Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một dạng rối loạn tự miễn thường xảy ra ở nhóm đối tượng có độ tuổi từ 13 đến 16. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của trẻ.
I. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là gì?
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là một dạng viêm khớp xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi từ 13 đến 16. Không giống như viêm khớp dạng thấp ở người lớn, triệu chứng bệnh xuất hiện ở trẻ em có thể biến mất sau vài tháng nhưng cũng có trường hợp kéo dài suốt cuộc đời. Và bệnh được coi là mạn tính khi biểu hiện bệnh kéo dài từ 6 tuần đến 3 tháng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp như khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân, cổ chân,… Dựa vào khớp liên quan cũng như triệu chứng và thời gian ảnh hưởng mà bệnh có thể phân thành các loại khác nhau.
- Oligoarticular: Hay còn gọi là Pauciarticular. Là loại viêm khớp dạng thấp ở trẻ em chỉ ảnh hưởng đến năm khớp nhỏ hoặc ít hơn, thường là các khớp cổ tay, khuỷu tay và đầu gối. Theo một số thống kê, có khoảng 50% trẻ em bị viêm khớp dạng này.
- Viêm khớp dạng thấp đa giác: Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có đến 30 – 40% trẻ em bị ảnh hưởng bởi loại bệnh này. Bệnh có thể tác động đến 5 khớp hoặc nhiều khớp nhỏ, đa phần là các khớp bàn chân, bàn tay, hàm và cổ.
- Viêm khớp dạng thấp khởi phát toàn thân (bệnh still): Loại viêm khớp này ít phổ biến và chỉ ảnh hưởng đến 10 – 15% trẻ em bị viêm khớp. Bệnh thường gây tác động đến một hoặc nhiều khớp, đồng thời gây viêm các cơ quan nội tạng như lá lách, tim và gan.
II. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Giống như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành, viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một rối loạn tự miễn. Có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn các tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể là tác nhân gây hại và quay sang tấn công chính nó. Và đây chính là yếu tố dẫn đến tình trạng viêm, sưng tấy ở các khớp xương.
Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị rối loạn và gây viêm khớp nhưng các nhà khoa học nghi ngờ bệnh hình thành có thể do các yếu tố sau:
- Di truyền: Dựa vào các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong một gia đình, nếu bố mẹ hoặc ông bà có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp thì con sinh ra có nguy cơ mắc phải căn bệnh này thường khá cao. Nguyên nhân là do trẻ được di truyền kháng nguyên đặc hiệu HLA từ bố mẹ. Loại kháng nguyên này đóng vai trò chính trong tính nhạy cảm và khả năng chống lại bệnh tật. Chính vì vậy, trẻ có HLA thường có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.
- Chấn thương: Theo các chuyên gia, chấn thương dù nhỏ hay lớn cũng đều gây ảnh hưởng nhất định lên hệ xương khớp. Nếu chấn thương không được điều trị kịp thời sẽ khiến khớp xương yếu dần và làm tăng nguy cơ viêm.
- Thừa cân, béo phì: Một trong những nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là do tình trạng thừa cân. Cân nặng vượt mức quy định sẽ gây áp lực lớn lên khớp xương. Về lâu dài, các khớp bắt đầu yếu dần, quá trình thoái hóa và viêm diễn ra nhanh hơn.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, yếu tố môi trường như sự tấn công của vi rút hoặc vi khuẩn từ bên ngoài hay biến chứng của bệnh lao cũng góp phần kích hoạt khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em.
III. Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có thể xuất hiện theo từng đợt hoặc xảy ra liên tục. Tùy thuộc vào mức độ viêm mà mỗi đứa trẻ có những biểu hiện nhân biết không giống nhau. Các triệu chứng bệnh có thể bao gồm:
- Các khớp xương bị sưng tấy, co cứng và đau, nhất là vào mỗi buổi sáng hoặc trưa sau khi ngủ dậy. Các khớp thường bị ảnh hưởng nhất là khớp đầu gối, bàn chân hoặc bàn tay.
- Đối với trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên toàn thân, trẻ có biểu hiện sốt cao, xuất hiện phát ban và sưng hạch bạch huyết.
- Cơ thể mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân
IV. Biến chứng của viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ. Đồng thời, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm mống mắt
- Viêm màng bồ đào
- Mờ mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
V. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở trẻ em bằng cách nào?
Bên cạnh việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau đây để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA: Xét nghiệm này giúp đo nồng độ kháng thể trong máu, thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
- Tốc độ lăng của hồng cầu (ESR): Giúp chẩn đoán bệnh dựa vào hiện tượng lắng đọng protein của máu. Thông thường, tình trạng viêm càng nghiêm trọng, tế bào máu sẽ rơi càng nhanh.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp tìm protein, hồng cầu và bạch cầu để chỉ ra bệnh thận có liên quan đến bệnh thấp khớp.
Ngoài các xét nghiệm này ra, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở trẻ em qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp x – quang, chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
VI. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển xương khớp của trẻ. Chính vì vậy, nếu nghi ngờ con trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa con thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong việc chữa trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn. Tuy nhiên, kế hoạch điều trị thường phụ thuộc vào loại viêm khớp dạng thấp mà trẻ đang mắc phải. Và để giảm đau và sưng ở trẻ, bác sĩ thường đề xuất các biện pháp chữa trị sau đây.
1. Dùng thuốc Tây
Thông thường, để điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, các chuyên viên y tế thường kê các loại thuốc như:
+ Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID)
Một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid như Naproxen (Aleve), Ibuprofen ( Motrin và Advil) thường được bác sĩ kê đơn cho trẻ sử dụng với mục đích giảm nhanh triệu chứng đau nhức và sưng tấy do viêm khớp dạng thấp gây ra.
Lưu ý: Không dùng thuốc Aspirin điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ. Bởi thuốc có thể gây phản ứng phụ ảnh hưởng đến dạ dày. Nguy hiểm hơn là hội chứng Reye có thể đe dọa đến tính mạng trẻ.
+ Thuốc chống thấp khớp DMARDs
Nhóm thuốc này thường được sử dụng để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, thời gian thuốc phát huy tác dụng điều trị thường kéo dài, mất ít nhất vài tuần đến vài tháng. Do đó, để làm giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, DMARDs cần kết hợp chung với một vài loại thuốc chống viêm không chứa steroid khác.
Sulfasalazine và methotrexate là hai loại thuốc chống viêm thường được bác sĩ chỉ định điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Liều lượng và thời gian dùng tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ viêm của từng đối tượng. Do đó, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, tránh trường hợp thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
+ Thuốc corticosteroid
Thuốc corticosteroid có tác dụng giảm viêm, thường được sử dụng trong trường hợp viêm khớp dạng thấp ở trẻ em chuyển sang thể nặng và xuất hiện biến chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà thuốc được chỉ định dùng dưới dạng đường uống hoặc tiêm đường tĩnh mạch.
+ Thuốc sinh học
Thông thường, các loại thuốc này được thiết kế với mục đích can thiệp vào phản ứng viêm của cơ thể, giúp giảm triệu chứng đau nhức và sưng. Một số loại thuốc sinh học thường được kê đơn để điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em như adalimumab, abatacept, etanercept và anakinra.
2. Vật lý trị liệu
Song song với việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên phối hợp các biện pháp điều trị bằng vật lý trị liệu để cải thiện và duy trì chức năng của cơ, xương khớp.
Các biện pháp vật lý trị liệu bệnh nhân có thể áp dụng:
- Bấm huyệt hoặc xoa bóp các khớp xương, huyệt chủ đạo giúp máu lưu thông tốt, tạo cảm giác thoải mái cho hệ xương khớp
- Thực hiện chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau và sưng
- Tập thể dục theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu
Bên cạnh các cách nêu trên, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và duy trì cân nặng ở mức ổn định cũng là biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn con cách sử dụng các khớp lớn để thực hiện các hoạt động di chuyển hoặc mang vác đồ thay vì dùng khớp nhỏ. Đồng thời, thường xuyên đưa con thăm khám định kỳ, bao gồm khám mắt sẽ giúp bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.