Viêm lồi câu ngoài xương cánh tay: Dấu hiệu, điều trị & phòng ngừa
Viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là bệnh lý rất dễ gặp ở những người có độ tuổi từ 30 – 50, chiếm 1 – 3% dân số trong cộng đồng. Đây là tình trạng viêm các gân cơ duỗi bám vào mỏm lồi cầu ngoài của xương cánh tay, nặng hơn là rách gân cơ, tụ máu ở phần mềm xung quanh.
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay còn được gọi là khuỷu tay của người chơi tennis, khuỷu tay của người chèo thuyền. Đây là tình trạng viêm các gân cơ duỗi bám vào mỏm lồi cầu ngoài của xương cánh tay. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến rách gân cơ, tụ máu ở phần mềm xung quanh.
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là căn bệnh lành tính, có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng, đôi khi là cả năm. Đa số các trường hợp bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị nhiều. Tuy nhiên, ở những trường hợp bệnh chuyển biến xấu, tái phát nhiều lần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị dứt điểm. Tránh để kéo dài chuyển biến sang giai đoạn mãn tính, gây thoái hóa và xơ hóa gân duỗi.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Cơ chế trực tiếp gây bệnh viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là do sự căng thẳng quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, tổn thương ở vùng gân cơ duỗi và mang xương. Tại vị trí bám của gân có hiện tượng viêm, tăng sinh mạch và phù nề các phần mềm xung quanh.
Các nguyên nhân khiến bệnh dễ hình thành và phát triển là:
- Vận động quá mức các cơ duỗi cổ tay và ngón tay: thường gặp ở những người chơi thể thao sử dụng tay nhiều như tennis, cầu lông, golf,… hoặc các nghề họa sĩ, nhạc công, ngư dân, thợ mộc.
- Đột ngột thực hiện một động tác mạnh, sai cách gây chấn thương cho gân cơ.
Triệu chứng của bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Khi bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh sẽ có các triệu chứng:
- Đau: xuất hiện ở vùng bị lồi cầu ngoài xương cánh tay do tổn thương viêm hoặc đứt gân cơ. Người bệnh sẽ cảm thấy đau ngay cả không làm gì và tăng lên khi thực hiện các động tác duỗi cổ tay, cẳng tay. Cơn đau có thể lan rộng xuống cẳng tay và cổ tay.
- Hạn chế vận động: Người bệnh sẽ bị hạn chế các động tác duỗi, ngửa bàn tay, cầm nắm đồ vật. Thậm chí và các động tác cơ bản như cầm viết, đánh răng
- Tê rần, nhức, nóng ran ở vùng khuỷu tay, bắt đầu lan đến cánh tay và các ngón tay.
Chẩn đoán bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào các triệu chứng lân sàn để tiến hành chẩn đoán bệnh. Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàn để chẩn đoán bằng hình ảnh, giúp phân biệt với các bệnh lý khác như:
- Thoái hóa khớp khuỷu
- Viêm túi thanh dịch ở khuỷu tay
- Bệnh lý rễ ở cột sống cổ (C6-C7)
- Hội chứng đường hầm cổ tay
- Rối loanh thần kinh
Khi tiến hành xét nghiệm bilan viêm và X- quang khớp khuỷu tay cho kết quả bình thường. Siêu âm gân cơ bằng đầu dò tần số cao cho thấy:
- Hình ảnh vùng tổn thương có kích thước gân to hơn bình thường, giảm đậm độ siêu âm.
- Phát hiện đứt gân từng phần hoặc là hoàn toàn.
- Lắng đọng calci trong gân, vỏ xương tại vị trí bám của gân không đều.
- Tăng sinh mạch máu dưới phổ doggler.
Chụp cộng hưởng từ MRI: cho hình ảnh chi tiết hơn về các tổn thương của gân cơ, dây chằng vùng khớp khuỷu.
Điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đa số có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên, ở những trường hợp bệnh tiến triển không thuận lợi, yêu cầu bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị dứt điểm. Nguyên tắc điều trị bệnh là thực hiện điều trị bảo tồn là chính, có thể tiến hành phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn thất bại.
Điều trị bằng thuốc
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, giảm viêm tại chỗ và giãn cơ như:
- Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin,…
- Thuốc chống viêm không chứa steroid có chứa nhiều loại hoạt chất với nhiều cách dùng khác nhau như:
- Gel bôi ngoài da: như diclofenac, profenid
- Dạng viên dùng để uống: diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib.
- Thuốc Corticosteroid dùng để tiêm tại chỗ, chỉ định cho những bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài và không đáp ứng các loại thuốc giảm đau khác. Khi tiêm chỉ sử dụng một liều duy nhất và cách liều trước đó 3 tháng. Tuy nhiên, khi tiêm thuốc sẽ có nhiều tác dụng phụ như nhiễm trùng, teo da vùng viêm, tổn thương chỗ bám của gân và vùng khuỷu.
Lưu ý:Khi tiến hành điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị bệnh bằng vật lý trị liệu
- Chườm lạnh tại vùng tổn thương khoảng 10 – 15 phút, thực hiện lặp lại nhiều lần trong ngày giúp làm giảm cơn đau hiệu quả.
- Sử dụng laser lạnh, lại sóng ngắn hay điện phân trong vật lý trị liệu để làm giảm đau.
- Mang các băng hỗ trợ cẳng tay trong lao động, làm giảm sự căng kéo các cơ duỗi ở khớp khuỷu.
- Bệnh nhân không tự ý nắn chỉnh, sử dụng dầu nóng xoa bóp sẽ khiến viêm kéo dài, khó điều trị.
Điều trị bệnh bằng phương pháp phẫu thuật
Nếu bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị ở trên và tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Phẫu thuật nội soi là phương pháp thường được lựa chọn với nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, ít đau, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Một số cách thực phẫu thuật được áp dụng để điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay gồm:
- Cắt ngắn, kéo dài, tạo hình gân cơ duỗi để ngăn các hoạt động quá tầm
- Loại bỏ các tổ chức hư hỏng của gân duỗi
- Giai phóng gân duỗi khỏi mỏm lồi cầu
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Để phòng tránh chấn thương gây bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh cần chú ý những điều sau:
- Sửa chữa các lỗi kỹ thuật trong khi chơi thể thao, sử dụng các thiết bị chơi thể thao có kích thước phù hợp với người chơi, dùng băng giảm chấn khi chơi thể thao.
- Làm nóng cơ thể và kéo dài cơ đúng cách trước khi chơi thể thao, luyện tập các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp khuỷu tay.
- Giãn cách thời gian hợp lý trong các công việc có tính lặp đi lặp lại nhiều.
- Sau khi phục hồi chấn thương, nên chơi thể thao với lượng thời gian từ từ tăng dần, từng bước khôi phục lại khả năng tập luyện.
Trong quá trình điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương, người bệnh nên hạn chế vận động, giảm các động tác duỗi và ngửa mạnh cổ tay. Tuyệt đối không nên cố găng chơi thể thao sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn, gây rách gân tạo thành máu bầm, hạn chế kết quả điều trị.