Bệnh thoái hóa khớp cổ tay – Nguyên nhân và hướng chữa trị

Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý phổ biến ở lứa tuổi trung niên, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 2/3 số người bệnh. Không chỉ do nguyên nhân lão hóa tự nhiên, bệnh thoái hóa khớp cổ tay được hình thành do quá trình làm việc nặng nhọc, thao tác lặp lại nhiều lần, làm việc chủ yếu bằng tay,…

Bệnh thoái hóa khớp cổ tay
Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý phổ biến ở độ tuổi trung niên

Hiện nay, thoái hóa xương khớp nói chung và thoái hóa khớp cổ tay nói riêng đang có dấu hiệu trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Chính vì vậy, mỗi người cần phải nắm rõ kiến thức về bệnh cũng như phương pháp khắc phục kịp thời để hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

I. Thoái hóa khớp cổ tay là gì?

Theo định nghĩa của các tài liệu y khoa, thoái hóa khớp cổ tay là một dạng tổn thương khớp tại vùng cổ tay và làm cho đầu sụn bị mòn, hư hỏng dần. Khi bị tổn thương ở một mức độ nhất định, khớp cổ tay có dấu hiệu suy giảm chức năng vận động, phát sinh triệu chứng đau nhức kéo dài, kèm theo đó là các nguy cơ rạn nứt xương, gãy xương,… Thoái hóa khớp cổ tay có liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể và một số nguyên nhân khác, do đó bệnh nhân cần phải có kế hoạch phòng ngừa biến chứng nguy hại có thể xảy ra.

II. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp cổ tay

Theo một số nghiên cứu từ Hiệp hội xương khớp Quốc gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh thoái hóa này. Trong đó, phải kể đến một số nguyên nhân cụ thể như là:

1 – Tuổi tác

Đa số các trường hợp cho thấy, khi tuổi càng cao thì dấu hiệu lão hóa cũng ngày càng rõ ràng hơn, đây là nguyên nhân phổ biến nhất trong các vấn đề về xương khớp. Khi khớp cổ tay bị tổn thương, sụn khớp cũng ngày càng suy yếu, bao khớp bị bong tróc, xương dưới sụn bị xơ hóa, hình thành gai xương, gây đau nhức khớp cổ tay và một số vị trí liên quan.

2 – Té ngã, chấn thương

Là những hoạt động gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng xương khớp. Những người có tiền sử té ngã, chấn thương, trật khớp, gãy xương vùng cánh tay có nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ tay rất cao.

3 – Tính chất công việc

Những thống kê mới đây cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thoái hóa khớp cổ tay cao hơn gấp 2 lần so với nam giới. Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho biết phụ nữ phải thường xuyên làm các công việc nội trợ, hoạt động nhiều ở phần cổ tay. Ngoài ra, những người làm việc văn phòng, mang vác nhiều cũng thường gây áp lực lớn lên cổ tay và tạo điều kiện cho bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp hình thành.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ tay
Làm việc nhiều với máy tính, hoạt động tay nhiều là nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ tay hàng đầu

4 – Có tiền sử mắc bệnh xương khớp

  • Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể mà không ai có thể tránh khỏi. Do vậy, các vận động thường xuyên của khớp cổ tay ngày càng đẩy mạnh tốc độ lão hóa khớp cổ tay. Ở giai đoạn mới phát, thoái hóa khớp thường không có biểu hiện rõ ràng nhưng càng về sau bệnh càng nghiêm trọng và dẫn đến đau nhức thường xuyên hơn.
  • Người mắc hội chứng ống cổ tay có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở khớp cổ tay nên thường có biểu hiện tê bì ngón tay, vận động khó khăn, ngón tay đau nhức, khuỷu, vai, cổ tay cũng bị tác động. Các đối tượng thường xuyên làm việc trước máy tính sẽ gặp phải các biểu hiện này thường xuyên hơn.
  • Hội chứng De Quervain là một dạng của viêm bao gân cơ dạng dài. Những người mắc triệu chứng này cũng có nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ tay vì chúng cũng thường gây ra  biểu hiện đau nhức, cản trở trong việc vận động và làm việc,…

III. Triệu chứng thoái hóa khớp cổ tay

Khi bị thoái hóa khớp cổ tay, bệnh nhân thường gặp phải một số triệu chứng sau:

  • Khớp cổ tay phát ra tiếng kêu lục cục, lạo xạo khi vận động.
  • Đau cứng khớp vào buổi sáng hoặc khi ít vận động trong thời gian dài. Tình trạng cứng khớp có thể khiến bệnh nhân khó cử động, xoay gập cổ tay, vận động cổ tay không linh hoạt.
  • Chứng đau nhức cổ tay có tính chất cơ học, nên khi được nghỉ ngơi, ít vận động thì khớp cổ tay giảm đau. Cơn đau thường bùng phát dữ dội khi vận động mạnh, cầm nắm quá mạnh, dùng nhiều lực từ tay,…
  • Về lâu dài, thoái hóa khớp cổ tay gây cản trở cho việc cầm nắm, ngay cả trong việc thực hiện các vận động sinh hoạt cá nhân. Nghiêm trọng hơn, thoái hóa khớp cổ tay còn gây biến dạng khớp, teo cơ, làm mất chức năng vận động hoàn toàn.

IV. Hướng điều trị thoái hóa khớp cổ tay

Thoái hóa khớp thuộc nhóm bệnh lý khó điều trị dứt điểm vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lão hóa tự nhiên. Song, việc điều trị này lại vô cùng thiết yếu vì nó giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do thoái hóa gây ra. 

Việc điều trị thoái hóa khớp cổ ta nhằm hướng đến 3 mục đích chính đó là:

  • Làm chậm quá trình thoái hóa khớp và khống chế biến dạng khớp phát sinh.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bằng các biện pháp giảm đau.
  • Duy trì chức năng vận động, cân bằng khả năng sinh hoạt bằng cách thay thế các khớp tổn thương. 

1 – Điều trị nội khoa:

Phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ, giúp duy trì chức năng vận động, làm giảm đau nhức, suy giảm khớp. Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phương pháp điều trị nội khoa sau đây cho bệnh nhân:

  • Sử dụng thuốc giảm đau được kê đơn.
  • Dùng nẹp cố định khớp để hạn chế cơn đau.
  • Kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chườm lạnh, chiếu đèn hồng ngoại, massage, xoa bóp vị trí thoái hóa bằng hoạt chất kháng viêm.
Điều trị thoái hóa khớp cổ tay
Ngoài việc điều trị thì luyện tập khớp cổ tay cũng được các chuyên gia khuyến khích

2 – Điều trị ngoại khoa:

Với phương pháp điều trị ngoại khoa, thông thường sẽ có 3 loại hình phẫu thuật được bác sĩ chỉ định. Tùy vào trường hợp cụ thể mà phương pháp phẫu thuật cũng khác nhau:

  • Phẫu thuật dự phòng: Mục đích của phương pháp này là cân bằng lại tình trạng khớp cổ tay cho bệnh nhân và duy trì hoạt động cho khớp.
  • Phẫu thuật bảo tồn: Được áp dụng để can thiệp vào vị trí các khớp chưa bị tổn thương nghiêm trọng. Phẫu thuật bảo tồn nhằm khôi phục một số chức năng cơ học của khớp và cải thiện khả năng vận động khớp như bình thường.
  • Phẫu thuật thay thế: Là lựa chọn cuối cùng trong các phương pháp điều trị thoái hóa cổ tay. Phương pháp này được áp dụng khi tất cả những biện pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả hoặc các khớp bị tổn thương nghiêm trọng bắt buộc phải có sự can thiệp chuyên khoa.

Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý có khả năng dẫn đến biến chứng rất cao. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc có thể tìm cho mình phương pháp cải thiện và phục hồi phù hợp.