Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp – Điều cần biết
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là biểu hiện ngoài khớp rất phổ biến của bệnh. Số liệu thống kê cho thấy có tới khoảng 25% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị nổi hạt dưới da. Cần có biện pháp can thiệp điều trị đúng đắn để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh rối loạn tự miễn rất phổ biến. Trong đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và gây tổn thương lớp bao hoạt dịch khớp. Trong một số trường hợp, bệnh có thể làm xuất hiện các hạt dưới da phát triển trên một số vị trí. Điển hình như bàn tay, cổ tay, cùi chỏ, mắt cá chân, bàn chân…
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp (hạt thấp dưới da) chính là một dấu hiệu ngoài khớp phổ biến của bệnh lý này. Chúng có kích thước từ khoảng 2mm cho tới tận 5cm. Hạt dưới da thường có dạng hình tròn, có thể có đường viền không đều xung quanh.
Dùng tay chạm vào có thể thấy hạt dưới da cứng và bất động. Tuy nhiên khi ấn mạnh vào thì bạn có thể cảm nhận thấy chúng di chuyển. Riêng với trường hợp chúng tạo liên kết với các mô hay gân dưới da thì dù ấn vào chúng vẫn sẽ không di chuyển. Còn trường hợp chạm vào thấy hạt dưới da mềm thì có thể bạn đang phải trải qua 1 đợt bùng phát của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Hạt thấp dưới da có thể là 1 nốt lớn hoặc tập hợp của nhiều các nốt nhỏ hơn. Một số hạt thấp lớn có thể đè nén lên hệ thống dây thần kinh và các mạch máu. Điều này thường gây khó chịu, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng cử động của tay chân.
Cơ chế hình thành hạt thấp dưới da
Các chuyên gia cho biết, cơ chế hình thành hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các chất trung gian gây viêm được cho là có liên quan trực tiếp với cơ chế này.
Nhiều nghiên cứu đưa ra giả thuyết, những tổn thương có tính chất lặp đi lặp lại các các khu vực tì đè trên cơ thể có thể làm tổn thương các mạch máu lân cận. Từ đó dẫn tới tăng sinh mạch máu mới và hình thành mô hạt. Mô tổn thương sẽ lắng đọng các phức hợp miễn dịch tại thành mạch.
Chúng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hoạt hóa bổ thể và kích thích các bạch cầu đơn thân giải phóng TNF, TGF-β, IL-1, prostagandin. Ngoài ra còn giải phóng các yếu tố khác như protease, collagenase… Cuối cùng dẫn tới tân sinh mạch, lắng đọng fibrin, hoại tử nền mô liên kết và hình thành các hạt thấp dưới da.
Vì sao bị nổi hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp?
Thực tế ghi nhận, dấu hiệu nổi hạt thấp dưới da thường bắt đầu xuất hiện khi một người bị viêm khớp dạng thấp trong khoảng vài năm. Các nốt thấp được tạo thành từ một số thành phần sau:
- Fibrin: Đây là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Tuy nhiên nó cũng có thể sản sinh khi mô bị tổn thương.
- Tế bào viêm: Viêm khớp dạng thấp có thể khiến cho các tế bào viêm trong cơ thể phát triển. Từ đó dẫn tới sự phát triển của các nốt dưới da.
- Tế bào chết trên da: Đây là các tế bào da chết từ protein trong cơ thể có khả năng tích tụ trong các hạt sần dưới da.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp có thể tương tự như một số tình trạng khác. Chẳng hạn như hạt tophi trong bệnh gout, u nang bì hay viêm bao hoạt dịch.
Một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ phát triển các hạt dưới da trong bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Giới tính: Các chuyên gia cho biết, nữ giới có nhiều khả năng bị nổi hạt dưới da khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn là nam giới.
- Thời gian mắc bệnh: Người bị viêm khớp dạng thấp càng lâu thì càng có nhiều khả năng phát triển các hạt thấp dưới da.
- Mức độ bệnh: Thông thường, bệnh viêm khớp dạng thấp càng nặng thì càng xuất hiện nhiều nốt sần dưới da.
- Yếu tố dạng thấp: Yếu tố này đề cập tới các protein trong máu có liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch. Những người có yếu tố dạng thấp trong máu cao hơn cũng sẽ có nhiều khả năng bị nổi hạt dưới da.
- Hút thuốc: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá với tăng nguy cơ bị nổi hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp.
- Yếu tố di truyền: Một số loại gen được cho là có nguy cơ làm phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cùng khả năng nổi hạt dưới da.
Nổi hạt thấp dưới da có nguy hiểm không?
Hạt dưới da thường gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của người bệnh.
Các hạt thấp dưới da không phải lúc nào cũng gây ra biến chứng. Tuy nhiên, ở những vùng phải chịu nhiều áp lực, nhất là bàn chân thì da trên các hạt có thể bị kích ứng hay nhiễm trùng. Điều này khiến cho hạt thấp dưới da sưng nóng, khó chịu nhiều hơn.
Cần chú ý sớm tìm gặp bác sĩ nếu các hạt thấp dưới da có dấu hiệu đau nhức dữ dội hoặc phát triển lớn bất thường hay chúng ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng di chuyển của bạn.
Một số nốt thấp ở dưới lòng bàn chân có thể sẽ gây khó khăn khi đi lại. Hơn nữa còn gây ra những bất thường về dáng đi. Đồng thời chuyển căng thẳng tới các khớp khác, dẫn tới đau đầu gối, thắt lưng, hông…
Sự nổi hạt thấp dưới da còn cảnh báo rằng bệnh viêm khớp dạng thấp đang tiến triển nặng nề. Lúc này bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng nguy cơ mắc bệnh ở cơ quan nội tạng, liệt khớp, tàn phế, khó thụ thai và thậm chí là dẫn tới tử vong.
Cách điều trị hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp
Hiện nay có rất ít lựa chọn điều trị cho các hạt thấp dưới da. Một số nốt thấp quá lớn có thể được cắt bỏ. Tuy nhiên chúng thường tái phát bên trong mô sẹo, nhất là khi bị chấn thương lặp đi lặp lại.
Việc tiêm corticosteroid trực tiếp vào các tổn thương đôi khi có thể làm giảm kích thước của hạt dưới da. Nhưng một số hạt dưới da mông hay da bàn chân có xu hướng bị loét và nguy cơ nhiễm trùng cao. Một khi chúng bị nhiễm trùng thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoặc dẫn lưu.
Trong một số trường hợp, corticosteroid đường uống và hydroxychloroquine cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên tác dụng của chúng đối với các hạt dưới da là khác nhau. Bởi hầu hết bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đều đã được nhận những loại thuốc này cho tình trạng mãn tính.
Mặc dù không phổ biến nhưng ở một số trường hợp, các hạt thấp dưới da có thể tự biến mất mà không cần phải can thiệp y tế hay phẫu thuật.
Kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp để ngăn nổi hạt dưới da
Như đã phân tích, tình trạng nổi hạt thấp dưới da là hệ quả khó tránh khỏi khi bệnh viêm khớp dạng thấp kéo dài hoặc diễn tiến nặng nề. Vì vậy để khắc phục cũng như ngăn ngừa triệu chứng nổi hạt thấp dưới da thì việc kiểm soát và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp là rất cần thiết.
Dưới đây là các giải pháp giúp kiểm soát và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả:
1. Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp và thời gian mắc bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp với từng đối tượng người bệnh. Các thuốc được dùng có thể là:
- Thuốc steroid
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc chống thấp khớp (DMARDs)
- Thuốc sinh học
Với bất cứ loại thuốc điều trị nào cũng cần dùng đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn về liều dùng, tần suất cũng như thời gian sử dụng. Trường hợp có các vấn đề bất thường phát sinh thì hãy báo ngay cho bác sĩ để có sự điều chỉnh kịp thời.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp đóng vai trò rất quan trọng với quá trình điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài hỗ trợ cải thiện triệu chứng tốt hơn thì còn giúp bảo vệ và hồi phục chức năng vận động cho các khớp bị tổn thương.
Một số liệu pháp được áp dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Nhiệt trị liệu
- Chiếu tia hồng ngoại
- Siêu âm
- Bấm huyệt
- Massage trị liệu
- Các bài tập vận động trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu mặc dù tương đối đơn giản và an toàn nhưng người bệnh vẫn cần thận trọng. Đặc biệt là với các bài tập vận động trị liệu, cần thực hiện theo chỉ dẫn và sự giám sát của các chuyên gia.
3. Can thiệp phẫu thuật
Trường hợp điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan thì bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật. Nhất là khi chức năng vận động của người bệnh bị đe dọa và bệnh có nguy cơ cao phát sinh các biến chứng.
Thực hiện phẫu thuật sẽ giúp cho người bệnh giảm đau hiệu quả hơn. Đồng thời sớm khôi phục chức năng của sụn khớp. Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng có thể là:
- Phẫu thuật nội soi
- Phẫu thuật chỉnh trục
- Phẫu thuật sửa chữa gân
- Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp. Tuy nhiên phẫu thuật chữa viêm khớp dạng thấp là giải pháp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy cần đặc biệt cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
4. Biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh
Bên cạnh các giải pháp điều trị thì người bệnh cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc và dự phòng. Ngoài giúp tăng cường sức khỏe thể chất thì còn hỗ trợ ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng nề.
Chú ý đến một số vấn đề sau đây:
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, khoảng từ 2 – 2.5 lít. Điều này giúp duy trì sự trơn tru của 2 đầu xương. Đồng thời tăng cường chức năng cho sụn khớp.
- Thiết lập và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Cần bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin C, D, E để giúp xương khớp chắc khỏe. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn chứa nhiều gia vị, chất bảo quản…
- Dành thời gian mỗi ngày tối thiểu 30 phút cho các hoạt động thể chất. Cần lựa chọn bài tập phù hợp để nâng cao sức khỏe và tránh ảnh hưởng đến các khớp xương đang bị tổn thương. Tập luyện đúng cách còn giúp ngăn ngừa nguy cơ gặp các biến chứng viêm khớp dạng thấp.
- Kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp để tránh gây áp lực cho hệ thống xương khớp. Nếu đang bị thừa cân béo phì nên sớm có kế hoạch giảm cân phù hợp và khoa học.
- Tránh tiếp xúc với không khí lạnh, ẩm thấp. Điều kiện thời tiết này có thể khiến cho triệu chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng thêm. Hãy hạn chế ra ngoài và giữ ấm cho cơ thể khi trời trở lạnh.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là dấu hiệu ngoài khớp cảnh báo bệnh đang chuyển biến nghiêm trọng. Cần sớm tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không được chủ quan tạo cơ hội cho bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.