Bệnh gút nên kiêng cữ những gì để giảm đau, kìm hãm bệnh?
Để bệnh gút nhanh chóng thuyên giảm, các cơn đau không thường xuyên xuất hiện thì việc nắm được bị bệnh gút nên kiêng cữ những gì là vô cùng cần thiết. Mục đích của việc kiêng cữ là nhằm kiểm soát nồng độ acid uric trong máu và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Người bệnh gút nên kiêng cữ những gì trong ăn uống?
Gút là bệnh hình thành do rối loạn acid uric trong máu dẫn đến hình thành các tinh thể muối urat trong khớp gây sưng viêm, đau nhức. Trong khi đó, Acid uric lại là một chất được tạo ra từ quá trình phân hủy nhân purin có trong các thực phẩm giàu đạm. Vì vậy, để tránh các cơn đau của bệnh tái phát thì trước tiên phải kiểm soát hàm lượng purin nạp vào cơ thể.
Sau đây là một số thực phẩm giúp người bệnh xác định được bệnh gút nên kiêng cữ những gì:
Thịt đỏ, thực phẩm giàu đạm
Thịt đỏ là loại thịt có màu sắc đỏ tươi khi còn sống. Thịt đỏ có chứa hàm lượng purin cao thường trên 150mg/100g. Trong khi đó, người bệnh gút chỉ được sử dụng tối đa 135 – 150mg purin/ngày. Một số loại thịt giàu đạm chứa nhiều nhân purin có thể kể đến như thịt nạc bò, thịt dê, thịt chó, thịt cừu, thịt mèo, thịt heo…
Trong các loại thịt này, người bệnh vẫn có thể sử dụng thịt heo, thịt bò nhưng cần hạn chế, chỉ nên dùng dưới 70g mỗi ngày để đảm bảo an toàn. Bởi trong 100g thịt lợn, thịt bò thường chứa tới 150 – 200mg purin.
Thịt, trứng gia cầm
Các loại thịt như thịt gà, thịt vịt, thịt ngan cũng nằm trong danh sách thức ăn cần hạn chế của người bệnh. Tuy nhiên, có thể sử dụng từ 50 – 70g thịt gà hoặc thịt vịt mỗi ngày nhất là thịt gà để bổ sung nguồn đạm cho cơ thể. Thịt gà chỉ nên sử dụng phần ức hoặc chân gà, không ăn da gà, đùi gà vì đây là những vị trí chứa nhiều nhân purin.
Người bệnh gút có thể sử dụng 3 – 4 quả trứng gà mỗi tuần. Tuyệt đối không sử dụng các loại trứng đang biến thành phôi như trứng cút lộn, vịt lộn…
Cá biển và hải sản
Các loại hải sản như sò ốc, tôm cua là những thực phẩm được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên chúng lại giàu nhân purin, khi sử dụng sẽ chuyển hóa thành các acid uric trong máu và gia tăng các tinh thể muối urat làm bệnh gút thêm nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó cá biển cũng là thực phẩm mà người bệnh gout không nên sử dụng. Đặc biệt là các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá trích, cá mòi… Có thể sử dụng cá đồng để thay thế như cá rô phi, cá trắm cỏ… và không dùng cá chép, cá tuyết.
Nội tạng động vật, nước luộc thịt
Nước luộc thịt, nội tạng động vật là những thực phẩm vô cùng giàu nhân purin. Nếu sử dụng có thể làm tái phát bệnh gút, gây ra tình trạng đau nhức ngay sau khi cơ thể hấp thu.
Thực phẩm giàu chất béo
Thực phẩm giàu chất béo sẽ làm ảnh hưởng quá trình đào thải các chất của cơ thể khiến các acid uric bị lắng đọng lại gây ảnh hưởng đến bệnh. Không chỉ vậy, những thực phẩm này còn có nguy cơ gây ra tăng cân, béo phì lại không tốt cho sự hấp thu của cơ thể. Những thực phẩm này là mỡ, da động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên, quay…
Các loại rau tăng trưởng nhanh
Ngoài kiêng thịt đỏ, thịt giàu đạm thì người bệnh cũng nên tránh các thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như súp lơ, cải bó xôi, măng, nấm, bạc hà vì chúng chứa nhiều nhân purin hơn so với các loại rau. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng nếu thích ăn nhưng chỉ được dùng với lượng cho phép.
Đạm thực vật, các loại đậu cũng là thực phẩm cần tránh xa. Có thể kể đến như đậu hà lan, đậu trắng, đậu xanh, đậu đỏ, giá đỗ… Ngoài ra, người bệnh nên kiêng cữ các chế phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, tào phớ, đậu phụ.
Thực phẩm giàu vitamin C
Các thực phẩm giàu vitamin C rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, với người bệnh gút chúng làm tăng kết tủa ở cầu thận, cản trở quá trình đào thải acid uric ra ngoài. Do đó, nên hạn chế uống nước cam, nước chanh, trái cây giàu vitamin C. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, cà chua, củ sắn, củ cải trắng để làm chậm quá trình hấp thu đạm.
Nước ngọt, nước có ga, rượu bia
Nước ngọt, thức uống có ga sẽ làm tăng nguy cơ béo phì và cản trở quá trình đào thải acid uric trong máu. Đồng thời, không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích, cà phê, thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Nên uống nhiều nước mỗi ngày, không uống vào buổi tối để tránh tiểu đêm. Ngoài ra, nước khoáng không gas cũng là một lựa chọn tốt vì nó giúp kiểm soát, tăng đào thải acid uric và hạn chế kết tủa các muối urat.
Người bệnh gút nên kiêng cữ gì trong sinh hoạt?
Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Vậy trong cuộc sống sinh hoạt người bệnh gút cần kiêng những gì?
Không làm việc khuya, quá sức
Thức khuya, làm việc quá sức là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể từ đó ảnh hưởng đến quá trình đào thải acid uric. Không chỉ vậy, tình trạng thức đêm cũng khiến các chất đạm khó phân hủy gây đầy bụng khó tiêu làm cơ thể thường xuyên mệt mỏi, khó chịu.
Không nhịn tiểu
Các acid uric chủ yếu được thận bài tiết ra ngoài cơ thể qua đường nước thải. Do đó, việc nhịn tiểu sẽ khiến một lượng lớn acid uric lắng đọng trong cơ thể gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, suy thận cấp, kẽ thận…
Tránh căng thẳng mệt mỏi
Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, áp lực đè nén sẽ khiến cơ thể giải phóng ra hormone cortisol để chuyển hóa protein trong cơ thể và điều hòa năng lượng. Tuy nhiên, nếu hormone này được giải phóng thường xuyên sẽ làm tăng huyết áp, tăng lượng mỡ dự trữ, làm yếu cơ. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dễ tăng cân, béo phì vì stress.
Một khi tăng cân, thừa cân các cơn đau nhức của bệnh gút sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên xuất hiện hơn. Do đó, để các triệu chứng bệnh mau chóng thuyên giảm, người bệnh nên hạn chế căng thẳng mệt mỏi.
Những lưu ý về kiêng cữ cho người bệnh gút
Khi xác định được bệnh gút phải kiêng những gì hẳn người bệnh cũng đã phần nào hình dung về chế độ ăn mỗi ngày cho mình. Sau đây là một số lưu ý mà người bệnh gút cần quan tâm:
- Kiêng cữ là điều cần thiết nhưng không nên quá cứng nhắc, phải đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ các dưỡng chất.
- Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, uống sữa hoặc các chế phẩm từ sữa để bổ sung dưỡng chất.
- Khi sử dụng thịt thì không được dùng thêm bất kỳ thực phẩm có chứa nhân purin trong ngày để tránh tình trạng hàm lượng purin vượt quá mức cho phép.
- Cần kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp với các bài tập nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, tăng khả năng phục hồi.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn nắm được người bệnh gút nên kiêng những gì. Kiêng cữ trong bệnh gút là điều hết sức cần thiết nhằm giảm và hạn chế tái phát cơn đau do bệnh gây ra. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh của mình.