Thay khớp gối khi nào cần thực hiện? Chi phí và các rủi ro
Thay khớp gối là biện pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối, chấn thương khớp gối nghiêm trọng, viêm khớp gối gây biến dạng,… Tuy nhiên biện pháp này có thể gây ra rủi ro và biến chứng nguy hiểm, vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Thay khớp gối là gì?
Phẫu thuật thay khớp gối là thủ thuật ngoại khoa xương khớp phổ biến nhất. Phương pháp này được thực hiện bằng cách loại bỏ sụn, xương bị hư hại và thay thế bằng bộ phận nhân tạo.
Thay khớp gối có tác dụng giảm các triệu chứng đau nhức, phục hồi chức năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên trước khi chỉ định phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá mức độ ổn định, tổn thương và phạm vi chuyển động của khớp.
Khi nào cần thay khớp gối?
Thay khớp gối là thủ thuật ngoại khoa đi kèm với các rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy bác sĩ chỉ yêu cầu thực hiện phương pháp này trong những trường hợp cần thiết.
Chỉ định thay khớp gối trong những trường hợp sau:
- Khớp gối bị hư hại nghiêm trọng dẫn đến tình trạng khó khăn khi đi lại và di chuyển
- Người bị viêm khớp gối dạng thấp, thoái hóa khớp gối,… không có đáp ứng với điều trị bảo tồn.
- Triệu chứng ở khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc.
- Mức độ tổn thương mô sụn nặng nề và không có khả năng tái tạo.
- Khớp gối bị biến dạng nặng nề và không thể sữa chữa ngay cả khi thực hiện phẫu thuật chỉnh hình
- Bệnh nhân cao tuổi có mức độ tái tạo mô sụn kém
- Chấn thương khớp gối nặng nề gây biến dạng và hư hại các cơ quan bên trong ổ khớp
Các kỹ thuật thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối bao gồm thay khớp gối bán phần và toàn phần.
1. Thay khớp gối bán phần
Thay khớp gối bán phần (thay khớp gối không hoàn toàn) là kỹ thuật thay thế một phần của khớp gối. Kỹ thuật này thích hợp với những người chỉ bị tổn thương một bộ phận bên trong ổ khớp.
Thay khớp gối bán phần sử dụng bộ phận nhân tạo để thay thế cho cơ quan bị tổn thương. Kỹ thuật này thực hiện khá đơn giản và ít gây ra biến chứng hơn so với thay khớp gối toàn phần.
2. Thay khớp gối toàn phần
Thay khớp gối toàn phần được chỉ định với những trường hợp viêm hoặc thoái hóa khớp nghiêm trọng. Với trường hợp này, toàn bộ khớp gối sẽ được thay thế bằng vật liệu nhân tạo.
Do mức độ xâm lấn lớn hơn thay khớp gối bán phần nên kỹ thuật này có nhiều rủi ro và biến chứng hậu phẫu. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp sau khi thực hiện đều nhận thấy cơn đau thuyên giảm hoàn toàn và khả năng vận động được phục hồi đến 80%.
Quy trình phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối bao gồm bước chuẩn bị, thực hiện và hồi phục sau phẫu thuật.
1. Chuẩn bị trước phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối là thủ thuật ngoại khoa lớn, vì vậy bạn cần chuẩn bị trước khi thực hiện phương pháp này. Trước khi can thiệp phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nước tiểu, đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu và thời gian đông máu nhằm chắc chắn bạn có đủ điều kiện để can thiệp ngoại khoa.
Bên cạnh đó trước khi phẫu thuật, bạn cần thực hiện một số điều sau:
- Trình bày cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng 1 vài loại thuốc để đảm bảo an toàn và dự phòng rủi ro hậu phẫu.
- Sử dụng kháng sinh nhằm dự phòng nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật.
- Ngưng hút thuốc lá, uống cà phê và rượu bia trước khi phẫu thuật khoảng 2 tuần.
- Không ăn uống trong vòng 6 – 12 giờ trước khi tiến hành thay khớp gối.
2. Các bước thực hiện thay khớp gối
Thay khớp gối được thực hiện theo các bước sau đây:
- Trước tiên bạn sẽ được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng
- Sau đó bạn có thể được gây mê toàn thân hoặc gây mê cục bộ (mất cảm giác từ vùng thắt lưng trở xuống)
- Đầu gối được đặt ở tư thế cong để lộ các cơ quan bên trong
- Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết mổ dài khoảng 15 – 25cm
- Xác định bộ phận tổn thương và tiến hành thay thế bằng cơ quan nhân tạo
- Kiểm tra khớp gối trước khi đóng vết mổ
- Phẫu thuật thay khớp gối thường kéo dài trong khoảng 1 – 3 giờ
3. Hồi phục sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức trong vòng vài giờ và chuyển đến phòng lưu bệnh khi đã ổn định. Bạn có thể phải ở lại bệnh viện vài ngày để bác sĩ đánh giá tình trạng và kịp thời phát hiện biến chứng.
Trong thời gian này, thuốc giảm đau thường được chỉ định nhằm cải thiện các triệu chứng như sưng, nóng, đau nhức,… ở vết mổ. Khi cấu trúc khớp gối đã ổn định, bạn sẽ bắt đầu các bài luyện tập theo chỉ dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu.
Chăm sóc tại nhà sau phẫu thuật thay khớp gối
Sau khoảng vài ngày lưu bệnh, bạn có thể trở về nhà nếu không có dấu hiệu bất thường. Trong thời gian tại nhà, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
Chế độ chăm sóc tại nhà sau khi thay khớp gối, bao gồm:
- Giữ vùng khớp gối sạch sẽ và tránh áp lực lên cơ quan này.
- Bổ sung viên sắt và thực phẩm giàu dinh dưỡng nhằm phục hồi thể trạng, thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương và tăng sức mạnh cơ bắp.
- Không mang vác nặng trong ít nhất 2 tuần sau phẫu thuật.
- Nên luyện tập đều đặn mỗi ngày nhằm phục hồi khả năng vận động của khớp.
- Hạn chế đứng quá lâu vì hoạt động này có thể khiến máu dồn xuống đầu gối và gây ra hiện tượng sưng viêm.
- Nên sử dụng nạng và các thiết bị hỗ trợ để tránh áp lực lên vùng khớp gối.
- Tránh tình trạng tăng cân quá nhanh vì trọng lượng cơ thể cao có thể khiến khớp gối chịu áp lực lớn và có xu hướng chậm lành hơn.
Các biến chứng và rủi ro khi thay khớp gối
Thay khớp gối là thủ thuật xâm lấn nên có thể phát sinh các biến chứng và rủi ro hậu phẫu.
Các biến chứng thường gặp sau khi thay khớp gối, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất sau khi thực hiện thủ tục ngoại khoa. Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng, bao gồm sốt hơn 38 độ C, sưng đau đầu gối, vết mổ chảy dịch/ mủ, người ớn lạnh,…
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Là tình trạng xuất hiện cục máu đông ở đầu gối, bắp chân hoặc mắt cá chân. Dấu hiệu nhận biết là tình trạng sưng nóng, đỏ và đau ở đầu gối hoặc bắp chân.
- Tắc mạch phổi: Tắc mạch phổi là biến chứng rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm. Dấu hiệu của biến chứng này thường là tình trạng khó thở và đau tức ngực.
Bên cạnh đó, phẫu thuật thay khớp gối có thể gây ra một số rủi ro khác như:
- Tổn thương dây thần kinh
- Phản ứng dị ứng với vật liệu của cơ quan nhân tạo
- Phát triển gai xương xung quanh khớp gối nhân tạo dẫn đến tình trạng giảm phạm vi chuyển động
- Hình thành sẹo bên trong cấu trúc khớp
- Dây chằng bao quanh khớp bị tổn thương
- Chảy máu kéo dài
- Trật khớp
- Khớp gối nhân tạo bị hư hại theo thời gian và cần phải thay thế lần 2
Thay khớp gối bao nhiêu tiền? Có thể thực hiện ở đâu?
Thông thường phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo có chi phí dao động từ 40 – 80.000.000 đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, chi phí này còn phụ thuộc vào kỹ thuật áp dụng (bán phần hay toàn phần), cơ sở thực hiện, mức độ bệnh lý và một số yếu tố khách quan khác. Vì vậy để biết chi phí chính xác, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn để được giải đáp cụ thể.
Thay khớp gối là thủ thuật ngoại khoa khá phổ biến và được nhiều bệnh viện chuyên khoa Cơ xương khớp thực hiện. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro hậu phẫu, bạn nên lựa chọn phẫu thuật tại các bệnh viện lớn và uy tín. Tránh tình trạng phẫu thuật tại các cơ sở y tế nhỏ lẻ không đủ điều kiện về thiết bị và chuyên môn.
Thay khớp gối có được bảo hiểm không?
Trong trường hợp thay khớp gối tại các bệnh viện nhà nước, bảo hiểm y tế có thể chi trả từ 70 – 80% chi phí phẫu thuật. Tuy nhiên để biết thêm thông tin về vấn đề này, bạn nên trao đổi trực tiếp với nhân viên tư vấn của bệnh viện.
Phẫu thuật thay khớp gối có thể sửa chữa cơ quan bị hư hại, giảm triệu chứng và phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên phương pháp này có chi phí điều trị cao và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.