Cơ chế bệnh sinh, diễn tiến của viêm khớp dạng thấp

Tìm hiểu cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp sẽ giúp hỗ trợ cho quá trình kiểm soát cũng như điều trị bệnh. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị. Tránh để bệnh diễn tiến dai dẳng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.

cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp
Tìm hiểu cơ chế bệnh sinh và diễn tiến bệnh viêm khớp dạng thấp

Cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn tương đối điển hình. Bệnh có diễn tiến mạn tính với các biểu hiện cả ở khớp, ngoài khớp và toàn thân với nhiều mức độ khác nhau. 

So với các bệnh lý xương khớp khác thì đây là bệnh có diễn biến phức tạp và dễ gây ra hậu quả nặng nề. Do đó cần sớm được điều trị tích cực ngay từ ban đầu với các biện pháp điều trị hữu hiệu. Mục đích là giúp làm ngừng, làm chậm tiến triển của bệnh. Điều này giúp hạn chế tàn phế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp được các nhà nghiên cứu phân tích cụ thể như sau:

  • Đầu tiên kháng nguyên sẽ xâm nhập vào cơ thể và được các tế bào trình diện kháng nguyên nhận biết. Sau đó được trình diện cho các tế bào lympho B và T.
  • Tiếp đến các tế bào lympho T CD4 sẽ được kích hoạt. Đồng thời sản xuất ra các lymphokin. Các lymphokin này sẽ kích thích tế bào lympho B tăng sinh và biệt hóa thành tương bào. Cùng với đó là sản xuất ra các globulin miễn còn gọi là tự kháng thể.
  • Lúc này tại màng hoạt dịch khớp xuất hiện tình trạng lắng đọng của phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể. Do đó sẽ có thực bào xuất hiện với sự hiện diện của bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào mastocyt và đại thực bào. Chính các tế bào này lại tiết ra các cytokin khác như yếu tố phát triển nội mạc mạch máu (VEGF), TNF-α, IL-1,2,6, interferon cùng các yếu tố hoá ứng động khác. Chúng sẽ tạo vòng xoắn bệnh lý và thúc đẩy quá trình viêm.
  • Sự tăng sinh mạch dưới tác động của VEGF cùng với sự xâm nhập của hàng loạt tế bào viêm khác sẽ hình thành nên màng mạch. Tức là mảng pannus.
  • Tiếp đến, các mảng pannus sẽ xâm lấn vào các đầu xương, sụn khớp. Còn các enzym sẽ tiêu huỷ tổ chức do các tế bào viêm giải phóng. Điển hình như elastase, collagenase, stromelysin… Cùng với đó là sự xâm nhập của các nguyên bào xơ gây ra tình trạng dính khớp, phá hủy khớp và hệ quả là dẫn đến tàn tập.

Như vậy có thể thấy rằng, cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp có cả sự tham gia của miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Trong đó thì lympho T sẽ đóng vai trò trung tâm. Dựa vào cơ chế bệnh sinh này, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra các loại thuốc có tác dụng khống chế tình trạng viêm của bệnh. Thường căn cứ vào sự ức chế từng loại tế bào và từng loại cytokin.

Diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có tiến triển mạn tính. Giai đoạn đầu của bệnh thường khó phát hiện bởi triệu chứng chưa rõ ràng. Đồng thời dễ gây nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp khác.

Dưới đây là biểu hiện của bệnh qua từng giai đoạn:

1. Thời kỳ khởi phát

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 85% người bệnh gặp phải các triệu chứng ban đầu một cách từ từ. 15% còn lại, các triệu chứng của bệnh xuất hiện một cách đột ngột với dấu hiệu viêm khớp.

triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp ban đầu chỉ gây ảnh hưởng tại 1 vài khớp nhỏ

Ở thời kỳ khởi phát, tình trạng viêm thường chỉ xuất hiện ở một khớp. Có thể là ở các khớp bàn tay hay khớp gối. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát.

2. Thời kỳ toàn phát

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn toàn phát thường biểu hiện rõ ràng hơn. Người bệnh có thể nhận diện dễ dàng thông qua các đặc điểm sau:

  • Vị trí viêm thường xuất hiện đầu tiên ở các khớp chi như cổ tay, ngón tay, bàn tay, bàn chân hay khớp đầu gối. Sau đó triệu chứng viêm có thể đến muộn hơn ở các khớp khác. Ví dụ như khuỷu tay, khuỷu chân, háng, vai, đốt sống cổ…
  • Tình trạng viêm thường kích hoạt tại 2 khớp đối xứng nhau. Ví dụ như ở cả 2 bên đầu gối hay 2 ngón tay tương ứng tại 2 bên bàn tay…
  • Khi ngủ dậy người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng cứng khớp. Đặc biệt là ở các khớp nhỏ. Các khớp bị viêm đau có thể bị sưng lên nhưng vẫn ít bị nóng đỏ.
  • Trong giai đoạn muộn, các ngón tay của người bệnh có thể có hình thoi. Nguyên nhân là do tình trạng sưng viêm trở nên nặng nề.
  • Có thể có biến dạng khớp xảy ra nhưng thường xuất hiện chậm hơn các triệu chứng khác.

Khi bệnh viêm khớp dạng thấp diễn tiến nặng nề thì người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng ngoài khớp. Điển hình như:

  • Bao khớp bị phình to lên do tình trạng sưng viêm.
  • Xuất hiện các hạt dưới da. Thường ở xương chày, xương trụ hay ở quanh khớp cổ tay. Đây là các hạt có đường kính khoảng 5 – 15mm. Chúng nổi lên trên mặt da, cứng chắc, không di động và cũng không gây đau.
  • Có thể nổi ban đỏ tại lòng bàn tay và gan bàn chân do tình trạng viêm mao mạch.
  • Viêm bao hoạt dịch khớp và viêm gân.
  • Tình trạng viêm, co kéo hay giãn dây chằng khớp có thể diễn ra. Điều này khiến cho các khớp trở nên lỏng lẻo.
  • Teo cơ tại vùng quanh khớp tổn thương có thể diễn ra do giảm vận động lâu ngày.
diễn tiến viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây cứng khớp và làm giảm chức năng vận động

Ngoài ra, bệnh viêm khớp dạng thấp còn gây ra các biểu hiện toàn thân. Điển hình như mệt mỏi, ăn uống kém, da và niêm mạc nhợt nhạt, ngủ không ngon, thể trạng gầy sút. Mặc dù hiếm gặp hơn nhưng một số biểu hiện tại các cơ quan khác cũng có thể diễn ra. Phải kể đến như tràn dịch màng phổi, xương mất chất vôi, tràn dịch màng tim hay rối loạn thần kinh thực vật.

Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý cần được điều trị sớm và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên do bệnh tiến triển tương đối nhanh nên ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình điều trị. Trường hợp bệnh nặng có thể gây ra rất nhiều biến chứng nghiêm trọng:

  • Ảnh hưởng tới khả năng lao động: Bệnh thường gây cứng khớp và hạn chế khả năng vận động. Rất nhiều người bị viêm khớp dạng thấp không thể cầm nắm hay đi lại bình thường.
  • Nguy cơ tàn phế: Bệnh tiến triển dài ngày có thể dẫn đến teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp. Và nghiêm trọng hơn là gây ra tàn phế.
  • Bệnh viêm khớp dạng thấp còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Điển hình như bệnh tim mạch, bệnh lý ở phổi, bệnh thần kinh ngoại biên… Ngoài ra còn làm phát sinh các biến chứng ở mắt, ở tim và những triệu chứng ngoài da.
  • Trong nhiều trường hợp, viêm khớp dạng thấp có thể tiến triển thành loãng xương. Do một số thuốc chữa bệnh lý này có khả năng làm giảm mật độ xương. Tình trạng này phổ biến hơn ở bệnh nhân cao tuổi.
  • Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 25% nữ giới bị viêm khớp dạng thấp gặp phải khó khăn trong việc mang thai.

Bài viết đã tổng hợp thông tin cần biết về cơ chế bệnh sinh, diễn tiến cũng như biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh tự miễn nghiêm trọng cần sớm thăm khám bác sĩ. Nghiêm túc điều trị theo phác đồ và chăm sóc tốt tại nhà là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình.