Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR
Thoái hóa khớp gối rất dễ bị nhầm với chứng viêm khớp gối. ARC (Hội thấp khớp học Hoa Kỳ) đã đề ra một tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp gối. Bạn đọc có thể tham khảo trong bài viết này.
Tổng quan về thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình sụn và xương dưới sụn bị hủy hoại. Khi bị thoái hóa, khớp gối bị thay đổi về hình thái, hóa sinh và cơ sinh học của tế bào sụn.
Những biểu hiện của thoái hóa khớp gối đó là: xuất hiện gai xương dưới sụn, xuất hiện hốc xương dưới sụn, nứt loét sụn khớp, mất dần sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, nhuyễn hóa sụn,…
Nguyên nhân dẫn đến chứng thoái hóa khớp gối là do:
- Di truyền: Nếu thế hệ trước có người mắc phải bệnh này, bạn sẽ mang những kiểu gen gây bệnh.
- Chấn thương: những tai nạn như gãy xương, tổn thương khớp, sụn,… sẽ dẫn đến thoái hóa khớp.
- Bẩm sinh: Tình trạng trục trặc ở khớp gối từ khi sinh ra cũng là một nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp.
- Biến chứng của bệnh viêm khớp: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp đó là bệnh nhân bị mắc các bệnh như lao khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,…
- Biến chứng từ những bệnh khác: đái tháo đường, mãn kinh,… là những nguyên nhân dẫn đến sụn khớp bị mất cân bằng tổng hợp xương sụn, từ đó dẫn đến thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối gây ra tình trạng đau nhức khớp, biến dạng khớp gối, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm để phục hồi chức năng của xương, khớp đầu gối.
Tiêu chuẩn chẩn đoán khớp gối theo ACR
ACR là tên viết tắt của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (American College of Rheumatology). Theo ACR, để xác định người bệnh mắc thoái hóa khớp gối cần có một tiêu chuẩn khoa học, rõ ràng để chẩn đoán và kiểm tra. Vào năm 1991, ACR đã chính thức công bố tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối.
1. Các triệu chứng của thoái hóa khớp gối
ACR đề ra 5 triệu chứng cơ bản như sau:
- (1) Có gai xương ở rìa khớp (trên phim chụp Xquang);
- (2) Dịch khớp là chất dịch đã bị thoái hóa;
- (3) Bệnh nhân là người trên 38 tuổi;
- (4) Bệnh nhân có triệu chứng cứng khớp không quá 30 phút;
- (5) Khi cử động khớp có triệu chứng lục khục.
Một số triệu chứng khác:
- (6) Tràn dịch khớp gối;
- (7) Đầu gối bị biến dạng: do các gai xương gây ra hoặc do trục khớp gối bị lệch.
Các chuyên gia ACR cho rằng, bệnh nhân đã bị mắc thoái hóa khớp gối khi có các yếu tố:
- (1), (2), (3), (4);
- hoặc (1), (2), (5);
- hoặc (1), (4), (5).
2. Phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh
Bệnh nhân có triệu chứng của thoái hóa khớp cần phải thực hiện một số siêu âm, chụp Xquang, chụp MRI,… Qua các hình ảnh đó, bác sĩ sẽ xem xét và dễ dàng đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Chụp Xquang:
Trên phim chụp Xquang sẽ cho thấy những biểu hiện rõ ràng của thoái hóa ở khớp gối. Thoái hóa khớp gối trải qua 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Xuất hiện gai xương nhỏ;
- Giai đoạn 2: Thấy rõ gai xương ở khớp gối;
- Giai đoạn 3: Khe khớp bị hẹp vừa;
- Giai đoạn 4: Khe khớp bị hẹp nhiều. Xương dưới sụn bị xơ.
Siêu âm khớp:
Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ chuyên khoa có thể dễ dàng nhận biết được sụn khớp gối đang gặp phải tình trạng gì. Một số triệu chứng có thể thấy được qua các hình ảnh siêu âm khớp gối đó là:
- Tràn dịch khớp;
- Gai xương;
- Hẹp khe khớp;
- Độ dày của sụn khớp;
- Những mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp;
- Màng hoạt dịch khớp đang ở tình trạng ra sao.
Hình ảnh MRI:
Đây là một phương pháp chụp hình cộng hưởng từ. Qua các hình ảnh thu được, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và phát hiện ra những tổn thương ở màng hoạt dịch, dây chằng và sụn khớp.
Nội soi khớp:
Đây là một phương pháp giúp các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp quan sát những tổn thương do thoái hóa của sụn khớp. Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá được mức độ thoái hóa của khớp gối.
Các bác sĩ còn có thể lấy một lượng màng hoạt dịch vừa đủ để làm xét nghiệm. Phương pháp này giúp các bác sĩ dễ dàng đi đến kết luận bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối hay bị viêm khớp dạng thấp.
Tóm lại, ACR đã đưa ra 5 triệu chứng căn bản của thoái hóa khớp để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, để đưa ra những khẳng định chính xác, các bác sĩ có thể còn phải thực hiện xét nghiệm dịch khớp gối, xem xét phim chụp Xquang, phim chụp MRI, thực hiện nội soi khớp,…
Chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp là một công việc rất quan trọng. Khi đã xác định chính xác bệnh lý, các bác sĩ mới đề ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Một số phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Mục đích của việc điều trị thoái hóa khớp là giúp bệnh nhân giảm đau trước mắt, sau đó là mục tiêu phục hồi chức năng vận động của khớp, ngăn chặn biến dạng khớp.
Trước khi điều trị thoái hóa khớp, các bác sĩ cần xem xét tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Chúng tôi giới thiệu một số phương pháp chữa thoái hóa khớp phổ biến hiện nay, như sau:
1. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân thoái hóa khớp có thể sẽ được chữa trị giảm đau và ngăn ngừa biến dạng khớp bằng một số liệu pháp vật lý trị liệu như:
- Chườm nóng;
- Ngâm suối khoáng;
- Ngâm bùn khoáng;
- Tác động bằng sóng hồng ngoại;
- Tác động bằng sóng siêu âm.
Các phương pháp này giúp người bệnh giảm đau hiệu quả.
2. Dùng thuốc
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc uống giúp giảm đau như: Paracetamol, thuốc chống viêm, thuốc ức chế Interleukin,…
Bên cạnh các loại thuốc uống, bệnh nhân còn có thể sẽ dùng một số loại thuốc bôi ngoài da, thuốc tiêm tại chỗ giúp giảm đau khớp.
Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều lượng bác sĩ đã chỉ định. Không được tự ý mua thuốc để dùng và dùng quá liều.
3. Thủ thuật cấy ghép tế bào gốc
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị sao cho thích hợp. Nếu bệnh nhân còn ở tuổi lao động, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện cấy ghép tế bào gốc, giúp cho tình trạng thoái hóa được cải thiện.
Tế bào gốc để cấy ghép thường là tế bào được chiết xuất từ mô mỡ của người bệnh hoặc tế bào có nguồn gốc từ tủy xương của người bệnh.
4. Phương pháp điều trị ngoại khoa
Nếu tình trạng khớp bị tổn thương nặng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số loại phẫu thuật để điều trị.
Bệnh nhân có thể sẽ được phẫu thuật nội soi khớp. Bệnh nhân sẽ được rửa khớp, cắt và lọc lại khớp, cấy ghép tế bào sụn hoặc khoan kích thích tạo xương.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị thoái hóa khớp quá nặng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thay khớp gối nhân tạo. Thông thường, phương pháp này chỉ dành cho bệnh nhân trên 60 tuổi, chức năng vận động của khớp bị suy giảm nhiều.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi và phải tự chăm sóc cơ thể một cách kỹ lưỡng. Bệnh nhân không nên để cơ thể béo phì, không lao động nặng. Mặt khác, người bệnh cần luyện tập thể dục đều đặn, hoạt động thể thao đúng cách, vừa sức. Một lối sống lành mạnh giúp cho người bệnh có được kết quả điều trị như mong đợi.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không đưa ra chẩn đoán, lời khuyên, chỉ định phương pháp điều trị,… thay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên y tế.