Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo: Quy trình, chi phí & rủi ro
Phẫu thuật thay khớp háng là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ cắt bỏ phần khớp háng bị đau, viêm và thay thế bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật thường được thực hiện khi các lựa chọn điều trị khác không mang lại hiệu quả điều trị.
Có nên thay khớp háng nhân tạo?
Thay khớp háng là một phẫu thuật lớn và đi kèm với một số rủi ro nhất định. Do đó, phẫu thuật chỉ được thực hiện khi bác sĩ xác nhận các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả điều trị. Thông thường, người bệnh chỉ nên thực hiện thay khớp háng khi:
- Thoái hóa khớp háng dẫn đến đau hông nghiêm trọng đến mức mất ngủ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Cơn đau làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, đứng dậy khỏi ghế, đi cầu thang,…
- Không thể thực hiện các hoạt động đơn giản như đi bộ, bơi lội, đạp xe,…
- Đã thử các phương pháp điều trị khác nhưng không mang lại hiệu quả.
Trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và lợi ích mà phương pháp mang lại. Ngoài ra, cân nhắc về tuổi tác, mật độ xương và sức khỏe tổng thể trước khi thực hiện phẫu thuật để hạn chế tối đa các rủi ro.
Bên cạnh đó như đã nói trên, phẫu thuật thay khớp háng có một số rủi ro nhất định. Do đó, không nên thực hiện phẫu thuật nếu các cơn đau không quá nghiêm trọng hoặc khi bạn vẫn có thể đi bộ, bơi hoặc các hoạt động vất vả hơn như trượt tuyết, chạy.
Trong các trường hợp này, người bệnh nên thực hiện điều trị bảo tồn, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc giảm đau.
Các kỹ thuật thay khớp háng
Hiện nay có hai phương pháp thay khớp háng đó là thay khớp háng toàn phần và thay khớp háng bán phần.
Thay khớp háng toàn phần:
- Đây là phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khớp háng bị tổn thương, hư hại không thể phục hồi.
- Đồng thời việc thay khớp háng toàn phần là thay thế một hệ thống khớp háng nhân tạo hoàn toàn mới. Điều này giúp người bệnh không còn cảm nhận thấy các cơn đau và nhanh chóng thích nghi với khớp mới hơn.
Thay khớp háng bán phần:
- Thay khớp háng bán phần sẽ tiến hành thay thế một trong 2 phần của khớp háng. Đó là phần chỏm xương đùi hoặc phần ổ cối của xương đùi.
- Việc thay thế sẽ dựa vào bộ phận tổn thương và giữ lại phần khớp háng không tổn thương.
Quy trình phẫu thuật thay khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có thể được thực hiện theo phương pháp truyền thống hoặc kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Điểm khác biệt lớn nhất ở 2 loại phẫu thuật này là kích thước vết mổ.
Trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để chọn loại phẫu thuật phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế.
1. Trong quá trình phẫu thuật thay khớp háng
Trong quá trình phẫu thuật thay khớp háng người bệnh sẽ được gây mê toàn thân để thư giãn cơ bắp và dây thần kinh. Gây mê sẽ khiến người bệnh đi vào giấc ngủ sâu tạm thời và không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật.
Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt dọc theo hông và di chuyển các cơ nối với đỉnh xương đùi để lộ ra khớp hông. Tiếp theo đó, phần bóng của khớp sẽ được loại bỏ bằng cách cưa xương đùi. Khớp háng nhân tạo sẽ được gắn vào đùi bằng xi măng y tế hoặc các vật liệu đặc biệt. Điều này giúp cho phần khớp nhân tạo gắn kết vào phần xương.
Sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ các sụn hoặc bất cứ thành phần bị hư hỏng nào khác và gắn phần bóng xương đùi mới vào hông. Sau cùng, bác sĩ sẽ gắn các cơ lại và khâu vết mổ.
Trong hầu hết các ca phẫu thuật thay khớp háng sẽ được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn 8 – 10 inch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (vết cắt 2 – 5 inch) thường được áp dụng để thay thế khớp háng. Quy trình thực hiện tương tự như trên, chỉ khác ở chỗ vết phẫu thuật nhỏ hơn. Vết cắt nhỏ sẽ hạn chế mất máu, giảm đau và rút ngắn thời gian lành bệnh cũng như tốc độ hồi phục.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật cần chọn bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm cao để tránh biến chứng và hạn chế tối đa các rủi ro.
2. Sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật thế thế khớp háng nhân tạo, người bệnh có thể cần nằm viện 4 – 6 ngày. Giường và đệm thường được thiết kế đặc biệt là giữ cho chân và khớp mới đúng vị trí, không bị xô lệch. Ngoài ra, một ống thông tiểu sẽ được đặt trong bàng quang để giúp người bệnh đi vệ sinh.
Người bệnh có thể ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa sau 1 – 2 ngày phẫu thuật.
Vật lý trị liệu sẽ được bắt đầu sau phẫu thuật một ngày. Trong vài ngày tiếp theo người bệnh có thể luyện tập đi bộ với xe đi, nạng hoặc gậy. Vật lý trị liệu sẽ được thực hiện duy trì sau vài tuần đến vài tháng sau khi phẫu thuật.
3. Những điều nên tránh sau phẫu thuật thay khớp háng
Trong vòng 6 – 12 tháng sau khi phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh không được xoay, vặn khớp háng hoặc chân. Bạn cũng không nên bắt chéo chân hoặc uốn cong khớp háng quá 90 độ. Điều này có thể gây đau, lệch khớp hoặc trật khớp háng nhân tạo.
Trao đổi với các chuyên gia vật lý trị liệu về các kỹ thuật phục hồi khớp háng. Người bệnh nên nhớ rằng các bài tập cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của người có chuyên môn. Luyện tập sai cách có thể làm trật khớp và dẫn đến tái phẫu thuật thay khớp háng.
Ngay cả sau khi khớp háng đã lành lặn, không còn đau, người bệnh cũng nên tránh một số hoạt động thể thao nặng. Bên cạnh đó, các sinh hoạt quá sức như nâng đồ nặng cũng cần được hạn chế tối đa.
Rủi ro khi thay khớp háng nhân tạo
Phẫu thuật thay thế khớp háng đã được thực hiện rộng rãi trong nhiều năm qua. Kỹ thuật mổ thay khớp háng cũng được cải thiện từng ngày. Tuy nhiên, giống như bất cứ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật thay khớp háng phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.
Một số biến chứng sau khi thay khớp háng bao gồm:
- Xuất hiện cục máu đông là một vấn đề cần được quan tâm. Bởi vì máu đông có thể vỡ ra, di chuyển theo lưu lượng máu đến tim gây đau tim hoặc đột quỵ và các vấn đề y tế nghiêm trọng khác. Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc chống đông máu.
- Nhiễm trùng và mất máu sau phẫu thuật cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Do đó, việc chăm sóc vết thương sau phẫu thuật cần được thực hiện thận trọng.
- Những tế bào mỡ bên trong tủy xương có thể thoát ra bên ngoài, theo lưu lượng máu đi vào phổi và gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
- Thần kinh ở vùng hông có thể bị tổn thương do sưng, áp lực hoặc trong quá trình phẫu thuật. Điều này có thể làm tê liệt hông.
- Các bộ phận thay thế có thể bị lỏng, vỡ, nhiễm trùng.
Trao đổi với bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu rủi ro hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.
Chi phí thay khớp háng
Chi phí thay khớp háng nhân tạo bao gồm chi phí phẫu thuật và chi phí chi trả cho khớp háng mới. Hiện tại, khớp háng nhân tạo được chế tạo bằng nhiều loại vật liệu cũng như chất lượng khác nhau, do đó chi phí cũng có sự chênh lệch. Ngoài ra, chi phí thay khớp háng cũng phụ thuộc vào địa điểm, cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của bác sĩ thực hiện. Vậy nên, rất khó để trả lời cho câu hỏi thay khớp háng bao nhiêu tiền.
Tuy nhiên, chi phí trung bình của một ca mổ thay khớp háng thường là 80 – 90 triệu đồng. Trong đó, chi phí khớp háng nhân tạo khoảng 30 – 40 triệu đồng. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả khoảng 80 – 90% tổng chi phí phẫu thuật. Do đó, người bệnh chỉ cần trả khoảng thêm khoảng 10 – 20 triệu cho một ca phẫu thuật.
Hiện tại phẫu thuật thay thế khớp háng được thực hiện ở nhiều bệnh viện như Bệnh viện Quân đội 108 hay Bệnh viện Chợ Rẫy. Vì vậy, người bệnh nên chọn địa chỉ uy tín thực hiện phẫu thuật để tránh các rủi ro nhất định.