Viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter) và những điều cần biết
Viêm khớp phản ứng có những biểu hiện thường gặp như viêm khớp ngoại biên ở khớp gối, khớp bàn cổ chân, đau vùng cột sống thắt lưng, viêm dây chằng, viêm niêm mạc, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục… Theo một số tài liệu y khoa, có đến 10 – 20% trường hợp bệnh phát triển thành các bệnh viêm khớp mạn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng hay còn gọi là hội chứng Reiter là tình trạng khớp đau và sưng. Thường xảy ra khi một cơ quan nào đó ngoài khớp như mắt, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu sinh dục… bị nhiễm khuẩn. Sở dĩ gọi viêm khớp phản ứng là bệnh viêm khớp vô khuẩn vì tình trạng này chỉ xuất hiện sau một nhiễm khuẩn nào đó trong cơ thể mà không thể tìm thấy vi khuẩn tại khớp.
Viêm khớp phản ứng mang tính hệ thống do có tổn thương ở một số cơ quan ngoài khớp. Vì thế, không chỉ gây đau nhức khớp, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến mắt, gây ra viêm kết mạc mắt, viêm màng bồ đào trước, gây thương tổn ở các cơ quan khác như cầu thận, niệu đạo, đại trạng…
Theo nghiên cứu năm 1916 của Hans Reiter, viêm khớp phản ứng thường xảy ra ở lứa tuổi từ 20 – 40, trong đó nam giới chiếm ⅔ số bệnh nhân. Tình trạng này rất hiếm gặp ở trẻ em và người cao tuổi.
Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?
Vì ít gây ra các biến chứng nguy hiểm nên viêm khớp thường bị người bệnh bỏ qua và không điều trị. Viêm khớp phản ứng có thể xảy ra sau nhiễm khuẩn từ một vài tuần đến một vài tháng, thậm chí là vài năm. Những triệu chứng lâm sàng của bệnh là mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, biếng ăn, đau một hoặc vài khớp.
Mặc dù không lây nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh nhưng viêm khớp phản ứng lại khiến cho cuộc sống bệnh nhân gặp nhiều rắc rối. Không chỉ vậy, nếu không sớm kịp thời chẩn đoán và điều trị, người bệnh rất có thể sẽ gặp phải những tổn thương nặng nề ở hệ thống vận động. Lý do là có tới 10 – 20% trường hợp viêm khớp phản ứng là giai đoạn báo hiệu của các bệnh viêm mạn tính như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến.
Biểu hiện của bệnh viêm khớp phản ứng
Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà hội chứng Reiter có những biểu hiện khác nhau. Biểu hiện bệnh của hội chứng này vô cùng đa dạng. Cụ thể:
- Biểu hiện lâm sàng ở toàn thân: Chán ăn, khó chịu, sút cân, mệt mỏi, sốt nhẹ, lở miệng, đau thắt lưng, phát ban ở lòng bàn chân…
- Biểu hiện ở các khớp: Viêm gây ra sưng đỏ, đau nhức một hoặc vài khớp ở các vị trí thường gặp như khớp cổ chân, ngón chân, khớp gối. Ngoài ra, tình trạng đau khớp còn xuất hiện ở cổ tay, ngón tay, khớp viêm vùng chậu…
- Viêm phần mềm quanh khớp khiến ngón tay, ngón chân sưng to hình “khúc dồi” như: Viêm các điểm bám gân, bao khớp, viêm dây chằng…
- Các thương tổn ngoài khác: thương tổn niêm mạc, các tổn thương về mắt như mắt đỏ, giảm thị lực, đau hốc mắt, viêm kết mạc…
- Biểu hiện qua các vấn đề tiết niệu: Có thể gặp như protein niệu (protein có mặt trong nước tiểu), tiểu mủ vô khuẩn ở nam giới (dương vật chảy ra chất không phải là nước tiểu nhưng cũng không chứa vi khuẩn), tần suất đi tiểu cao, cảm giác nóng bức, như bị châm chích khi tiểu tiện.
Nguyên nhân của bệnh viêm khớp phản ứng
Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của hội chứng Reiter. Tuy nhiên, qua thực tiễn nghiên cứu, một số yếu tố gây bệnh chủ yếu là:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu như Chlamydia Trachomatis.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do khuẩn Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia…
- Nhiễm virut Rubella, viêm gan, HIV, Parvovirus…
- Những bệnh nhân bị lao hệ thống.
- Các tình trạng viêm đường ruột mạn tính như viêm loét đại tràng, Crohn… cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng.
- Yếu tố di truyền: Có đến 65 – 80% bệnh nhân mắc hội chứng Reiter có kháng nguyên HLA-B27. Mặc dù đây không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy mắc bệnh.
Viêm khớp phản ứng được điều trị bằng phương pháp nào?
Hiện nay, ngoài hội chứng Reiter thì vẫn chưa có tiêu chuẩn xác định bệnh viêm khớp phản ứng nào được thống nhất. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng và tiền sử nhiễm khuẩn liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa, đường tiết niệu để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tùy vào mức độ bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra liệu trình điều trị. Dưới đây là một số phương pháp chữa viêm khớp phản ứng được sử dụng phổ biến.
Sử dụng thuốc giảm đau
Có hai loại thuốc giảm đau mà người bệnh có thể sử dụng tùy theo mức độ bệnh và chỉ định của bác sĩ là:
- Acetaminophen với khối lượng 0,5g, người bệnh sử dụng từ 2 – 4 viên một ngày.
- Floctafenine, thuốc ngắn hạn được dùng để điều trị các cơn đau cấp tính nhẹ và trung.
Sử dụng kháng viêm không steroid
Người bệnh có thể lựa chọn điều trị viêm khớp phản ứng bằng cách sử dụng thuốc chống viêm không steroid sau khi thăm khám và nhận được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc kháng viêm, giảm tình trạng viêm không steroid có thể sử dụng là ibuprofen, naproxen, aspirin… Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối tự ý sử dụng và không phối hợp các loại thuốc trên vì việc sử dụng quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Điều trị bằng vật lý trị liệu
Viêm khớp phản ứng có thể được điều trị phòng ngừa các biến chứng như teo cơ, cứng khớp… bằng cách kết hợp tập vật lý trị liệu với việc chườm lạnh các khớp viêm, để các khớp ở tư thế cơ năng (chi dưới duỗi 180 độ, chi trên gấp khuỷu 90 độ). Tuy nhiên, khi luyện tập không được giữ bất động tuyệt đối.
Các bài tập phục hồi chức năng kết hợp cùng vật lý trị liệu sẽ giúp tình trạng viêm khớp phản ứng của người bệnh phục hồi đáng kể. Đặc biệt là với các trường hợp yếu cơ, teo cơ, dính khớp…
Những lưu ý khi bị viêm khớp phản ứng
Tuân theo chỉ định của bác sĩ
Khi bị viêm khớp phản ứng, không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm để điều trị. Tùy cơ địa, tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Dù muốn nhanh khỏi bệnh như thế nào đi nữa thì người bệnh cũng không nên thay đổi liều lượng, thành phần thuốc và loại thuốc đang dùng.
Trong điều trị viêm khớp phản ứng, vật lý trị liệu và các bài tập phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục của khớp. Để đạt được hiệu quả tối ưu nhất hãy thường xuyên luyện tập đúng tư thế theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Để cải thiện tình trạng viêm khớp của mình, bạn có thể thay đổi thói quen sinh hoạt sao cho khoa học và hợp lý nhất. Cần nhớ:
- Uống thuốc đúng liều, đúng giờ và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
- Thường xuyên luyện tập các bài thể dục giãn cơ để các khớp không bị co cứng.
- Luôn giữ các tư thế ngồi, ngủ, đứng đúng chuẩn để tránh tình trạng viêm khớp nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng các biện pháp tình dục an toàn để tránh các bệnh truyền nhiễm.
Hạn chế sử dụng đồ ăn, thức uống có nguy cơ khiến tình trạng viêm sưng nghiêm trọng. Nên lưu ý viêm khớp phản ứng cần kiêng gì để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
Cách phòng ngừa viêm khớp phản ứng
Để phòng ngừa viêm khớp phản ứng, cần chú ý đến các vấn đề như sau:
- Lưu ý hơn đến chế độ dinh dưỡng và vấn đề an toàn thực phẩm để tăng sức đề kháng, đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và tránh được các bệnh về đường tiêu hóa.
- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc và tránh những nơi dễ phát sinh vi khuẩn, virut gây bệnh.
- Điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn về hô hấp, tiêu hóa, hệ tiết niệu sinh dục để tránh nguy cơ gây ra viêm khớp phản ứng.
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này để có biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp. Bởi lẽ mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm khớp phản ứng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh và có nguy cơ phát triển thành các bệnh mạn tính với nhiều đợt tái phát.
Bài viết bạn có thể tham khảo:
- Bị viêm khớp phản ứng cần kiêng những gì?
- Viêm khớp ở ngón chân điều trị bằng cách nào?
- Bệnh viêm khớp háng có nguy hiểm không?