Tìm hiểu cấu tạo của đĩa đệm

Đĩa đệm cột sống hoạt động như một trục đàn hồi mạnh mẽ để bảo vệ các khớp xương, mang lại sự ổn định cho lưng dưới và cổ. Việc hiểu về cấu tạo đĩa đệm sẽ giúp người bệnh có biện pháp bảo vệ đĩa đệm tốt hơn.

Tham khảo thông tin trong bài viết để nắm rõ các thông tin về chức năng và cấu tạo đĩa đệm.

tìm hiểu cấu tạo của đĩa đệm
Tìm hiểu cấu tạo của đĩa đệm để có cách bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương đĩa đệm

Đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm cột sống có đường kính tròn, cấu trúc mềm dẻo với nhiệm vụ gắn kết các đốt sống lại với nhau và hấp thụ lực tác động để bảo vệ cột sống.

Có tổng cộng 23 đĩa đệm ở cột sống của chúng ta. Khi đĩa đệm gặp vấn đề hoặc bị tổn thương có thể gây ra các cơn đau xuất phát từ đĩa đệm bị tổn thương hoặc các dây thần kinh bị chèn ép ở khu vực đó.

Giải phẫu cấu tạo đĩa đệm

Đĩa đệm hoạt động như một miếng đệm giảm xóc cho các đốt sống. Mỗi đĩa đệm được tạo thành từ các thành phần chính sau:

1. Nhân nhầy (nhân keo)

Nhân nhầy của đĩa đệm là một hoạt dịch, hơi nhầy, trong suốt không có màu. Thành phần chủ yếu của nhân nhầy là các Proteoglycans.

Nhân nhầy có tính ngậm nước khá cao. Hàm lượng nước trong nhân nhầy phụ thuộc vào độ tuổi. Nhân nhầy ở trẻ em có 80% là nước trong khi ở người lớn là 60%.  

Khi có lực tác động hoặc tổn thương, nhân nhầy thoát nước ra bên ngoài, đĩa đệm bị xẹp xuống phân tán lực ở đĩa đệm và bảo vệ cột sống. Khi lực tác động mất đi, nhân nhầy lại hấp thụ nước và phình to ra trở lại.

cấu tạo của đĩa đệm
Đĩa đệm được cấu tạo từ bao xơ, nhân nhầy và tấm sụn tận cùng

 

2. Bao xơ

Bao xơ là phần bọc ở bên ngoài có chức năng bảo vệ nhân nhầy. Bao xơ được cấu tạo từ các vòng sợi collagen, vòng này có độ dẻo và khả năng đàn hồi rất cao ôm lấy nhau tạo thành nhiều lớp bảo vệ nhân nhầy.

Lớp bên ngoài của bao xơ bám lấy màng xương và viền các đốt sống, lớp trong bao xơ bám lấy bề mặt sụn thân đốt sống.

Ngoài chức năng bảo vệ nhân nhầy, bao xơ còn có thể chống lại các lực căng hướng ngang hoặc vặn xoắn ốc để giữ cho cột sống luôn cân bằng và đúng trục.

3. Tấm sụn tận cùng

Tấm sụn được cấu tạo bởi các vòng sợi collagen canxi, proteoglycans và nước. Tấm sụn tận cùng nằm ở giữa thân đốt sống và lớp bên ngoài của vòng bao xơ đĩa đệm.

Tấm sụn này có khả năng bảo vệ sụn và xương đốt sống không bị nhân nhầy chèn ép và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn đĩa đệm từ các trường hợp viêm xương tủy.

Chức năng chính của đĩa đệm

chức năng đĩa đệm
Cấu tạo đĩa đệm có thể ngăn ngừa lực tác động lên cột sống

Đĩa đệm và các cấu trúc của đĩa đệm có 3 chức năng chính để trong hệ thống xương khớp. Các nhiệm vụ này bao gồm:

  • Kết nối các đốt sống:

Đĩa đệm và dây chằng, gân cơ có chức năng gắn kết các đốt sống lại với nhau để tạo thành một cấu trúc vững chắc. Điều này giúp cơ thể người có khả năng vận động chắc chắn và linh hoạt.

  • Phân tán khả năng tác dụng lực:

Khi cơ thể vận động, các đốt sống sẽ bị nén, xoắn hoặc chịu một lực tác động. Lúc này đĩa đệm có chức năng phân tán lực tác động và chịu một phần lực để bảo vệ các đốt sống.

Nhờ các đĩa đệm mà cột sống của bạn hạn chế được những nguy cơ chấn thương, tổn hại khi vận động hoặc chịu các lực tác động khác nhau.

  • Chức năng hỗ trợ trao đổi chất:

Quá trình trao đổi chất của đĩa đệm có thể không giống việc trao đổi chất thông qua máu hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.

Đĩa đệm trao đổi chất thông qua việc khuếch tán các chất dinh dưỡng qua màng và các vòng sợi.

Mức độ nguy hiểm của bệnh liên quan đến đĩa đệm

Đĩa đệm là một phần rất quan trọng đối với cột sống nói riêng và cơ thể người nói chung. Do đó, nếu đĩa đệm bị tổn thương, chức năng vận động và sức khỏe tổng thể của con người có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu một người gặp các vấn đề về đĩa đệm mà không có biện pháp khắc phục kịp thời thì có thể gây nên các hệ quả, bao gồm:

  • Các cơn đau xuất hiện ở lưng thấp, đốt sống cổ. Tổn thương đĩa đệm có thể gây chèn ép lên dây thần kinh vận động và gây khó khăn cho sự vận động của các chi.
  • Dây thần kinh ở vùng thắt lưng bị tổn thương có thể làm ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện và đại tiện. Điều này có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát đại tiểu tiện và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Các chi có thể bị đau, teo nhỏ, lâu dần có thể dẫn đến mất chức năng vận động.
  • Tàn phế nếu trường hợp tổn thương đĩa đệm gây tác động đến tủy xương.

Các bệnh lý về đĩa đệm đặc biệt là thoát vị đĩa đệm là các loại bệnh xương khớp mạn tính và chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Do đó, người bệnh nên chủ động có biện pháp bảo vệ đĩa đệm và phòng ngừa bệnh.

Phòng ngừa các bệnh liên quan đến đĩa đệm

phòng ngừa bệnh đĩa đệm
Xây dựng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý và tổn thương đĩa đệm

Các biện pháp phòng ngừa tổn thương và bệnh lý về đĩa đệm bao gồm:

  • Luyện tập thể dục, thể thao: Các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, cầu lông hoặc bơi lội có thể bảo vệ sức khỏe xương khớp và tăng cường hệ thống miễn dịch. Người bệnh nên có kế hoạch luyện tập thường xuyên, đều đặn mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Điều này giúp bạn có ngoại hình ưa nhìn hơn và hạn chế áp lực tác động lên đĩa đệm và cột sống. Ngoài ra, giảm cân còn có thể ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường,…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Nên chú trọng các loại thực phẩm lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh và tránh các loại thức ăn nhanh và rượu bia.

Đĩa đệm là một bộ phận quan trọng của kết cấu xương khớp và cơ thể người. Vì vậy, chúng ta cần nắm rõ thông tin về cấu tạo đĩa đệm để có biện pháp bảo vệ đĩa đệm và phòng ngừa tổn thương đĩa đệm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu chấn thương hoặc thắc mắc nào về đĩa đệm thì người bệnh và bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.