Đau dây thần kinh chân – Dấu hiệu và cách điều trị

Đau dây thần kinh chân có thể xảy ra do chấn thương, mang giày cao gót trong thời gian, béo phì hoặc do các nguyên nhân bệnh lý như đau dây thần kinh tọa, tiểu đường, huyết áp cao, suy giãn tĩnh mạch, gai khớp gối,… Bệnh không chỉ làm phát sinh cơn đau nhức mà còn gây tê bì, ngứa ran và yếu cơ.

đau dây thần kinh chân
Đau dây thần kinh chân có thể xảy ra do thói quen thiếu khoa học hoặc có thể là hệ quả của một số bệnh lý

Đau dây thần kinh chân và Dấu hiệu nhận biết

Đau dây thần kinh ở chân xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến triệu chứng đau nhức, châm chích, ngứa ran và tê bì.

Hiện tượng chèn ép dây thần kinh thường khu trú ở một số vị trí nhất định (cổ chân, mắt cá nhân, khớp gối,…). Tuy nhiên nếu nhận thấy cơn đau chạy dọc từ thắt lưng đến đùi, bắp chân và bàn chân, tình trạng chèn ép có thể bắt nguồn từ dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to).

đau dây thần kinh chân
Dây thần kinh bị chèn ép có thể gây đau nhức kèm theo triệu chứng tê bì, ngứa ran, yếu cơ,…

Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh chân:

  • Xuất hiện cơn đau ở vị trí dây thần kinh bị chèn ép. Nếu hiện tượng chèn ép xảy ra ở dây thần kinh tọa, cơn đau có thể lan tỏa từ vùng thắt lưng ra toàn bộ chi dưới.
  • Chân tê cứng, mỏi, yếu và ngứa râm ran.
  • Khó khăn khi di chuyển khớp và đi lại
  • Một số trường hợp có thể bị tê bì và ngứa ran ở các đầu ngón chân
  • Mất cảm giác chi dưới
  • Thay đổi dáng đi (thường có xu hướng đi khập khiễng, bên cao bên thấp)

Mức độ của các triệu chứng này thường có xu hướng nghiêm trọng hơn khi ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chân

Đau dây thần kinh xảy ra khi cơ quan này phải chịu áp lực lớn.  Các nguyên nhân có thể làm tăng áp lực và gây đau nhức dây thần kinh, bao gồm:

đau dây thần kinh chân
Suy giãn tĩnh mạch là một trong những nguyên nhân gây đau dây thần kinh chân
  • Chấn thương: Chấn thương khi chơi thể thao, sử dụng phương tiện giao thông, làm việc… có thể là nguyên nhân khiến dây thần kinh bị chèn ép. Khi bàn chân chịu tác động vật lý, các mô mềm sẽ có xu hướng sưng đỏ và viêm. Hiện tượng này làm tăng áp lực lên dây chằng và dây thần kinh ở chân.
  • Đau dây thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa bắt nguồn từ vùng thắt lưng kéo dài qua hông, đùi, bắp chân và bàn chân. Vì vậy nếu rễ thần kinh bị chèn ép, cơn đau có thể lan xuống toàn bộ chi dưới. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng đau dây thần kinh ở chân.
  • Tính chất công việc: Một số công việc có thể đòi hỏi bạn phải lặp đi lặp lại một (vài) hoạt động cố định. Điều này có thể khiến dây thần kinh bị kích thích và chèn ép.
  • Gai khớp gối: Sự hình thành gai xương ở khớp gối có thể là nguyên nhân khiến dây thần kinh bị đè nén và làm phát sinh cơn đau.
  • U màng bao hoạt dịch: Màng bao hoạt dịch thường bao quanh khớp cổ chân, mắt cá chân và khớp gối. Cơ quan này đảm nhiệm vai trò tiết dịch nhầy nhằm giúp ổ khớp vận động dễ dàng và trơn tru. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân, màng bao hoạt dịch có thể bị kích thích dẫn đến hiện tượng ứ đọng chất lỏng. Sự tăng sinh chất lỏng trong bao hoạt dịch có thể gây chèn ép dây chằng, mô mềm và dây thần kinh bao quanh.
  • Suy tĩnh mạch chi dưới: Suy tĩnh mạch là tình trạng máu tuần hoàn bất thường, dẫn đến hiện tượng ứ huyết ở tĩnh mạch ngoại biên. Máu ứ tại tĩnh mạch chi dưới có thể khiến mao mạch giãn rộng và đè nén lên các cơ quan xung quanh – trong đó có dây thần kinh.
  • Mang giày dép không phù hợp: Mang giày dép quá chật hoặc đi giày cao gót trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên cổ chân và bàn chân. Tình trạng này kéo dài có thể khiến dây thần kinh bị chèn ép và làm phát sinh triệu chứng đau nhức, ngứa ran, tê bì,…
  • Nguyên nhân khác: Ngoài ra, đau dây thần kinh chân có thể xảy ra do béo phì, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, huyết áp cao, thiếu hụt vitamin, loãng xương, gãy xương,…

Khắc phục đau dây thần kinh ở chân

Đau dây thần kinh ở chân có thể gây ra triệu chứng đau nhức, châm chích, ngứa ran, tê bì,… Các triệu chứng của bệnh không chỉ gây mệt mỏi và khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, chất lượng giấc ngủ và đời sống sinh hoạt.

Vì vậy để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của bệnh, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục sau:

1. Sử dụng nẹp

Bạn có thể sử dụng nẹp chân để cố định khớp và giảm áp lực lên dây thần kinh. Biện pháp này có thể giữ cho dây thần kinh ở trạng thái cân bằng và làm giảm áp lực lên cơ quan này. Tuy nhiên sử dụng nẹp chỉ thích hợp với những trường hợp đau dây thần kinh khu trú ở vùng cổ chân và bàn chân.

Trong thời gian nẹp khớp, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế vận động. Sau khoảng 2 – 3 ngày nghỉ ngơi, dây thần kinh sẽ hồi phục trở lại và không còn gây đau nhức khi hoạt động.

2. Chườm nóng và chườm lạnh

Sử dụng nhiệt để giảm đau là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến. Ngoài tác dụng cải thiện cơn đau, biện pháp chườm lạnh/ nóng còn giúp giảm viêm và kích thích tuần hoàn máu.

đau dây thần kinh chân
Có thể chườm lạnh lên dây thần kinh bị chèn ép để giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm

Bạn nên sử dụng túi chườm lạnh đặt lên vùng dây thần kinh bị chèn ép trong 15 – 20 phút để giảm đau và viêm sưng. Sau đó nên chườm ấm trong khoảng 5 phút để kích thích tuần hoàn máu và ổn định lại ổ khớp.

3. Massage giảm đau

Massage là biện pháp giảm đau dựa trên nguyên tắc thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm chèn ép và phục hồi chức năng của dây thần kinh. Vì vậy bạn có thể massage vùng chân với dầu nóng để cải thiện cơn đau nhức, tê bì và ngứa ran.

đau dây thần kinh chân
Massage có thể kích thích máu lưu thông và giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh chân

Nếu cơn đau có mức độ nặng nề, bạn nên kết hợp xoa bóp với bấm huyệt để giải phóng huyết ứ và cải thiện tình trạng chèn ép dây thần kinh ở chân.

4. Sử dụng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm hoàn toàn khi áp dụng các biện pháp nói trên, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…

Khi sử dụng thuốc giảm đau, nên tuân thủ theo liều lượng được dược sĩ chỉ định để tránh tình trạng dùng quá liều. Ngoài ra, bạn chỉ nên dùng thuốc trong thời gian không quá 7 ngày. Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài có thể gây tác hại lên tim mạch, gan, thận và cơ quan tiêu hóa.

5. Tìm gặp bác sĩ

Nếu nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian hoặc không có đáp ứng khi điều trị tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

đau dây thần kinh chân
Nên tìm gặp bác sĩ nếu tình trạng đau dây thần kinh chân không có cải thiện khi chăm sóc tại nhà

Bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như xét nghiệm hình ảnh (MRI, X-Quang, siêu âm), xét nghiệm điện cơ và chất dẫn truyền thần kinh để xác định nguyên nhân và mức độ chèn ép dây thần kinh trước khi chỉ định phương pháp điều trị.

Phòng ngừa đau dây thần kinh chân

Đau dây thần kinh chân có thể tái phát nhiều lần nếu không kiểm soát bệnh lý nguyên nhân và thay đổi các thói quen thiếu khoa học.

Tình trạng tái phát nhiều lần không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống mà còn gây suy nhược cơ thể, yếu cơ và làm rối loạn hoạt động của dây thần kinh. Vì vậy sau quá trình điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh tái phát.

đau dây thần kinh chân
Nên mang giày vừa với kích cỡ để tránh tình trạng chèn ép và kích thích mô mềm, dây thần kinh,…

Biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh ở chân:

  • Hạn chế các hoạt động lặp đi lặp lại ở chân. Tình trạng kéo dài không chỉ gây chèn ép dây thần kinh mà còn tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Mang giày có kích cỡ phù hợp, đồng thời không nên đi giày cao gót quá lâu.
  • Kiểm soát cân nặng để làm giảm áp lực lên phần thân dưới.
  • Tích cực trong việc điều trị các bệnh lý như đau thần kinh tọa, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, huyết áp cao,…
  • Thường xuyên luyện tập thể thao có thể tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện chức năng của dây thần kinh ở chân.

Đau dây thần kinh ở chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu mức độ chèn ép nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để khắc phục. Tuy nhiên trong trường hợp cơn đau kéo dài và nghiêm trọng dần theo thời gian, cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.