng đáp ứng với thuốc của mỗi bệnh nhân.

2. Thuốc kháng viêm không steroid

Các thuốc kháng viêm không steroid bao gồm thuốc ức chế chọn lọc COX2 và không chọn lọc. Nhóm thuốc này được chỉ định để điều trị triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp, giúp giảm viêm sưng, nóng đỏ tại khớp bị tổn thương.

– Các thuốc chống viêm trong nhóm ức chế chọn lọc COX2 thường được lựa chọn đầu tiên. Thuốc có thể được sử dụng trong một đợt điều trị dài hạn phối hợp với methotrexat. Được chỉ định nhiều nhất là các loại thuốc sau:

  • Celecoxib: Mỗi lần dùng 200mg x 1 – 2 lần/ngày
  • Meloxicam: Sử dụng thuốc theo đường uống hoặc tiêm bắp mỗi lần 1 ngày với liều lượng là 15 mg.
  • Etoricoxib: Mỗi ngày uống 1 lần với liều lượng dao động từ 50 – 90mg

– Thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc:

  • Diclofenac: Thuốc được bào chế theo đường uống hoặc tiêm, mỗi lần dùng 75mg x 2 lần/ngày. Thời gian dùng loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp này có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày. Sau đó giảm liều xuống còn 50mg, ngày dùng 2 – 3 lần trong 4 – 6 tuần liên tục.
  • Thuốc Brexin: Ngày dùng 20mg

Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc kháng viêm không steroid, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau dạ dày, phát ban, mề đay, viêm loét đường tiêu hóa, viêm kẽ thận. Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn ở người cao tuổi, người có vấn đề về dạ dày, thận. Tránh lạm dụng thuốc trong thời gian dài khi chưa tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

3. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Sulfasalazin

Thuốc Sulfasalazin thường được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng, bệnh crohn, viêm loét đại tràng hay bệnh viêm khớp dạng thấp. Thuốc được bào chế dưới dạng viên bao 500mg.

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Sulfasalazin
Thuốc Sulfasalazin được sử dụng phổ biến trong phác đồ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Sulfasalazin có tác dụng giảm đau, chống sưng viêm khớp cho các đối tượng bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc được chỉ định để thay thế cho các thuốc kháng viêm không steroid nếu chúng không cho hiệu quả. 

Chống chỉ định dùng thuốc Sulfasalazin cho các đối tượng bị dị ứng với các thành phần salicylat và sulfonamid, người đang bị tổn thương ở thận và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Trong 3 tháng đầu điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng thuốc Sulfasalazin, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ về số lượng huyết cầu. Các trường hợp đang có thai, còn cho con bú hoặc bị thiếu hụt G6PD nên thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp bất cứ tác dụng phụ nào sau khi uống Sulfasalazin. Bao gồm chảy máu, xuất hiện các mảng bầm tím dưới da, xuất huyết, nóng sốt hoặc có biểu hiện bị nhiễm khuẩn.

Liều lượng sử dụng:

  • Điều trị khởi đầu: 500mg/ngày. Sau đó tăng lên 500 mg mỗi tuần
  • Liều dùng duy trì: Mỗi lần uống 100 mg x 2 lần/ngày

4. Thuốc Corticosteroids

Đây cũng là nhóm thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thường được sử dụng. Chúng có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng sưng đau, nóng đỏ tại khớp cho người bệnh.

Các thuốc Corticosteroids thường được chỉ định trong ngắn hạn trước khi các loại thuốc điều trị cơ bản khác bắt đầu phát huy được hiệu lực rõ ràng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc trong các đợt tiến triển của bệnh với liều lượng được khuyến cáo như sau:

  • Viêm khớp dạng thấp mức độ vừa: Mỗi ngày uống 16-32 mg thuốc methylprednisolon. Sử dụng một liều duy nhất sau 8 giờ vào buổi sáng. Uống thuốc sau khi ăn no.
  • Viêm khớp dạng thấp thể nặng: Sử dụng thuốc methylprednison theo đường tĩnh mạch với liều lượng 40 mg /ngày.
  • Viêm khớp dạng thấp thể nặng mức độ nghiêm trọng: Truyền tĩnh mạch thuốc methylprednisolone với liều lượng 500-1.000mg. Thời gian truyền thuốc từ 30 – 45 phút mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp. Sau đó duy trì dùng thuốc với liều thông thường.

Một số trường hợp bị bệnh nặng hoặc bị lệ thuộc vào thuốc Corticosteroids có thể được chỉ định dùng loại thuốc này trong dài hạn. Liều dùng khởi đầu khoảng 20 mg/ngày, uống lúc 8 giờ sáng sau ăn. Sau khi các triệu chứng lâm sàng đã được cải thiện thì giảm dần liều sử dụng cho đến khi đạt liều thấp nhất là 5 – 8mg/ ngày hoặc uống cách ngày. Có thể cân nhắc ngừng thuốc sau khoảng 6/ 8 tuần sau khi quá trình điều trị cơ bản đã có hiệu lực.

5. Thuốc chữa viêm khớp dạng thấp Hydroxychloroquine

Thuốc Hydroxychloroquine được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và nhiều bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, sốt rét hay bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát. Loại thuốc này thường được chỉ định phối hợp cùng với Methotrexat để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, làm chậm lại tốc độ tiến triển của bệnh.

Thuốc chữa viêm khớp dạng thấp Hydroxychloroquine
Hydroxychloroquine thường được kết hợp cùng một số loại thuốc khác để điều trị viêm khớp dạng thấp

Thuốc không được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân có mắc kèm theo chứng tiểu đường, rối loạn tạo máu, người mắc bệnh vảy nến hay các trường hợp bị thiếu hụt enzyme G6PD.

Sử dụng thuốc Hydroxychloroquine không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể như: Buồn nôn hoặc nôn ói, tăng sắc tố da, tiêu chảy, rụng tóc, mất bạch cầu hạt, động kinh, chán ăn, nổi mề đay, suy giảm thị lực, đau đầu, căng thẳng…

Liều dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Hydroxychloroquine được khuyến cáo cho người trưởng thành là 400 – 600 mg mỗi ngày. Liều tối đa không vượt quá 6 mg/kg. Thời gian điều trị bằng thuốc có thể kéo dài trong 3 tháng.

6. Thuốc Actemra trị viêm khớp dạng thấp

Nằm cuối cùng trong danh sách các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mới đang được sử dụng rộng rãi đó chính là thuốc Actemra. Trải qua 5 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên, loại thuốc này đã được ghi nhận là có khả năng cải thiện được các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, giúp bệnh nhân kiểm soát tốt tình trạng sưng viêm tại khớp bị tổn thương.

Thuốc Tocilizumab thường được phối hợp dùng chung với Methotrexate để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp trong giai đoạn tiến triển từ mức độ trung bình đến nặng. Thuốc được sử dụng theo đường tĩnh mạch sau khi đã được pha loãng với dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% vô trùng. 

Liều dùng được khuyến cáo:

  • Người trưởng thành: 8mg/kg, truyền thuốc trực tiếp vào trong tĩnh mạch mỗi 4 tuần.
  • Trường hợp bệnh nhân có cân nặng vượt quá 100kg: Liều truyền tối đa là 800 mg/lần.

Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm khớp dạng thấp

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính được áp dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các loại thuốc tây đều tiềm ẩn một số rủi ro cho sức khỏe. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về nhà uống mà chưa được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp.

Khi dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp do bác sĩ kê đơn cũng cần tuân thủ đúng về số lần sử dụng thuốc trong ngày và liều lượng cho mỗi lần dùng. Tránh dùng thuốc vượt quá liều được chỉ định hoặc tự ý ngưng uống thuốc sau khi thấy các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm. Bệnh nhân nên kiên trì uống thuốc đều đặn và tái khám thường xuyên cho đến khi tổn thương tại khớp đã được chữa lành hoàn toàn.

 Song song với quá trình dùng thuốc, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cũng cần xây dựng một lối sống khoa học để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, giúp hạn chế tái phát bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý:

  • Duy trì tư thế vận động đúng, tránh các hoạt động mạnh có thể khiến khớp bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Không ngồi hay đứng yên một chỗ quá lâu
  • Cố gắng giữ cho cơ thể luôn thẳng khi ngồi, đứng và cả lúc đi
  • Xoa bóp các khớp thường xuyên kết hợp tập luyện các bài tập thể dục vừa sức để tăng cường lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể và giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin D và canxi để cải thiện sức khỏe và sử dụng khả năng chịu lực của xương khớp.
  • Một số thực phẩm có đặc tính kháng viêm tự nhiên như gừng, nghệ, các loại cá béo, tỏi hay quả mọng cũng có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng bệnh một cách tự nhiên.
  • Tránh ăn đồ cay nóng, các món ăn chứa nhiều chất béo, thực phẩm đóng hộp. Kiêng uống bia rượu hay nước ngọt.
  • Trường hợp hút thuốc lá thì nên tìm cách cai thuốc từ sớm
  • Giảm cân khi cần thiết giúp giảm áp lực cho khớp, nhất là các trường hợp đang bị thừa cân, béo phì.
  • Căng thẳng quá mức có thể khiến bệnh viêm khớp dạng thấp bùng phát và làm tăng nặng các triệu chứng bệnh. Vì vậy, người bệnh nên có thái độ sống lạc quan, hạn chế để đầu óc bị stress quá độ hoặc có những suy nghĩ tiêu cực.