Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa
Ngoài việc điều trị đau dây thần kinh tọa bằng Tây y thì phương pháp xoa bóp bấm huyệt cũng là cách tốt giúp cải thiện tình trạng đau dây thần kinh tọa. Phương pháp này không chỉ dễ thực hiện mà còn rất an toàn, ít phát sinh những rủi ro ngoại ý.
Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt với đau dây thần kinh tọa
Xoa bóp bấm huyệt là một liệu pháp trong y học cổ truyền, sử dụng các thao tác từ bàn và ngón tay tác dụng vào các huyệt mạch trên cơ thể để giảm đau. Cách điều trị này từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa.
Phương pháp này sẽ giúp cải thiện tốt hơn quá trình lưu thông máu. Từ đó giúp cho các khớp xương được tưới máu và cung cấp đủ dưỡng chất. Điều này khiến cho sụn khớp bị tổn thương chóng lành hơn và giảm sự chèn ép lên dây thần kinh tọa.
Hơn nữa, những động tác xoa bóp, day ấn sẽ giúp các mô cơ được giãn ra. Người bệnh sẽ cảm thấy tình trạng đau nhức được cải thiện rõ rệt. Một số động tác gập, cúi hay xoay người cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Ngoài ra, việc xoa bóp ấn huyệt còn giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng co cứng khớp cũng như đốt sống khi thức dậy. Khả năng vận động của người bệnh cũng sẽ từ đó mà được cải thiện rõ rệt.
Nếu bạn thực hiện việc xoa bóp bấm huyệt thường xuyên, các cơn đau dây thần kinh tọa sẽ xuất hiện ít hơn. Đồng thời một số triệu chứng như tê bì chân tay hay nhức mỏi dọc cột sống cũng sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt chữa đau dây thần kinh tọa
Để mang lại hiệu quả giảm đau tốt, cần thực hiện đúng các thao tác xoa bóp bấm huyệt. Sự tác động với lực vừa đủ lên các huyệt vị sẽ không chỉ giúp khắc phục tình trạng đau nhức mà còn giúp cải thiện sức khỏe xương khớp.
Dưới đây là một số thao tác xoa bóp bấm huyệt chữa đau dây thần kinh tọa bạn có thể áp dụng:
1. Xoa bóp
Đây là thao tác đơn giản và dễ thực hiện nhất giúp làm nóng cơ thể và cải thiện lưu thông máu rất tốt.
Thực hiện:
- Người bệnh nằm sấp trên giường.
- Người thực hiện dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo cột sống thắt lưng.
- Tiếp đến, xoa bóp dần sang 2 bên hông và các vùng người bệnh bị đau.
- Nên thực hiện khoảng 5 phút/lần, 1 lần/ngày.
Ban đầu, cần dùng lực tay thật nhẹ để các mô cơ làm quen dần và giúp cơ thể nóng lên. Sau đó có thể tăng dần lực tay để kích thích lưu thông máu được tốt hơn.
2. Day miết
Động tác này sẽ giúp các rễ dây thần kinh và cơ xương được thư giãn. Từ đó xoa dịu những cơn đau và khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Thực hiện:
- Dùng lòng bàn tay và ngón tay cái tì đè lên vị trí đau nhức.
- Tiến hành day miết trong khoảng 10 – 15 giây rồi thả ra.
- Thực hiện ở từng khu vực một, dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Cần thực hiện các thao tác với cường độ từ nhẹ đến mạnh để cơ thể làm quen tốt hơn. Tránh day miết quá mạnh bởi có thể khiến cho vùng da bên ngoài và mô mềm bị tổn thương.
3. Bóp nắn
Sau khi thực hiện thao tác day miết thì nên chuyển sang động tác bóp nắn để đem lại hiệu quả tốt hơn. Với động tác này, cần sử dụng lực của cả bàn tay.
Thực hiện:
- Ban đầu tiến hành bóp vào vị trí người bệnh bị đau.
- Tiếp đến, nắn nhẹ nhàng để kích thích tuần hoàn máu và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép.
- Mỗi lần nên thực hiện khoảng 3 – 5 phút.
Nên thực hiện thao tác bóp nắn một cách nhẹ nhàng phù hợp với sức chịu đựng của cơ thể. Nếu tác dụng lực quá mạnh có thể khiến cơ xương bị tổn thương, tạo điều kiện cho các phản ứng viêm tiến triển.
4. Động tác lăn
Động tác này sẽ giúp cơ thể của bạn được thư giãn sau khi đã thực hiện những thao tác nói trên. Với động tác lăn, lực từ cổ tay sẽ được sử dụng nhiều nhất.
Thực hiện:
- Dùng cổ tay đặt lên vùng bị đau nhức.
- Tiến hành lăn qua lăn lại với lực vừa phải.
- Vừa lăn vừa đè cổ tay xuống để tăng lực tác dụng.
- Thực hiện theo vùng, mỗi vùng khoảng 5 lần.
Áp dụng động tác này đều đặn mỗi ngày sẽ cải thiện tuần hoàn máu, giảm sức ép từ cơ xương lên dây thần kinh tọa. Từ đó giúp giải phóng các rễ dây thần kinh và cải thiện hiện trạng đau nhức.
5. Bấm huyệt
Đây cũng là cách tốt giúp hỗ trợ cải thiện chứng đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên so với các thao tác xoa bóp thì việc bấm huyệt sẽ khó thực hiện hơn. Bởi để đem lại kết quả tốt, bạn cần xác định đúng các huyệt vị cần được tác động.
Để giảm tình trạng đau dây thần kinh tọa, bạn nên tác động vào các huyệt vị sau đây:
- Huyệt đại trường du: Nằm ở phía dưới đốt sống thắt lưng số 4, đo sang ngang 1,5 thốn.
- Huyệt thận du: Nằm ở phía dưới đốt sống thắt lưng số 2, cũng đo sang ngang 1,5 thốn.
- Huyệt ủy trung: Nằm ở chính giữa đường chỉ ngang nếp nhượng chân ngay mặt sau đầu gối.
- Huyệt thừa sơn: Nằm ngay chính giữa đường nối từ gót chân lên huyệt ủy trung. Cách huyệt ủy trung khoảng 8 thốn.
- Huyệt thừa phù: Nằm ở phía dưới mông, ngay tại vị trí tiếp nối với chân khi cơ thể di chuyển.
Khi các huyệt này được tác động với một lực vừa đủ khí huyết được lưu thông, gân cốt giãn ra. Điều này sẽ hỗ trợ làm giảm áp lực từ cơ xương lên hệ thống rễ dây thần kinh. Từ đó, giúp giảm thiểu tình trạng đau nhức và cải thiện chức năng vận động. Bạn có thể áp dụng kết hợp giữa các thao tác xoa bóp và bấm huyệt để nhận được kết quả tốt hơn.
Ngoài việc thực hiện xoa bóp bấm huyệt chữa đau dây thần kinh tọa, bạn nên kết hợp với các phương pháp điều trị khác theo phác đồ từ bác sĩ. Bên cạnh đó, nên điều chỉnh thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt khoa học để hỗ trợ tốt hơn cho việc điều trị.