6 phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối tốt nhất 2020

Sử dụng thuốc tân dược, thảo dược Đông y, vật lý trị liệu hay phẫu thuật là các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối đang được áp dụng. Mỗi phương pháp đều có những thế mạnh và nhược điểm riêng đòi hỏi các bác sĩ cũng như bệnh nhân phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi lựa chọn.

Tìm hiểu về bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là trạng thái mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và phá hủy của sụn cũng như các đầu xương cấu tạo nên khớp gối. Điều này có thể khiến cho lớp sụn bị mài mòn hoặc mất hoàn toàn dẫn đến sự hình thành của gai xương ở rìa khớp và nhiều triệu chứng bất thường như: Đau nhức khớp gối, sưng và nóng đỏ đầu gối, cứng khớp khi ngủ dậy. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, đi lại của người bệnh.

các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối rất dễ mắc nhưng khó điều trị khỏi

Bệnh xảy ra phổ biến ở người cao tuổi do tiến trình lão hóa khớp theo tuổi tác, thay đổi nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền. Ngoài ra, bệnh thoái hóa khớp gối còn phát triển thứ phát sau một chấn thương gặp phải trong khi chơi thể thao, tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp hoặc sau khi mắc các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout…

Đi từ nhẹ đến nặng, bệnh thoái hóa khớp gối được chia thành các giai đoạn phát triển như sau:

  • Giai đoạn O: Người bệnh chưa có triệu chứng, chụp x-quang khớp gối cho hình ảnh bình thường
  • Giai đoạn 1: Hẹp nhẹ ở khe khớp, có thể có mảnh gai xương nhỏ lồi ra ở rìa khớp gối
  • Giai đoạn 2: Hình ảnh gai xương và hẹp khe khớp thấy rõ trên phim chụp x – quang. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối như cứng khớp vào buổi sáng, đau khớp cũng thể hiện rõ ràng ra bên ngoài.
  • Giai đoạn 3: Rìa khớp gối có nhiều gai xương. Tình trạng xơ hóa xương hoặc biến dạng xương cũng có thể xảy ra. Khả năng vận động của khớp bị giới hạn, các triệu chứng khác cũng tăng nặng hơn.
  • Giai đoạn 4: Đầu gối có nhiều gai xương lớn, sụn khớp bị tổn thương nặng, biến dạng đầu gối, hẹp khe khớp nặng. Việc đi lại, vận động có thể khiến người bệnh phải đối mặt với những cơn đau nghiêm trọng.

Ở các giai đoạn đầu, bệnh thoái hóa khớp gối không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và vận động nên nhiều người chủ quan, trong chú trọng việc điều trị. Sang đến các giai đoạn nặng ở cấp độ 3 & 4, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người bệnh. Ngoài ra, căn bệnh này còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp khe khớp, biến dạng khớp, viêm khớp gối, hoặc thậm chí là tàn phế suốt đời.

Trong những năm gần đây, sự tiến bộ của y học hiện đại giúp bệnh nhân được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối mới cho hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu được nguy cơ tàn tật cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Để điều trị thoái hóa khớp gối có nhiều cách khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào mức độ bệnh của mỗi cá nhân.

1. Chữa thoái hóa khớp gối tại nhà bằng thảo dược tự nhiên

Phương pháp này sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có sẵn trong vườn nhà như lá lốt, đinh lăng, dây đau xương hay thiên niên kiện… Mặc dù không gây tốn kém nhiều chi phí như các phương pháp điều trị khác nhưng chúng chỉ thích hợp cho người bị thoái hóa khớp gối nhẹ. Sử dụng thường xuyên, đúng cách có thể giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng bệnh.

– Dùng lá lốt: 

Lá lốt có đặc tính giảm đau, hoạt huyết, giúp kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, tái tạo tồn thương ở khớp gối.

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá lốt to ( khoảng 200g), 2 lít nước
  • Cách sử dụng: Bắc nồi nước lên bếp. Rửa sạch lá lốt rồi cho vào nồi khi nước đã sôi, nấu thêm khoảng 5 phút nữa là được. Vớt bỏ bã, để cho nước lá lốt nguội bớt rồi gạn uống nhiều lần trong ngày.

Chữa thoái hóa khớp gối bằng rễ đinh lăng

Rễ đinh lăng được ví như “nhân sâm của người nghèo” vì mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Nó bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất cùng các loại axit amin có tác dụng cải thiện sức đề kháng, bồi bổ khí huyết và xoa dịu cơn đau do thoái hóa khớp gối gây ra.

các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng rễ đinh lăng
Rễ đinh lăng được dùng làm thuốc sắc chữa thoái hóa khớp gối
  • Chuẩn bị: Rễ đinh lăng 30g
  • Cách sử dụng: Rửa sạch rễ đinh lăng rồi thái mỏng, sao vàng, cho vào ấm sắc với 1 lít nước cho đến khi cạn còn 1/2. Chia thuốc làm 3 lần uống trong ngày.

– Bài thuốc từ lá ngải cứu

Lá ngải cứu được dân gian sử dụng như một phương thuốc giảm đau, kháng viêm tại nhà nhờ chứa nhiều tinh dầu. Người bệnh có thể sao lá ngải cứu với muối chườm vào đầu gối để giảm đau hoặc kết hợp với mật ong làm thuốc uống chữa thoái hóa khớp gối theo hướng dẫn dưới đây.

  • Chuẩn bị: 200g ngải cứu, 3 muỗng mật ong nguyên chất
  • Cách sử dụng: Ngải cứu rửa sạch, ngâm với nước muối 20 phút. Vớt ra để ráo nước, cắt nhỏ, cho vào cối giã nát, lọc lấy nước cốt. Cuối cùng trộn thêm mật ong vào chia uống 2 lần trong ngày. Dùng bài thuốc náy giúp xương khớp dẻo dai, hỗ trợ đẩy lùi bệnh thoái hóa khớp gối.

– Trị bệnh bằng dây đau xương

Sở dĩ, dây đau xương được sử dụng để chữa thoái hóa khớp gối là nhờ chứa hàm lượng alkaloid và dinorditerpenglucosid phong phú. Trong đó, alkaloid đã được chứng minh là có khả năng kháng viêm tự nhiên còn dinorditerpen Glucosid lại có tác dụng ức chế thần kinh, ngăn chặn quá trình dẫn truyền cảm giác đau đến hệ thần kinh trung ương, qua đó giúp bệnh nhân bớt đau đớn, khó chịu và ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm.

  • Chuẩn bị: Dây đau xương ( chỉ dùng thân ), rượu nếp trắng loại 45 độ
  • Cách dùng: Dây đau xương chặt khúc ngắn cỡ 2cm, đem phơi khô. Sau đó cho vào hũ thủy tinh ngâm chung với rượu theo tỷ lệ 1:5 ( tức 1 phần dây đau xương thì cần 5 phần rượu ). Để 1 tháng sau có thể dùng được. Mỗi ngày uống 3 chén nhỏ trong các bữa ăn chính.

– Bài thuốc chữa thoái hóa khớp gối từ cây thiên niên kiện

Dùng cây thiên niên kiện cũng là một trong những các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng thảo dược dân gian đang được nhiều người áp dụng. Loại thảo dược này hoạt động bằng cách cung cấp các thành phần hoạt chất như l-linalol, limonen, sabinen hay acetaldehyt… giúp giảm sưng tấy, kích thích lưu thông khí huyết.

  • Chuẩn bị: Cây thiên niên kiện, cây đơn châu chấu ( độc lực, đinh lăng gai ), cỏ xước, cây khúc khắc 
  • Cách dùng: Tất cả phơi hoặc sấy khô, trộn chung với nhau. Mỗi ngày lấy 1 nắm cho vào ấm sắc kỹ lấy 3 bát nước uống sau các bữa ăn sáng, trưa, tối.

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối tại nhà khác:

  • Chườm nóng, chườm lạnh: Áp một túi nước nóng hoặc túi đá lạnh vào đầu gối bị thoái hóa sẽ giúp chống sưng viêm và giảm đau khớp nhanh chóng.
  • Mang đai hỗ trợ: Mang đai cố định có tác dụng bảo vệ khớp gối, giảm đau và hỗ trợ cho việc di chuyển được dễ dàng hơn.
mang đai hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối
Mang đai giúp giảm áp lực cho khớp gối bị thoái hóa
  • Giảm cân nếu bị béo phì: Khớp gối là nơi phải gánh chịu phần lớn trọng lượng của cơ thể. Chính vì vậy, giảm cân có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa các cơn đau và làm chậm lại tiến trình thoái hóa khớp gối. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn một chế độ giảm cân khoa học nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì.
  • Tập thể dục: Duy trì các bài tập vừa sức như đi bộ, đạp xe, tập yoga, ngồi thiền khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp làm tăng sự tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng co cứng khớp và các cơ xung quanh khớp gối bị tổn thương, duy trì chức năng vận động cho người bệnh.
  • Dinh dưỡng trị liệu: Bổ sung các loại gia vị hay thực phẩm có tính kháng viêm trong thực đơn, chẳng hạn như gừng, nghệ, tỏi, cá béo giàu omega 3 ( cá hồi, cá ngừa, cá tuyết…), hay các thực phẩm giàu canxi ( tôm, cua, đậu nành, sữa…) cũng góp phần tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng của thoái hóa khớp gối.

2. Dùng thuốc tây điều trị thoái hóa khớp gối 

Một số loại thuốc tân dược được chỉ định nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng do bệnh thoái hóa khớp gối gây ra. Sau khi tiến hành thăm khám, chụp x- quang, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc như:

  • Thuốc giảm đau: Được sử dụng phổ biến là Paracetamol, Salicylate hay Aspirin. Những thuốc này hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp Prostaglandin – một chất giữ nhiệm vụ nhận diện cơn đau trong cơ thể. Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau bao gồm: Tổn thương gan, loét dạ dày, trầm cảm, loãng máu, suy thận, sảy thai…
  • Thuốc chống viêm không steroid: Được viết tắt là NSAIDs, loại thuốc này vừa có tác dụng giảm đau, vừa giúp ức chế phản ứng viêm tại khớp gối. Người bệnh có thể dùng Diclofenac, Ibuprofen hay Indomethacin theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng nên thận trọng với các tác dụng phụ như: Kích ứng đường tiêu hóa, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, rối loạn tạo máu, thiếu máu.
  • Thuốc giãn cơ: Được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện co cứng khớp gây khó khăn cho việc vận động. Nhóm thuốc này bao gồm Myonal, Baclofen, Metaxalone, Cyclobenzaprine và một số thương hiệu thuốc khác. Một số tác dụng phụ của thuốc giãn cơ đã được ghi nhận: Buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, hạ huyết áp, căng thẳng thần kinh.
  • Tiêm acid hyaluronic: Đây là một chất được tìm thấy nhiều trong dịch khớp. Ở người bị thoái hóa, số lượng và chất lượng acid hyaluronic giảm đi rất nhiều. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định tiêm bổ sung chất này nhằm bôi trơn ở khớp, giảm đau và cứng khớp, bảo vệ lớp sụn.
  • Sử dụng các chất bổ sung: Chẳng hạn như Canxi, Chondroitin hay Glucosamine giúp kích thích tái tạo sụn, chất nhờn và tế bào xương cho khớp gối.
tiêm acidhyaluronic là một trong các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiệu quả
Tiêm acid hyaluronic giúp làm tăng chất nhờn cho khớp, đảm bảo khả năng vận hành trơn tru của đầu gối khi bị thoái hóa

Việc sử dụng thuốc tây trong điều trị thoái hóa khớp gối giúp cải thiện các dấu hiệu bệnh một cách nhanh chóng. Tuy vậy, ngược điểm của thuốc tân dược là tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, dùng lâu dài sẽ gây tốn kém chi phí trong khi không thể điều trị được bệnh một cách triệt để.

>> Tham khảo thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn và những điều cần biết

3. Chữa thoái hóa khớp gối bằng thuốc Đông y

Trước những tác dụng phụ khôn lường của thuốc tân dược, nhiều bệnh nhân có khuynh hướng chuyển qua dùng thuốc Đông y với mong muốn trị khỏi bệnh một cách an toàn. Thuốc Đông kết hợp nhiều loại thảo dược khác nhau vừa giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, vừa giúp cải thiện sức khỏe xương khớp và bồi bổ cơ thể.

Dưới đây một số bài thuốc đang được y học cổ truyền sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối:

– Bài thuốc số 1:

Chuẩn bị độc hoạt, địa hoàng, đảng sâm, đương quy, cây cỏ xước rễ lớn, đỗ trọng mỗi vị 12g; Tế tân, quế chi, cam thảo bắc mỗi vị 4g; Bách chi, phục linh, dư dung mỗi vị 10g; Tần giao và xuyên khung mỗi vị 8g.

Mỗi ngày dùng 1 thang sắc uống.

– Bài thuốc số 2:

Kết hợp các vị thuốc gồm: Lá lốt, cây bao kim (thiên niên kiện) mỗi vị 10g; Hà thủ ô, cây trinh nữ, địa hoàng mỗi vị 12g; Quế chi 8g; Cỏ xước và sơn kỳ lương mỗi vị 16g.

Tất cả đem sắc lấy 300ml nước chia 2 lần uống trong ngày.

Bài thuốc số 3:

Chuẩn bị một thang thuốc gồm lá lốt, rễ cây nam ngưu tất, rễ cây đại vĩ đạo, rễ bưởi bung mỗi vị 30g. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ đem sao vàng. Để thuốc nguội rồi cho vào ấm sắc với 3 bát nước lấy 1,5 bát. Gạn ra chia uống 3 lần.

Thuốc Đông y có ưu điểm là tác động vào căn nguyên bệnh, giúp làm mạnh chính khí và loại trừ tà khí, qua đó cải thiện các dấu hiệu bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc Đông y chỉ đến một cách từ từ chứ không nhanh và rõ rệt như thuốc tây. Về mặt lâu dài phương pháp điều trị bằng Đông dược thích hợp cho những người bị thoái hóa khớp gối mãn tính do hiếm khi gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

4. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối

Vật lý trị liệu là một trong các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối phổ biến. Có nhiều các thức khác nhau được thực hiện nhằm mục đích giảm đau đầu gối, cải thiện phạm vi chuyển động cũng như sự linh hoạt của khớp, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh đầu gối.

– Châm cứu: Sử dụng kim châm tác động nhẹ nhàng vào các huyệt đạo Độc tỷ, Hạt đỉnh, âm lăng tuyền. Đồng thời kết hợp châm cứu vào nhóm huyệt Can du, huyệt Thận du, huyệt Huyết hải, huyệt Dương chi lăng tuyền nhằm mục đích bổ can thận, khí huyết, làm mạnh gân xương.

châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối
Châm cứu là một trong các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc được ứng dụng rộng rãi

– Thủy châm: Để điều trị thoái hóa khớp, thầy thuốc sử dụng bơm tiêm thuốc vào các huyệt đạo thận du, Huyết hải, hay Thận du giúp giảm đau nhanh. Phương pháp này thường được kết hợp với châm cứu, bấm huyệt nhằm đẩy nhanh hiệu quả điều trị.

– Điện phân: Là phương pháp vật lý trị liệu sử dụng dòng điện một chiều tác động vào khu vực bị tổn thương nhằm thúc đẩy các phản ứng hoa học có lợi trong việc giảm đau, tăng cường máu đến nuôi dưỡng khớp và ngăn ngừa biến chứng teo cơ.

– Điều trị bằng nhiệt: Đắp parafin hoặc áp dụng liệu pháp áp lạnh – cryo therapy. Chúng có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chống viêm, tăng cường lưu thông máu ở khu vực bị bệnh.

Bài tập vận động phục hồi chức năng khớp gối:

Bên cạnh các phương pháp trên, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh tập luyện một số động tác nhằm phục hồi khả năng vận động của khớp gối.

+ Bài tập số 1:

  • Đứng thẳng, chân trái bước lên phía trước một bước rộng
  • Gập 2 đầu gối xuống sao cho đầu gối trái tạo thành một góc vuông song song với sàn, đầu gối phải gần chạm sàn
  • Duy trì tư thế này trong 30 giây rồi thả ra. Đổi bên chân
  • Lặp lại động tác tương tự cho mỗi bên 5 lần có tác dụng làm giảm sức căng cho mặt trước khớp gối.

+ Bài tập số 2: 

  • Đứng thẳng, tay bám vào thanh ghế
  • Chân phải co ra đằng sau và dùng tay trái giữ gót chân áp sát vào mông. 
  • Đếm khoảng 30 nhịp rồi thả ra
  • Nghỉ vài giây, áp dụng cho bên còn lại.

+ Bài tập số 3: 

  • Bệnh nhân nằm trên giường phẳng hoặc trên sàn nhà
  • Áp sát hai chân vào nhau, co lên. Vòng hai tay ôm giữ đầu gối
  • Giữ tư thế này trong 30 giây rồi duỗi thẳng chân ra
  • Mỗi lần tập luyện 20 phút x 2 lần/ngày.
phương pháp vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp gối
Một số bài tập vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh thoái hóa khớp gối gây ra

+ Bài tập số 4:

  • Đứng thẳng, dựa lưng vào tường, hai chân dang rộng bằng vai
  • Từ từ nhún đầu gối xuống để hợp thành một góc 90 độ so với mặt sàn. Phần lưng và xương chậu lấy tường làm điểm tựa để giữ trọng lượng cơ thể.
  • Giữ động tác trên trong 10 nhịp đếm. Trở về tư thế ban đầu và tập luyện trong 20 phút liên tục.

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng vật lý trị liệu có ưu điểm là không gây tác dụng phụ, giúp duy trì khả năng vận động của khớp gối, hiệu quả kéo dài. Tuy nhiên khi áp dụng, bệnh không thuyên giảm tức thì mà đòi hỏi sự kiên trì từ phía người bệnh cũng như các chuyên gia vật lý trị liệu trong thời gian dài. Để đạt được hiệu quả cao, cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác, đồng thời thực hiện lối sống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

5. Chữa thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu

Trong số các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiện này thì phương pháp này còn khá xa lạ với nhiều người do chỉ mới được áp dụng tại một số bệnh viện lớn ở nước ta. 

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu là một phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh

Khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu từ chính cơ thể của người bệnh và đem vào phòng thí nghiệm để chiết tách lấy huyết tương giàu tiểu cầu bằng ly tâm, đồng thời hoạt hóa để tăng số lượng lên gấp 5 – 7 lần. Huyết tương sau đó được tiêm trực tiếp vào đầu gối bị thoái hóa. Tiểu cầu khi vỡ ra sẽ giải phóng protein giúp chống viêm, kích thích sự tăng sinh của các tế bào sụn, đẩy nhanh tốc độ phục hồi tự nhiên của cơ thể.

Việc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có thể được tiến hành làm một hay nhiều đợt tùy vào khả năng đáp ứng của người bệnh. Mỗi lần cách nhau 1 hoặc 2 tuần.

– Ưu điểm:

  • Nâng cao chức năng vận động của khớp
  • Giúp chấm dứt cơn đau nhanh, tạo điều kiện để người bệnh có thể phục hồi cấu trúc khớp gối trong thời gian ngắn
  • Hiệu quả vượt trội và an toàn hơn so với các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác, chẳng hạn như uống thuốc tây, phẫu thuật. 80 – 90% bệnh nhân nhận thấy kết quả tích cực sau điều trị.

– Nhược điểm:

  • Tốn kém chi phí, khoảng 3.800.000 – 4000.000 VNĐ/ lần tiêm
  • Chưa được áp dụng rộng rãi. Có thể bị nhiễm trùng khớp khi điều trị tại những cơ sở y tế, phòng khám tư nhân kém chất lượng.

6. Phẫu thuật chữa thoái hóa khớp gối

Đây là sự lựa chọn sau cùng trong điều trị thoái hóa khớp gối. Phương pháp này chỉ được cân nhắc lựa chọn khi tất cả các phương pháp còn lại không giúp bệnh tình thuyên giảm và bệnh gây sưng viêm khớp gối kéo dài kèm theo những cơn đau nghiêm trọng khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như vận động hàng ngày.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật bao gồm:

– Làm sạch tổn thương bằng phẫu thuật nội soi:

+ Đối tượng chỉ định:

Những bệnh nhân có biểu hiện đau cứng khớp gối, giới hạn khả năng vận động nhưng không đáp ứng được với điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phương pháp này. 

Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoái hóa khớp gối
Phẫu thuật nội soi được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp gối

+ Ưu điểm:

  • Quy trình thực hiện đơn giản, người bệnh không cần nằm viện quá lâu
  • Vết mổ nhỏ nên ít gây đau và để lại sẹo xấu sau mổ
  • Hạn chế được nguy cơ bị mất máu và nhiễm trùng tổn thương
  • Bệnh nhân có thể phục hồi nhanh và sớm trở lại với các sinh hoạt thường ngày
  • Đây cũng là giải pháp thay thế hữu ích trong trường hợp người bệnh không đủ điều kiện về sức khỏe cũng như kinh tế để thay khớp gối.

+ Nhược điểm:

Dù có nhiều ưu điểm song không phải ai cũng thích hợp phẫu thuật nội soi làm sạch. Phương pháp này chống chỉ định cho những trường hợp sau:
  • Người bị thoái hóa khớp gối ở cấp độ 4. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh, khớp gối đã bị biến dạng kèm theo tình trạng hẹp khe khớp hoàn toàn.
  • Người bị bệnh ở cấp độ 2 & 3 mắc kèm theo bệnh viêm đa khớp dạng thấp hoặc các bệnh lý khác ngoài khớp không được phép phẫu thuật.

– Phẫu thuật cấy ghép xương sụn tự thân hoặc sụn đồng loại

+ Đối tượng chỉ định:

  • Tổn thương sụn ở khớp gối bị thoái hóa có diện tích nhỏ, trung bình hoặc đơn ổ
  • Người bị thoái hóa khớp gối phát triển thứ phát sau chấn thương
+ Ưu điểm:
  • Lớp sụn mới được tạo ra có bản chất tương tự như sụn ở khớp gối, có thể thay thế được lớp sụn bị tổn thương và làm đầy vùng khuyết sụn.
  • Phần sụn mới là sụn tự thân nên có khả năng thích nghi và bám dính tốt hơn

+ Nhược điểm:

  • Có thể gây ra tổn thương, khiếm khuyết cho vùng được lấy sụn khi ghép tự thân.
  • Trường hợp ghép sụn đồng loại, mảnh ghép có thể bị đào thải do không tương thích
  • Trong thời gian chờ đợi xương liền lại, mảnh sụn được đưa từ ngoài vào có thể rơi vào ổ khớp gây kẹt khớp hoặc tạo ra dị vật trong khớp.

Phẫu thuật đục xương sửa trục

+ Đối tượng chỉ định:

  • Người bị thoái hóa khớp gối sớm
  • Thoái hóa khớp gối 1 khoang
  • Chân của người bệnh có dạng chứ O, X hoặc K

 + Ưu điểm:

  • Giảm áp lực cho mặt khớp bị thoái hóa, qua đó giúp người bệnh giảm đau
  • Làm chậm lại tiến trình thoái hóa ở khớp gối bị tổn thương

+ Nhược điểm:

  • Tình trạng thoái hóa ở khớp gối vẫn còn tồn tại
  • Dễ gây tai biến liệt thần kinh
  • Có thể gây cản trở cho phẫu thuật thay khớp nhân tạo sau này

– Phẫu thuật thay khớp

+ Đối tượng chỉ định:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối ở cấp độ 3 & 4
  • Cơn đau khớp gối nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt và giấc ngủ
  • Đã áp dụng các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng nội khoa nhưng không có kết quả
  • Sụn khớp gối hư hại nhiều
  • Biến dạng khớp gối

+ Ưu điểm:

  • Bệnh nhân được thay khớp mới nên có thể trở lại vận động bình thường
  • Giúp người bệnh tránh được nguy cơ bị tàn tật vĩnh viễn
  • Thời gian nằm viện ngắn
  • Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo có thể kéo dài đến 15 năm nếu bệnh nhân biết cách chăm sóc giữ gìn tốt.

+ Nhược điểm:

  • Quy trình phẫu thuật phức tạp
  • Chi phí cao
  • Khớp nhân tạo có thể gây tổn thương cho phần mềm xung quanh

– Phẫu thuật cấy ghép tế bào sụn tự thân

+ Đối tượng chỉ định:

  • Bệnh thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi phát triển thứ phát sau chấn thương
  • Vùng sụn bị tổn thương có diện tích nhỏ và vừa
  • Tổn thương chỉ có ở một vị trí.

+ Ưu điểm:

  • Lớp sụn mới bản chất là sụn tự thân nên có khả năng tái tạo, phục hồi nhanh và thích nghi tốt
  • Sụn mới cũng có độ đàn hồi và khả năng bền vững cao.

+ Nhược điểm:

  • Chi phí cao
  • Người bệnh cần thực hiện 2 lần phẫu thuật
  • Việc cấy ghép tế bào sụn không được thực hiện qua nội soi mà phải mở khớp gối. Điều này gây đau, mất nhiều máu và nguy cơ bị nhiễm trùng cao. 

Bài viết vừa đi sâu vào phân tích về các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Hãy trao đổi ngay với bác sĩ để lựa chọn được cách chữa bệnh phù hợp nhất với bạn và kiên trì áp dụng nhằm bảo tồn chức năng vận động của khớp gối cũng như tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Bạn không nên bỏ qua:

  • Bị thoái hóa khớp gối khám và điều trị ở đâu tốt?
  • Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mang đến nhiều triển vọng
  • Bệnh thoái hóa khớp gối ở người già và cách điều trị