Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng là gì?

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng là phương pháp phòng và chữa bệnh bảo tồn bằng các tác nhân vật lý nhân tạo hoặc bảo tồn như tia cực tím, nước hoặc xoa bóp,…

Vật lý trị liệu là gì?

Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là hai ngành khác nhau. Tuy nhiên, hai biện pháp này thường dễ bị nhầm lẫn là một bởi có chung mục tiêu là phục hồi chức năng và hình thể vốn có của người bị khuyết tật hoặc chấn thương. Vì vậy, để phân biệt rõ sự khác biệt của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, người bệnh cần nắm rõ đặc trưng riêng giữa nhiệm vụ và chức năng của hai ngành này.

I. Tìm hiểu về vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là gì?

Theo quan điểm của y học, vật lý trị liệu (physical therapy) là chuyên ngành y học chuyên nghiên cứu và ứng dụng các yếu tố vật lý lên cơ thể người nhằm mục đích phòng và chữa trị bệnh. Biện pháp điều trị này không cần dùng đến thuốc mà chữa bệnh bằng cách xoa bóp, chườm nóng, đắp lạnh hoặc bấm huyệt,… Do đó, thường không gây tác dụng phụ.

Vật lý trị liệu có mấy hình thức chính?

Vật lý trị liệu thường thực hiện dưới hai hình thức là thụ động và chủ động. Củ thể:

+ Vật lý trị liệu theo hình thức thụ động

Vật lý trị liệu theo hình thức thụ động thường không yêu cầu người bệnh cử động nhiều. Các biện pháp điều trị thuộc hình thức này thường giúp giảm nhanh triệu chứng đau cấp tính, đồng thời giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Các biện pháp vật lý trị liệu thuộc hình thức thụ động như:

  • Chườm nóng: Theo các chuyên gia sức khỏe, chườm nóng giúp các hệ vi mạch máu giãn nở và kích thích máu lưu thông tốt. Từ đó giúp tăng cường lưu lượng máu nuôi dưỡng đến các khớp hoặc bộ phận thương tổn, tăng khả năng hồi phục. Chưa kể đến, hơi nóng còn có tác dụng làm giảm sưng đau ở vùng bị thương. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, người bệnh nên hết sức chú ý nhiệt độ. Tốt nhất không nên chườm nước quá nóng hoặc quá nguội để tránh gây bỏng da và làm giảm tác dụng chữa trị
  • Đắp lạnh (chườm đá): Biện pháp này có tác dụng làm giảm đau và sưng viêm.Tuy nhiên, thời gian mỗi lần đắp không kéo dài quá 20 phút. Số lần đắp có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của mỗi người. Không đắp trực tiếp đá lạnh lên da để tránh gây mất cảm giác hoặc bỏng lạnh
  • Kích thích điện: Không chỉ giúp giảm đau, kích thích điện còn có tác dụng làm co cơ bắp và kích thích cảm giác ở các khu vực bị tê, từ đó giúp phục hồi chức năng và lấy lại cảm giác. Có thể ứng dụng tất cả các dòng điện vào điều trị như dòng điện một chiều, dòng điện có tần số cao, trung bình hoặc thấp.l
  • Siêu âm: Giúp làm giảm viêm và giảm đau. Ngoài ra, siêu âm còn giúp cơ bắp thư giãn, thúc đẩy quá trình bình phục. Phương pháp siêu âm bao gồm siêu âm qua nước, siêu âm trực tiếp tiếp xúc và siêu âm dẫn thuốc
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Hình thức vật lý trị liệu chủ động có thể được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên viên trị liệu

+ Vật lý trị liệu theo hình thức chủ động

Hình thức chủ động của vật lý trị liệu thường bao gồm các bài tập cử động. Người bệnh có thể tập luyện một mình hoặc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trị liệu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các bài tập có dụng cụ hoặc không.

Các biện pháp trị liệu theo hình thức chủ động:

  • Bài tập giúp tăng cường cơ bắp: Giúp tăng cường sức khỏe của cơ bắp, ngăn ngừa tình trạng yếu cơ và giúp giữ cột sống ở đúng vị trí ban đầu của nó
  • Bài tập kéo giãn cơ: Giúp các cơ, mô và khớp chuyển động linh hoạt hơn
  • Bài tập hoạt động nhẹ nhàng: Bao gồm đi bộ, trị liệu dưới nước hoặc đạp xe đạp. Các bài tập này giúp tăng tính linh hoạt và dẻo dai ở các khớp và cơ bắp. Đồng thời giúp cột sống hoạt động tốt, làm tăng phạm vi chuyển động của cơ thể. 

Phương pháp vật lý ứng dụng trong trị liệu

Một số biện pháp được ứng dụng trong trị liệu như:

  • Điều trị bằng từ trường: Từ trường của nam châm điện, nam châm vĩnh cửu hoặc từ trường của các dụng cụ từ sinh hoạt
  • Điều trị bằng nước: Có các biện pháp như điều trị bằng suối khoáng nóng, ngâm trong nước, khí dung hoặc tia nước áp suất
  • Điều trị bằng ánh sáng: Chữa trị bằng tia hồng ngoại, tử ngoại hoặc Laser
  • Điều trị bằng hoạt động: Bao gồm một số hoạt động thể thao, hoạt động nghề nghiệp, hoạt đông tự phục vụ hoặc tự di chuyển
  • Một số điều trị khác: Chữa trị bằng oxy cao áp, điều trị bằng vận động, nhiệt hoặc các tác nhân cơ học,…

II. Tìm hiểu về phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng là gì?

Phục hồi chức năng là áp dụng các biện pháp y học hoặc các kỹ thuật phục hồi,… nhằm giúp người tàn tật có thể thực hiện được tối đa các chức năng bị mất do khiếm khuyết hoặc giảm do giảm chức năng gây nên. Từ đó, giúp những đối tượng này hoạt động sinh hoạt gần với người bình thường, đảm bảo tái hội nhập với xã hội.

Các hình thức phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng có 3 hình thức chính như:

  • Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện
  • Phục hồi chức năng tại cộng đồng
  • Phục hồi chức năng tại bệnh viện và các trung tâm phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là gì
Phục hồi chức năng là biện pháp giúp cải thiện chức năng vận động của người bệnh

Phương pháp phục hồi chức năng

+ Các kỹ thuật phục hồi chức năng thường

  • Hoạt động trị liệu: Sử dụng các công việc, trò chơi hoặc các hoạt động tự chăm sóc trong điều trị nhằm mục đích gia tăng sự độc lập chức năng. Đồng thời giúp phát các cơ bắp, xương khớp và các cơ quan hoạt động tốt, từ đó giúp ngăn ngừa khuyết tật và nâng cao chất lượng sống
  • Ngôn ngữ trị liệu: Giúp người bệnh tập nói hoặc sử dụng một loại ngôn ngữ giao tiếp khác như viết, mắt hoặc bằng tay,…
  • Tâm lý trị liệu
  • Vận động trị liệu

+ Phương pháp giúp người khuyết tật hòa nhập với xã hội

  • Giáo dục đặc biệt: Cho trẻ khuyết tật tham gia các lớp giáo dục đặc biệt. Cụ thể, cho trẻ mù tham gia lớp học chữ nổi, trẻ điếc câm học thủ ngữ,…
  • Dạy nghề và hướng nghiệp: Tùy vào mức độ thương tật và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà dạy lại cho họ các kỹ năng nghề 
  • Sử dụng dụng cụ trợ giúp để di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày: Dùng chân hoặc tay giả. Bên cạnh đó có thể dùng các máng chỉnh hình, giày chỉnh hình hoặc nẹp chỉnh hình các loại như nẹp cổ chân, nẹp hông hoặc nẹp đùi. Ngoài ra, có thể dùng khung tập đi, xe lăn, ghế ngồi đặc biệt hoặc tay cầm đặc biệt,…

III. Khi nào nên thực hiện vật lý trị liệu – phục hồi chức năng?

Phương pháp điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thường được khuyến cáo thực hiện khi bệnh nhân gặp phải các vấn đề về đau nhức, co cứng khớp không thể di chuyển. Ngoài ra, biện pháp này còn được chỉ định điều trị ở những trường hợp sau:

  • Người bị khuyết tật, có cấu trúc cơ thể và chức năng bị khiếm khuyết do bẩm sinh hoặc do chấn thương liên quan đến cột sống, sọ não,…
  • Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần hoặc có hạn chế về tâm thần
  • Người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, đau lưng, sai khớp đốt sống nhẹ hoặc veo cột sống
  • Bệnh nhân bị đau dây thần kinh, liệt thần kinh 7 ngoại biên, viêm đa rễ, viêm khớp hoặc viêm khớp mãn tính

Thông thường, trước khi bắt đầu luyện tập, bác sĩ hoặc các chuyên viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng sẽ phân tích nguyên nhân gây bệnh và đánh giá mức độ nghiêm trọng rồi mới quyết định phương pháp trị liệu phù hợp.

IV. Trường hợp không áp dụng vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng mặc dù an toàn đối với người thực hiện. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây không nên áp dụng để tránh những ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra.

  • Phụ nữ mang thai không nên áp dụng các biện pháp xoa bóp hoặc kéo giãn cột sống để tránh ảnh hưởng đến vùng bụng, gây tác động xấu đến thai nhi
  • Người bị gãy xương hoặc xuất hiện khối u không thực hiện điều trị bằng vật lý trị liệu. Bởi phương pháp chữa trị này có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ chữa lành và hồi phục ở xương. Đặc biệt, trong trường hợp thực hiện sai có thể làm xương bị gãy hoặc khối u trở nên nghiêm trọng hơn.

Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng giúp hỗ trợ điều trị bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, biện pháp chữa trị này thường cần nhiều thời gian. Do đó, để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh cần kiên trì thực hiện.